backup og meta

Chấn thương cơ gân kheo (cơ kéo)

Chấn thương cơ gân kheo (cơ kéo)

Tìm hiểu chung

Chấn thương cơ gân kheo (cơ kéo) là bệnh gì?

Chấn thương cơ gân kheo thường được gọi là “cơ kéo” hoặc chấn thương gân kheo. Đây là tình trạng cơ bắp bị kéo căng và rách. Có ba mức độ chấn thương:

  • Cấp độ 1: bị căng cơ, vết rách rất nhỏ.
  • Cấp độ 2: rách một phần cơ.
  • Cấp độ 3: nghiêm trọng, cơ bắp hoàn toàn bị rách và có thể cần phải phẫu thuật.

Chấn thương cơ gân kheo khá phổ biến trong các hoạt động liên quan đến chạy hoặc nhảy. Bệnh cũng có thể xảy ra khi căng cơ quá nhiều (như trong yoga) và khi thực hiện các hoạt động mà cần phải bắt đầu nhanh chóng và dừng lại đột ngột.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của chấn thương cơ gân kheo (cơ kéo) là gì?

Các triệu chứng thường gặp khi cơ kéo:

  • Đau ở mặt sau của chân khi tập thể dục hoặc đi lại;
  • Bị cứng cơ;
  • Bị sưng hoặc bầm tím;
  • Gặp khó khăn khi co hoặc duỗi chân.

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy gặp bác sĩ nếu bạn có những triệu chứng trên hoặc chúng không có dấu hiệu thuyên giảm. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra chấn thương cơ gân kheo (cơ kéo)?

Chấn thương thường xảy ra khi các cơ bắp bị co hoặc giãn mạnh chẳng hạn như chạy bộ, tham gia các môn thể thao như bóng đá, điền kinh hoặc các hoạt động khác. Khi thực hiện các hoạt động này, cơ gân sẽ bị kéo và căng quá mức. Tình trạng này kéo dài có thể khiến cơ bị đứt hoặc rách dẫn đến chấn thương cơ gân kheo.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải chấn thương cơ gân kheo (cơ kéo)?

Những người tham gia các hoạt động thể dục thể thao như bóng đá, bóng rổ, cử tạ, trượt băng, khiêu vũ, điền kinh,… có nguy cơ cao bị chấn thương cơ gân kheo. Bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc chấn thương cơ gân kheo (cơ kéo)?

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ của chấn thương cơ gân kheo bao gồm:

  • Độ tuổi: người lớn tuổi thường hay bị chấn thương cơ gân kheo hơn;
  • Đã từng bị chấn thương trước đó;
  • Bị chèn ép dây thần kinh ở lưng dưới;
  • Hoạt động thể thao quá mức;
  • Mệt mỏi và sức khỏe kém.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán chấn thương cơ gân kheo (cơ kéo)?

Các bác sĩ chẩn đoán qua bệnh sử và khám thực thể. Có thể dùng chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như X-quang để xem thử có mảnh xương nhỏ bị vỡ ra ở gần các cơ hay không. Ngoài ra các phương pháp khác như siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng có thể được thực hiện để việc chẩn đoán được tốt hơn.

Những phương pháp nào dùng để điều trị chấn thương cơ gân kheo (cơ kéo)?

Các hoạt động trở lại quá sớm có thể làm cho chấn thương nặng thêm và dẫn đến tổn thương vĩnh viễn. Bạn cần phải nghỉ ngơi và chườm đá để giảm đau. Sau đó, quấn băng đàn hồi xung quanh chân để hạn chế sưng đồng thời đặt một cái gối dưới đùi để nâng chân lên.

Nếu cơn đau vẫn không giảm, bạn có thể dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) và acetaminophen. Thời gian phục hồi phụ thuộc vào mức độ của chấn thương mà có thể mất từ 6 đến 18 tuần. Sau khi hồi phục, bạn cần tập luyện từ từ các bài tập giãn cơ và tăng cường sức mạnh cho cơ.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của chấn thương cơ gân kheo (cơ kéo)?

Để hạn chế diễn tiến của bệnh, bạn cần:

  • Ngừng các hoạt động có thể gây đau vùng bị chấn thương cho đến khi bác sĩ cho phép hoạt động bình thường trở lại;
  • Sử dụng đúng các kỹ thuật khi chơi thể thao;
  • Thực hiện các bài tập khởi động trước khi bắt đầu chơi thể thao;
  • Tập dãn cơ trước và sau khi chơi thể thao hoặc tập thể dục;
  • Tăng cường sức mạnh cơ bắp ở đùi, xương chậu, lưng dưới để cân bằng cơ bắp.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản tải về

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư


Bài viết liên quan

THOÁI HÓA KHỚP - ĐIỀU TRỊ KHÔNG CHỈ CẦN GIẢM ĐAU

Làm thế nào để điều trị thoái hoá khớp gối an toàn, hiệu quả?


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo