Bệnh thận mạn tính (hay suy thận mạn) là tình trạng chức năng thận bị suy giảm, chia thành 5 cấp độ từ nhẹ đến nặng. Trong đó, suy thận độ 4 là giai đoạn gần cuối, tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm tăng tỷ lệ mắc các vấn đề tim mạch, tăng lipid máu, thiếu máu, bệnh về xương,…
Người bị suy thận ở thời điểm này cần được chăm sóc y tế đầy đủ, thực hiện các phương pháp quản lý biến chứng nhằm giảm nguy cơ tử vong.
Ước tính, trên thế giới có khoảng 10% dân số mắc bệnh suy thận mạn. Trong đó, số người bị suy thận độ 3, 4 tiến triển sang cấp độ 5 với tỷ lệ 1,5%/năm. Suy thận độ 5 bắt buộc phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận mới có thể sống tiếp.
Vài nét về suy thận độ 4
Ở suy thận độ 4, tình trạng tổn thương thận nghiêm trọng đã xảy ra. Ở giai đoạn này, điều quan trọng là làm chậm sự mất chức năng thận bằng cách tuân thủ phác đồ điều trị của chuyên gia, quản lý chặt chẽ các vấn đề sức khỏe khác như huyết áp cao, bệnh tim, rối loạn lipid máu,… và lọc máu.
Bạn sẽ bị chẩn đoán suy thận độ 4 khi:
- Chức năng thận bị mất từ 85 – 90%
- Mức độ lọc máu của thận (GFR) giảm nghiêm trọng chỉ còn 15 – 29 ml/phút
- Bạn phải chạy thận (lọc máu) hoặc ghép thận mới có thể duy trì cuộc sống.
Hiện tại, chưa có phương pháp chữa khỏi suy thận, nhưng nếu được điều trị đúng và kịp thời, bạn vẫn có thể sống một cuộc sống lâu dài.
Biến chứng của suy thận độ 4 và cách kiểm soát
Bệnh suy thận mạn có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi bộ phận trong cơ thể. Những người bị suy thận độ 4 có nguy cơ mắc bệnh tim cao. Trong thực tế, hầu hết những người bị bệnh thận không chết vì suy thận mà chết vì các bệnh liên quan đến tim. Nguyên nhân là ngoài bệnh thận, họ thường gặp một trong những vấn đề sức khỏe sau:
- Huyết áp cao khiến các động mạch trở nên dày và hẹp, dễ hình thành cục máu đông, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Huyết áp cao cũng có thể khiến cơ tim dày lên và to ra. Thông thường, các chuyên gia sẽ kê toa thuốc giúp kiểm soát huyết áp. Ngoài ra, bạn cũng có thể cần phải giảm muối trong chế độ ăn uống hàng ngày.
- Đái tháo đường, đặc biệt là khi không kiểm soát thường kéo theo tăng mỡ máu và nguy cơ xơ vữa động mạch. Đây có thể là nguyên nhân hình thành cục máu đông, dẫn đến một cơn nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Nếu bị đái tháo đường, bạn cần phải kiểm soát lượng đường trong máu, tuân thủ chế độ ăn uống và uống thuốc theo quy định.
- Thiếu máu khiến lưu lượng oxy trong cơ thể giảm, vô tình thúc đẩy tim phải hoạt động mạnh hơn. Kết quả là cơ tim dần dày lên và to ra, có thể dẫn đến suy tim hoặc tử vong. Để điều trị bệnh thiếu máu, bạn có thể cần phải bổ sung sắt và một loại thuốc gọi là ESA (thuốc kích thích hồng cầu). Điều này sẽ giúp cơ thể bạn sản xuất các tế bào hồng cầu, làm tăng lưu lượng oxy.
- Nồng độ cholesterol cao cũng tiềm ẩn nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Nếu nồng độ cholesterol quá cao, chuyên gia có thể khuyên bạn nên thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục thường xuyên và dùng các loại thuốc hạ mỡ máu.
- Bệnh về xương và rối loạn khoáng chất khiến các động mạch bị cứng lại và thu hẹp do hấp thụ thêm canxi và phốt pho đang được thải ra từ xương. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến tim, có thể dẫn đến một cơn nhồi máu tim và tử vong. Để giúp kiểm soát bệnh về xương, bạn cần phải hạn chế lượng thực phẩm có hàm lượng phốt pho cao, uống một loại thuốc gọi là chất kết dính phosphate và dùng vitamin D.
- Hút thuốc làm mạch máu bị viêm, gây tích tụ nhiều chất béo trong động mạch. Hút thuốc làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Bạn nên bỏ thuốc và tránh xa khói thuốc.
- Giữ nước có thể dẫn đến phù ở cánh tay và chân, huyết áp cao hoặc trong phổi có dịch (phù phổi).
- Tăng kali máu có thể làm giảm khả năng hoạt động của tim và có thể đe dọa đến tính mạng.
- Gặp các vấn đề về tình dục như giảm nhu cầu tình dục, rối loạn cương dương hoặc giảm khả năng sinh sản.
- Gây tổn hại đến hệ thần kinh trung ương, có thể khiến bạn khó tập trung, thay đổi tính tình hoặc bị co giật.
- Giảm đáp ứng miễn dịch khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn.
- Biến chứng thai sản ảnh hưởng đến người mẹ hoặc thai nhi.
- Suy thận mạn có thể dẫn đến suy thận cấp độ 5 cần phải chạy thận hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
Nếu mắc bệnh suy thận độ 4, có thể bạn đang gặp phải một số biến chứng kể trên. Chuyên gia Thận – Tiết niệu sẽ lập kế hoạch điều trị nhằm quản lý những biến chứng này để bệnh không trở nên tồi tệ hơn. Chúng bao gồm chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng thuốc.
Điều quan trọng là bạn hãy tuân theo kế hoạch điều trị bởi điều này có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và kéo dài sự sống. Việc điều trị cũng có thể giúp làm chậm quá trình suy thận, thậm chí ngăn ngừa bệnh không tiến triển xấu hơn.