Mỡ máu cao có thể khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ [1]. Chế độ ăn lành mạnh cho người mỡ máu cao sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm mức mỡ trong máu, từ đó, nguy cơ mắc phải các căn bệnh nguy hiểm sẽ giảm đi đáng kể! [7]
Mỡ máu cao (tăng mỡ máu) là tình trạng tăng hàm lượng các chất mỡ trong máu [2]. Mỡ máu gồm nhiều thành phần, trong đó điển hình là cholesterol và triglyceride. Khi bị mỡ máu cao, bạn có thể bị tăng 1 hay cả 2 thành phần trên [3]. Mỡ máu cao có thể rất nguy hiểm cho cơ thể, có thể dẫn đến các bệnh lý như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác [1] .
Để kiểm soát tình trạng mỡ máu cao, chế độ ăn đóng vai trò rất quan trọng [7]. Vậy chế độ ăn cho người mỡ máu cao như thế nào? Người bị mỡ máu cao nên ăn gì và kiêng ăn gì? Các thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong bài viết này, cùng tìm hiểu nhé!
I. Mỡ máu cao nên ăn uống như thế nào?
Chế độ ăn cho người mỡ máu cao sẽ cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Giảm năng lượng của khẩu phần ăn: Mức giảm lý tưởng sẽ khoảng 300 calo so với khẩu phần ăn cho đến khi đạt được năng lượng tương ứng với mức BMI. Bên cạnh đó, việc theo dõi cân nặng và BMI để điều chỉnh tổng lượng calo hàng tháng hoặc hàng quý sẽ rất quan trọng vì nó giúp đề phòng được việc giảm cân quá nhanh hoặc quá nhiều. [4]
- Giảm lượng chất béo tiêu thụ: Giảm lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có trong khẩu phần ăn sẽ giúp giảm lượng mỡ trong máu. Lượng chất béo chỉ nên chiếm 15-20% tổng năng lượng dựa vào BMI. Trong đó, chất béo no chiếm 1/3 tổng lượng chất béo, 1/3 là axit béo chưa no chứa nhiều nối đôi và 1/3 còn lại là axit béo chưa no một nối đôi [4]. Ngoài ra, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị nên hạn chế chất béo bão hòa dưới 6% lượng calo hàng ngày và giảm thiểu lượng chất béo chuyển hóa trong các bữa ăn. [5]
- Giảm lượng cholesterol: Lượng cholesterol khuyến nghị dành cho người mỡ máu cao là dưới 250mg/ngày. [4]
- Giảm lượng muối trong các bữa ăn: Quá nhiều muối trong bữa ăn có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng chất lỏng và huyết áp. Bạn nên hạn chế lượng muối khoảng 2300mg (2,3g) một ngày. [6]
- Tăng lượng đạm (protein): Lượng protein nên chiếm khoảng 12-20% tổng năng lượng, bao gồm đạm động vật và đạm thực vật. [4]
- Ăn nhiều trái cây, rau củ quả hằng ngày: Đây là những loại thực phẩm chứa ít calo và chất béo nhưng lại là nguồn cung cấp dồi dào chất xơ, các vitamin thiết yếu và các chất oxy hóa có thể giúp giảm mức mỡ trong máu [6]
- Hạn chế uống rượu, bia: Rượu, bia có thể làm tăng mức cholesterol và chất béo trung tính trong cơ thể. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để biết thêm về lượng rượu, bia hoặc thức uống có cồn bạn có thể dùng trong 1 ngày hoặc 1 tuần.[6]
II. Mỡ máu cao ăn gì và kiêng gì?
Mỡ máu cao nên ăn gì?
Dưới đây là một số thực phẩm tốt cho người mỡ máu cao nên có trong chế độ ăn:
- Thực phẩm giàu chất xơ như rau củ, trái cây, bột yến mạch, các loại đậu: Chất xơ hòa tan có thể làm giảm sự hấp thụ cholesterol vào máu. Bổ sung từ 5 – 10g chất xơ hòa tan mỗi ngày sẽ làm giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. [7]
- Cá và các thực phẩm giàu axit béo omega-3: Các loại cá béo như cá thu, cá trích, cá ngừ, cá hồi chứa hàm lượng axit béo omega-3 cao, giúp làm giảm triglyceride, giảm huyết áp và nguy cơ hình thành cục máu đông. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị nên ăn ít nhất hai phần cá mỗi tuần và nên nướng để tránh có thêm lượng chất béo không lành mạnh “xuất hiện” trong quá trình chế biến. Ngoài cá, bạn có thể thêm vào thực đơn các loại thực phẩm giàu axit béo omega- 3 khác như quả óc chó, hạt lanh, dầu hạt cải… [7]
- Hạnh nhân, óc chó và các loại hạt khác: Có tác dụng hỗ trợ cải thiện lượng mỡ trong máu. Một nghiên cứu gần đây kết luận rằng chế độ ăn có chứa quả óc chó có thể làm giảm nguy cơ biến chứng tim mạch ở những người có tiền sử nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, hầu hết các loại hạt đều có hàm lượng calo cao. Vì thế, bạn hãy bổ sung một lượng ít vào salad hoặc món ăn nhẹ thôi nhé. [7]
- Quả bơ: Bơ là loại trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe cũng như các axit béo không bão hòa đơn (MUFAs). Nghiên cứu cho thấy ăn một quả bơ mỗi ngày kết hợp với chế độ ăn uống tốt cho tim mạch có thể giúp cải thiện mức cholesterol xấu ở những người thừa cân, béo phì. [7]
- Trứng: Một quả trứng chiếm khoảng 60% cholesterol tiêu thụ hằng ngày, nhưng nó chỉ chứa 8% lượng chất béo bão hòa. Trứng ít calo nhưng chứa nhiều protein, vitamin B, sắt và các chất dinh dưỡng khác. Bạn nên chọn lòng trắng trứng thay vì lòng đỏ vì lòng trắng chứa nhiều protein mà không chứa cholesterol. [8]
- Đậu nành và các thực phẩm làm từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành có thể giảm cholesterol hiệu quả. Tiêu thụ 25g protein từ đậu nành mỗi ngày (khoảng 284g đậu phụ hoặc 2,5 cốc sữa đậu nành) có thể làm giảm cholesterol xấu từ 5% đến 6%. [9]
- Các loại dầu thực vật như như dầu hạt cải, dầu hướng dương thay cho bơ, mỡ động vật sẽ giúp làm giảm cholesterol xấu, từ đó giúp kiểm soát mỡ máu.[9]
2. Mỡ máu cao kiêng ăn gì?
Trong chế độ ăn cho người mỡ máu cao, người bị mỡ máu cần tránh các thực phẩm như:
- Sữa nguyên kem và các sản phẩm từ sữa chưa tách béo: Sữa nguyên kem, bơ, sữa chua và phô mai thường chứa nhiều chất béo bão hòa. Bên cạnh đó, phô mai cũng có xu hướng chứa nhiều muối. Nếu bạn có chỉ số mỡ máu cao, hãy hạn chế lượng phô mai ăn trong một tuần ở mức khoảng 80g và ưu tiên chọn loại phô mai và sữa tách béo. [8]
- Thịt đỏ: Thường có xu hướng chứa hàm lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao. Chính vì vậy, với người mỡ máu cao, tốt nhất bạn nên tập trung lựa chọn các nguồn protein động vật ít chất béo chẳng hạn như thịt gia cầm bỏ da hoặc thịt nạc xay. [8]
- Thịt đã qua chế biến: Bạn nên hạn chế ăn các loại thịt được chế biến sẵn vì những loại thịt này thường chứa hàm lượng natri cao và chứa ít dinh dưỡng. Không những vậy, một số loại thịt chế biến như thịt xông khói, xúc xích thường được làm từ thịt bò hoặc thịt lợn nhiều mỡ. [8]
- Đồ chiên, xào: Các thực phẩm được làm chín bằng cách chiên ngập dầu như khoai tây chiên, gà rán có da, chả giò.thường có lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao. [8]
- Đồ ngọt: Bánh quy, bánh kem hoặc bánh vòng (Doughnut) thường chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Bên cạnh đó, những món ăn này cũng chứa nhiều đường, có thể làm tăng lượng chất béo trung tính trong máu và làm nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch vành. [8]
Song song với việc thay đổi chế độ ăn, người bị mỡ máu cao cũng cần chú ý thay đổi lối sống, thường xuyên tập thể dục. Một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc điều trị tăng mỡ máu. Loại thuốc cần dùng và liều dùng sẽ phụ thuộc vào chỉ số mỡ máu cụ thể, tình hình sức khỏe như bạn có đang bị bệnh tim, đái tháo đường hay các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim hay không [10]. Nếu được chỉ định dùng thuốc, bạn cần uống thuốc đúng theo chỉ định, không được tự ý ngưng thuốc. Ngoài ra, bạn cũng cần trao đổi với bác sĩ nếu gặp phải các tác dụng không mong muốn của thuốc [14].
Hiện nhóm thuốc hạ mỡ máu được dùng phổ biến nhất là statin. Statin giúp làm giảm đáng kể mức cholesterol LDL (cholesterol xấu), đồng thời làm giảm mức triglyceride và tăng cholesterol HDL (cholesterol tốt) [13]. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những bệnh nhân được điều trị bằng statin trong 5 năm đã cải thiện tỷ lệ sống sót và giảm đáng kể bệnh tim mạch trên lâm sàng trong 20 năm. [11] Bên cạnh statin, fibrate và niacin cũng thuộc nhóm thuốc hạ mỡ máu được dùng với tác dụng làm giảm mức triglyceride trong máu. [12]
Tuy nhiên, bạn cần trao đổi với bác sĩ trước khi dùng các thuốc điều trị mỡ máu cao. Bởi không phải lúc nào bị mỡ máu cao cũng cần dùng thuốc và việc dùng thuốc như thế nào còn phụ thuộc vào tình hình sức khỏe cụ thể của người, nhất là nếu bạn bị bệnh thận hoặc gan nặng hoặc đang dùng các loại thuốc khác. [12]
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc về chế độ ăn cho người mỡ máu cao cùng với các món nên ăn và nên kiêng. Tuân thủ chế độ ăn khoa học cùng với việc duy trì lối sống lành mạnh và sử dụng thuốc theo đúng chỉ định sẽ giúp bạn dễ dàng kiểm soát được tình trạng mỡ máu cao.[3]
PP-LIP-VNM-0581
[embed-health-tool-bmi]