Suy tim là tình trạng trái tim bị suy yếu, không đủ sức để bơm máu đi nuôi cơ thể như nhu cầu bình thường. Các triệu chứng suy tim thường rất khó để phát hiện khi ở giai đoạn đầu nhưng nếu bỏ qua, triệu chứng sẽ nhanh chóng tiến triển gây nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.
Cùng Hello Bacsi tìm hiểu về các dấu hiệu suy tim thường gặp nhằm thăm khám sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé!
Vì sao khó phát hiện sớm triệu chứng suy tim?
Mọi người thường bỏ qua biểu hiện suy tim vì nghĩ rằng chỉ là do quá trình tự nhiên khi tuổi tác tăng lên. Lão hóa khiến mọi hoạt động trong cơ thể trở nên chậm chạp hơn khi chúng ta bước vào tuổi 60, 70. Trước đây, việc leo cầu thang rất đơn giản nhưng bây giờ lại khó nhọc hơn trước. Bạn cũng cảm thấy sức sống bị suy giảm, mệt mỏi và khó thở nhiều hơn. Lão hóa thực sự có góp phần gây ra những điều này nhưng cũng không loại trừ được khả năng đây là những dấu hiệu cho thấy tim không còn hoạt động tốt như bình thường.
9 triệu chứng suy tim bạn không nên bỏ qua
Những triệu chứng xảy ra khi bệnh suy tim tiến triển là do giảm cung cấp máu và oxy đến các cơ quan cũng như tích tụ chất lỏng trong cơ thể, bao gồm:
1. Mệt mỏi là triệu chứng suy tim điển hình
Khi tim không thể bơm đủ máu giàu oxy để đáp ứng nhu cầu của các cơ quan trong cơ thể, cảm giác mệt mỏi sẽ nhanh chóng xuất hiện. Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi ngay trong các hoạt động thường ngày như vệ sinh cá nhân, leo cầu thang, thậm chí chỉ là đi bộ trong nhà. Bạn cũng có thể bị buồn ngủ sau khi ăn, thấy yếu chân khi đi lại và khó thở khi vận động.
2. Hạn chế hoạt động
Người bị suy tim khó có thể thực hiện những hoạt động, từ gắng sức cho đến bình thường, vì dễ mệt mỏi và khó thở hơn.
3. Ho cũng là triệu chứng suy tim
Chất lỏng ứ đọng trong phổi do tim không dẫn lưu tốt, làm phù nề phế nang hay tràn dịch màng phổi, dẫn tới ho. Ho ban đầu thường chỉ là ho khan khi bệnh nhân nằm đầu thấp. Khi suy tim nặng hơn, người bệnh có thể ho liên tục kèm theo đàm hồng do có lẫn máu.
4. Phù
Khi tim không đủ khỏe để tạo áp lực hút máu tĩnh mạch từ chân trở về, máu sẽ tích tụ ở vùng thấp tăng dần lên, từ mắt cá chân, cẳng chân, đùi và lên bụng gây sưng tấy (phù nề). Phù do suy tim có đặc điểm là phù lõm khi ấn vào và sẽ gây tăng cân nhanh chóng.
5. Khó thở trong suy tim
Chất lỏng ứ đọng tại phổi do suy tim khiến quá trình trao đổi khí tại đây gặp hạn chế đáng kể, gây ra tình trạng khó thở. Bạn cũng có thể khó thở đột ngột vào ban đêm hoặc khi nằm vì lúc này máu dễ ứ đọng tại phổi hơn, thay vì dồn lại tại vùng dưới cơ thể theo trọng lực như khi đứng hoặc ngồi. Trong trường hợp đã có dấu hiệu suy tim nặng, bạn cần dùng gối nâng phần trên của cơ thể lên, giảm áp lực do ứ máu tại phổi để có thể cảm thấy dễ chịu hơn.
6. Chán ăn, buồn nôn
Bệnh suy tim cũng khiến bạn hay có cảm giác no, đầy hơi hoặc khó chịu trong bụng. Điều này xảy ra do hệ thống tiêu hóa nhận được ít máu hơn để có thể làm việc hiệu quả. Đồng thời, do máu về tim gặp hạn chế, máu sẽ bị ứ trệ tại hệ thống tĩnh mạch trong gan cũng như gây tràn dịch màng bụng, hệ quả là làm cho người bệnh chán ăn.
7. Lú lẫn, trí nhớ kém, mất phương hướng
Người thân thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân suy tim đôi khi có thể nhận thấy những triệu chứng này đầu tiên. Lý do là bởi sự thay đổi nồng độ của một số chất trong máu do suy tim, chẳng hạn như natri, và làm giảm lưu lượng máu đến não.
8. Triệu chứng suy tim là tim đập nhanh
Để bù đắp cho khả năng bơm máu kém, tim phải nỗ lực đập nhiều nhịp hơn. Bạn sẽ cảm nhận được tình trạng hồi hộp, đánh trống ngực do tim đập nhanh một cách bất thường. Hơn thế nữa, khi nhịp tim quá nhanh, các nhát bóp bơm máu càng kém hiệu quả và tạo ra một vòng luẩn quẩn là khiến tình trạng suy tim trở nên nặng hơn.
9. Thay đổi cân nặng
Tăng hoặc giảm cân đột ngột đôi khi cảnh báo bạn có thể bị suy tim hoặc suy tim vào giai đoạn tiến triển. Giảm cân xảy ra do lưu lượng máu đến dạ dày giảm khiến việc hấp thu dinh dưỡng kém đi và người bệnh không còn cảm giác thèm ăn. Ngược lại, tăng cân xảy ra là do tích tụ chất lỏng trong cơ thể do máu ứ trệ.
Các triệu chứng khác
Các triệu chứng suy tim khác bao gồm:
- Thở khò khè
- Ngất xỉu, chóng mặt
- Đau ngực hoặc khó chịu ở các bộ phận trên cơ thể
- Táo bón
- Đi tiểu đêm
Những triệu chứng này có thể phát triển nhanh chóng (suy tim cấp tính) hoặc nặng dần sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng (suy tim mạn tính tiến triển).
Mặc dù vậy, các biểu hiện kể trên có thể là do suy tim hoặc cũng có thể không loại trừ được là do những nguyên nhân khác. Để làm thế nào để phát hiện suy tim, bạn cần đi khám chuyên khoa tim mạch, làm các xét nghiệm cần thiết và bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Hãy đi khám bác sĩ nếu nghi ngờ mình có dấu hiệu suy tim như nêu trên, các triệu chứng kéo dài hoặc ngày càng trầm trọng hơn.
Hãy gọi cấp cứu ngay trong trường hợp triệu chứng xuất hiện một cách đột ngột, rất nghiêm trọng hoặc bạn có bất kỳ biểu hiện nào dưới đây:
- Đau ngực trái dữ dội
- Ngất xỉu hoặc suy yếu nghiêm trọng
- Tim đập nhanh hoặc không đều, kèm theo khó thở, đau ngực hoặc ngất xỉu
- Khó thở đột ngột, dữ dội và ho ra chất nhầy màu hồng có bọt.
9 triệu chứng suy tim thường gặp kể trên có thể cũng xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác gây ra. Đừng chủ quan trước bất kỳ biểu hiện khác thường nào của cơ thể. Hãy thăm khám ngay khi nghi ngờ suy tim và khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 2 lần. Điều này giúp bạn sớm phát hiện bệnh (nếu có) và có cơ hội điều trị khi bệnh còn nhẹ. Luôn nhớ rằng, bệnh suy tim khi được phát hiện từ giai đoạn sớm và được điều trị phù hợp vẫn có cơ hội phục hồi trở lại như bình thường.
[embed-health-tool-heart-rate]