backup og meta

Nhiễm trùng thận

Nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng thận là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Vậy làm sao để nhận ra các dấu hiệu nhiễm trùng thận để điều trị chính xác? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

Tìm hiểu chung

Nhiễm trùng thận là gì?

Nhiễm trùng thận (viêm đài bể thận) là tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu. Nguyên nhân của bệnh thường là do nhiễm trùng ở đường tiểu dưới (ở bàng quang và niệu đạo) sau đó vi khuẩn sinh sôi và di chuyển lên phía trên theo đường tiểu và gây nhiễm trùng thận. Nhiễm trùng thận có khả năng vi trùng nhiễm vào máu dẫn đến nhiễm trùng huyết gây tử vong.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu nhiễm trùng thận là gì?

Nhiễm trùng thận có thể bắt đầu từ các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu dưới và bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu vi khuẩn lên đến đường tiểu trên. Các dấu hiệu nhiễm trùng thận thường gặp là:

  • Sốt (trên 38°C, đôi khi có thể lên tới 39-40°C), rét run
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Đau hông và vùng bụng dưới
  • Đi tiểu thường xuyên, cảm giác phải đi tiểu ngay và không thể nhịn tiểu
  • Rát hoặc đau khi đi tiểu
  • Có mủ hoặc có máu trong nước tiểu
  • Nước tiểu có mùi hôi

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu đang được điều trị nhiễm trùng tiết niệu nhưng các dấu hiệu và triệu chứng của bạn không được cải thiện hoặc nếu bạn gặp một hoặc nhiều dấu hiệu điển hình của nhiễm trùng thận.

Nguyên nhân gây bệnh 

Những nguyên nhân nào gây ra nhiễm trùng thận?

Vi khuẩn đi vào đường tiết niệu thông qua niệu đạo (ống đưa nước tiểu ra khỏi cơ thể của bạn) sẽ gây ra nhiễm trùng thận, sau đó nó bắt đầu nhân lên bên trong bàng quang và niệu đạo. Các vi khuẩn thường được tìm thấy là E. coli hoặc klebsiella. Chúng có nhiều trong phân, trong khi vi khuẩn trên da hoặc vi khuẩn môi trường khác ít có khả năng gây nên vấn đề sức khỏe này.

Máu góp phần gây bệnh bằng cách đưa vi khuẩn từ những bộ phận khác trong cơ thể đến thận. Nhiễm khuẩn thận thường ít khi xảy ra qua đường này, nhưng đôi khi cũng có thể xảy ra.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh nhiễm trùng thận?

Mặc dù những thống kê về căn bệnh này vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, một nghiên cứu dựa trên dân số Mỹ cho rằng tỷ lệ hàng năm là khoảng 17/10000 phụ nữ và 4/10000 nam giới bị mắc bệnh nhiễm trùng thận. Bệnh thường thay đổi theo mùa, tỉ lệ bệnh ở phụ nữ thường tăng cao hơn trong tháng bảy và tháng tám, còn nam giới là ở tháng tám và tháng chín. Nghiêm trọng hơn, bệnh có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Bạn có thể phòng ngừa được bệnh bằng cách giảm các nguy cơ mắc phải. Bạn hãy thảo luận với bác sĩ để có thể biết thêm thông tin.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thận?

Có rất nhiều yếu tố làm bạn tăng nguy cơ nhiễm trùng thận, chẳng hạn như:

  • Bạn là nữ giới: do niệu đạo của nữ ngắn hơn nhiều so với nam giới, do đó vi khuẩn có thể dễ dàng đi từ bên ngoài cơ thể đến bàng quang. Do đó, phụ nữ có nguy cơ bệnh cao hơn nam giới
  • Tắc nghẽn ở đường tiết niệu: khi dòng chảy của nước tiểu chậm hoặc khả năng làm trống bàng quang giảm, vi khuẩn có thể dễ dàng di chuyển lên đến niệu quản, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thận
  • Sỏi thận
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu: chẳng hạn do các bệnh tiểu đường hay HIV
  • Tổn thương dây thần kinh xung quanh bàng quang
  • Dùng ống thông niệu đạo kéo dài

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nhiễm trùng thận?

Dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng quan trọng như sốt và đau lưng, bác sĩ  có thể nghi ngờ bạn bị nhiễm trùng thận. Bạn có thể cần phải làm thêm một vài xét nghiệm nước tiểu để tìm vi khuẩn trong máu hoặc mủ trong nước tiểu. Khi cần thiết, bác sĩ sẽ cho bạn xét nghiệm để kiểm tra vi khuẩn hoặc các sinh vật khác trong máu.

Bác sĩ có thể kiểm tra hình ảnh bao gồm siêu âm, chụp cắt lớp vi tính quét hoặc một loại X-quang để quan sát được hình ảnh chi tiết của thận và các cơ quan liên quan.

Nhiễm trùng thận có chữa được không?

Để điều trị nhiễm khuẩn thận, bác sĩ thường sẽ chỉ định kháng sinh. Loại kháng sinh và thời gian sử dụng sẽ phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng, tình trạng sức khỏe chung và các vi khuẩn được tìm thấy trong nước tiểu. Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng thận có thể dần dần biến mất trong vòng một vài ngày điều trị. Nhưng bạn cần phải tiếp tục dùng kháng sinh trong vòng một tuần hoặc lâu hơn. Hãy nhớ uống kháng sinh đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu nhiễm trùng nặng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn phải nhập viện để được truyền kháng sinh qua đường tĩnh mạch.

Nếu bệnh tái phát nhiều lần, bạn cần phải đến các chuyên gia về thận và đường tiết niệu để tìm nguyên nhân gây tái phát.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế nhiễm trùng thận?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh bằng cách áp dụng những liệu pháp sau:

  • Chườm nóng bằng cách đặt một miếng khăn nhúng với nước ấm lên bụng, lưng hoặc bên hông để giảm cảm giác đau và nặng vùng bụng;
  • Sử dụng thuốc giảm đau;
  • Cung cấp cho cơ thể đủ nước, điều này giúp cơ thể tống vi khuẩn ra ngoài qua dòng nước tiểu. Tuy nhiên, bạn không nên uống cà phê hoặc rượu bia. Thay vào đó, nước lọc và nước ép nam việt quất (cranberry) được khuyến khích trong trường hợp này. Một số hoạt chất trong nam việt quất có thể làm một số loại khuẩn không thể bám vào thành trong của bàng quang, giúp bạn tránh bị tái nhiễm trùng.
  • Không nhịn tiểu quá lâu. Bạn cũng nên tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục để tránh vi khuẩn xâm nhập qua đường tình dục;
  • Giữ vùng kín sạch sẽ;
  • Nếu bị sỏi thận, bạn cần loại bỏ sỏi thận ra khỏi cơ thể. Bạn cũng phải xét nghiệm tuyến tiền liệt định kỳ và điều trị nếu tuyến tiền liệt bị phù;
  • Bạn không nên tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi liều lượng vì thấy khỏe hơn, trừ khi đó là hướng dẫn của bác sĩ;
  • Không sử dụng thảo dược hoặc thực phẩm chức năng bán ở ngoài mà không hỏi bác sĩ vì một số thảo dược có thể bắt thận làm việc nhiều hơn.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Kidney infection. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/kidney-infection/basics/lifestyle-home-remedies/con-20032448. Ngày truy cập 10/07/2016.

Kidney Infections: Symptoms and Treatments. http://www.webmd.com/a-to-z-guides/kidney-infections-symptoms-and-treatments?page=3. Ngày truy cập 10/07/2016.

Acute Pyelonephritis. http://emedicine.medscape.com/article/245559-overview#a5. Ngày truy cập 10/07/2016.

Kidney Infection (Pyelonephritis): Symptoms, Diagnosis & Treatment

https://www.urologyhealth.org/urology-a-z/k/kidney-(renal)-infection-pyelonephritis Ngày truy cập 11/10/2021

Kidney infection – Symptoms, treatment and prevention

https://www.kidneyfund.org/kidney-disease/kidney-problems/kidney-infection.html Ngày truy cập 11/10/2021

 

Phiên bản hiện tại

04/10/2023

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Viêm thận mủ

Viêm thận lupus


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 04/10/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo