backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Xuất hiện cơn đau ngực: Nghĩ ngay đến bệnh mạch vành!

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 17/03/2022

    Xuất hiện cơn đau ngực: Nghĩ ngay đến bệnh mạch vành!

    Cơn đau ngực, khó chịu ở ngực là một triệu chứng không quá nguy hiểm nhưng lại có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề ở tim, chẳng hạn như bệnh mạch vành. [1]

    Cơn đau ngực là triệu chứng đặc trưng bởi cảm giác đau hay khó chịu ở ngực khi cơ tim không nhận được đủ lượng oxy cần thiết [1]. Khi gặp phải tình trạng đau ngực, tốt nhất bạn nên đi khám để được chẩn đoán đúng vấn đề đang gặp phải vì đau ngực có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý về tim mạch, chẳng hạn như bệnh mạch vành hoặc nghiêm trọng hơn là nhồi máu cơ tim [2].

    Đau ngực – Dấu hiệu điển hình của bệnh mạch vành

    Cơn đau ngực hay còn được gọi với thuật ngữ y khoa là đau thắt ngực thường xảy ra khi lưu lượng máu đến cơ tim bị giảm, khiến tim không nhận đủ oxy. Nguyên nhân phổ biến khiến lưu lượng máu đến cơ tim bị giảm thường là do bệnh động mạch vành. [3]

    Bệnh động mạch vành là tình trạng các động mạch vành có vai trò cung cấp máu, oxy và chất dinh dưỡng cho tim bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn do sự tích tụ của các mảng xơ vữa khiến lưu lượng máu đến tim bị giảm (4). Ở những thời điểm nhu cầu oxy của cơ tim thấp, chẳng hạn như khi nghỉ ngơi, cơ tim vẫn có thể hoạt động bình thường dù lượng máu lưu thông đến tim giảm mà không gây tình trạng đau ngực. Tuy nhiên, khi nhu cầu oxy của cơ tim tăng, chẳng hạn như khi tập thể dục, cơn đau ngực có thể xuất hiện [3].

    Khi lên cơn đau ngực, người bệnh sẽ có cảm giác như bị đè ép, siết chặt, nóng ran hay nặng, tức ở ngực [3, 5, 6]. Một số người còn cảm thấy tê hay mất cảm giác ở cánh tay, vai hay cổ tay [7]. Cơn đau có thể bắt đầu từ giữa ngực nhưng có thể lan đến cánh tay trái, cổ, lưng, cổ họng hoặc hàm nhưng sẽ không xuất hiện ở trên tai hay dưới rốn [5,7]. Ngoài ra, cơn đau ngực do bệnh mạch vành còn có thể xảy ra cùng với một số triệu chứng khác như chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, thở nông, đổ mồ hôi hay cảm thấy cơ thể đang có vấn đề [1, 4, 6]. Cơn đau ngực có 3 loại: 

  • Cơn đau thắt ngực ổn định: Cơn đau thường kéo dài trong khoảng 5 phút, xuất hiện khi vận động gắng sức và giảm bớt khi nghỉ ngơi. Đây có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh mạch vành. Bởi cơn đau ngực ổn định thường là do tim không nhận đủ oxy khi cơ tim có nhu cầu được cung cấp oxy nhiều hơn, chẳng như khi tập thể dục… [2, 8]
  • Cơn đau thắt ngực không ổn định: Đây là loại đau thắt ngực nguy hiểm nhất, thường xuất hiện đột ngột, nghiêm trọng dần lên và có thể kéo dài hơn 30 phút [2], thậm chí khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc thì các triệu chứng cũng không cải thiện. Trường hợp này cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cho Trung tâm cấp cứu 115 vì có thể là dấu hiệu của một đợt nhồi máu cơ tim. [1, 3]
  • Cơn đau thắt ngực Prinzmetal (đau thắt ngực biến thiên): Rất hiếm gặp, xảy ra do có sự co thắt ở các động mạch vành [2, 6]. Triệu chứng thường xuất hiện trong lúc nghỉ ngơi, vào buổi tối hay sáng sớm nhưng có thể điều trị được bằng thuốc. [2]
  • Điều trị cơn đau ngực do bệnh mạch vành như thế nào?

    Bệnh mạch vành gây ra cơn đau ngực

    Có rất nhiều lựa chọn trong điều trị cơn đau ngực liên quan đến bệnh mạch vành, bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc theo chỉ định, nong mạch và đặt stent hay phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Tất cả đều hướng về mục tiêu là giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng đau thắt ngực cũng như làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và tử vong. [3]

    Để điều trị tình trạng đau ngực do bệnh mạch vành, bác sĩ có thể chỉ định thay đổi lối sống bằng cách tăng cường vận động, tập thể dục mỗi ngày, kiểm soát cân nặng và có chế độ ăn uống nghiêm ngặt hơn (giảm lượng chất béo và cholesterol nạp vào cơ thể). [9]

    Nếu việc thay đổi lối sống đơn thuần không giúp cải thiện cơn đau thắt ngực, bác sĩ có thể chỉ định dùng các loại thuốc giúp giảm tình trạng đau ngực, chẳng hạn như thuốc chẹn kênh canxi [3]. Hướng dẫn của Viện Y tế và Chất lượng Điều trị Quốc gia Anh (NICE) trong việc quản lý cơn đau thắt ngực ổn định xem thuốc chẹn kênh canxi là phương pháp điều trị đầu tay thích hợp, giúp giảm nguy cơ tái phát bệnh mạch vành và giảm nguy cơ nhập viện do đau thắt ngực ở người bị bệnh mạch vành [10]

    Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc khác như [3]:

    • Nitrate. Hoạt chất này giúp mạch máu giãn và mở rộng ra để dòng máu lưu thông đến các cơ tim nhiều hơn. Bạn có thể dùng thuốc chứa nitrate khi cảm thấy khó chịu ở ngực, trước khi hoạt động gắng sức hay dùng như một cách phòng ngừa lâu dài.
    • Aspirin hay các thuốc ngăn ngừa hình thành cục máu đông khác. Những thuốc này đều ngăn chặn cục máu đông hình thành để giảm nguy cơ gặp phải biến cố tim mạch trong tương lai.
    • Statin. Đây là nhóm thuốc có công dụng làm giảm cholesterol máu. Trong các thử nghiệm lâm sàng, các thuốc statin làm giảm nguy cơ tử vong do mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở người bệnh có cơn đau thắt ngực ổn định.
    • Thuốc chẹn beta, giúp nhịp tim chậm hơn và ít áp lực hơn, nhờ đó giảm được huyết áp ở người bệnh. Ngoài ra, thuốc chẹn beta còn giúp các mạch máu giãn nở rộng ra để cải thiện lưu lượng máu, giúp giảm thiểu hoặc ngăn ngừa các cơn đau thắt ngực.

    Nếu bạn còn bị tăng huyết áp, đái tháo đường, có dấu hiệu suy tim hay bệnh thận mạn, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm thuốc làm hạ huyết áp. Hai nhóm thuốc chính được sử dụng là thuốc ức chế men chuyển (ACE) hay thuốc chặn thụ thể angiotensin II (ARB).

    Các triệu chứng bệnh mạch vành khác cần cảnh giác

    Thuốc điều trị cơn đau ngực do bệnh mạch vành

    Ngoài sự xuất hiện của cơn đau thắt ngực, bệnh mạch vành có thể gây ra những triệu chứng sau: [5]

    • Thở nông, hơi thở ngắn
    • Đổ mồ hôi
    • Cảm thấy yếu, mất sức lực
    • Choáng váng
    • Buồn nôn
    • Nhịp tim nhanh
    • Đánh trống ngực

    Một vài triệu chứng có thể cho thấy đang có cơn đau thắt ngực hoặc khởi phát cơn nhồi máu cơ tim do bệnh mạch vành tiềm ẩn, gồm: [5]

    • Đau, khó chịu, cảm thấy bóp chặt, đè nén hay nóng ran ở ngực, cánh tay, vai, lưng, bụng trên hay hàm
    • Chóng mặt
    • Suy nhược, mệt mỏi
    • Buồn nôn hoặc nôn mửa
    • Khó tiêu hoặc ợ nóng
    • Đổ mồ hôi
    • Nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim không đều
    • Lo lắng hay cảm thấy không khỏe

    Cơn đau ngực do bệnh mạch vành có thể dễ nhầm lẫn với các tình trạng khác, chẳng hạn như cảm giác khó tiêu của chứng đầy hơi. Chính vì vậy, nếu bạn để ý và quan sát thấy cơn đau ngực mình gặp phải tương đồng với những mô tả kể trên mà không rõ nguyên nhân, hãy đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị cụ thể. [3]

    PP-NOR-VNM-0143

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 17/03/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo