backup og meta

Mổ thoát vị đĩa đệm hết bao nhiêu tiền? Đọc ngay để biết

Mổ thoát vị đĩa đệm hết bao nhiêu tiền? Đọc ngay để biết

Mổ thoát vị đĩa đệm hết bao nhiêu tiền là nỗi băn khoăn của không ít bệnh nhân khi được bác sĩ chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Nguyên do là việc điều trị thoát vị đĩa đệm thường kéo dài và gây tốn kém nên nỗi băn khoăn này của các bệnh nhân là dễ hiểu.

Tình trạng thoát vị đĩa đệm có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, công việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đa số bệnh nhân khi biết mình mắc căn bệnh này đều rất lo lắng. Không ít người đã tốn khá nhiều tiền để chạy chữa căn bệnh này.

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi đĩa đệm nằm giữa các đốt sống bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống, khiến bạn bị đau về thần kinh. Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của cột sống nhưng hay gặp nhất ở vị trí thắt lưng (các đốt sống L4, L5, S1) gọi là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Khi thoát vị đĩa đệm có chèn ép vào rễ dây thần kinh tọa sẽ gây chứng đau thắt lưng và đau lan xuống chân, gọi là đau thần kinh tọa.

Tình trạng thoát vị đĩa đệm có thể kích thích các dây thần kinh xung quanh khiến người bệnh bị đau, tê hoặc yếu tay chân. Nhiều người bị thoát vị đĩa đệm nhưng không hề có triệu chứng của bệnh. Tin vui là hầu hết bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm thường không cần phẫu thuật để khắc phục vấn đề. Những người bị thoát vị đĩa đệm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt mới cần phải phẫu thuật.

Khi nào người bệnh thoát vị đĩa đệm cần phải phẫu thuật?

Trong thực tế, những phẫu thuật liên quan đến cột sống thường không được các bác sĩ đưa ra nếu người bệnh chưa áp dụng tất cả các phương pháp điều trị khác. Đơn giản là tất cả các phẫu thuật đều có thể gây ra một số rủi ro, bao gồm nhiễm trùng, chảy máu, tổn thương thần kinh, cứng đốt sống… Ngoài ra, người bệnh thoát vị đĩa đệm dù đã được phẫu thuật thì đĩa đệm vẫn có thể bị vỡ hoặc đĩa đệm ở vị trí khác có thể bị thoát vị.

Các điều trị thay thế phẫu thuật có thể bao gồm:

  • Thuốc kháng viêm không steroid
  • Thuốc giảm đau
  • Tập thể dục hoặc vật lý trị liệu
  • Tiêm steroid
  • Nghỉ ngơi

Do đó, nếu đã áp dụng các biện pháp trên nhưng không hiệu quả, cơn đau dai dẳng gây cản trở chất lượng cuộc sống thì mới phải phẫu thuật.

Thông thường, bệnh nhân sẽ được đề nghị phẫu thuật trong hai trường hợp sau:

  • Bệnh nhân bị liệt và mất cảm giác ở hai chân, tiểu tiện không tự chủ
  • Bệnh nhân đã được điều trị theo phương pháp bảo tồn trên hai tháng mà không đem lại bất kỳ hiệu quả nào hoặc khi hai chân mất cảm giác, teo cơ, giảm khả năng vận động.

Các loại hình phẫu thuật thoát vị đĩa đệm

Nếu bạn phải phẫu thuật để điều trị thoát vị đĩa đệm, bác sĩ có thể đề nghị bạn một trong các hình thức phẫu thuật sau hoặc là kết hợp hai hay nhiều hình thức phẫu thuật trong cùng ca mổ.

1. Mở lá đốt sống/Mở đốt sống

Trong phẫu thuật mở lá đốt sống, bác sĩ phẫu thuật tạo một lỗ mở ở vòm đốt sống (lamina) để giảm áp lực lên rễ thần kinh của người bệnh. Loại hình phẫu thuật này được thực hiện thông qua một vết mổ nhỏ, đôi khi với sự trợ giúp của kính hiển vi. Nếu cần thiết, một phần nhỏ của xương đốt sống sẽ được cắt bỏ. Điều này được gọi là phẫu thuật mở ống sống (laminectomy).

2. Phẫu thuật cắt bỏ phần đĩa đệm chèn vào rễ thần kinh/vi giải phẫu cắt đĩa

Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm là phẫu thuật phổ biến nhất được sử dụng cho thoát vị đĩa đệm ở vùng thắt lưng. Trong hình thức phẫu thuật này, phần đĩa đệm gây áp lực lên rễ thần kinh sẽ được loại bỏ. Trong một số trường hợp hiếm hoi, toàn bộ đĩa đệm có thể được loại bỏ.

Bác sĩ phẫu thuật sẽ tiếp cận đĩa đệm bị thoái hóa thông qua một vết mổ ở lưng (hoặc cổ) của bạn. Đôi khi, bác sĩ sẽ tiến hành ca phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm qua một vết mổ nhỏ hơn và các dụng cụ đặc biệt. Hình thức phẫu thuật ít xâm lấn này được gọi là vi giải phẫu cắt đĩa (microdiscectomy). 

3. Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo

Khi tiến hành phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân. Phẫu thuật này thường được áp dụng cho một đĩa đệm khi thoái hóa đĩa đệm xảy ra ở phần lưng dưới. Đối với hình thức phẫu thuật này, bác sĩ sẽ thông qua một vết mổ ở bụng của bệnh nhân. Đĩa đệm bị thoái hóa sẽ được loại bỏ, thay bằng đĩa nhân tạo làm từ nhựa và kim loại. 

Sau phẫu thuật, người bệnh thường phải ở lại bệnh viện trong vài ngày. Thực tế, hình thức phẫu thuật này không phải là lựa chọn tốt nếu người bệnh bị viêm khớp, loãng xương hay có nhiều đĩa đệm bị thoái hóa.

4. Thủ thuật nối đốt sống

Để tiến hành thủ thuật nối đốt sống trong điều trị thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân cần được gây mê toàn thân. Trong hình thức phẫu thuật này, hai hoặc nhiều đốt sống có đĩa đệm bị thoái hóa sẽ được hợp nhất vĩnh viễn với nhau. Thủ thuật này có thể được thực hiện nhờ ghép xương từ một phần khác của cơ thể hoặc từ một người hiến tặng. Khi đó, bác sĩ có thể dùng đến ốc vít, thanh kim loại hoặc nhựa được thiết kế chuyên biệt để bổ trợ cho phần cột sống được nối.  

Thủ thuật nối đốt sống sẽ cố định vĩnh viễn một phần cột sống của bạn. Sau phẫu thuật, bạn phải ở lại bệnh viện vài ngày để được chăm sóc và theo dõi.

Mổ thoát vị đĩa đệm hết bao nhiêu tiền?

Mổ thoạt vị đĩa đệm hết bao nhiêu tiền
Mổ thoát vị đĩa đệm hết bao nhiêu tiền là mối quan tâm của không ít bệnh nhân

Mổ thoát vị đĩa đệm hết bao nhiêu tiền là câu hỏi của không ít bệnh nhân khi được bác sĩ chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Thực tế, tại Việt Nam, một ca phẫu thuật thoát vị đĩa đệm đơn thuần, không có hẹp ống sống, chỉ mổ lấy nhân thoát vị, mức chi phí dao động trong khoảng 15 – 20 triệu đồng. Nếu bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm thể nặng và bị thoát vị ở nhiều vị trí (thoát vị đa tầng) hoặc thoát vị kèm theo hẹp ống sống thì ngoài việc mổ lấy nhân thoát vị còn phải mở cung sau, giải ép ống sống và đặt nẹp để cố định cột sống thì phí cho nẹp vít khoảng từ 30 triệu đồng trở lên. Các chi phí khác cho ca mổ bao gồm tiền gây mê, vật tư ca mổ… nằm trong khoảng 10 – 12 triệu.

Ngoài ra, sau phẫu thuật, bệnh nhân cần phải dùng thuốc giảm đau, kháng sinh để chống nhiễm trùng vết mổ trong ít nhất trong 14 ngày… Chi phí sau mổ gồm tiền thuốc điều trị, tiền giường bệnh, chi phí ăn uống, chăm sóc… phụ thuộc vào dịch vụ mà người bệnh chọn.

Trong thực tế, chi phí điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm nhiều hay ít còn phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Tình trạng bệnh: Đối với bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng hay cổ… tùy thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của bệnh nhân mà chi phí điều trị khác nhau. Nếu thoát vị đĩa đệm nặng thì chi phí điều trị sẽ cao hơn so với thoát vị đĩa đệm ở mức độ nhẹ.
  • Phương pháp điều trị: Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm như dùng thuốc Tây, châm cứu, bấm huyệt, chiếu tia hồng ngoại, điều trị bằng laser, kéo giãn cột sống, vật lý trị liệu, phẫu thuật nội soi, phương pháp mổ thay đĩa đệm nhân tạo… Tùy theo biện pháp bệnh nhân chọn lựa để điều trị, mức chi phí sẽ khác nhau. Nếu bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm đa tầng chọn mổ nội soi thì chi phí dao động trong khoảng 60 triệu.
  • Thời gian điều trị: Thời gian điều trị cũng là yếu tố quyết định đến mức chi phí điều trị thoát vị đĩa đệm, nếu bệnh nhân chỉ định phẫu thuật thì chi phí cao hơn so với sử dụng biện pháp dùng thuốc và vật lý trị liệu. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ phải nằm lưu trú tại viện lâu hơn nên chi phí sẽ lớn hơn.
  • Cơ sở điều trị: Cơ sở điều trị uy tín có chất lượng, đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, cơ sở vật chất hiện đại thì mức chi phí điều trị sẽ khác so với những cơ sở kém hơn.
  • Chế độ bảo hiểm y tế: Nếu có bảo hiểm y tế, chi phí điều trị của người bệnh sẽ được giảm đáng kể.
  • Tình trạng sức khỏe của người bệnh: Chi phí cho một ca phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh. Nếu bệnh nhân có các căn bệnh đi kèm như bệnh tim, huyết áp cao, đái tháo đường, men gan tăng cao… mức chi phí điều trị sẽ cao hơn người không mắc những chứng bệnh này.

Bệnh thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn đầu có thể gây ra các cơn đau làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tình trạng này kéo dài có thể gây teo cơ, yếu liệt. Do đó, nếu nhận thấy có các biểu hiện đau nhức vùng cổ hay đau thắt lưng trong một thời gian dài mà không thuyên giảm, bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám.

Lan Quan/HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Herniated Disk Surgery: What to Expect https://www.healthline.com/health/bone-health/herniated-disk-surgery Ngày truy cập 14/02/2019

When Do I Need Surgery for a Herniated Disk? https://www.webmd.com/back-pain/surgery-for-herniated-disk#1 Ngày truy cập 14/02/2019

Herniated disk https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/herniated-disk/diagnosis-treatment/drc-20354101 Ngày truy cập 14/02/2019

Phiên bản hiện tại

24/11/2020

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: anh.nguyen


Bài viết liên quan

Top 4 phòng khám cơ xương khớp uy tín tại TP.HCM

Top 4 Bệnh viện, Phòng khám Cơ xương khớp uy tín tại Hà Nội


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 24/11/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo