Sau điều trị đột quỵ, thiếu máu thoáng qua, dù các triệu chứng đã hết nhưng nguy cơ tái phát vẫn rất cao, nhất là trong 90 ngày đầu. Do đó, người bệnh cần tuân thủ việc dùng thuốc ngừa đột quỵ theo đúng hướng dẫn, không tự ý ngưng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu các loại thuốc ngừa đột quỵ tái phát phổ biến hiện nay và các phương pháp phòng ngừa tại nhà trong bài viết này nhé!
Vai trò của dự phòng tái phát sau đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua
Việc dự phòng tái phát cho người bệnh sau điều trị đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua là rất quan trọng. Bởi sau điều trị, dù các triệu chứng đã hết nhưng người bệnh vẫn có nguy cơ cao tái phát [1]. Theo đó, cứ khoảng 4 người sống sót sau đột quỵ thì lại có 1 người tái phát trong 5 năm [2]. Với những người trải qua cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ nhẹ thì nguy cơ mắc đột quỵ có thể lên đến 18% trong vòng 90 ngày, cao nhất ở tuần đầu tiên [1].
Sau điều trị, tùy vào tình trạng của cơ thể, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc để dự phòng tái phát đột quỵ. Trong đó, sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu là một trong những điều trị quan trọng giúp dự phòng đột quỵ tái phát [1]. Thuốc kháng kết tập tiểu cầu là nhóm thuốc có tác dụng ngăn các tiểu cầu kết dính lại với nhau, từ đó hạn chế hình thành cục máu đông trong lòng mạch – nguyên nhân chính dẫn đến các cơn đau tim hoặc đột quỵ [3].
Khi được chỉ định dùng thuốc để dự phòng tái phát đột quỵ như thuốc kháng kết tập tiểu hay bất cứ loại thuốc nào khác, người bệnh cần dùng đúng theo hướng dẫn và không được bỏ liều. Bởi không sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ sẽ làm tăng nguy cơ tái phát đột quỵ [4]. Do đó, trong thời gian sử dụng thuốc, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn, không được tự ý ngừng sử dụng hoặc điều chỉnh liều lượng thuốc. Điều này sẽ góp phần giúp người bệnh đạt được hiệu quả điều trị một cách tốt nhất và hạn chế tối đa nguy cơ đột quỵ tái phát.
Các loại thuốc ngừa đột quỵ tái phát
Thuốc ngừa đột quỵ bằng cách làm loãng máu
Thuốc làm loãng máu làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông – thủ phạm làm tắc nghẽn mạch máu não. Nếu bệnh nhân từng bị đột quỵ do thiếu máu não cục bộ thì đây là thuốc ngừa đột quỵ bắt buộc phải sử dụng [5]. Có 2 loại thuốc làm loãng máu gồm [5]:
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu giúp ngăn chặn các tiểu cầu (tế bào máu làm nhiệm vụ đông máu) kết dính với nhau và hình thành cục máu đông. Thuốc nhóm này gồm aspirin, clopidogrel hoặc kết hợp aspirin và dipyridamole.
- Thuốc chống đông máu cũng ngăn máu hình thành cục máu đông, nhưng theo một cơ chế khác. Đó là thuốc sẽ làm giảm hoạt tính của các yếu tố kích hoạt quá trình đông máu. Thuốc chống đông máu đường uống có tác dụng trực tiếp gồm dabigatran, apixaban, edoxaban và rivaroxaban.
Nếu nhịp tim không đều hoặc đã thay van tim, bệnh nhân nhất định phải dùng thuốc chống đông máu đều đặn, liên tục. Bởi nguy cơ đột quỵ sẽ tăng lên rất nhanh nếu quên liều [5].
Cuối cùng, vì những thuốc này đều khiến bạn dễ bị chảy máu hơn và khó cầm máu. Do đó nếu cần phải phẫu thuật, kể cả là điều trị nha khoa cũng cần phải thông báo với bác sĩ [5], [6].
Thuốc kiểm soát huyết áp
Có thể nói tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ lớn nhất của đột quỵ. Nếu huyết áp quá cao, các động mạch sẽ bị tổn hại theo thời gian. Thành mạch yếu, đàn hồi kém, dễ hình thành mảng xơ vữa và cục máu đông ở bên trong. Chính những điều này có thể gây ra các cơn đột quỵ [5]. Do đó, thuốc kiểm soát huyết áp cũng có thể được chỉ định sau điều trị đột quỵ, thiếu máu thoáng qua để dự phòng đột quỵ tái phát.
Thuốc kiểm soát cholesterol
Cholesterol cao có thể dẫn đến sự tích tụ chất béo trong thành động mạch, gây thu hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch máu lên não, gây ra đột quỵ. Nguy cơ tắc mạch máu não sẽ cao hơn nếu như mỡ máu cao có đi kèm với tăng huyết áp [5].
Hiện nay, statin là loại thuốc phổ biến được sử dụng để kiểm soát mức cholesterol trong máu. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn hoạt động của một enzyme sản xuất cholesterol trong gan [7].
Những lưu ý khi dùng thuốc ngừa đột quỵ
Sau khi đã tìm hiểu về các loại thuốc ngừa đột quy, người bệnh cũng nên lưu ý những vấn đề như sau trong quá trình sử dụng thuốc [5]:
- Cần uống thuốc đúng giờ, tốt nhất nên uống vào cùng 1 thời điểm trong ngày, cài đặt nhắc nhở để giảm nguy cơ bỏ quên liều.
- Có thể nhờ bác sĩ hoặc người nhà phân chia thuốc theo từng bữa để đảm bảo không nhầm lẫn hay quên liều.Vì thông thường cần uống nhiều loại thuốc ngừa đột quỵ, nhiều bệnh nhân dễ bị nhầm liều của các loại thuốc hoặc bỏ sót thuốc nào đó.
- Để thuốc ở nơi dễ dàng ghi nhớ và có thể tìm đến ngay khi cần.
- Không tự ý sử dụng thuốc khác, thay đổi liều hay ngừng đột ngột khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Bởi việc tự ý ngừng thuốc đột ngột hoặc tự ý đổi liều có thể gây nguy hiểm (như tái phát đột quỵ).
- Nếu bạn lo lắng hoặc có thắc mắc về loại thuốc đang sử dụng, đã dùng thuốc một thời gian nhưng thấy hiệu quả không như mong đợi, cũng như gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ. Bác sĩ có thể thực hiện thay đổi để giảm hoặc loại bỏ tác dụng phụ.
Các biện pháp phòng ngừa đột quỵ khác
Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc ngừa đột quỵ, hãy thực hiện một vài thay đổi lối sống để ngăn ngừa đột quỵ tái phát như [8].
- Ăn uống lành mạnh: Hãy đổi sang chế độ ăn giàu chất xơ với nhiều trái cây và rau quả tươi, ngũ cốc nguyên cám, cá, đậu, các loại hạt…; ăn nhạt, ít đường, ít dầu mỡ. Bởi ăn nhiều muối, chất béo no và các thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng khả năng đột quỵ vì nó dẫn đến tăng huyết áp và mức cholesterol trong máu.
- Hạn chế rượu: Uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến huyết áp cao và gây ra tình trạng nhịp tim không đều, góp phần tăng đột quỵ lên gấp 3 lần.
- Bỏ hút thuốc: Thuốc lá là thủ phạm gây tổn thương mạch máu rất nghiêm trọng, gây thu hẹp động mạch và tăng nguy cơ bị đông máu. Hãy ngừng hút thuốc, tránh xa khói thuốc để tránh bị ảnh hưởng xấu.
- Tập thể dục thường xuyên: Vận động hằng ngày giúp giảm cholesterol, giảm cân, tăng cường tuần hoàn máu và giữ cho huyết áp ổn định, góp phần phòng ngừa đột quỵ. Sau lần đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua đầu tiên, bạn nên hỏi bác sĩ để biết thời gian được tập thể dục lại cũng như cường độ và bài tập phù hợp.
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về các loại thuốc ngừa đột quỵ cũng như những biện pháp đơn giản giúp phòng ngừa đột quỵ ngay tại nhà. Ngoài ra, để hiểu thêm về thiếu máu não thoáng qua/đột quỵ, bạn có thể tham khảo thông tin mà Thạc sĩ, Bác sĩ CKI Nguyễn Quốc Trung – Chuyên khoa Nội thần kinh tại Jio Health chia sẻ tại video sau.