Chứng đau nửa đầu thường gây ra nhiều khó chịu, làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày nên người bệnh thường tìm kiếm các thuốc trị đau nửa đầu với mong muốn chấm dứt các cơn đau một cách nhanh chóng.
Đau nửa đầu (migraine) phản ánh những thay đổi sinh lý đang xảy ra trong não bộ vì một nguyên do nào đó. Lúc này, người bệnh thường phải chịu đựng những cơn đau nghiêm trọng cùng với các triệu chứng đặc trưng khác như nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh hoặc mùi hương.
Để điều trị chứng đau nửa đầu, bạn có thể sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn và cả những thuốc kê đơn. Nhiều người bị đau nửa đầu mạn tính sẽ phải tiêm độc tố botulinum (botox) mỗi 3 tháng để giúp điều trị những cơn đau đầu.
Bài viết sau đây sẽ giới thiệu các loại thuốc đang được dùng trong điều trị đau nửa đầu hiện nay cho bạn tham khảo.
Các thuốc điều trị đau nửa đầu cấp tính và mạn tính
Việc điều trị chứng đau nửa đầu có thể thay đổi do nhiều yếu tố. Thông thường, quá trình điều trị sẽ phụ thuộc vào tần suất xảy ra đau đầu. Các loại thuốc được kê đơn giúp ngăn chặn các tác nhân kích thích, giảm số lần bùng phát cơn đau nửa đầu và kiểm soát thời gian cơn đau kéo dài.
Trong điều trị đau nửa đầu cấp tính, bạn có thể sử dụng các loại thuốc không kê đơn, như paracetamol, ibuprofen hay naproxen cùng với các thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ.
Nhóm thuốc triptan
Các loại thuốc thuộc nhóm triptan bao gồm sumatriptan, rizatriptan, eletriptan, zolmitriptan, naratriptan, almotriptan và frovatriptan có thể mang lại hiệu quả cao trong điều trị chứng đau nửa đầu. Bác sĩ thường kê đơn nhóm thuốc này để người bệnh kiểm soát các triệu chứng đau nửa đầu tại nhà.
Tuy nhiên, không phải tất cả người bệnh đều có thể dùng được các thuốc này. Bạn cần tìm hiểu về các hạn chế cụ thể liên quan đến số lần dùng thuốc để tránh gặp phải những tác dụng không mong muốn.
Nhiều loại thuốc khác cũng được sử dụng để kiểm soát chứng đau nửa đầu.
Các thuốc khác
Một số thuốc khác có thể dùng trong điều trị đau nửa đầu bao gồm:
- Dihydroergotamine (DHE45) dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch hoặc thuốc xịt mũi. Tuy nhiên, thuốc này sẽ không dùng được nếu bạn đã sử dụng thuốc triptan trong vòng 24 giờ trước đó.
- Kali diclofenac dạng dung dịch uống. Đây là một loại thuốc kháng viêm không steroid mạnh được phê duyệt để điều trị chứng đau nửa đầu.
- Thuốc chống nôn, bao gồm metoclopramide tiêm tĩnh mạch và chlorpromazine tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch, được dùng để giảm buồn nôn, nôn cũng như giảm cơn đau nửa đầu.
Thuốc giảm đau gây nghiện
Các thuốc giảm đau gây nghiện nhóm narcotic không cần thiết trong điều trị đau nửa đầu và có thể liên quan đến tình trạng đau đầu hồi ứng. Khi đó, cơn đau đầu có khi còn dữ dội, nghiêm trọng hơn.
Trong các trường hợp đau nửa đầu, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ quá trình sử dụng các liệu pháp giảm đau cấp tính ở người bệnh để tránh hiện tượng đau đầu do lạm dụng thuốc xảy ra.
Bạn nên nhớ rằng sử dụng các thuốc trị đau nửa đầu quá thường xuyên có thể gây phản ứng hồi ứng, khiến tần suất xuất hiện cơn đau đầu tăng lên, thậm chí là đau đầu hàng ngày.
Các thuốc giúp phòng ngừa đau nửa đầu
Nếu bạn thường xuyên bị đau đầu hoặc cơn đau kéo dài trong vài ngày, bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc có tác dụng phòng ngừa. Các thuốc kê đơn có khi cần sử dụng hàng ngày để cố gắng giúp giảm số lần xuất hiện, mức độ nghiêm trọng cũng như thời gian cơn đau nửa đầu diễn ra.
Rất nhiều loại thuốc đã được chứng minh mang lại hiệu quả phòng ngừa cho chứng đau nửa đầu, bao gồm:
- Các thuốc dùng điều trị tăng huyết áp, như propanolol, nadolol, verapamil, flunarizine
- Thuốc chống động kinh, chẳng hạn như natri divalproex, topiramate và gabapentin
- Thuốc chống trầm cảm, gồm amitriptyline, nortriptyline và venlafaxine
- Các thực phẩm bổ sung magie, riboflavin (vitamin B2)…
Việc lựa chọn thuốc trị đau nửa đầu cũng như thuốc phòng ngừa sẽ khác nhau tùy từng người bệnh, phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, giới tính, huyết áp và các vấn đề sức khỏe đang tồn tại khác.
Những người bệnh đau nửa đầu mạn tính khi cơn đau kéo dài hơn 15 ngày mỗi ngày có thể cần tiêm độc tố onabotulinum A (botox) định kỳ để kiểm soát các triệu chứng.
Một nhóm thuốc mới có tên gọi là chất đối kháng peptide liên quan đến gene calcitonin (CGRP-R) đã được FDA phê duyệt vào năm 2018 trong việc điều trị chứng đau nửa đầu mạn tính. Các thuốc này được dùng dưới dạng tiêm định kỳ hàng tháng hay hàng quý để giảm đau và ngăn ngừa chứng đau nửa đầu tái phát. Nhóm thuốc CGRP-R gồm có erenumab (Aimovig), fremanezumab (Ajovy) và galcanezumab (Emgality).
Một vài biện pháp giúp giảm đau nửa đầu tại nhà
Người bệnh đau nửa đầu cần phải kiểm soát tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn đau nửa đầu xuất hiện. Bạn có thể viết nhật ký để ghi lại các đặc điểm của những cơn đau gặp phải. Thực tế, một người có khả năng gặp nhiều loại đau nửa đầu nên việc ghi nhận lại các triệu chứng mỗi lần cơn đau xuất hiện rất cần thiết.
Bạn có thể đưa những thông tin đã ghi chép cho bác sĩ để họ giúp xác định các yếu tố có khả năng góp phần kích hoạt cơn đau nửa đầu. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng thay đổi lối sống và tránh tiếp xúc với các yếu tố kích thích đó, chẳng hạn như:
- Duy trì thời gian biểu sinh hoạt, ăn, ngủ, nghỉ ngơi điều độ
- Tránh tiêu thụ những thực phẩm có thể gây đau nửa đầu như rượu, thịt chế biến sẵn, chất tạo ngọt nhân tạo, sô cô la, sản phẩm từ sữa…
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể vì mất nước có thể kích thích cơn đau nửa đầu xuất hiện
- Tập luyện thể dục thường xuyên, cải thiện sức khỏe tổng thể
- Thực hiện các phương pháp giúp thư giãn như thiền, yoga, các bài tập giãn cơ…
Với những thông tin trên, hy vọng bạn đã hiểu hơn về các loại thuốc đang được sử dụng trong điều trị đau nửa đầu hiện nay. Tuy nhiên, lạm dụng thuốc giảm đau có khi phản tác dụng và gây ra những cơn đau đầu hồi ứng nghiêm trọng hơn. Do đó, bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn về cách dùng cũng như liều dùng các thuốc trị đau nửa đầu sao cho hiệu quả nhất.
[embed-health-tool-bmi]