backup og meta

Nhồi máu cơ tim thất phải

Nhồi máu cơ tim thất phải

Nhồi máu cơ tim thất phải nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể dẫn đến một loạt biến chứng nghiêm trọng, bao gồm cả tử vong. Chính vì vậy, việc chẩn đoán phân biệt và cách thức điều trị tối ưu đối với nhồi máu cơ tim thất phải đang là vấn đề được quan tâm ngày càng nhiều.

Mời bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về tình trạng này, đồng thời có thể biết được một số cách phòng ngừa bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Tìm hiểu chung

Nhồi máu cơ tim thất phải là gì?

Nhồi máu cơ tim là tình trạng xảy ra khi lưu lượng máu trong động mạch nuôi tim – động mạch vành – bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn. Vùng cơ tim không được tưới máu sẽ bị hoại tử, kéo theo đó là những tổn thương không thể phục hồi ở tim. Nếu tình trạng này xảy ra ở tâm thất phải thì gọi là nhồi máu cơ tim thất phải.

Theo ghi nhận trước đây, nhồi máu cơ tim chủ yếu gây ảnh hưởng đến tâm thất trái, sau đó tổn thương bắt đầu lan dần đến tâm thất phải. Vì vậy, tỷ lệ nhồi máu cơ tim thất phải đơn thuần thường hiếm gặp. Do đó, chẩn đoán này rất dễ bị bỏ sót, gây ảnh hưởng đến diễn tiến bệnh của bệnh nhân.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh

Nhìn chung, bệnh nhân nhồi máu cơ tim dù là tâm thất phải hay tâm thất trái đều có thể gặp phải một số triệu chứng điển hình bao gồm:

  • Đau thắt ngực. Cơn đau thường nghiêm trọng và kéo dài, đôi khi có thể lan đến lưng, cánh tay trái, cánh tay phải, hàm hoặc vai cổ
  • Huyết áp thay đổi, có thể tăng hoặc giảm
  • Loạn nhịp tim
  • Khó thở, thở dốc
  • Hồi hộp, bồn chồn, đánh trống ngực
  • Vã mồ hôi, tay chân lạnh
  • Da nhợt nhạt, xanh tím
  • Buồn nôn, nôn
  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Mệt mỏi, ngất xỉu

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp bệnh nhân nhồi máu cơ tim nhưng không xuất hiện triệu chứng hoặc chỉ gây ra các biểu hiện không đặc hiệu như đau bụng, buồn nôn hay nôn ói, ít được bệnh nhân chú ý đến khả năng tim mạch nên chậm trễ thăm khám.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim thất phải là gì?

nguyên nhân nhồi máu cơ tim thất phải

Tâm thất phải là một buồng tim có thành mỏng hơn so với thất trái nhiều lần, có áp suất bơm máu và nhu cầu oxy theo đó cũng thấp hơn. Thất phải được tưới máu liên tục trong suốt chu kỳ tim, bao gồm thì tâm thu và tâm trương. Đặc biệt, khả năng hút oxy của tâm thất phải có thể tăng lên khi huyết động căng thẳng. Đây là những yếu tố giải thích cho tỷ lệ tâm thất phải ít bị nhồi máu hơn tâm thất trái.

Động mạch vành phải là nguồn nuôi dưỡng, cung cấp máu đến tâm thất phải. Tắc nghẽn một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành được cho là nguyên nhân chính dẫn đến nhồi máu cơ tim thất phải. Hoặc đôi khi, tâm thất phải có thể bị nhồi máu do ảnh hưởng của tình trạng tắc động mạch vành mũ trái.

Sự tắc nghẽn trong lòng động mạch thường là do tiến trình của xơ vữa động mạch. Các khối xơ vữa cấu tạo từ cholesterol, canxi,… tích tụ lại ở thành động mạch, theo thời gian có thể bị viêm và bong vỡ ra từng mảnh. Chính các mảnh vỡ này cùng với cục máu đông được kích hoạt hình thành trong quá trình bong tróc khối xơ vữa sẽ làm bít tắc và hẹp lòng mạch máu, dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ ở cơ tim.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của các chuyên viên y tế trong từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trong mỗi lần thăm khám.

Những cận lâm sàng nào giúp chẩn đoán nhồi máu cơ tim thất phải?

Chẩn đoán bệnh bắt đầu bằng việc thăm khám các triệu chứng lâm sàng. Theo đó, các dấu hiệu giúp hướng tới chẩn đoán nhồi máu cơ tim thất phải là: Tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim và tĩnh mạch cổ nổi rõ.

Lúc này, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng chẩn đoán chuyên sâu về tim mạch như sau:

  • Đo điện tâm đồ (ECG)
  • Siêu âm tim
  • Chụp động mạch vành
  • Thông tim
  • Cộng hưởng từ tim mạch (CMR)
  • Xạ hình cơ tim

Những phương pháp điều trị nhồi máu cơ tim thất phải

Điều trị nội khoa

Nhồi máu cơ tim thất phải làm giảm công co bóp vào tuần hoàn phổi, gián tiếp làm giảm cung lượng tim toàn thể do giảm thể tích đổ đầy thất trái. Vì vậy, nếu không xử lý kịp thời, người bệnh có thể bị hạ huyết áp toàn thân, trụy mạch và ngưng tim. Lúc này, mọi biện pháp làm tăng cung lượng tim và tái tưới máu là mục tiêu hàng đầu trong điều trị nhồi máu cơ tim thất phải.

Theo đó, truyền dịch là phương pháp đầu tiên được lựa chọn nhằm ổn định huyết áp. Trường hợp cung lượng tim không cải thiện sau khi truyền dịch, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc vận mạch nhằm làm tăng co bóp cơ tim. Trong đó, dobutamine là thuốc có hiệu quả được đánh giá cao, vừa giúp tăng cung lượng tim đồng thời có thể làm giảm áp lực lên thất trái.

Một vấn đề quan trọng cần lưu ý đó là không được dùng các thuốc giãn mạch (như nitrat, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn kênh canxi,…) và thuốc lợi tiểu để hỗ trợ giảm triệu chứng ở bệnh nhân có suy thất phải, bởi vì các thuốc này có thể càng làm cung lượng tim giảm nhiều hơn. Đây là điểm khác biệt đáng kể nhất trong điều trị nhồi máu cơ tim thất phải so với các dạng nhồi máu cơ tim khác.

Điều trị ngoại khoa

Thực hiện nong mạch và đặt stent mạch vành sớm đã được chứng minh là có thể giúp phục hồi lưu lượng máu trong động mạch vành, làm giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.

Ngoài ra, một số kỹ thuật can thiệp khác như: đặt máy tạo nhịp, đặt bóng đối xung động mạch chủ, cấy các thiết bị hỗ trợ tâm thất, phẫu thuật bắc cầu mạch vành… có thể được cân nhắc chỉ định phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh?

nhồi máu cơ tim thất phải

Tương tự nhồi máu cơ tim thất trái, xơ vữa động mạch là nguyên nhân mật thiết của nhồi máu cơ tim thất phải. Chính vì vậy, khắc phục các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch có thể góp phần phòng ngừa bệnh hiệu quả. Cụ thể, để được như vậy, chúng ta nên:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh. Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol và chất béo bão hòa.
  • Luyện tập thể dục thường xuyên.
  • Duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
  • Không hút thuốc lá.
  • Giảm rượu bia.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng.

Mặc dù nhồi máu cơ tim thất phải là một dạng bệnh lý nguy hiểm, tuy nhiên với sự phát triển y học hiện nay thì bệnh nhân hoàn toàn có thể phục hồi tốt sau điều trị nếu bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là phòng ngừa bệnh tật. Theo đó, mỗi người cần thường xuyên theo dõi sức khỏe định kỳ, để kịp thời phát hiện và can thiệp các yếu tố nguy cơ tim mạch nói chung, như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, nhằm phòng tránh các biến cố tim mạch trong tương lai.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Acute right ventricular myocardial infarction. https://www.unmc.edu/intmed/divisions/cardiology/research/cbbl/documents/2018-7.pdf. Ngày truy cập 15/07/2021

Right Ventricular Infarction: Specific Requirements of Management. https://www.aafp.org/afp/1999/1015/p1727.html. Ngày truy cập 15/07/2021

Right Ventricular Myocardial Infarction. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK431048/. Ngày truy cập 15/07/2021

Right ventricular myocardial infarction https://www.uptodate.com/contents/right-ventricular-myocardial-infarction Ngày truy cập 15/07/2021

ECG Diagnosis: Right Ventricular Myocardial Infarction http://www.thepermanentejournal.org/issues/2016/fall/6233-ecg.html Ngày truy cập 15/07/2021

Phiên bản hiện tại

29/07/2021

Tác giả: Ngân Châu

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: Phương Quỳnh


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Người bị bệnh động mạch vành nên ăn gì? | Hello Bacsi x SANOFI

Bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn gì và thay đổi lối sống ra sao?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 29/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo