backup og meta

Thuốc điều trị tai biến mạch máu não và những thông tin cần biết

Thuốc điều trị tai biến mạch máu não và những thông tin cần biết

Tai biến mạch máu não, hay còn gọi là đột quỵ não, xảy ra khi các mạch máu của não bị vỡ (xuất huyết não) hoặc bị tắc nghẽn (nhồi máu não) khiến lưu lượng máu đến não bị gián đoạn. Tình trạng này có thể khiến các mô não bị tổn thương hoặc chết [1]. Việc dùng thuốc điều trị tai biến mạch máu não kịp thời sẽ giúp hạn chế các tổn thương não.

Tai biến mạch máu não diễn ra rất nhanh chóng, các nhân viên y tế cấp cứu tại bệnh viện phải khẩn trương tìm ra loại đột quỵ não mà bệnh nhân mắc phải. Bởi việc điều trị khẩn cấp do đột quỵ sẽ phụ thuộc vào việc bạn đang bị xuất huyết não hay nhồi máu não [2].

Các loại thuốc điều trị tai biến mạch máu não

1. Thuốc điều trị tai biến mạch máu não do xuất huyết

Điều trị đột quỵ não do xuất huyết phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ xuất huyết [3]. Trong đó, các phương pháp điều trị khẩn cấp chủ yếu nhằm vào việc cầm máu. Bước tiếp theo là tìm ra nguyên nhân và giải quyết chúng đồng thời dự phòng hạn chế các biến chứng của xuất huyết não [4]. Các loại thuốc có thể được sử dụng là [3]:

  • Thuốc chống động kinh dự phòng co giật.
  • Thuốc hạ áp để kiểm soát huyết áp và các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch.
  • Lợi tiểu thẩm thấu giảm áp lực nội sọ.
  • Thuốc điều trị tai biến mạch máu não do xuất huyết liên quan đến thuốc chống đông như warfarin hay heparin hoặc rối loạn đông máu gồm các thuốc giúp bình ổn tỷ lệ prothrombin để ngăn tiến triển.
  • Điều trị đột quỵ não do xuất huyết liên quan đến thuốc chống kết tập tiểu cầu thì chỉ truyền tiểu cầu khi giảm tiểu cầu rất thấp.
  • Dùng thêm các statin để có thể giúp bệnh nhân có kết cục tốt hơn sau xuất huyết não. Gồm có atorvastatin hay rosuvastatin.

2. Thuốc điều trị tai biến mạch máu não do thiếu máu não

thuốc điều trị tai biến mạch máu não

Phương pháp điều trị thường được chỉ định trong điều trị đột quỵ thiếu máu não (hay còn gọi là nhồi máu não) là thuốc tiêu sợi huyết. Đây là loại thuốc giúp làm tan cục máu đông gây tắc nghẽn dòng máu lên não. Loại thuốc này thường được chỉ định trong vòng 4,5 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đột quỵ não. Tuy nhiên, sử dụng càng sớm thì cơ hội hồi phục càng cao. Nếu không dùng thuốc tiêu sợi huyết, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng các loại thuốc kháng đông hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu. Các loại thuốc này sẽ giúp ngăn chặn cục máu đông hình thành hoặc phát triển lớn hơn [5]. 

Đối với những bệnh nhân nhồi máu não cấp do tắc mạch lớn vào viện trong cửa sổ 6 giờ hoặc mở rộng đến 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng, bác sĩ có thể đánh giá và chỉ định lấy huyết khối cơ học. Phương pháp này có thể được sử dụng kết hợp ngay sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch hoặc điều trị đơn thuần khi bệnh nhân tới cơ sở y tế ngoài cửa sổ 4,5 giờ sau khi đột quỵ não do tắc mạch lớn [3]. Ngoài ra, song song với việc điều trị, bác sĩ cũng sẽ đánh giá các yếu tố nguy cơ và đưa ra các biện pháp dự phòng tái phát đột quỵ cho người bệnh ngay từ khi còn trong bệnh viện cho đến khi ra viện và kéo dài suốt về sau. 

Vai trò của thuốc kháng kết tập tiểu cầu trên người bệnh tai biến mạch máu não

Sau điều trị đột quỵ thiếu máu não/thiếu máu não thoáng qua, dù các triệu chứng đã hết nhưng người bệnh vẫn có nguy cơ cao tái phát. Do đó, người bệnh không được chủ quan xem thường [10].

Ngoài ra, sau điều trị, người bệnh cũng có thể được chỉ định dùng một số loại thuốc, trong đó có các loại thuốc kháng kết tập tiểu cầu. Vậy vai trò của loại thuốc này là gì?

Thuốc kháng kết tập tiểu cầu là loại thuốc giúp ức chế việc hình thành cục máu đông trong lòng mạch [6]. Sau điều trị tai biến mạch máu não, một số trường hợp người bệnh có thể được chỉ định dùng loại thuốc này để ngăn ngừa tái phát đột quỵ trong tương lai gần và về lâu dài [7]. Ngoài ra, sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu cũng có thể giúp phòng tránh các biến cố do huyết khối xơ vữa động mạch (tình trạng có thể gây ra đột quỵ, nhồi máu cơ tim và dẫn đến tử vong) [8].

Theo chia sẻ của BS CKII. Phạm Thị Ngọc Quyên (Khoa Thần kinh – Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM), trong điều trị dự phòng tái phát đột quỵ, thuốc kháng kết tập tiểu thường sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng trong các trường hợp như:

  • Đột quỵ do hẹp xơ vữa động mạch
  • Đột quỵ liên quan đến các bệnh lý mạch máu nhỏ
  • Đột quỵ do bóc tách động mạch
  • Đột quỵ thiếu máu não trên người bệnh có bệnh lý ác tính
  • Đột quỵ không rõ căn nguyên

Để hiểu hơn về vai trò của thuốc kháng kết tập tiểu cầu trên người bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não)/thiếu máu não thoáng qua, mời bạn cùng lắng nghe những chia sẻ của BS CKII. Phạm Thị Ngọc Quyên (Khoa Thần kinh – Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM) trong video dưới đây:

Lưu ý khi sử dụng thuốc chống tập kết tiểu cầu trên người bệnh tai biến mạch máu não

Theo chia sẻ của BS CKII. Phạm Thị Ngọc Quyên, khi sử dụng thuốc chống tập kết tiểu cầu sau điều trị đột quỵ, người bệnh cần ghi nhớ một số lưu ý sau:

  • Thuốc kháng tập tiểu cầu là nhóm thuốc dùng cho mục đích dự phòng tái phát cần được dùng dài hạn. Do đó, người bệnh cần dùng theo đúng hướng dẫn, tránh tự ý ngưng thuốc vì nghĩ rằng bệnh đã khỏi. Nếu tự ý ngưng thuốc, bệnh vẫn sẽ có nguy cơ tái phát trong tương lai, lúc này việc chẩn đoán, điều trị sẽ khó khăn hơn do các di chứng của đột quỵ ở người bệnh đã trùng lắp lên nhau. 
  • Khi sử dụng cần tuân thủ điều trị, tuân thủ lịch trình tái khám và liên hệ bác sĩ ngay khi có bất thường hoặc can thiệp phẫu thuật.

Bên cạnh đó, khi sử dụng, thuốc kháng kết tập tiểu cầu có thể gây ra một số tác dụng phụ, trong đó, chảy máu là một trong những tác dụng phụ đáng chú ý nhất. Chẳng hạn, người bệnh có thể bị chảy máu lâu hơn hoặc nhiều hơn khi bị đứt tay. Trong trường hợp này, người bệnh có thể đè chặt miệng vết thương cho đến khi máu ngừng chảy [9].

Một số tác dụng phụ khác của thuốc kháng kết tập tiểu cầu cũng có thể kể đến là làm bụng khó chịu, dễ bầm tím, ợ nóng. Với trường hợp này, bạn nên trao đổi với bác sĩ để có hướng can thiệp phù hợp. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng như đau bụng dữ dội, nôn ra máu hoặc chất nôn giống như bã cà phê, phân hoặc nước tiểu có máu, chảy máu hoặc có vết bầm tím bất thường… bạn cần đi khám ngay lập tức [9].

Tóm lại, tai biến mạch máu não là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng và cần được cấp cứu y tế ngay lập tức. Khi đến bệnh viện, tùy thuộc vào nguyên nhân tai biến và tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh mà các bác sĩ và nhân viên y tế sẽ có biện pháp can thiệp nhanh và phù hợp. Bên cạnh đó, sau điều trị, người bệnh cũng có thể được chỉ định dùng thuốc kháng kết tập tiểu cầu để dự phòng tái phát. Nếu được chỉ định dùng loại thuốc này, người bệnh cần dùng đúng theo hướng dẫn, tránh tự ý ngưng thuốc. Đồng thời, cần chú ý tái khám đầy đủ theo đúng lịch hẹn với bác sĩ.

Để hiểu hơn về đột quỵ thiếu máu não/cơn thiếu máu não thoáng qua cũng như vai trò của thuốc kháng kết tập tiểu cầu trên người bệnh đột quỵ, bạn hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của BS CKII. Phạm Thị Ngọc Quyên (Khoa Thần kinh, Đại học Y Dược TP.HCM) trong video dưới đây nhé:

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. About Stroke https://www.cdc.gov/stroke/about.htm  Truy cập ngày: 24/05/2023

2. Stroke https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stroke/diagnosis-treatment/drc-20350119 Truy cập ngày: 24/05/2023

3. HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ ĐỘT QỤY NÃO –http://canhgiacduoc.org.vn/SiteData/3/UserFiles/dot%20quy%20nao%202020.pdf  Truy cập ngày: 24/05/2023

4. Stroke https://medlineplus.gov/stroke.html Truy cập ngày: 24/05/2023

5. Treatment Stroke https://www.nhlbi.nih.gov/health/stroke/treatment#: Truy cập ngày: 24/05/2023

6. Antiplatelet Drugs https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/22955-antiplatelet-drugs Truy cập ngày: 24/05/2023

7. Antiplatelet Use in Ischemic Stroke https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/10600280211073009 Truy cập ngày: 24/05/2023

8. Antiplatelet therapy in populations at high risk of atherothrombosis https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2569272/ Truy cập ngày: 24/05/2023

9. Antiplatelets https://www.heartandstroke.ca/heart-disease/treatments/medications/antiplatelet-medications Truy cập ngày: 24/05/2023

10. Secondary Prevention of Recurrent Stroke https://www.ahajournals.org/doi/full/10.1161/01.STR.0000153048.87248.3b Truy cập ngày: 24/05/2023

 

Phiên bản hiện tại

18/08/2023

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Hồ Văn Hùng

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Những lưu ý quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua

Triệu chứng tai biến mạch máu não nhẹ: Đừng chủ quan xem thường!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Hồ Văn Hùng

Thần kinh · Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 18/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo