backup og meta

Top 4 cách điều trị mỡ máu cao an toàn và hiệu quả

Top 4 cách điều trị mỡ máu cao an toàn và hiệu quả

Nhiều người lo lắng việc điều trị mỡ máu cao rất khó khăn, nhưng thật ra bạn có thể cải thiện bệnh bằng việc thay đổi thói quen sống hàng ngày.

Mỡ máu cao (lipid máu) là một trong những yếu tố hàng đầu gây nguy hiểm đến sức khỏe, đặc biệt là các vấn đề về tim mạch. Nghiên cứu cho thấy, mỡ máu cao gây ra xơ vữa động mạch là “thủ phạm’ dẫn đến 90% trường hợp nhồi máu cơ tim. Tỷ lệ tử vong do các bệnh lý liên quan đến mỡ máu cao cũng chiếm hơn 50% tỷ lệ tử vong do các bệnh khác trên toàn thế giới.

Mỡ máu thường được đánh giá thông qua các chỉ số sau đây:

  • Chỉ số cholesterol toàn phần: Lớn hơn 200mg/dL
  • Chỉ số LDL: Lớn hơn 100mg/dL

Dưới đây, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu 4 phương pháp điều trị mỡ máu cao đơn giản, an toàn mà hiệu quả nhé!

1. Mỡ máu cao và cách điều trị bằng chế độ ăn lành mạnh

Mỡ máu cao và cách điều trị bằng chế độ ăn lành mạnh

Để kiểm soát mỡ máu cao và hạn chế các tác hại của tình trạng này, bạn nên xây dựng chế độ ăn uống phù hợp dựa trên những lưu ý sau:

Bổ sung thêm nhiều chất xơ

Chất xơ là phần khó tiêu hóa của thức ăn có trong các loại rau, ngũ cốc nguyên hạt… Thực phẩm có nhiều chất xơ có thể giúp làm giảm cholesterol máu bằng cách khiến cho axit mật đi qua đường tiêu hóa nhanh hơn, nhờ đó hỗ trợ điều trị mỡ máu cao. Chất xơ có thể làm giảm chỉ số triglyceride, LDL và làm tăng chỉ số cholesterol tốt HDL, nhờ đó làm giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch như mỡ máu cao, xơ vữa động mạch…

Thực phẩm chứa nhiều chất xơ không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe bằng cách giảm mỡ máu, mà còn hỗ trợ bạn hấp thu được những chất dinh dưỡng cần thiết khác bằng cách tăng cường hệ vi sinh đường ruột.

Ăn thực phẩm chứa chất béo tốt

Những thực phẩm chứa chất béo tốt bạn nên ăn bao gồm:

  • Chất béo không bão hòa đa: có nhiều trong dầu đậu nành, dầu ngô và dầu hướng dương, hạt hướng dương, bơ thực vật… Loại chất béo này có thể giúp hạ mức cholesterol trong máu, tuy nhiên, bạn không nên dùng quá nhiều chất béo này vì có thể làm giảm lượng cholesterol tốt cho cơ thể.
  • Chất béo không bão hòa đơn: được tìm thấy trong dầu ô liu, bơ, đậu phộng, các loại đậu khô, đậu Hà Lan… Loại chất béo này vừa có tác dụng làm giảm cholesterol xấu mà không làm ảnh hưởng tới cholesterol tốt, giúp hỗ trợ điều trị mỡ máu cao.
  • Axit béo omega-3: Omega-3 có nhiều trong các loại hải sản như cá hồi, cá trích, cá mòi, cá thu… hay dầu hạt lanh, quả óc chó. Đây là loại chất béo tốt giúp giảm nguy cơ bệnh tim, trầm cảm, mất trí nhớ và viêm khớp.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những chất béo tốt này nếu được sử dụng thay cho chất béo bão hòa, có thể giúp làm giảm mức cholesterol toàn phần, cải thiện mỡ máu và phòng ngừa được nhiều bệnh.

Lựa chọn nguồn cung cấp đạm phù hợp

Để tăng cường sức khỏe và tạo năng lượng cho hoạt động sống mỗi ngày, bạn nên bổ sung khoảng 1g protein/1kg trọng lượng cơ thể. Ví dụ, nếu bạn nặng 70kg sẽ cần bổ sung khoảng 70g protein. Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn nguồn cung cấp lượng protein tốt cho sức khỏe.

Thịt đỏ bao gồm thịt trâu, bò, heo… là thực phẩm giàu khoáng chất, đặc biệt là sắt, kẽm tuy nhiên lại có hàm lượng cholesterol cao, vì vậy không tốt cho người bệnh mỡ máu. Bạn có thể thay thế thịt đỏ bằng nguồn đạm khác bao gồm thịt trắng và đạm từ thực vật. Thịt trắng bao gồm thịt gà, vịt… chứa nhiều axit béo không bão hòa, có thể giúp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh lý về tim mạch, giảm nguy cơ ung thư.

2. Từ bỏ thói quen xấu để điều trị mỡ máu cao hiệu quả

Bỏ hút thuốc lá

Kể cả khi không bị mỡ máu cao, bạn cũng nên từ bỏ dần những thói quen có hại cho sức khỏe sau:

Hút thuốc lá, uống rượu bia

Thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính làm giảm chỉ số tốt HDL và làm tăng chỉ số xấu LDL. Thói quen hút thuốc sẽ khiến lượng mỡ trong cơ thể khó đào thải, dẫn đến tình trạng mỡ thừa trong máu. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, tai biến mạch máu não, xơ vữa, hẹp mạch máu…

Người hút thuốc lá có nguy cơ cao bị đột tử gấp 10 lần ở nam giới và gấp 5 lần ở nữ giới. Thuốc lá không chỉ có hại cho tim mạch mà còn tác động xấu đến lá phổi.

Thói quen uống rượu ở mức độ vừa phải khoảng 1 ly mỗi ngày có thể giúp làm giảm chỉ số LDL, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành. Tuy nhiên nếu tiêu thụ quá nhiều rượu có thể làm tăng cholesterol toàn phần, chất béo trung tính, tăng huyết áp, làm tổn thương gan và bệnh lý tim mạch khác.

Ăn thực phẩm nhiều muối, dầu mỡ

Những món ăn nhiều dầu mỡ thường chứa nhiều chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe. Chất béo cần thiết cho sự hoạt động của cơ thể nhưng nếu bạn tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa có thể làm nặng hơn tình trạng mỡ máu, gây ra bệnh tim mạch, tiểu đường. Vì vậy, bạn nên dùng các món ăn được chế biến bằng cách hầm, luộc hoặc hấp thay thế.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ thực phẩm có nhiều muối có thể khiến tim đập nhanh và làm tăng huyết áp. Người bệnh mỡ máu cao thường bị các bệnh lý về tim mạch, việc ăn nhiều muối sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Bạn nên hạn chế các thực phẩm bao gồm dưa muối, cà muối, thịt xông khói, thức ăn đóng hộp…

Ít vận động, ngồi quá nhiều

Những người lười vận động, thường xuyên ngồi nhiều hoặc ít có cơ hội vận động thể chất sẽ có nguy cơ cao mắc phải tình trạng mỡ máu cao, bệnh tim mạch. Điều này do cơ thể khi ít vận động sẽ làm giảm nồng độ cholesterol tốt và tăng nồng độ lipoprotein xấu. Thói quen tập luyện đều đặn sẽ giúp đốt cháy calo, kiểm soát cholesterol và tăng cường sức khỏe tim mạch.

3. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên để điều trị mỡ máu cao

Các bài tập thể dục đơn giản, nhẹ nhàng hỗ trợ điều trị mỡ máu cao bao gồm:

• Yoga: Các bài tập yoga có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nhờ khả năng làm giảm cholesterol toàn phần và cholesterol LDL. Yoga có thể giúp bạn nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần thoải mái, thư giãn, cải thiện vóc dáng và đẩy lùi được nhiều bệnh. Vì thế, bạn nên dành ra ít nhất 30 phút tập yoga mỗi ngày để nhận được những lợi ích này.

Các tư thế tập yoga giúp giảm mỡ máu bao gồm tư thế bánh xe, tư thế kéo giãn bụng, tư thế ngồi xoắn nửa cột sống, tư thế gập bụng…

• Đạp xe: Đạp xe là bài tập có khả năng tiêu thụ năng lượng cao, giúp đốt cháy lượng mỡ thừa và làm giảm cholesterol hiệu quả. Đạp xe giúp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như tốt cho cơ xương, thư giãn tinh thần, tăng cường sức khỏe tim mạch, kiểm soát tiểu đường, cân nặng…

Bạn có thể lên lịch đạp xe khoảng 5 lần/tuần, mỗi ngày ít nhất 30 phút, sau đó có thể tăng dần mức độ tùy vào sức khỏe.

• Đi bộ: Đi bộ là bài tập nhẹ nhàng, đơn giản mà lại hiệu quả, phù hợp với mọi lứa tuổi. Đây là cách tập luyện tốt cho sức khỏe, đặc biệt là người bị mỡ máu. Người thường xuyên đi bộ với nhịp điệu nhanh và đều sẽ thúc đẩy quá trình chuyển hóa năng lượng, đốt cháy calo và các mô mỡ.

4. Dùng thuốc điều trị mỡ máu cao

Thuốc điều trị mỡ máu cao

Có 3 nhóm thuốc điều trị mỡ máu cao phổ biến, bao gồm:

Nhóm thuốc điều trị mỡ máu cao statin

Statin là nhóm thuốc ức chế cạnh tranh với hydroxymethylglutaryl coenzyme (HMG-CoA) reductase – enzyme chuyển đổi HMG-CoA thành mevalonate, tiền chất của cholesterol. Đây là nhóm thuốc được chỉ định sử dụng trong trường hợp tăng cholesterol máu, giảm nguy cơ tim mạch, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch.

Liều dùng statin thường được sử dụng vào buổi tối. Các thuốc thuộc nhóm statin bao gồm lovastatin, atorvastatin, simvastatin…

Nhóm thuốc điều trị mỡ máu cao fibrate

Fibrate là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị mỡ máu cao có tác dụng giảm chỉ số LDL, triglyceride và tăng chỉ số HDL. Nhóm Fibrate là lựa chọn hàng đầu trong trường hợp bệnh nhân tăng triglyceride. Nhóm thuốc này có thể giúp giảm đến 40 – 60% chỉ số triglyceride.

Thuốc nhóm Fibrate có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với những loại thuốc điều trị mỡ máu cao khác. Các thuốc trong nhóm bao gồm fenofibrate, ciprofibrate, bezafibrate.

Nhóm thuốc điều trị mỡ máu cao niacin

Niacin là loại thuốc trong số 8 loại vitamin nhóm B, cụ thể là vitamin B3 có tác dụng hạ mỡ máu. Nhóm thuốc này được dùng kết hợp với thuốc statin, hoặc các trường hợp người bệnh không dung nạp với statin. Niacin là vitamin tan trong nước giúp ức chế sản xuất các lipoprotein tại gan, giảm chỉ số LDL và tăng chỉ số HDL.

Bạn không nên tự ý mua hay ngưng thuốc điều trị mỡ máu cao. Bất kỳ triệu chứng nào bất thường cũng cần có sự thăm khám, chẩn đoán của bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Để kiểm soát được lượng mỡ máu an toàn và hiệu quả, bạn cần phối hợp nhiều cách điều trị mỡ máu cao khác nhau. Kết quả không thể đến một sớm một chiều, bạn hãy kiên trì để đạt được hiệu quả như mong muốn nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Lipid Disorder: What You Should Know About High Blood Cholesterol and Triglycerides
https://www.healthline.com/health/high-cholesterol/lipid-disorder
Ngày truy cập 18.06.2019

High Cholesterol
https://familydoctor.org/condition/cholesterol/
Ngày truy cập 18.06.2019

High Blood Lipids (Fats)
https://www.nhsggc.org.uk/your-health/health-services/hsd-patient-carers/heart-disease/risk-factors-for-heart-disease/high-blood-lipids-fats/
Ngày truy cập 18.06.2019

Phiên bản hiện tại

08/12/2020

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Chữa mỡ máu cao bằng thảo dược: 5 cây thuốc quý giúp đẩy lùi bệnh

4 cách giảm mỡ máu cao để phòng ngừa tai biến


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 08/12/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo