Vì phải chống đỡ toàn bộ trọng lượng của cơ thể nên bàn chân rất dễ bị chấn thương. Trong đó, gãy xương bàn chân là một trong những chấn thương thường xảy ra nhất, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Vậy dấu hiệu gãy xương bàn chân là gì và làm cách nào để điều trị hiệu quả? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Tìm hiểu chung
Gãy xương bàn chân là gì?
Gãy xương bàn chân là một chấn thương gây rạn nứt hoặc gãy hoàn toàn xương ở cổ chân hoặc bàn chân. Bạn có thể bị gãy xương bàn chân sau một tai nạn hoặc té ngã. Mức độ nghiêm trọng của loại chấn thương này có thể khác nhau, từ nứt xương bàn chân đến tình trạng xương gãy đâm xuyên qua da. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải nói chuyện với bác sĩ nếu nghĩ rằng xương ở bàn chân của mình bị gãy. Bác sĩ có thể đưa ra một kế hoạch điều trị để giúp bạn hồi phục.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng gãy xương bàn chân là gì?
Các triệu chứng gãy xương bàn chân thường gặp là:
- Đau nhói tức thì
- Đau tăng khi hoạt động và giảm khi nghỉ ngơi
- Bầm tím
- Nhạy cảm
- Sưng
- Gặp khó khăn khi đi bộ hoặc đặt trọng lượng lên bàn chân
- Biến dạng như xương bị gãy chọc ra khỏi da hoặc bàn chân bị trẹo đi.
Các dấu hiệu gãy xương bàn chân có thể khác nhau, nhưng bầm tím, sưng và đau nhức xương bàn chân thường là những dấu hiệu phổ biến.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn nhận thấy các biến dạng rõ ràng ở bàn chân hoặc tình trạng đau và sưng không thuyên giảm, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây gãy xương bàn chân?
Các xương thường bị nứt gãy khi có yếu tố nào đó nghiền nát, uốn cong, xoắn vặn hoặc kéo căng xương. Chẳng hạn như:
- Tai nạn: Các chấn thương do tai nạn xe có thể gây gãy hoặc dập nát các xương bàn chân.
- Vấp ngã: Vấp ngã có thể làm gãy xương bàn chân, đặc biệt gót chân thường bị gãy khi bạn ngã từ trên cao xuống đất.
- Tác động từ một vật nặng: Vật nặng rơi lên chân là nguyên nhân phổ biến gây nứt xương bàn chân hoặc gãy.
- Va vào vật khác: Ngón chân có thể bị gãy do va chạm mạnh vào các vật cứng.
- Lạm dụng: Gãy xương do căng thẳng thường gặp ở các xương chịu trọng lượng của bàn chân. Những vết nứt nhỏ sẽ được tạo ra và lớn dần theo thời gian bởi lực lặp đi lặp lại hoặc do sử dụng quá mức. Tình trạng này xảy ra phổ biến nhất ở những người lính hành quân với đầy đủ tư trang hoặc các vận động viên như vũ công, vận động viên điền kinh và vận động viên thể dục dụng cụ.
Gãy xương bàn chân thường gặp ở trẻ em hơn người lớn.
- Ở người lớn, các xương chắc khỏe hơn dây chằng (kết nối xương với các xương khác) và gân (kết nối xương với cơ bắp). Tuy nhiên ở trẻ em, dây chằng và gân tương đối mạnh hơn xương hoặc sụn. Kết quả là, chấn thương chỉ có thể gây bong gân ở người lớn có thể gây gãy xương ở trẻ em. Tuy nhiên, phần trước bàn chân trẻ nhỏ khá linh hoạt và chịu đựng rất tốt với các chấn thương dưới mọi hình thức.
- Khi trẻ bị gãy khối xương bàn chân hoặc xương ngón chân, rất khó nhận ra vì nhiều phần xương đang phát triển của trẻ không hiển thị rõ trên hình ảnh X-quang. Vì lý do này, bác sĩ chỉ thỉnh thoảng đề nghị chụp X-quang bàn chân không bị thương của trẻ để so sánh với bàn chân bị thương.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán gãy xương bàn chân?
Bác sĩ sẽ hỏi bạn về chấn thương và tiến hành thăm khám. Các phương pháp xét nghiệm hình ảnh thường được sử dụng để chẩn đoán gãy xương bàn chân.
- Chụp X-quang: Hầu hết các trường hợp gãy xương bàn chân có thể được quan sát thấy trên phim X-quang. Kỹ thuật viên đôi khi cần chụp X-quang chân ở nhiều góc độ để hình ảnh xương không chồng chéo lên nhau quá nhiều.
- Xạ hình xương: Để chụp hình xương, kỹ thuật viên sẽ tiêm một lượng chất phóng xạ vào tĩnh mạch của bệnh nhân. Chất phóng xạ sau đó hấp thụ vào xương, đặc biệt vào những phần xương đã bị tổn thương. Các khu vực bị rạn nứt hoặc gãy do căng thẳng sẽ hiển thị dưới dạng điểm sáng trên phim.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT có thể cung cấp cho bác sĩ hình ảnh xương và các mô mềm quanh nó, giúp họ xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI có thể giúp bác sĩ quan sát hình ảnh dây chằng và xương để xác định được các vết rạn nứt xương bàn chân không thấy trên X-quang.
.
Những phương pháp nào dùng để điều trị gãy xương bàn chân?
Loại điều trị bạn nhận được dựa trên mức độ nghiêm trọng và vị trí gãy xương. Bạn có thể cần nghỉ ngơi và dùng thuốc để giảm đau. Bó bột, đeo nẹp hoặc mang ủng cho bàn chân bị gãy được sử dụng khá phổ biến. Trong trường hợp nặng hơn, phẫu thuật có thể cần thiết.
Các phương pháp điều trị thông thường cho gãy xương bàn chân bao gồm:
- Các loại thuốc giảm đau không cần toa
- Nghỉ ngơi
- Bó bột, đeo nẹp, mang ủng hoặc giày đặc biệt
- Giảm trọng lượng đặt lên bàn chân bị gãy
- Sử dụng nạng hoặc xe lăn
- Thao tác xương để đặt chúng trở lại vị trí đúng
- Phẫu thuật đặt đinh, ốc vít, que hoặc tấm ván
Gãy xương bàn chân bao lâu thì thì đi lại được?
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của gãy xương bàn chân, thời gian phục hồi sẽ khác nhau. Thông thường, gãy xương bàn chân thường lành lại sau khoảng hai tháng.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn phòng ngừa gãy xương bàn chân?
Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn ngăn ngừa gãy xương bàn chân:
- Công nhân xây dựng và những người khác có nguy cơ bị chấn thương bàn chân nên mang giày bảo hộ để bảo vệ ngón chân.
- Khi chơi thể thao luôn luôn mang giày thể thao có hỗ trợ tốt.
- Khi đi xe, không cho phép hành khách đặt chân lơ lửng ra khỏi cửa sổ hoặc đặt chân lên bảng điều khiển.
- Luôn đeo dây an toàn khi di chuyển bằng xe hơi.
- Củng cố sức mạnh cơ xương bằng các thực phẩm giàu canxi và vitamin D
Gãy xương bàn chân nên ăn gì để mau lành?
Bên cạnh nghỉ ngơi, chế độ ăn uống cũng đóng một vai trò quan trọng giúp xương mau lành. Một số chất dinh dưỡng trong thực phẩm rất tốt để giúp xương nhanh hồi phục như:
Kẽm
Kẽm thúc đẩy vitamin D tăng cường hoạt động để hấp thu nhiều canxi hơn, do đó xương nhanh chóng được tái tạo và phục hồi.
Bạn có thể bổ sung kẽm từ các loại cá biển, hải sản, ngũ cốc, giá đỗ, v.v.
Phosphat
Phosphat tham gia vào quá trình tái tạo xương. Bổ sung phosphat vào chế độ ăn sẽ giúp xương mau lành. Phosphat có trong trứng cá, lòng đỏ trứng gà, gan bò, phô mát, yến mạch, v.v.
Magie
Magie là chất khoáng quan trọng thứ hai (sau canxi) tham gia vào quá trình tái tạo xương. Vì vậy, bổ sung magie sẽ giúp xương mau lành. Bạn có thể bổ sung magie từ cá thu, cá trích, cá chép, tôm, sữa, ngũ cốc, v.v.
Canxi
Canxi là một chất không thể thiếu trong quá trình tái tạo xương. Canxi có nhiều trong sữa, cá hồi, cá mòi, sữa tươi, bắp cải, v.v.
Axit folic
Axit folic có nhiều trong các loại trái cây như chuối, cam, quýt, v.v. Axit folic giúp cho xương luôn chắc khỏe và cứng cáp.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
[embed-health-tool-bmi]