backup og meta

Giả phình mạch

Giả phình mạch

Tìm hiểu chung

Giả phình mạch là gì?

Giả phình mạch (pseudoaneurysm) xảy ra khi thành mạch máu bị tổn thương, khiến cho máu rò rỉ ra bên ngoài và tích tụ lại ở các mô xung quanh. Khác với chứng phình mạch (aneurysm), thành động mạch bị suy yếu và phình to ra, đôi khi tạo thành một túi phình chứa đầy máu.

Giả phình mạch thường xảy ra ở các động mạch bị suy yếu hoặc có tổn thương và có thể do tự phát hoặc do chấn thương động mạch gây ra.

Tình trạng này cũng thường xảy ra khi bạn trải qua quá trình đặt ống thông tim hoặc xuất hiện ở động mạch đùi (một động mạch lớn ở vùng háng) bị thủng nhiều lần khi đặt ống thông (catheter).

Giả phình mạch cũng thường hình thành gần với vị trí đưa ống thông hẹp, linh hoạt vào trong mạch máu, hướng về phía tim. Do đó, hiện tượng này có thể xảy ra ở các động mạch trong vùng háng, cổ hay cánh tay.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng giả phình mạch

Nếu giả phình mạch không quá nghiêm trọng, bạn có thể không biết mình đang gặp phải tình trạng này. Thế nhưng khi nhận thấy có một khu vực sưng và ấn vào thấy mềm, đau, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.

Các triệu chứng có thể xuất hiện khi bạn bị giả phình mạch là:

  • Sưng hoặc ấn đau thực thể ở một khu vực nhất định, đặc biệt khi bạn vừa trải qua một kỹ thuật y tế
  • Có một khối u sưng, đau

Khi bác sĩ dùng ống nghe để khám sức khỏe, họ có thể nghe thấy âm thanh bất thường và nghi ngờ có tắc nghẽn dòng chảy của máu trong động mạch hoặc hẹp động mạch.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây giả phình mạch là gì?

Tình trạng này có thể tự xuất hiện mà không có tác nhân nào gây nên.

Đôi khi, bạn bị giả phình mạch sau khi:

  • Đặt ống thông tim. Đây là thủ thuật dùng để chẩn đoán hoặc điều trị một số bệnh lý tim mạch. Nếu động mạch bị thủng trong quá trình này, giả phình mạch có thể xảy ra.
  • Chấn thương. Chấn thương hoặc tổn thương động mạch chủ do tai nạn, vết thương có thể khiến máu bị rò rỉ ra ngoài, từ đó hình thành giả phình mạch trong các mô xung quanh.
  • Biến chứng phẫu thuật. Tổn thương vô tình đến thành động mạch trong quá trình phẫu thuật có thể gây rò rỉ máu từ động mạch vào các khu vực xung quanh.
  • Nhiễm trùng. Đôi khi nhiễm trùng có thể gây ra giả phình mạch dù hiếm gặp.
  • Chứng phình mạch đang có. Vỡ chỗ phình mạch cũng có khả năng khiến giả phình mạch xuất hiện.
Giả phình động mạch
Nguồn: Pathology of the carotid space – Scientific Figure on ResearchGate

Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hình thành giả phình mạch, bao gồm:

  • Vị trí bị thủng bên dưới động mạch đùi
  • Sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu
  • Sử dụng thuốc chống đông máu

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán giả phình mạch?

Siêu âm là phương pháp phổ biến nhất được dùng để phát hiện tình trạng này.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn gặp phải tình trạng này, họ thường đề nghị bạn làm siêu âm hoặc một loại xét nghiệm không xâm lấn khác.

Chụp mạch máu cũng là một lựa chọn giúp chẩn đoán. Kỹ thuật này sử dụng tia X để ghi nhận hình ảnh của mạch máu. Tuy nhiên, bạn sẽ được đặt ống thông để đưa chất cản quang vào trong mạch máu, giúp hình ảnh thu được rõ ràng hơn. Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu, đồng nghĩa với việc chúng mang lại nhiều rủi ro hơn so với thủ thuật không xâm lấn khác.

Những phương pháp điều trị giả phình mạch

Việc điều trị ban đầu sẽ phụ thuộc (một phần) vào kích thước của vị trí giả phình mạch hiện có.

Nếu kích thước nhỏ, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên đến theo dõi định kỳ, thường xuyên bằng phương pháp siêu âm để xem chúng có được cải thiện tốt hơn không.

Khi ấy, bạn nên tránh các hoạt động nâng hoặc mang, vác đồ vật nặng trong khoảng thời gian theo dõi.

Khi kích thước vị trí giả phình mạch lớn hơn, bạn cần được điều trị ngay lập tức. Trước đây, phẫu thuật là phương án duy nhất để điều trị tình trạng này. Một số trường hợp, đây là lựa chọn điều trị tốt nhất.

Hiện nay, một số phương pháp điều trị ít xâm lấn hơn được dùng để điều trị tình trạng này, bao gồm nén dưới chỉ dẫn của siêu âm (ultrasound-guided compression) và tiêm thuốc hình thành cục máu đông (thrombin) dưới chỉ dẫn của siêu âm (ultransound-guided thrombin injection).

Nén dưới chỉ dẫn của siêu âm

Sau khi xác định vị trí giả phình mạch bằng siêu âm, bác sĩ sẽ dùng đầu dò siêu âm để tạo lực nén lên vị trí trong chu kỳ 10 phút.

Nhược điểm của kỹ thuật này là gây khó chịu, đau đớn cho người bệnh. Bạn có thể cần dùng thuốc giảm đau khi trải qua quá trình này.

Tỷ lệ thành công với phương pháp này dao động khá lớn, từ 63–88%.

Tiêm thuốc hình thành cục máu đông dưới chỉ dẫn siêu âm

Đây là một kỹ thuật xâm lấn tối thiểu khá đơn giản nhưng có thể gây đau ở một số người.

Về cơ bản, bác sĩ sẽ tiêm một dung dịch thuốc có chứa thrombin – enzyme giúp thúc đẩy quá trình đông máu xảy ra – vào vị trí giả phình mạch. Mục tiêu là làm cho chỗ máu tích tụ do bị rò rỉ tạo thành cục máu đông.

Phương pháp này được đánh giá là tương đối an toàn, ít có biến chứng.

Phẫu thuật

Cho đến những năm 1990 thì phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp điều trị chính cho giả phình mạch.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ phần giả phình mạch và sửa chữa lại thành mạch máu bị tổn thương.

So với các phương pháp mới, phẫu thuật là một phương pháp xâm lấn nhiều và cũng mang nhiều rủi ro. Thêm vào đó, người bệnh sẽ có thời gian nằm viện lâu hơn.

Tuy nhiên, phẫu thuật vẫn có thể là một lựa chọn điều trị khi các phương pháp khác không thành công hoặc có nhiều yếu tố phức tạp khác liên quan.

Nhìn chung, phương pháp điều trị ít xâm lấn có tỷ lệ thành công cao hơn. Sau khi điều trị, bác sĩ vẫn theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn một thời gian để đảm bảo việc chữa trị có hiệu quả.

Một số trường hợp, bạn có thể cần điều trị nhiều lần tiếp theo. Khi đó, thời gian theo dõi cũng lâu hơn và quá trình chăm sóc cũng phải cẩn thận hơn.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What Is a Pseudoaneurysm and How Is It Treated? https://www.healthline.com/health/pseudoaneurysm#risk-factors. Ngày truy cập 02/03/2020.

Pseudoaneurysm. https://www.drugs.com/cg/pseudoaneurysm.html. Ngày truy cập 02/03/2020.

Pseudoaneurysm: What causes it? https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/cardiac-catheterization/expert-answers/pseudoaneurysm/faq-20058420. Ngày truy cập 02/03/2020.

Phiên bản hiện tại

04/08/2020

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Thuốc điều trị tai biến mạch máu não và những thông tin cần biết

Triệu chứng tai biến mạch máu não nhẹ: Đừng chủ quan xem thường!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 04/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo