Viêm loét dạ dày (hay đau bao tử) là bệnh đường tiêu hóa rất thường gặp. Viêm loét dạ dày có nguy hiểm không, có đáng sợ không? Làm cách nào để phòng ngừa và điều trị căn bệnh hay đeo bám dai dẳng này?
Mời bạn cùng tìm hiểu qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau nhé!
Hiểu biết chung về bệnh viêm loét dạ dày
Bệnh viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày có những vết loét, thậm chí ăn mòn xuống các lớp bên dưới của thành dạ dày. Bệnh gây nhiều đau rát ở vùng bụng trên, mới đầu đau gián đoạn và còn chịu đựng được. Tuy nhiên bệnh nặng sẽ làm cho người bệnh rất khó để duy trì nhịp độ công việc và sinh hoạt hằng ngày.
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày đã được y học xác nhận lại
Trước đây, người ta tin rằng stress và một số loại thức ăn là nguyên nhân chính gây đau bao tử hay viêm loét dạ dày. Y học hiện đại đã chỉ ra rằng, vi khuẩn Helicobacter Pylori là nguyên nhân trực tiếp chủ yếu, gây ra hầu hết các tổn thương ở lớp niêm mạc, dẫn đến viêm loét dạ dày.
Vi khuẩn H. Pylori lây qua đường miệng, người ở môi trường vệ sinh kém, thường hay ăn hàng quán không hợp vệ sinh, dùng chung muỗng đũa với người bệnh sẽ dễ nhiễm hơn, hoặc lây nhiễm chéo từ các thiết bị y khoa không được khử khuẩn đúng. H. Pylori hiện diện ở khoảng 40 – 70% dân số nhưng lại không gây triệu chứng ở nhiều người.
Các nguyên nhân khác gây viêm loét dạ dày thường gặp:
- Sử dụng lâu dài các loại thuốc kháng viêm, giảm đau NSAID (như aspirin, ibuprofen, naproxen và các loại thuốc kê đơn khác)
- Uống nhiều rượu, bia
- Hút thuốc lá
- Căng thẳng kéo dài
Khi đã bị viêm loét dạ dày, những tác nhân sau sẽ làm bệnh trầm trọng hơn:
- Giờ giấc ăn uống thất thường
- Dạ dày có thể bị tổn thương bởi các thức ăn độc hại, nhiễm khuẩn
- Ăn nhiều thức ăn cay, nóng, khó tiêu, nhai không kỹ
Nhận diện chứng viêm loét dạ dày cách nào?
Triệu chứng viêm loét dạ dày khi mới xuất hiện thường thoáng qua và không gây chú ý. Khi bệnh tiến triển, người bệnh cảm thấy:
- Đau dạ dày là triệu chứng điển hình nhất, đau nhiều hơn khi bụng đói và ban đêm. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội.
- Cảm giác nóng ran ở vùng bụng trên (thượng vị)
- Thường xuyên bị khó tiêu, đầy hơi
- Tiêu hóa rất kém với các món ăn nhiều dầu mỡ
Với những triệu chứng này, viêm loét dạ dày có nguy hiểm không, nguy hiểm như thế nào? Mời bạn cùng tiếp tục tìm hiểu.
Viêm loét dạ dày có nguy hiểm không?
Viêm loét dạ dày là chứng bệnh tương đối phổ biến, nhưng không vì vậy mà bạn có thể xem thường. Nếu không được điều trị, bệnh có thể diễn tiến trở thành những biến chứng nguy hiểm cho tính mạng. Người bị viêm loét dạ dày có thể gặp phải một trong vấn đề sức khỏe sau:
1. Xuất huyết dạ dày
Xuất huyết dạ dày (hay xuất huyết bao tử) xảy ra khi vết loét ăn sâu xuống các lớp dưới niêm mạc là nơi có rất nhiều mạch máu. Tình trạng xuất huyết có thể diễn ra từ từ, gây thiếu máu, suy nhược cho người bệnh. Vết loét trúng mạch máu lớn gây xuất huyết ồ ạt, đe dọa tính mạng nên người bệnh cần được cấp cứu kịp thời.
Người bệnh có thể nhận ra mình bị xuất huyết trong dạ dày và ống tiêu hóa nói chung nếu thấy phân hoặc chất nôn ói có màu đen hoặc chứa máu.
Đây là một biến chứng rất thường gặp của bệnh. Vì vậy, viêm loét dạ dày có nguy hiểm không? Đến đây chắc hẳn bạn đã có được câu trả lời.
2. Viêm loét dạ dày có nguy hiểm không? Cẩn thận với rò dạ dày
Khi không được điều trị, dưới sự tác động của axit dạ dày và các loại enzyme tiêu hóa, vết loét có thể xuyên thủng thành dạ dày, tạo thành lỗ rò, khiến cho các chất trong hệ tiêu hóa tràn vào khoang bụng gây viêm nhiễm. Viêm phúc mạc (lớp màng bao bọc bên trong khoang bụng) là một tình trạng nguy hiểm, có thể gây viêm nhiễm toàn thân và đòi hỏi điều trị bằng kháng sinh hoặc phẫu thuật.
3. Chít hẹp môn vị và tắc dạ dày
Dù đã khỏi bệnh nhưng những vết loét sâu rộng khi lành thường để lại sẹo cho thành dạ dày. Đặc biệt nếu sẹo dính nằm tại môn vị (van ngăn cách dạ dày với tá tràng), sẽ gây tắc nghẽn ở cửa dưới dạ dày, cản trở sự lưu thông của thức ăn.
Tắc nghẽn làm cho người bệnh cảm thấy no sớm dù ăn chưa đủ, hay buồn nôn, nôn và sụt cân. Tuy tình trạng chít hẹp môn vị và tắc dạ dày không phải là biến chứng cần cấp cứu nhưng gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe bệnh nhân. Do đó, có là câu trả lời cho thắc mắc viêm loét dạ dày có nguy hiểm không.
4. Viêm loét dạ dày có nguy hiểm không? Nguy cơ ung thư dạ dày
Viêm loét dạ dày cũng là một thể biểu hiện ung thư dạ dày. Những bệnh nhân có tiền căn gia đình bị ung thư dạ dày, trên 40 tuổi, dấu hiệu sụt cân, thiếu máu, xuất huyết tiêu hóa…là các đối tượng nguy cơ cao, cần được tầm soát ung thư dạ dày. Nguy cơ này càng cao hơn nếu người bệnh có nhiễm vi khuẩn H. Pylori.
Điều trị và phòng ngừa viêm loét dạ dày như thế nào?
Tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh để kìm hãm hoặc tiêu diệt H. Pylori (nếu có), giảm bớt hoặc thay thế các thuốc NSAID người bệnh đang sử dụng và áp dụng các biện pháp thúc đẩy vết loét mau lành như:
- Các thuốc giảm hoặc ngăn dạ dày tiết axit: PPI (thuốc ức chế bơm proton), thuốc chẹn thụ thể H2
- Thuốc trung hòa axit dạ dày
- Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm lành vết loét.
Trong quá trình nội soi dạ dày để quan sát tình trạng viêm loét, thường áp dụng nếu bệnh đã tiến triển tương đối nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiến hành các thủ thuật cầm máu cho vết loét bị xuất huyết.
Người bệnh cần làm gì để cải thiện tình trạng
Những thói quen sống lành mạnh vừa là điều cần thiết giúp viêm loét dạ dày sớm được chữa khỏi, vừa là cách thức hữu hiệu để phòng tránh căn bệnh phiền toái này. Những điều nên làm bao gồm:
- Kiểm soát căng thẳng: Stress, áp lực là không thể tránh khỏi trong cuộc sống, tuy vậy bạn có thể học cách kiểm soát stress bằng cách thường xuyên vận động thể chất, dành thời gian với bạn bè, gia đình hoặc học thêm những điều thú vị và bổ ích.
- Không hút thuốc: Khói thuốc không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định của lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày mà còn gây tiết nhiều axit tiêu hóa.
- Hạn chế hoặc kiêng cữ thức uống có cồn: Tiêu thụ nhiều thưc uống có cồn gây khó chịu và bào mòn lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột non, gây viêm và chảy máu.
- Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc giảm đau: Nếu bạn cần uống thuốc giảm đau thường xuyên, hãy trao đổi với bác sĩ để được thay thế bằng những loại thuốc không ảnh hưởng đến dạ dày.
- Tuân thủ quy tắc ăn uống: Ăn đúng bữa, nhai kỹ, đồng thời cần hạn chế đồ ăn cay nóng nếu bạn đã bị viêm loét dạ dày.
Như vậy, viêm loét dạ dày có nguy hiểm không? Câu trả lời hẳn nhiên là có. Ngoài các biến chứng gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng như đã nêu, những cơn đau không ngớt do viêm loét dạ dày có thể gây suy giảm chất lượng cuộc sống và sức khỏe người bệnh một cách đáng kể. Mong rằng bài viết trên đây sẽ giúp bạn đọc chú ý phòng ngừa và kiểm soát căn bệnh này tốt hơn.
[embed-health-tool-bmr]