backup og meta

Chỉ số mỡ máu: Tất cả những thông tin cần biết!

Chỉ số mỡ máu: Tất cả những thông tin cần biết!
Chỉ số mỡ máu: Tất cả những thông tin cần biết!

Chỉ số mỡ máu giúp cung cấp thông tin cho chúng ta về nồng độ của các loại chất béo quan trọng có liên quan đến sức khỏe ở trong máu. Thông qua kết quả kiểm tra các chỉ số mỡ máu, bác sĩ sẽ tư vấn những biện pháp khắc phục, điều trị cần thiết (nếu có) để ngăn ngừa những nguy cơ về sức khỏe tim mạch rong tương lai.

Mỡ máu (hoặc lipid máu) là thuật ngữ dùng để gọi chung cho các loại chất béo lưu hành trong hệ tuần hoàn. Trong đó, 3 loại mỡ máu chính là triglycerid, cholesterol và phospholipid. Cholesterol tiếp tục được phân chia thành nhiều dạng dựa trên tỷ trọng sau khi kết hợp với protein (lipoprotein) thành LDL (lipoprotein tỷ trọng thấp), HDL (lipoprotein tỷ trọng cao)… Để biết chính xác hàm lượng của từng loại mỡ máu, bạn cần lấy mẫu máu để làm xét nghiệm đo các chỉ số mỡ máu.

Các chỉ số mỡ máu là gì? Chỉ số mỡ máu bao gồm những gì?

1. Chỉ số mỡ máu là gì? 

Chỉ số mỡ máu là giá trị đo lường về hàm lượng của từng loại mỡ máu (lipid máu). Dựa vào kết quả đó, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng máu nhiễm mỡ cũng như nguy cơ mắc phải các bệnh lý có liên quan như bệnh tim mạch do xơ vữa. Kết quả đo chỉ số mỡ máu thường được thể hiện dưới dạng nồng độ có đơn vị mg/dL (miligam trên decilít) hoặc mmol/L (milimol trên lít).

2. Chỉ số mỡ máu bao gồm những gì? Ký hiệu ra sao? 

Chỉ số mỡ máu thường bao gồm 4 giá trị khác nhau đại diện cho 4 loại mỡ máu cần quan tâm nhất để đưa ra được chẩn đoán rối loạn lipid máu, cùng với phác đồ điều trị phù hợp. Mỗi loại chỉ số mỡ máu sẽ có tên gọi và ký hiệu tương ứng, được xác định thông qua xét nghiệm máu.

2.1. Chỉ số cholesterol toàn phần

Chỉ số cholesterol toàn phần là chỉ số đo lường tổng lượng cholesterol có trong dòng máu, bao gồm tất cả các dạng cholesterol như HDL, LDL, VLDL. Trong đó, nồng độ VLDL thường không được đo trực tiếp mà sẽ ước tính dựa trên nồng độ triglyceride, được cho là tương đương với 1/5 của mức triglyceride máu.

Do vậy, công thức để tính chỉ số cholesterol toàn phần (total cholesterol – TC) như sau:

TC (mg/dL) = Chỉ số LDL-C + Chỉ số HDL-C + Chỉ số Triglyceride /5

Trên bảng kết quả xét nghiệm mỡ máu, chỉ số cholesterol toàn phần có thể được ký hiệu là T. Cholesterol (Total Cholesterol) hoặc S. Cholesterol (serum cholesterol).

2.2. Chỉ số LDL-Cholesterol

Chỉ số LDL-Cholesterol

Chỉ số LDL-Cholesterol là kết quả đo nồng độ của cholesterol tỷ trọng thấp (LDL) trong máu, thường được ký hiệu là LDL hoặc LDL-C trên bảng kết quả xét nghiệm mỡ máu.

Cholesterol LDL còn được gọi là cholesterol “xấu” vì loại cholesterol này liên quan đến sự tích tụ của các mảng bám trong lòng động mạch (gây xơ vữa động mạch), làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa, tăng khả năng bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ nhồi máu não.

2.3. Chỉ số HDL-Cholesterol

Chỉ số HDL-Cholesterol thể hiện nồng độ của cholesterol tỷ trọng cao (HDL) có trong máu, thường được ký hiệu là HDL hoặc HDL-C trên bảng kết quả xét nghiệm mỡ máu.

Trái ngược với LDL, cholesterol HDL được mệnh danh là cholesterol “tốt” vì góp phần loại bỏ các LDL ra khỏi động mạch, ngăn chặn hình thành mảng bám xơ vữa, giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch.

2.4. Chỉ số triglyceride 

Chỉ số triglyceride cho biết nồng độ của triglyceride (chất béo trung tính) trong máu. Đây là loại mỡ máu chiếm tỷ lệ phần trăm nhiều nhất trong các loại mỡ máu, là nguồn cung cấp và dự trữ năng lượng quan trọng cho cơ thể. Chỉ số triglyceride thường được ký hiệu là TG.

Để có kết quả đo chỉ số triglyceride chính xác, người bệnh cần phải được lấy mẫu máu xét nghiệm vào lúc đói, thường là sáng sớm sau một đêm dài nhịn ăn liên tục trong vòng 10 – 12 giờ. Do đó, bạn chỉ được uống nước lọc trong vòng ít nhất 10 giờ trước khi lấy máu để xét nghiệm chỉ số mỡ máu chuẩn xác nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Chỉ số mỡ máu bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là cao? 

Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm mỡ máu, nhiều người sẽ thắc mắc chỉ số mỡ máu bình thường là bao nhiêu hoặc chỉ số mỡ máu cao bao nhiêu là nguy hiểm.

1. Chỉ số mỡ máu bao nhiêu là bình thường?

Chỉ số mỡ máu bình thường ở một người trưởng thành có giá trị như sau:

  • Chỉ số triglyceride (TG) lúc đói: < 150mg/dL.
  • Chỉ số cholesterol toàn phần (TC): < 200 mg/dL.
  • Chỉ số cholesterol LDL (LDL-C): < 130mg/dL, tối ưu nhất là thấp hơn 100mg/dL. Người có tiền sử mắc bệnh mạch vành cần duy trì LDL-C < 70mg/dL, lý tưởng có thể < 50mg/dL, là lành mạnh.
  • Chỉ số cholesterol HDL (HDL-C): > 40mg/dL ở nam và > 50mg/dL ở nữ. Lý tưởng nhất là HDL-C > 60mg/dL cho tất cả mọi người.

2. Chỉ số mỡ máu bao nhiêu là cao, có nguy cơ gây nguy hiểm? 

Chỉ số mỡ máu bao nhiêu là cao, có nguy cơ nguy hiểm? 

Chỉ số mỡ máu khi lệch xa khỏi mức giới hạn bình thường sẽ gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe, tùy theo mức độ chênh lệch mà cần có biện pháp can thiệp để khắc phục hoặc điều trị. Vậy chỉ số mỡ máu cao bao nhiêu là nguy hiểm? Câu trả lời là khi:

  • Chỉ số triglyceride (TG) lúc đói: cao trên 500mg/dL. Ở mức triglyceride quá cao này, cơ thể sẽ có nguy cơ cao mắc phải viêm tụy cấp tính, tăng nhãn áp, gây tổn thương vĩnh viễn cho hoàng điểm, thậm chí dẫn đến mù hoàn toàn.
  • Chỉ số cholesterol toàn phần (TC): cao trên 240mg/dL.
  • Chỉ số cholesterol LDL (LDL-C): cao trên 160mg/dL sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như xơ vữa động mạch, nguy cơ mắc bệnh mạch vành – nguyên nhân chính dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
  • Chỉ số cholesterol HDL (HDL-C): khác với các chỉ số mỡ máu khác, vì HDL là cholesterol “tốt” nên cần cố gắng để tăng cao mức HDL trong máu. Nếu chỉ số HDL-C thấp hơn 40mg/dL ở nam hoặc dưới 50mg/dL ở nữ thì được đánh giá là gây nguy hiểm.

Sau đây, bảng tổng hợp các chỉ số mỡ máu này sẽ cho bạn biết cách đánh giá chi tiết hơn từng mức độ của các chỉ số mỡ máu theo từng độ tuổi:

bảng các chỉ số mỡ máu

Người bị mỡ máu cao có triệu chứng gì?

Người bị mỡ máu cao có triệu chứng gì?

Hầu hết những người bị tăng mỡ máu hầu như không có dấu hiệu hoặc biểu hiện bất thường nào cho đến khi xảy ra biến cố tim mạch do xơ vữa. Do đó, xét nghiệm máu  định kỳ là cách duy nhất để chủ động phát hiện tình trạng mỡ máu cao.

Nếu mỡ máu cao trong một thời gian dài có thể tạo điều kiện cho mảng bám hình thành và làm hẹp hoặc ngăn chặn dòng chảy của máu đến tim, não. Khi đó bạn sẽ gặp các triệu chứng của bệnh động mạch vành như:

Trường hợp các mảng bám do cholesterol, chất béo tích tụ bị vỡ ra và kích thích tạo ra cục máu đông sẽ làm tắc nghẽn hoàn toàn mạch máu. Lúc đó, bạn sẽ gặp phải cơn nhồi máu cơ tim với các triệu chứng như đau ngực dữ dội, đỏ bừng, buồn nôn, khó thở, vã mồ hôi. Đây là tình trạng cần được cấp cứu y tế nhanh chóng.

Chỉ số mỡ máu cao: Làm thế nào để kiểm soát hiệu quả?

Khi chỉ số mỡ máu tăng nhẹ, ở mức tiệm cận cao, người bệnh có thể chưa cần dùng đến thuốc điều trị mà kiểm soát được bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Hãy cắt giảm chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa (trans fat) có trong các loại thịt đỏ, sữa nguyên kem, thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn…; ưu tiên các nguồn cung cấp chất béo không bão hòa (omega-3, 6, 9) có trong dầu thực vật, các loại hạt, cá béo; ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ.
  • Tập thể dục đều đặn, thường xuyên. Các chuyên gia khuyến cáo người trưởng thành nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/ tuần để giảm mỡ máu, cholesterol “xấu” và tăng cholesterol “tốt”.
  • Giảm cân nếu như bị thừa cân, béo phì. Duy trì cân nặng khỏe mạnh, chỉ số khối cơ thể BMI ở trong giới hạn bình thường sẽ giúp làm giảm cholesterol “xấu”, triglyceride và cải thiện sức khỏe tim mạch.
  • Bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia. Uống nhiều rượu bia có thể gây tổn thương gan, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa, phân giải chất béo. Thói quen hút thuốc lá cũng được nghiên cứu cho thấy là gây giảm mức cholesterol “tốt” HDL, đồng thời tăng cholesterol “xấu” LDL gây ra máu nhiễm mỡ.
  • Giảm thiểu căng thẳng, tìm cách giúp thư giãn tinh thần. Căng thẳng kéo dài khiến cơ thể tăng tiết cortisol, từ đó thúc đẩy gan sản xuất nhiều dạng nhiên liệu để cung cấp năng lượng bao gồm cholesterol “xấu” LDL. Việc quản lý căng thẳng tốt sẽ giúp các chỉ số mỡ máu ổn định.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm để biết kết quả các chỉ số mỡ máu hiện tại. Những người có tiền sử bệnh máu nhiễm mỡ hoặc có nguy cơ cao thì nên kiểm tra, xét nghiệm máu định kỳ mỗi 3 – 6 tháng/ lần. Việc này giúp các bác sĩ kịp thời phát hiện bất thường qua chỉ số mỡ máu và có biện pháp can thiệp, điều trị hiệu quả.

Nếu chỉ số mỡ máu cao ở mức nguy hiểm, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số thuốc làm hạ cholesterol máu như nhóm thuốc statin, các resin liên kết axit mật, thuốc ức chế hấp thu cholesterol.

Chỉ số mỡ máu cao và các thắc mắc thường gặp 

1. Tại sao bị bệnh mỡ máu? Nguyên nhân nào gây ra tình trạng mỡ máu cao?

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng mỡ máu cao?

Mỡ máu cao có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: Nếu có người thân trong gia đình mắc bệnh rối loạn mỡ máu thì bạn cũng có nguy cơ cao mắc tình trạng này. Nguyên nhân là do gene điều khiển cơ thể xử lý cholesterol và chất béo được truyền từ bố mẹ sang con cái.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn nhiều chất béo bão hòa, như thịt đỏ, các loại sữa, kem, bơ, bánh ngọt, gan và các nội tạng động vật…
  • Lối sống tĩnh tại: Lười vận động, ngồi nhiều
  • Thói quen xấu: Hút thuốc lá, uống rượu bia thường xuyên
  • Tuổi và giới tính: Phụ nữ sau mãn kinh dễ bị tăng mỡ máu hơn
  • Tác dụng phụ của một số thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc nhất định có thể gây mỡ máu cao
  • Ảnh hưởng từ một số bệnh lý khác như đái tháo đường, suy giáp

Bên cạnh đó, nhiều yếu tố cũng làm tăng nguy cơ bị mỡ máu cao, chẳng hạn như:

2. Những ai nên kiểm tra cholesterol? Nên kiểm tra cholesterol bao lâu một lần để hạn chế các nguy cơ? 

Những người có nguy cơ cao bị tăng mỡ máu, tăng cholesterol thì nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên hơn. 

Trẻ em và người trẻ tuổi có thể kiểm tra cholesterol mỗi 5 năm một lần. Khi đến tuổi trung niên, bạn nên kiểm tra cholesterol mỗi năm hoặc 2 năm/ lần. Tùy theo kết quả của các chỉ số cholesterol mà bác sĩ sẽ đề nghị bao lâu bạn nên làm kiểm tra cholesterol tiếp theo.

3. Cách đọc chỉ số mỡ máu như thế nào là đúng chuẩn chuyên gia? 

 Cách đọc chỉ số mỡ máu như thế nào là đúng chuẩn chuyên gia?

Khi cầm kết quả xét nghiệm mỡ máu, bạn cũng có thể đọc hiểu được các chỉ số một cách chính xác. Cách đọc chỉ số mỡ máu thực ra khá đơn giản, bạn cần đọc lần lượt từng dòng trên phiếu kết quả xét nghiệm, mỗi một chỉ số sẽ tương ứng với giá trị đo được ở cột Kết quả và được so sánh với cột Giá trị tham chiếu.

Cụ thể cách đọc từng chỉ số mỡ máu như sau:

  • Chỉ số cholesterol toàn phần (có thể được ghi là T.Cholesterol/ TC/ S.Cholesterol): Nếu cột kết quả đo được cho thấy giá trị của chỉ số này thấp hơn 200mg/dL là bình thường. Nếu kết quả từ 240mg/dL trở lên thì bạn có mức cholesterol quá cao và cần được can thiệp điều trị.
  • Chỉ số cholesterol HDL (có thể được ghi là HDL hoặc HDL-C): Đây là chỉ số cần ở mức cao, tốt nhất là nên lớn hơn 60mg/dL. Nếu kết quả đo của bạn nằm trong khoảng 40 – 60mg/dL ở nam hoặc 50 – 60mg/dL ở nữ thì vẫn được xem là tương đối lành mạnh, ở mức chấp nhận được.
  • Chỉ số cholesterol LDL (được ghi là LDL hoặc LDL-C): Đây là loại cholesterol “xấu” nên cần cố gắng giữ ở mức thấp. Nếu kết quả chỉ số LDL của bạn thấp hơn 100mg/dL thì được xem là lý tưởng. Khi kết quả cao hơn 160mg/dL là ở mức cao và trên 190mg/dL là mức rất cao cần phải có biện pháp điều trị ngay.
  • Chỉ số triglyceride (được viết là TG): Khi kết quả đo được thấp hơn 150mg/dL là mức bình thường. Trường hợp kết quả của bạn cao hơn 400mg/dL sẽ là mức độ nguy hiểm cần được điều trị bằng thuốc để dự phòng các biến chứng viêm tụy cấp, tổn thương hoàng điểm.

4. Chỉ số cholesterol toàn phần cao cảnh báo điều gì? Cholesterol cao gây ra những triệu chứng gì?

Chỉ số cholesterol toàn phần cao có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các bệnh  tắc nghẽn động mạch do mảng bám chất béo tích tụ trong lòng động mạch gây xơ vữa, từ đó dẫn đến nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Thực tế cholesterol toàn phần cao không gây ra triệu chứng nào nhưng khi có sự xuất hiện các mảng bám làm giảm lưu lượng máu đi đến tim, não sẽ làm bạn có nguy cơ bị:

  • Đau ngực, khó thở, nhất là khi hoạt động gắng sức
  • Đau bắp chân
  • Rối loạn cương dương ở nam giới
  • Rối loạn thần kinh dẫn đến chóng mặt, nhức đầu, nói lắp, tê bì, giảm thị lực…
  • U vàng thường thấy ở mông, vai, mặt, phần duỗi của tay, chân.

5. Chỉ số cholesterol thấp là gì? Chỉ số cholesterol thấp có nguy hiểm không?

Không chỉ có trường hợp cholesterol cao mới nguy hiểm, chỉ số cholesterol quá thấp cũng là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý như:

  • Kém hấp thu
  • Hội chứng Bassen-Kornzweig
  • Bệnh hạ beta-lipoprotein máu

Tốt nhất, bạn cần duy trì các chỉ số cholesterol ở mức an toàn, khỏe mạnh. Bất kể trường hợp tăng cao hay hạ thấp quá mức đều phải can thiệp điều trị.

6. LDL cholesterol cao là gì, có nguy cơ gây ra bệnh gì? 

LDL cholesterol cao là gì, có nguy cơ gây ra bệnh gì? 

LDL cholesterol còn được gọi là cholesterol “xấu” do có khả năng tích tụ và tạo thành mảng bám trong lòng động mạch, khiến thành mạch bị xơ cứng và thu hẹp lòng mạch. Khi LDL cholesterol tăng quá cao trong thời gian dài mà không được kiểm soát hay điều trị sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải các bệnh lý:

Bình thường, chỉ số LDL cholesterol ở mức dưới 100mg/dL. Tình trạng LDL cholesterol cao là khi giá trị của chỉ số này tăng hơn 160mg/dL, nếu hơn 190mg/dL sẽ là rất cao và cần phải được điều trị bằng thuốc.

7. Mỡ máu cao bao nhiêu thì phải uống thuốc? 

Nhiều người băn khoăn không biết mỡ máu cao bao nhiêu thì phải uống thuốc khi thấy chỉ số mỡ máu của mình cũng tăng nhẹ nhưng chưa cần dùng thuốc. Câu trả lời là bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nếu bạn:

  • Có chỉ số cholesterol LDL từ 190mg/dL trở lên.
  • Người từ 40 – 75 tuổi mắc bệnh đái tháo đường và có mức cholesterol LDL ≥ 70 mg/dL.
  • Người từ 40 – 75 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ từ 5% trở lên trong 10 năm tới và có chỉ số cholesterol LDL ≥ 70 mg/dL.
  • Đã thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên nhưng không cải thiện được lượng mỡ trong máu.
  • Từng bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc mắc bệnh động mạch do xơ vữa động mạch.
  • Có bệnh lý nền đái tháo đường và đánh giá nguy cơ gặp biến chứng tim mạch từ trung bình trở lên.

Một số trường hợp cụ thể không nêu trên cũng có thể được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kiểm soát mỡ máu tích cực. Điều quan trọng là bạn nên thăm khám sức khỏe tim mạch định kỳ, kiểm tra các chỉ số mỡ máu và hỏi ý kiến bác sĩ để biết phương pháp điều trị nào là phù hợp nhất.

8. Bị mỡ máu cao có phải uống thuốc suốt đời không? 

Việc có phải uống thuốc hạ mỡ máu suốt đời không sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp được bác sĩ chỉ định điều trị  và mục tiêu đạt được. Nếu kiểm soát mỡ máu tốt, đồng thời không có hoặc ít có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ thì bác sĩ có thể đồng ý cho bạn dừng uống thuốc. Tuy nhiên, bạn vẫn cần tuân thủ lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học cũng như đi kiểm tra chỉ số mỡ máu định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe.

Trường hợp có nguy cơ rất cao gặp phải bệnh tim mạch như từng bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, mắc bệnh động mạch ngoại biên thì bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tiếp tục uống thuốc hạ mỡ máu ở liều thấp. Các thuốc này cũng được sử dụng để dự phòng biến chứng tim mạch trong tương lai cho những người bệnh đái tháo đường từ 40 – 75 tuổi có chỉ số cholesterol LDL ≥ 70mg/dL.

9. Mỡ trong máu cao nên ăn uống gì? 

Mỡ trong máu cao nên ăn uống gì? 

Người có mỡ máu cao luôn được khuyên là phải thay đổi chế độ ăn lành mạnh hơn. Vậy ăn gì để giảm mỡ máu? Và uống gì để giảm mỡ máu nhanh? Câu trả lời ở ngay sau đây:

  • Ăn những thực phẩm giàu chất xơ hòa tan. Tiêu thụ chất xơ hòa tan thường xuyên có thể làm giảm 5 – 10% cholesterol toàn phần và cholesterol “xấu” LDL. Các chuyên gia khuyến nghị nên ăn ít nhất 5 – 10g chất xơ hòa tan mỗi ngày để có được hiệu quả giảm cholesterol tối ưu. Chất xơ hòa tan có nhiều trong các loại đậu, hạt, ngũ cốc, hạt lanh, táo và các loại trái cây họ cam chanh.
  • Tăng cường ăn rau củ quả. Nhóm thực phẩm này có chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa cholesterol LDL khỏi oxy hóa và hình thành các mảng bám trong động mạch. Nghiên cứu đã phát hiện thấy những người ăn nhiều rau củ quả thường xuyên giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch đến 17% trong vòng 10 năm. Một số loại trái cây cũng được chứng minh giúp hạ mỡ máu hiệu quả gồm , dâu tây, đu đủ, nho, táo, cà chua
  • Uống trà xanh giúp làm hạ mỡ máu. Nghiên cứu cho thấy việc uống trà xanh mỗi ngày có thể làm giảm lượng cholesterol toàn phần đến 7mg/dL và giảm cholesterol xấu đến 2mg/dL. Trà xanh làm giảm sự sản xuất cholesterol LDL trong gan, đồng thời tăng cường quá trình loại bỏ LDL ra khỏi máu. Ngoài ra, thành phần giàu chất chống oxy hóa trong trà xanh còn giúp ngăn chặn cholesterol LDL không bị oxy hóa và ngăn sự hình thành mảng xơ vữa trong động mạch.
  • Ưu tiên ăn các nguồn chất béo không bão hòa và cắt giảm chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa (trans fat). Bạn nên tăng cường ăn các loại hạt, cá béo (như cá hồi, cá ngừ, cá trích…), dầu thực vật, quả bơ. Chất béo không bão hòa không chỉ làm giảm nồng độ cholesterol xấu LDL mà còn làm tăng nồng độ cholesterol tốt HDL.
  • Ăn các loại gia vị giúp làm giảm mỡ máu. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng tỏi, nghệ và gừng đặc biệt có hiệu quả giảm cholesterol khi ăn thường xuyên. Nếu bạn duy trì thói quen ăn một tép tỏi mỗi ngày trong vòng 3 tháng thì lượng cholesterol toàn phần có thể giảm đến 9%. Các loại gia vị như bạc hà, đinh hương, tiêu và quế sẽ tăng thêm hương vị cho món ăn và giúp bạn hạ mỡ máu thông qua thực đơn hàng ngày.

Việc xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học kết hợp với thay đổi lối sống năng động sẽ giúp bạn kiểm soát các chỉ số mỡ máu tốt hơn, phòng ngừa các nguy cơ tim mạch trong tương lai.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cholesterol Levels https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK542294/ Ngày truy cập 19/02/2025

Prevention and Treatment of High Cholesterol (Hyperlipidemia) https://www.heart.org/en/health-topics/cholesterol/prevention-and-treatment-of-high-cholesterol-hyperlipidemia Ngày truy cập 19/02/2025

Blood Fat Explained https://www.heartuk.org.uk/downloads/health-professionals/publications/blood-fats-explained.pdf Ngày truy cập 19/02/2025

Understanding Blood Fats https://strongheartstudy.org/portals/1288/Assets/documents/CommunityNewsletters/Brochure/Understanding%20Blood%20Fats%20Brochure.pdf?ver=2022-10-23-161239-810#:~:text=Blood%20fats%20 Ngày truy cập 19/02/2025

What You Should Know About Blood Lipids https://www.kidney.org/kidney-topics/what-you-should-know-about-blood-lipids Ngày truy cập 19/02/2025

Reducing the Lipid Levels in Your Blood https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/1998/0501/p2207.html Ngày truy cập 19/02/2025

Blood Lipids https://www.sciencedirect.com/topics/agricultural-and-biological-sciences/blood-lipids Ngày truy cập 19/02/2025

Cholesterol Levels https://my.clevelandclinic.org/health/articles/11920-cholesterol-numbers-what-do-they-mean Ngày truy cập 19/02/2025

Cholesterol Medications https://www.heart.org/en/health-topics/cholesterol/prevention-and-treatment-of-high-cholesterol-hyperlipidemia/cholesterol-medications Ngày truy cập 19/02/2025

Phiên bản hiện tại

18/03/2025

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Thuốc mỡ máu có phải uống suốt đời không?

11 cách làm giảm mỡ máu trong 6 tuần hiệu quả không ngờ


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 2 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo