Chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh liên quan trực tiếp đến sức khỏe tim mạch. Không bao giờ là quá muộn để thay đổi những yếu tố này, đặc biệt là khi bạn vừa trải qua một cơn nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa rõ bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn gì và thay đổi lối sống ra sao.
Các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng hàm lượng LDL-cholesterol và khiến mảng xơ vữa tích tụ nhiều hơn trong động mạch. Điều này khiến tình trạng xơ vữa động mạch trở nên tệ hơn và làm tăng nguy cơ dẫn đến cơn nhồi máu cơ tim [1]. Không những vậy, một số yếu tố liên quan đến lối sống như hút thuốc lá, thừa cân, ít vận động… cũng có thể góp phần dẫn đến tình trạng này [2].
Việc ăn uống lành mạnh kết hợp với thay đổi lối sống sẽ giúp bạn ngăn ngừa đáng kể nguy cơ hình thành và tái phát nhồi máu cơ tim [1].
Bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn gì?
Các chuyên gia nhận ra rằng, chế độ ăn uống cho người bị nhồi máu cơ tim không nên chỉ dựa vào một nhóm thực phẩm nhất định mà cần kết hợp nhiều nhóm với nhau [3].
Các loại thực phẩm tốt cho người bị nhồi máu cơ tim
Chế độ ăn dành cho người bệnh nhồi máu cơ tim nên bao gồm các loại thực phẩm tốt cho tim mạch như [4]:
- Đa dạng các loại trái cây và rau xanh
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Sản phẩm từ sữa ít béo
- Thịt gia cầm và cá đã bỏ da
- Các loại hạt và đậu
- Dầu thực vật
Cá là một trong những nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho tim, đặc biệt là các loại cá có dầu chứa nhiều axit béo omega-3. Chúng giúp ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông và nhồi máu cơ tim. Các loại cá tốt cho tim mạch có thể kể đến như cá hồi, cá ngừ, cá trích… [4, 5].
Bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn theo chế độ ăn gì?
Nếu bạn đang tìm kiếm một chế độ ăn tốt cho người bị nhồi máu cơ tim thì dưới đây là một số lựa chọn bạn có thể cân nhắc:
- Chế độ ăn Địa Trung Hải
- Chế độ ăn DASH
- Chế độ ăn chú trọng thực vật
Các chế độ ăn này rất tốt cho tim mạch và giúp bạn ngăn ngừa sự xuất hiện của cơn nhồi máu cơ tim [6, 7, 8].
Bệnh nhồi máu cơ tim không nên ăn gì?
Người bệnh nhồi máu cơ tim phải tránh xa các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và đường, ví dụ như [1, 4, 9]:
- Đồ chiên
- Mỡ, bơ
- Thịt đỏ
- Thức ăn và đồ uống có nhiều đường
- Bánh, kẹo, kem
Để giảm lượng cholesterol trong máu, bạn cần giảm lượng chất béo bão hòa tiêu thụ xuống không quá 5-6% tổng lượng calo hằng ngày. Đồng thời, bạn cũng cần hạn chế lượng muối sử dụng ở mức dưới 1,5g [4].
Thay đổi thói quen sống để ngăn ngừa nhồi máu cơ tim tái phát
Dinh dưỡng đóng một phần quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Bên cạnh chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt lành mạnh cũng giúp trái tim khỏe mạnh hơn.
Bỏ thuốc lá
Thuốc lá là một trong những yếu tố góp phần dẫn đến nhồi máu cơ tim do gây xơ vữa động mạch và làm tăng huyết áp [1]. Nếu bạn hút thuốc lá, hãy bỏ ngay [10].
Tập thể dục
Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân nhồi máu cơ tim nên dành 150 phút mỗi tuần để hoạt động thể chất [10]. Các hoạt động như đi bộ, bơi lội, đạp xe đạp có thể phù hợp với bạn [1].
Giảm cân
Trọng lượng cơ thể dư thừa buộc tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, điều này làm tăng huyết áp và góp phần dẫn đến nhồi máu cơ tim [1]. Vì vậy, nếu bạn đang thừa cân, hãy giảm cân ngay.
Kiểm soát căng thẳng
Các yếu tố tâm lý, chẳng hạn như căng thẳng, lo lắng, tức giận có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và làm tăng nguy cơ gặp phải nhồi máu cơ tim. Vì vậy, bạn nên kiểm soát căng thẳng bằng cách ngủ đủ giấc, tập thiền, yoga…[11]
Hạn chế rượu bia
Thường xuyên uống nhiều rượu bia sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Theo đó, các chuyên gia khuyên bạn không được uống nhiều hơn 14 đơn vị rượu một tuần [1].
Chế độ ăn uống kết hợp với lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn ngăn ngừa đáng kể nguy cơ hình thành và tái phát nhồi máu cơ tim. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn biết được người bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn gì và thay đổi lối sống ra sao.
[embed-health-tool-heart-rate]