Tán sỏi thận là một trong những phương pháp điều trị sỏi tiết niệu hữu hiệu nhất hiện nay và được nhiều người quan tâm đến. Tuy nhiên, có bao nhiêu cách chữa trị và chi phí tiêu tốn khoảng bao nhiêu là đủ? Cùng Hellobacsi tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Sỏi thận xảy ra khi các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận hoặc bàng quang, tạo thành các tinh thể rắn có kích thước từ vài milimet lên tới vài centimet. Một số loại sỏi thận có kích thước nhỏ sẽ được thải ra ngoài khi đi tiểu bình thường hoặc điều trị nội khoa, kết hợp với thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Tuy nhiên, với các sỏi thận có kích thước lớn cần phải can thiệp bằng các phương pháp ngoại khoa để tránh sỏi gây tổn thương tới người bệnh.
Ngày nay, phương pháp tán sỏi thận đang được nhiều bệnh viện ứng dụng trong việc điều trị, thay thế các phương pháp lấy sỏi truyền thống. Khi nào tán sỏi thận được chỉ định?
- Các chức năng của thận bị suy giảm
- Kích thước của sỏi trên 15mm và không thể tự đào thải ra ngoài, dù đã điều trị nội khoa
- Đường tiết niệu bị tắc nghẽn kèm theo nhiều biến chứng nghiêm trọng, ví dụ như thận ứ nước, ứ mủ, nhiễm khuẩn đường niệu,…
Các phương pháp tán sỏi thận phổ biến hiện nay
Hai hình thức thường dùng trong điều trị sỏi thận là mổ nội soi hoặc mổ mở. Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương thức nào là hợp lý nhưngmổ nội soi thường được cân nhắc ưu tiên hơn vì sự an toàn, hiệu quả và là một trong những phương pháp can thiệp tối thiểu hiện đại. Cả quá trình thao tác thông qua một vết rạch rất nhỏ hoặc theo đường từ nhiên không vết mổ và mọi thao tác sẽ được thực hiện thông qua màn hình bên ngoài.
Các phương pháp mổ nội soi tán sỏi thận
Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích
Sóng xung kích sẽ tán các viên sỏi thành mảnh nhỏ, sau đó, chúng được đào thải ra ngoài bằng đường tiết niệu thông qua việc đi tiểu như bình thường.
Ưu điểm:
- Không xâm lấn vào cơ thể người bệnh
- Thời gian thực hiện nhanh chóng, khoảng 30 – 45 phút và sau khi tán xong, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi 15 phút là có thể ra về nếu đảm bảo sức khỏe
- Hiệu quả điều trị cao từ 55 – 85% trong các trường hợp tán sỏi
- Giá thành rẻ từ 3 – 5 triệu
Nhược điểm:
- Phải tán 2 – 3 lần nếu số lượng sỏi nhiều
- Chỉ có hiệu quả với sỏi thận có kích thước dưới 1,5cm: sỏi < 1cm, dễ tán, tỷ lệ thành công 90% khi nó nằm ở bể thận. Sỏi có kích thuớc 1-2 cm (đường kính trung bình 1,2cm) tỷ lệ tán thành công đạt 87%.
- Không phù hợp với các sỏi san hô quá cứng bởi chúng có thể gây nguy hiểm khi di chuyển ra ngoài
Phương pháp tán sỏi thận bằng ống soi mềm
Đây là phương pháp làm sạch sỏi bằng năng lượng từ tia laser. Một ống nội soi sẽ đượcđưa từ niệu đạo đến bàng quang – niệu quản đến bể thận và các đài bể thận, sau đó tán sỏi và hút áp lực âm liên tục ra ngoài.
Ưu điểm:
- Không để lại sẹo trên cơ thể, không đau, không chảy máu
- Các chức năng của thận được bảo tồn
- Thời gian phục hồi hậu phẫu nhanh, chỉ khoảng 2 ngày bệnh nhân có thể xuất viện nếu đảm bảo được sức khỏe
Nhược điểm:
- Giá thành cao
- Đối với bệnh nhân hẹp niệu quản cần đặt JJ trước đó khoảng 2 đến 3 tuần
Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ
Tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ là phương pháp dùng tia laser hoặc năng lượng từ siêu âm phá viên sỏi thành các mảnh vụn. Sau đó, bác sĩ sẽ lấy các mảnh này ra ngoài cơ thể bằng một đường hầm nhỏ có kích thước khoảng 10mm.
Ưu điểm:
- Ít gây đau đớn, ít xâm lấn
- Ít đau, ít chảy máu
- Có thể lấy được toàn bộ sỏi trong một lần can thiệp, kể cả trong trường hợp sỏi to
- Thời gian phục hồi khá nhanh, bệnh nhân chỉ cần theo dõi sức khỏe tại bệnh viện trong vòng 3 ngày
Nhược điểm:
- Có thể gặp biến chứng hậu phẫu thuật như: nhiễm trùng, chảy máu, để lại sẹo,…
- Chỉ sử dụng cho sỏi có kích thước lớn hơn 1,5cm
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng ống soi bán cứng
Tán sỏi nội soi ngược dòng sử dụng ống nội soi từ niệu đạo lên đến bàng quang và niệu quản và đến vị trí có sỏi. Sau đó, dùng tia laser để tán sỏi thành các mảnh vụn nhỏ rồi dùng kìm gắp để đưa chúng ra bên ngoài. Phương pháp này thường dùng với các loại sỏi niệu quản đoạn chậu và lưng có kích thước nhỏ hơn 2cm, sỏi niệu quản kích thước nhỏ hơn 1,5cm hoặc sỏi không thể tự đào thải ra ngoài.
Ưu điểm:
- Hiệu quả làm sạch sỏi cao
- Có khả năng lấy hết sỏi trong một lần thực hiện
- Ít xâm lấn, không gây đau, không để lại sẹo
- Hạn chế các nhiễm trùng hậu phẫu
- Bảo tồn các chức năng của thận tối đa
- Thời gian phục hồi nhanh, nếu đảm bảo sức khỏe, người bệnh có thể xuất viện sau 1-2 ngày
Nhược điểm:
- Không thể chỉ định trong trường hợp bệnh nhân đang gặp các vấn đề về nhiễm khuẩn, viêm đường niệu đạo, hẹp niệu đạo,…
- Có thể gặp một số biến chứng như tổn thương niệu quản, hẹp niệu quản sau tán, chảy máu….
Phương pháp mổ mở tán sỏi thận
Phương pháp này hầu như chỉ áp dụng cho những trường hợp sỏi lớn, có kích thước từ 2cm trở lên hoặc sỏi san hô cứng, phức tạp, có quá nhiều sỏi hoặc sỏi thận kèm hẹp bể thận niệu quản. Tuy phương pháp này có thể lấy hết sỏi trong một lần nhưng người bệnh phải mở phúc mạc, gây đau đớn và có nguy cơ nhiễm trùng cao. Trong trường hợp sẹo bị xơ hóa còn có thể gây tắc nghẽn đường tiết niệu và làm suy giảm các chức năng của thận.
Chi phí tán sỏi thận hết bao nhiêu tiền?
Chi phí điều trị sỏi thận sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe của người bệnh, cơ sở y tế khám chữa bệnh, phương pháp điều trị, các chi phí khác (thuốc men, đi lại,…). Tuy nhiên hiện nay hầu hết mọi người đều có bảo hiểm y tế nên việc chữa trị cũng được giảm bớt phần nào. Với các bệnh viện trực thuộc tuyến nhà nước thì chi phí tán sỏi thận có bảo hiểm y tế không quá cao. Nhưng với các bệnh viện quốc tế, bệnh viện tư nhân thì có thể chi phí sẽ khác.
Dưới đây Hellobacsi sẽ gợi ý đến bạn chi phí của các phương pháp điều trị tán sỏi thận để bạn cân nhắc. Lưu ý rằng khoản chi phí này chỉ là ước tính và có giá trị tham khảo.
- Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích: Khoảng 2 – 4 triệu đồng
- Tán sỏi nội soi ngược dòng: Khoảng 8 – 10 triệu đồng
- Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ: Khoảng 20 – 30 triệu đồng
- Tán sỏi thận bằng ống soi mềm: Khoảng 20 – 40 – 50 triệu đồng
- Phương pháp mổ mở: Khoảng 3 – 5 triệu đồng
Phương pháp điều trị như thế nào sẽ do bác sĩ quyết định dựa trên tình trạng sỏi và sức khỏe của bệnh nhân. Vì vậy, bạn đừng quá lo lắng, các chuyên gia sẽ phương hướng can thiệp phù hợp để loại bỏ sỏi thận và hạn chế những tổn thương cho người bệnh.
Tán sỏi thận ở bệnh viện nào tốt nhất?
Các phương pháp mổ nội soi trên đều được chỉ định trong hầu hết các trường hợp chưa có biến chứng nguy hiểm và bệnh đang trong giai đoạn nhẹ. Bệnh nhân mổ nội soi xong thường ít có cảm giác đau đớn, không có để lại sẹo và thời gian hồi phục khá nhanh. Để được như vậy thì bạn nên lựa chọn các cơ sở y tế để có hiệu quả tốt nhất.
Ngoài ra, các biến chứng hậu phẫu, bao gồm việc nhiễm trùng là đến từ việc vệ sinh và điều kiện vô trùng của phòng thực hiện thủ thuật chưa được tốt. Vì vậy, việc lựa chọn địa chỉ điều trị tán sỏi thận cần đảm bảo các yếu tố về đội ngũ chuyên gia và vật chất, trang thiết bị y tế.
Một số địa chỉ bạn có thể tham khảo dưới đây:
- Hà Nội: Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108, Bệnh viện Việt Đức,….
- Tp. HCM: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Y Dược Tp. HCM, Bệnh viện nhân dân 115, Bệnh viện Bình Dân…
Trên đây là các phương pháp tán sỏi thận đang được áp dụng trong điều trị sỏi thận hiện nay. Chi phí tán sỏi có thể thay đổi tùy theo các cơ sở y tế và tình trạng bệnh của bệnh nhân. Chính vì vậy, để có thông tin chính xác nhất, bạn nên đến trực tiếp bệnh viện thăm khám và nghe tư vấn từ bác sĩ để có phương án tối ưu nhất, vừa đạt hiệu quả cao vừa phù hợp với khả năng kinh tế của mình.