backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Những cách dùng cây nhọ nồi chữa đau dạ dày mang lại kết quả

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 15/05/2022

    Những cách dùng cây nhọ nồi chữa đau dạ dày mang lại kết quả

    Ngoài việc điều trị  bằng  các phương pháp Tây y, bệnh viêm loét dạ dày tá tràng giai đoạn sớm có thể được chữa khỏi bằng các thảo dược quen thuộc và thói quen sinh hoạt lành mạnh. Việc áp dụng các bài thuốc cây nhọ nồi chữa đau dạ dày có thể giúp người bệnh kiểm soát các cơn đau và triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, mệt mỏi thường xuất hiện kèm theo.

    Cụ thể cách thực hiện ra sao? Mời bạn cùng tìm hiểu qua những thông tin đã được Hello Bacsi chọn lọc và tổng hợp sau đây.

    Cây nhọ nồi có tác dụng gì đối với bệnh viêm loét dạ dày tá tràng?

    Cây nhọ nồi hay còn gọi là cỏ mực

    Tên khoa học: Eclipta prostrata hoặc Eclipta alba Hassk, thực vật họ Cúc.

    Tên Đông y: hàn liên thảo. Bộ phận sử dụng: toàn cây, tươi hoặc khô.

    Trong Đông y, cây nhọ nồi được xếp vào nhóm thảo dược cầm máu, tính mát, vị ngọt chua, bổ vào gan, thận âm. Dân gian dùng nước cốt cây nhọ nồi trị rong kinh, trĩ ra máu, bị thương chảy máu. Cây nhọ nồi có tính chất thanh nhiệt và kháng khuẩn nên còn được dùng để chữa ho hen, viêm họng, táo bón, chữa bỏng, nấm ngoài da và làm đen tóc…

    Ngoài tinh dầu, tannin, carotene, flavonoid chưa xác định, cây nhọ nội chứa các hoạt chất có tiềm năng như wedelolacton, demethylwedelolacton, các eclalbasaponin và alkaloid có khả năng giảm đau, kháng viêm. Nghiên cứu cho thấy cây nhọ nồi chống lại tác dụng của hoạt chất kháng đông dicoumarin, cũng như tăng tỉ lệ prothrombin toàn phần, một trong các yếu tố đông máu của cơ thể.

    Với những đặc điểm kể trên, các bài thuốc dân gian dùng cây nhọ nồi chữa đau dạ dày giúp ngăn ngừa, hạn chế vết loét chảy máu, thúc đẩy tổn thương mau lành và giảm nhẹ các cơn đau. Ngoài ra, việc dùng cây nhọ nồi chữa đau dạ dày còn có thể hỗ trợ tiêu hóa vốn thường bị rối loạn do chức năng dạ dày bị giảm sút và kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn H. pylori gây viêm loét dạ dày tá tràng. 

    Mách nhỏ 4 bài thuốc dùng cây nhọ nồi chữa đau dạ dày mà bạn có thể thử 

    1. Dùng nước cốt cây nhọ nồi chữa đau dạ dày

    cây nhọ nồi chữa đau dạ dày

    Thực hiện:

    • Rửa sạch 100 gam lá cây nhọ nồi (có thể dùng cả thân cây) dưới vòi nước chảy.
    • Ngâm lá trong nước muối loãng 10 phút để loại bỏ hầu hết bụi bẩn và vi khuẩn bám bên ngoài, sau đó vớt ra để cho ráo. 
    • Xay nhuyễn cây nhọ nồi bằng máy xay sinh tố hoặc dùng cối giã. 
    • Lọc bỏ bã, hòa vào 1 lít nước uống.
    • Chia nước nhọ nồi thành 2 phần, uống hết trong ngày. 

    Theo chia sẻ của nhiều người, việc duy trì uống nước cây nhọ nồi liên tục trong 7 – 10 ngày giúp giảm đáng kể các cơn đau dạ dày, tá tràng, chứng đầy hơi, chán ăn, mệt mỏi…

    2. Kết hợp táo đỏ, cam thảo, bạch cập vào bài thuốc cây nhọ nồi chữa đau dạ dày

    cây nhọ nồi chữa đau dạ dày

    Táo đỏ (một loại táo Tàu) và cam thảo là những vị thuốc điều hòa, hóa giải có tính bồi bổ có mặt trong nhiều đơn thuốc. Táo đỏ bổ tỳ ích khí, dưỡng vị thì cam thảo bổ tỳ vị, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc. Bạch cập có tác dụng bổ phế, sinh cơ, hóa ứ, cầm máu.

    Các vị thuốc này khi được kết hợp sẽ làm tăng hiệu quả giảm đau, viêm loét, đồng thời tăng cường sức khỏe cho hệ tiêu hóa và cơ thể nói chung, giảm triệu chứng khó tiêu, đầy hơi, mệt mỏi, tạo điều kiện để các tổn thương niêm mạc dạ dày hồi phục.

    Nguyên liệu:

    • Nhọ nồi
    • Táo đỏ
    • Cam thảo
    • Bạch cập

    Thực hiện:

    • Rửa sạch tất cả các nguyên liệu.
    • Cho vào nồi cùng với 1.5 lít nước.
    • Đun lửa vừa, đậy nắp.
    • Khi sôi giảm lửa liu riu, sắc đến khi nước thuốc cạn còn 1/3 thì tắt bếp.
    • Chia phần nước thuốc thành 3 phần.
    • Uống sau khi ăn, 3 lần/ngày. 

    3. Chữa đau dạ dày bằng nhọ nồi kết hợp hương phụ, trắc bách diệp, hoa hòe, hoài sơn và các vị khác

    cây nhọ nồi chữa đau dạ dày

    Cây nhọ nồi chữa đau dạ dày khi được kết hợp với gạo nếp, hương phụ, trắc bách diệp, hoa hòe, hoài sơn, mần tưới giúp bổ tỳ vị, nhuận táo, giảm đau, phục hồi niêm mạc, cho hiệu quả cao trong điều trị bệnh.

    Chất nhựa gạo nếp giúp dễ tiêu. Hương phụ (củ của cây cỏ gấu) giảm đau lên thần kinh, hỗ trợ tiêu hóa, điều hòa khí huyết. Trắc bách diệp tính hàn, cũng là vị thuốc cầm máu, nhuận táo, lợi tiểu. Hoa hòe điều hòa khí huyết, thanh nhiệt, cầm máu trong bệnh lỵ, trĩ, máu cam, băng huyết, xuất huyết tiêu hóa… Hoài sơn, hay còn gọi là củ mài, bổ vào tỳ, vị, phế, thận, giúp ăn uống kém tiêu. Mần tưới cũng được bà con một số vùng miền dùng như rau thơm, có tác dụng lợi tiểu, bổ dạ dày, chữa sốt, điều kinh.

    Nguyên liệu:

    • Cây nhọ nồi
    • Gạo nếp 
    • Hương phụ
    • Trắc bách diệp
    • Hoa hòe
    • Hoài sơn
    • Mần tưới

    Thực hiện:

  • Gạo vo sạch cho vào nồi
  • Rửa sạch tất cả nguyên liệu
  • Cho vào nồi cùng với 1.5 lít nước
  • Đun lửa vừa, đậy nắp
  • Khi sôi giảm lửa liu riu, đun đến khi còn khoảng 2 – 3 chén nước
  • Chia phần thuốc nước thành 3 phần
  • Uống hết trong ngày. 
  • 4. Cây nhọ nồi chữa đau dạ dày kết hợp với hương phụ, a giao, kinh giới, đậu ván, rễ cây hoa trang đỏ

    cây nhọ nồi chữa đau dạ dày

    Có thể thay thế một số vị trong bài thuốc kết hợp với cây nhọ nồi chữa đau dạ dày để phù hợp hơn với thể trạng của bệnh nhân. Kinh giới vị cay tính ôn, chữa máu cam, đại tiện ra máu. A giao công dụng bồi bổ, ngoài ra cũng giúp cầm máu dạ dày ruột. Hạt đậu ván trắng vị ngọt, hơi ôn, bổ tỳ vị, cầm tả lị, trị đau bụng do khó tiêu.

    Nguyên liệu:

    • Cây nhọ nồi
    • Hương phụ
    • Kinh giới
    • A giao
    • Đậu ván trắng
    • Rễ cây hoa trang đỏ

    Thực hiện:

    • Rửa sạch tất cả các nguyên liệu
    • Cho tất cả vào nồi, thêm 1.5 lít nước
    • Đun lửa vừa, đậy nắp
    • Khi sôi giảm lửa liu riu đến khi còn khoảng 500 ml (2 – 3 chén) thì tắt bếp
    • Chia nước thuốc thành 3 phần, uống hết trong ngày. 

    Cần làm gì để bài thuốc dùng cây nhọ nồi chữa đau dạ dày có hiệu quả?

    cây nhọ nồi chữa đau dạ dày

    Để việc áp dụng các bài thuốc dùng cây nhọ nồi chữa đau dạ dày đạt hiệu quả, người bệnh cần kiên trì thực hiện đều đặn từ 7 – 10 ngày. Ngoài ra, người bệnh nhất định không được bỏ qua các yếu tố quan trọng về chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt để thuốc có thể phát huy tác dụng như sau:

    • Ăn đủ chất dinh dưỡng. Bên cạnh thịt cá, cần chú ý ăn đủ thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất bằng cách luân phiên nhiều loại rau củ quả khác nhau.
    • Ăn đúng bữa, nhai kỹ.
    • Sinh hoạt điều độ bằng cách kết hợp giữa làm việc, vận động thân thể và nghỉ ngơi hợp lý.
    • Tránh căng thẳng.
    • Không uống rượu bia, hút thuốc lá.
    • Tránh các thức ăn có thể gây khó chịu như sữa, thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, nước ngọt… và món khác tùy vào cơ địa mỗi người.

    Việc dùng cây nhọ nồi chữa đau dạ dày có thể kiểm soát tốt tình trạng đau do viêm và loét nhẹ khi mới hình thành. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng không cải thiện sau 2 tuần, bạn cần nhanh chóng đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và chỉ định liệu trình điều trị chính xác, phù hợp để sớm đạt hiệu quả.

    Lưu ý quan trọng khi dùng cây nhọ nồi chữa đau dạ dày

    Bài thuốc cây nhọ nồi chữa đau dạ dày không phù hợp khi bệnh nhân đã có những triệu chứng viêm loét nặng như: đau dữ dội, nôn ra máu (dịch nôn đỏ hoặc trông như bã cà phê), đi tiêu ra nhiều máu, người ớn lạnh, mệt mỏi, phờ phạc, sốt. Những triệu chứng này báo hiệu bệnh bắt đầu phát sinh biến chứng nguy hiểm, không được chần chừ mà phải đi khám ngay.

    Việc dùng cây nhọ nồi chữa đau dạ dày chống chỉ định cho bệnh nhân:

    Cần thận trọng, không được tự ý sử dụng trước khi có ý kiến từ bác sĩ đối với các đối tượng:

    • Huyết áp thấp
    • Trẻ em
    • Rối loạn đông máu / đang dùng các thuốc kháng đông
    • Đang điều trị các bệnh khác
    • Phụ nữ có thai… 

    Mong rằng từ những thông tin về các bài thuốc dùng cây nhọ nồi chữa đau dạ dày trên đây, bạn đọc có thêm nhiều kiến thức thú vị về những thảo dược không mấy xa lạ, cũng như có thêm lựa chọn trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

    Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


    Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 15/05/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo