Viêm cột sống dính khớp là một bệnh gây tàn phế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của một người. Thực tế, còn rất ít người biết căn bệnh là gì dẫn đến việc chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Hiện nay, ước tính 0,2 – 1,2% dân số Việt Nam đã và đang mắc bệnh viêm cột sống dính khớp. Đây là một tình trạng sức khỏe mạn tính, đặc trưng bởi các cơn đau lưng kiểu viêm lâu ngày. Nếu không được điều trị hiệu quả ngay từ đầu, bệnh sẽ gây cứng và dính khớp theo thời gian, khiến người bệnh không thể cúi người và chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng.
Việc hiểu rõ viêm cột sống dính khớp là gì và các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sẽ giúp bạn có thể phát hiện sớm và điều trị hiệu quả hơn.
Viêm cột sống dính khớp là gì?
Viêm cột sống dính khớp cũng là một bệnh phổ biến trong nhóm bệnh viêm khớp cột sống. Bệnh hay gặp ở người trẻ và ảnh hưởng đến những bộ phận như:
- Đốt sống
- Khớp cùng chậu
- Các khớp lớn ngoại biên (khớp háng, khớp gối, cổ chân …)
- Điểm bám gân
Trong đó, thương tổn ở khớp cùng chậu do viêm được xem là dấu hiệu đặc trưng để nhận biết bệnh. Ngoài ra, người bệnh còn có một số triệu chứng toàn thân như:
- Mệt mỏi: 65% người bị bệnh có triệu chứng này. Mệt mỏi từ trung bình đến nặng liên quan đến các cơn sưng đau, cứng khớp và giảm chức năng hoạt động.
- Sốt nhẹ và sụt cân trong giai đoạn bệnh phát triển nặng.
Mặt khác, bệnh viêm cột sống dính khớp cũng có thể mau chóng kéo theo các cơn đau thắt lưng mạn tính, gây cản trở người bệnh nghỉ ngơi cũng như làm việc hàng ngày.
Ngoài ra, trong một số trường hợp nghiêm trọng, cầu xương có thể tiếp tục phát triển ngay tại khu vực viêm, dẫn đến tình trạng dính, cứng đốt sống cùng nhiều khớp khác và gây tàn phế. Do đó, bác sĩ luôn khuyến khích mọi người, đặc biệt là những người có triệu chứng đau lưng trên 3 tháng kèm các nguy cơ mắc bệnh, nên sớm đi gặp bác sĩ cơ xương khớp để được thăm khám và tư vấn.
Các nguyên nhân gây bệnh
Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây viêm cột sống dính khớp. Tuy nhiên, họ cho rằng sự tương tác phức tạp giữa yếu tố di truyền, tuổi tác và giới tính sẽ góp phần phát triển căn bệnh nguy hiểm này:
Yếu tố di truyền
Các nghiên cứu cho thấy khoảng 90% người bị viêm cột sống dính khớp có kháng nguyên HLA-B27. Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc bệnh có thể lên đến 15 – 20% ở những người có bố mẹ hoặc anh chị em ruột đã và đang bị bệnh này.
Ngoài ra, so với những người không có yếu tố di truyền HLA-B27, người có yếu tố này thường sẽ có độ tuổi khởi phát bệnh sớm hơn, đồng thời nguy cơ bị viêm màng bồ đào cũng cao hơn đáng kể.
Tuổi tác và giới tính
Căn bệnh này phổ biến hơn ở nam giới, với tỷ lệ mắc bệnh là nam/nữ: 2–3/1. Độ tuổi khởi phát thường nằm trong khoảng 15 – 45 tuổi, rất hiếm trường hợp bệnh khởi phát sau độ tuổi 50. Mặc dù vậy, nhiều nghiên cứu cho thấy người bệnh có thể được chẩn đoán trễ hàng chục năm kể từ khi bệnh khởi phát. Không những vậy, nhiều bệnh nhân chỉ tình cờ được phát hiện, chẩn đoán bệnh ở độ tuổi sau 50.
Các biểu hiện ngoài khớp của bệnh
Bên cạnh những triệu chứng viêm cột sống dính khớp đặc trưng kể trên, người bệnh còn có những biểu hiện ngoài khớp như:
- Viêm màng bồ đào
- Viêm ruột
- Biểu hiện tim mạch
- Tổn thương hô hấp
- Loãng xương
- Thận
- Da
Nên làm gì nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh?
Bạn nên mau chóng tìm gặp bác sĩ khớp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời khi có triệu chứng đau lưng mạn tính kéo dài trên 3 tháng. Điều này càng cần thiết nếu bạn có kèm các biểu hiện ngoài khớp khác kể trên.
Qua bài viết trên, hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về bệnh cũng như các nguy cơ mắc bệnh viêm cột sống dính khớp là gì. Để ngăn ngừa rủi ro tàn phế, bạn nên chủ động phòng bệnh ngay từ đầu bằng cách đến bệnh viện tầm soát nếu có bất kỳ nguy cơ nào như trên hoặc đang phải chịu đựng cơn đau lưng, cứng khớp trong thời gian dài nhé.
[embed-health-tool-bmi]