backup og meta

Các tiếng thổi ở tim

Các tiếng thổi ở tim

Tìm hiểu chung

Các tiếng thổi ở tim là gì?

Các tiếng thổi ở tim là những âm thanh xuất hiện trong chu kỳ nhịp tim  – chẳng hạn như tiếng rít hay tiếng sột xoạt gây ra do dòng máu chảy không đều bên trong hoặc gần tim. Những âm thanh này có thể nghe được bằng ống nghe. Một nhịp tim bình thường tạo ra hai âm thanh như “lubb-dupp”, đó là những âm thanh được tạo ra khi van tim đóng mở.

Tiếng thổi ở tim có thể xuất hiện ngay khi trẻ sinh ra (bệnh tim bẩm sinh) hoặc phát triển sau này trong cuộc đời. Một tiếng thổi ở tim không phải là một bệnh – nhưng các tiếng thổi ở tim có thể là dấu hiệu của một vấn đề tim tiềm ẩn.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của các tiếng thổi ở tim?

Nếu bạn có một tiếng thổi vô hại ở tim bạn hầu như không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng gì khác.

Một tiếng thổi bất thường ở tim có thể không kèm theo bất kỳ dấu hiệu hoặc các triệu chứng rõ ràng nào, ngoài những âm thanh bất thường bác sĩ nghe được khi khám tim bằng ống nghe. Tuy nhiên, nếu bạn có những dấu hiệu hoặc triệu chứng khác, chúng có thể chỉ ra một số vấn đề về tim như:

  • Da xuất hiện màu xanh tái, đặc biệt là đầu các ngón tay và môi của bạn
  • Phù nề hoặc tăng cân đột ngột
  • Khó thở
  • Ho mãn tính
  • Gan to
  • Phì đại tĩnh mạch cổ
  • Chán ăn và tăng trưởng chậm hơn bình thường (ở trẻ nhũ nhi)
  • Đổ mồ hôi nhiều khi không gắng sức hoặc gắng sức rất ít
  • Đau ngực
  • Chóng mặt
  • Ngất xỉu.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra các tiếng thổi ở tim?

Các tình trạng phổ biến làm cho tim đập nhanh hơn và dẫn đến tiếng thổi ở tim. Chúng có thể xảy ra khi bạn đang mang thai hoặc nếu bạn bị:

  • Thiếu máu
  • Huyết áp cao
  • Tuyến giáp hoạt động quá mức
  • Sốt

Một tiếng thổi ở tim cũng có thể là một vấn đề với van tim. Các van tim đóng và mở cho phép điều tiết lưu lượng máu qua hai buồng trên của tim gọi là tâm nhĩ và hai buồng dưới của tim gọi là tâm thất. Vấn đề van bao gồm:

  • Sa van hai lá: thông thường, van hai lá của bạn đóng hoàn toàn khi buồng tim dưới bên trái co lại. Nó ngăn máu chảy trở lại buồng tim trái phía trên. Nếu một phần của van phình ra làm nó không đóng khít, bạn có sa van hai lá. Điều này gây ra tiếng cách khi tim đập. Trường hợp này khá phổ biến và thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến máu chảy ngược qua van, mà bác sĩ có thể gọi chảy ngược dòng.
  • Hẹp van hai lá hay van động mạch chủ: van này nằm bên trái tim. Nếu van này bị hẹp, tim của bạn phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đến các nơi của cơ thể. Nếu không được chữa trị,  tim của bạn phải làm việc đến kiệt sức và dẫn đến suy tim. Bạn có thể có hẹp van hai lá bẩm sinh. Hẹp van hai lá cũng có thể xảy ra như một phần của quá trình lão hóa hoặc do sẹo gây ra do nhiễm trùng như sốt thấp khớp.
  • Xơ cứng và hẹp van động mạch chủ: Một trong ba người già có tiếng thổi ở tim vì sẹo, dày hoặc xơ cứng của van động mạch chủ. Đó là xơ cứng động mạch chủ. Nó thường không nguy hiểm, do van vẫn có thể làm việc trong nhiều năm sau khi tiếng thổi bắt đầu. Nó thường thấy ở những người có bệnh tim. Nhưng van sẽ hẹp dần theo thời gian. Nó có thể dẫn đến đau ngực, khó thở, hoặc bạn có thể ngất xỉu. Đôi khi, van cần được thay thế.
  • Van hai lá hoặc van động mạch chủ ngược dòng: trong trường hợp này,  ngược dòng có nghĩa là máu lưu thông một cách sai lầm qua van hai lá hoặc van động mạch chủ và trở về lại tim. Để khắc phục tình trạng này, tim phải làm việc nhiều hơn để tống máu qua van đã bị hư. Theo thời gian, tim  bạn có thể bị suy yếu hoặc  to ra và dẫn đến suy tim.
  • Bệnh tim bẩm sinh: có khoảng 25.000 trẻ được sinh ra với dị tật tim mỗi năm. Những vấn đề này bao gồm các lỗ thông ở thành tim hoặc các bất thường ở van tim. Phẫu thuật tim có thể sửa chữa được nhiều dị tật tim bẩm sinh.

Nguy cơ mắc phải

Mức độ phổ biến các tiếng thổi ở tim?

Các tiếng thổi vô hại ở tim rất phổ biến. Chúng ảnh hưởng đến 40-45% trẻ em và khoảng 10% người lớn tại một vài thời điểm trong cuộc đời mỗi người. Các tiếng thổi vô hại ở tim  khá phổ biến ở phụ nữ mang thai. Các tiếng thổi bất thường ở tim thường xảy ra ở những người có bệnh tim nhất định, như các khiếm khuyết ở van tim (ví dụ, hẹp động mạch chủ, hở van hai lá). Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc tiếng thổi ở tim?

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ gây tiếng thổi ở tim, chẳng hạn như:

  • Lịch sử gia đình có người có khuyết tật về tim. Nếu người thân của bạn có bệnh lý về tim thì nguy cơ cao bạn hoặc con bạn sẽ có bênh lý về tim và tiếng thổi ở tim.
  • Một số tinh trạng y khoa, bao gồm huyết áp cao (tăng huyết áp) không kiểm soát, cường giáp, nhiễm trùng màng tim (viêm nội tâm mạc), tăng áp ở phổi (tăng huyết áp phổi), hội chứng liên quan đến ung thư, hội chứng tăng tế bào bạch cầu, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, suy tim hoặc có tiền sử sốt thấp khớp có thể làm tăng nguy cơ của tiếng thổi ở tim xuất hiện sau này trong cuộc sống.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ cho trẻ phát triển tiếng thổi ở tim bao gồm:

  • Bị bệnh khi mang thai. Khi mang thai, mẹ mắc một số bệnh như đái tháo đường không kiểm soát được hoặc nhiễm rubella, sẽ làm tăng nguy cơ phát triển các khuyết tật tim và tiếng thổi ở tim cho trẻ.
  • Sử dụng một số loại thuốc hoặc ma túy trong khi mang thai. Sử dụng một số loại thuốc, rượu hoặc các thuốc có thể gây tổn hại cho sự phát triển của trẻ, dẫn đến dị tật tim.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tiếng thổi ở tim?

Các tiếng thổi ở tim thường được phát hiện khi bác sĩ nghe tim bằng ống nghe khi kiểm tra sức khỏe.

Để kiểm tra xem tiếng thổi là vô hại hay bất thường, bác sĩ sẽ xem xét:

  • Độ lớn của tiếng thổi? Độ lớn được xếp theo thang điểm từ 1-6, với 6 là to nhất.
  • Tiếng thổi nghe rõ ở phần nào của tim. Nó có thể nghe thấy khi đặt ống nghe ở cổ hay lưng không.
  • Độ cao của tiếng thổi: cao, trung bình hoặc thấp.
  • Cái gì làm ảnh hưởng đến âm thanh của tiếng thổi? Nếu bạn thay đổi tư thế hoặc tập thể dục âm thanh này có thay đổi không?
  • Thời gian xảy ra và trong bao lâu? Nếu tiếng  thổi ở tim bạn xảy ra khi tim đang đầy máu (tiếng thổi tâm trương) hoặc trong lúc tim đập (tiếng thổi liên tục) có thể bạn đang có một vấn đề tim mạch. Bạn hoặc con bạn sẽ cần thêm các xét nghiệm để tìm hiểu về vấn đề này.

Bác sĩ cũng sẽ tìm kiếm các dấu hiệu và triệu chứng khác của tim và hỏi về tiền sử bệnh của bạn cũng như các thành viên khác trong gia đình đã có tiếng thổi ở tim hoặc bệnh tim khác không.

Kiểm tra bổ sung

Nếu bác sĩ nghĩ rằng tiếng tiếng thổi ở tim là bất thường, bạn hoặc con bạn có thể cần làm các xét nghiệm khác như:

  • Chụp X-quang.  Chụp X-quang cho thấy hình ảnh của tim, phổi và mạch máu. Nó có thể cho thấy tim to bất thường, có thể là nguyên nhân gây ra tiếng thổi ở tim.
  • Điện tâm đồ (ECG). Trong xét nghiệm không xâm lấn này, kĩ thuật viên sẽ đặt các điện cực trên ngực của bạn để ghi lại các xung điện tạo ra khi tim đập. ECG ghi lại những tín hiệu điện của tim và giúp bác sĩ tìm kiếm các bất thường về nhịp tim và cấu trúc tim.
  • Siêu âm tim. Đây là xét nghiệm sử dụng sóng siêu âm để hiển thị chi tiết hình ảnh về cấu trúc và chức năng của tim. Siêu âm tim có thể giúp xác định các bất thường ở van tim, chẳng hạn như xơ cứng do vôi hóa hoặc rò rỉ. Siêu âm có thể phát hiện hầu hết các dị tật ở tim.
  • Thông tim. Đây là một xét nghiêm sử dụng một ống thông đưa vào tim qua một tĩnh mạch hoặc động mạch ở chân hoặc cánh tay. Phương pháp này dùng để đo áp lực trong các buồng tim và thuốc nhuộm có thể được tiêm vào.

Thuốc nhuộm có thể thấy trên X-quang, giúp bác sĩ đánh giá các thương tổn thông qua  lưu lượng máu đến các buồng tim, mạch máu và các van tim.  Xét nghiệm này thường được sử dụng khi các xét nghiệm khác không thuyết phục.

Những phương pháp nào dùng để điều trị tiếng thổi ở tim?

Nhiều trường hợp tiếng thổi tim ở trẻ em và người lớn là vô hại, không cần phải điều trị.

Nếu các tình trạng như cao huyết áp gây ra tiếng thổi, bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân.

Một số loại bệnh van tim có thể cần:

  • Thuốc ngăn ngừa cục máu đông, các thuốc kiểm soát nhịp tim không đều hoặc đánh trống ngực và huyết áp thấp
  • Thuốc lợi tiểu loại trừ muối và nước dư thừa ra khỏi cơ thể, làm cho tim bơm máu dễ dàng hơn.
  • Phẫu thuật sửa các khuyết tật bẩm sinh
  • Phẫu thuật để sửa chữa một số bệnh lý van tim.

Bác sĩ đôi khi yêu cầu bệnh nhân dùng kháng sinh để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tim trước khi chữa răng hoặc một số loại phẫu thuật.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của tiếng thổi ở tim?

Không có nhiều cách để ngăn chặn tiếng thổi ở tim, đây không phải là một bệnh và thường vô hại. Đối với trẻ em, tiếng thổi tự hết khi trẻ lớn lên. Đối với người lớn, tiếng thổi có thể biến mất khi các tình trạng tiềm ẩn được cải thiện.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Heart murmurs. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-murmurs/basics/definition/con-20028706. Ngày truy cập 12/06/2017

What Are Heart Murmurs? http://www.webmd.com/heart-disease/guide/heart-murmur-causes-treatments#2. Ngày truy cập 12/06/2017

Heart Murmur. http://www.healthcommunities.com/heart-murmur/heart-murmur-overview.shtml. Ngày truy cập 12/06/2017

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn gì và thay đổi lối sống ra sao? | Hello Bacsi x SANOFI

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên người đột quỵ | Hello Bacsi x SANOFI


Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo