backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Ung thư thận

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 08/06/2022

Ung thư thận

Ung thư thận chiếm khoảng 3,7% tổng số các bệnh ung thư ở Hoa Kỳ. Mỗi năm, hơn 62.000 người Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên theo tuổi tác. Vậy ung thư thận là bệnh gì? Dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị ra sao?

Ung thư thận thường có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này nhé!

Tìm hiểu chung

Ung thư thận là gì?

Thận là cơ quan hình hạt đậu nằm ngay ở trên thắt lưng. Mỗi quả thận có kích thước khoảng bằng nắm tay. Chúng nằm phía sau các cơ quan trong ổ bụng, mỗi một quả thận nằm ở mỗi bên cột sống của bạn. Là một phần của hệ thống tiết niệu, nhiệm vụ chính của thận là lọc máu và tạo ra nước tiểu để loại bỏ các chất thải của cơ thể.

Ung thư thận xảy ra khi các tế bào thận phát triển bất thường ngoài tầm kiểm soát. Theo thời gian, những tế bào này tích tụ và tạo thành khối u ác tính. Một khối u ác tính có thể lây lan sang các mô và cơ quan quan trọng khác trên cơ thể. Khi điều này xảy ra, nó được gọi là ung thư thận di căn.

Các dạng bệnh ung thư thận

Ung thư thận có nhiều dạng khác nhau bao gồm:

  • Ung thư biểu mô tế bào thận (RCC): Đây là dạng ung thư thận phổ biến nhất ở người lớn và chiếm 85% các loại ung thư thận. Ung thư biểu mô tế bào thận thường phát triển như một khối u đơn lẻ ở một thận, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến cả hai thận. Ung thư bắt đầu trong các tế bào lót ống thận (các ống nhỏ đưa chất dinh dưỡng và chất lỏng trở lại máu). Loại RCC phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào thận tế bào trong (ccRCC).
  • Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp: Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp chiếm từ 6 – 7% các loại ung thư thận. Căn bệnh ung thư này thường bắt đầu ở khu vực mà niệu quản kết nối với phần chính của thận. Khu vực này được gọi là bể thận. Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp cũng có thể xảy ra ở niệu quản hoặc bàng quang.
  • Khối u Wilms: Đây là loại ung thư thận phổ biến nhất ở trẻ em. Nó chiếm khoảng 5% các trường hợp ung thư thận.
  • Sarcoma thận: Đây là dạng ung thư thận hiếm gặp, chỉ chiếm 1% các trường hợp ung thư thận. Nó bắt đầu trong các mô liên kết của thận và nếu không được điều trị, có thể lây lan sang các cơ quan và xương lân cận.

Các giai đoạn ung thư thận

Giai đoạn của bệnh ung thư thận được xác định dựa trên:

  • Vị trí và kích thước của khối u
  • Mức độ ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết
  • Mức độ lây lan của ung thư đến các mô và cơ quan khác.

Bác sĩ sẽ yêu cầu các xét nghiệm khác nhau, bao gồm chụp CT, chụp MRI và sinh thiết, để xác định giai đoạn ung thư.

  • Giai đoạn I: Khối u có chiều ngang hoặc nhỏ hơn 7cm và chỉ nằm trong thận, chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc các mô khác.
  • Giai đoạn II: Khối u có chiều ngang lớn hơn 7cm nhưng vẫn chỉ nằm trong thận, chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc các mô khác.
  • Giai đoạn III: Khối u đã lan đến các mạch máu chính, bao gồm tĩnh mạch thận và tĩnh mạch chủ dưới hoặc vào mô xung quanh thận hay các hạch bạch huyết gần đó.
  • Giai đoạn IV: Khối u đã lan ra bên ngoài thận đến tuyến thượng thận (tuyến nhỏ nằm trên đầu thận), hoặc đến các hạch bạch huyết ở xa hoặc các cơ quan khác trên cơ thể như xương, não, phổi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư thận

dấu hiệu ung thư thận

Ung thư thận giai đoạn đầu có thể không gây triệu chứng rõ ràng. Khi khối u lớn dần, các dấu hiệu ung thư thận có thể bao gồm:

  • Đi tiểu ra máu
  • Đau lưng dưới hoặc một bên xương sườn dai dẳng mà không phải do chấn thương
  • Xuất hiện khối u hoặc sưng ở một bên
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Sốt
  • Cảm thấy rất mệt mỏi
  • Sụt cân
  • Chán ăn
  • Huyết áp cao
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Sưng tĩnh mạch trong tinh hoàn ở nam giới
  • Sưng hạch ở cổ
  • Đau xương
  • Thiếu máu
  • Tăng canxi máu
  • Ho ra máu.

Một số triệu chứng này chỉ xảy ra khi ung thư giai đoạn cuối và đã di căn đến các bộ phận khác trên cơ thể, chẳng hạn như xương hoặc phổi.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Các triệu chứng ung thư thận thường tương tự như các triệu chứng của các vấn đề sức khỏe ít nghiêm trọng hơn gây ra, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs), u nang thận hoặc sỏi thận. Nếu bạn có các triệu chứng này, hãy thăm khám với bác sĩ càng sớm càng tốt để có thể được chẩn đoán và điều trị một cách tốt nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ung thư thận

Nguyên nhân chính xác gây ung thư thận vẫn chưa được xác định. Theo các bác sĩ, ung thư thận xảy ra khi một số tế bào thận phát triển bất thường (đột biến) và phân chia nhanh chóng. Chúng tích tụ tạo thành một khối u có thể vượt ra ngoài thận. Một số tế bào có thể vỡ ra và lây lan (di căn) đến các bộ phận xa của cơ thể.

nguyên nhân gây ung thư thận

Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh này, bao gồm:

  • Tuổi cao: nằm trong độ tuổi từ 60 – 70. Ung thư thận hiếm gặp ở những người dưới 50 tuổi.
  • Giới tính: nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi phụ nữ.
  • Béo phì: những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên.
  • Hút thuốc lá
  • Huyết áp cao (tăng huyết áp).
  • Tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh.
  • Một số hội chứng di truyền, chẳng hạn như những người mắc bệnh Von Hippel-Lindau, hội chứng Birt-Hogg-Dube, bệnh xơ cứng củ, ung thư biểu mô tế bào thận nhú di truyền hoặc ung thư thận gia đình.
  • Lọc máu lâu dài để điều trị suy thận mạn tính.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán ung thư thận?

Ung thư thận thường được phát hiện ở giai đoạn đầu, khi khối u có kích thước nhỏ và khu trú trong thận. Bác sĩ sẽ chẩn đoán qua khám lâm sàng triệu chứng và một số xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm mẫu nước tiểu để kiểm tra xem có chứa máu trộn lẫn hoặc kiểm tra có dấu hiệu của nhiễm trùng hay không.
  • Xét nghiệm máu giúp đếm số lượng của từng loại tế bào máu khác nhau, cũng như xem xét các chất điện giải khác nhau trong cơ thể. Xét nghiệm máu có thể cho biết tình trạng thiếu máu, hoặc chức năng thận có bị suy giảm hay không (bằng cách xem xét nồng độ creatinine).
  • Siêu âm: sử dụng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh về thận nhằm kiểm tra xem bất kỳ vấn đề nào ở mô thận.
  • Chụp CT: sử dụng tia X để tạo ra một loạt hình ảnh hoặc các lát cắt bên trong cơ thể
  • Chụp MRI: sử dụng sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết về thận.
  • Nội soi bàng quang: phương pháp sử dụng một ống mỏng được đưa qua niệu đạo để phát hiện ra bất kỳ vấn đề nào trong bàng quang.
  • Sinh thiết là phương pháp bác sĩ sẽ đưa một cây kim vào thận để loại bỏ một mẫu mô nghi ngờ và kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm tế bào ung thư.
  • Chụp PET được thực hiện trong trường hợp ung thư thận đã được chẩn đoán nhằm xác định xem ung thư đã di căn chưa và mức độ đáp ứng của nó với điều trị.

Những phương pháp nào dùng để điều trị ung thư thận?

chẩn đoán và điều trị ung thư thận

Ung thư thận có chữa được không? Bệnh thường có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, bệnh sẽ khó chữa khỏi nếu được chẩn đoán sau khi nó đã lan ra ngoài thận.

Phương pháp điều trị ung thư thận phụ thuộc vào kích thước của khối u và liệu nó có di căn sang các bộ phận khác của cơ thể bạn hay không. Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thận tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất.
  • Phương pháp áp lạnh hoặc cắt bỏ bằng tần số vô tuyến để phá hủy các tế bào ung thư.
  • Xạ trị là dùng bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư, giảm các triệu chứng bệnh, chẳng hạn như đau đớn khi ung thư thận lan đến xương hoặc não.
  • Thuyên tắc mạch có thể được dùng thể thu nhỏ khối u bằng cách ngăn chặn mạch máu chính đến thận nên khối u không thể lấy máu có chứa oxy và các chất khác cần thiết để tăng trưởng. Tuy nhiên, phương pháp này không thể tiêu diệt khối u, mà chỉ giúp bệnh nhân ung thư thận giai đoạn cuối không thể phẫu thuật có thể ổn định hơn.
  • Liệu pháp miễn dịch bao gồm sử dụng các tác nhân sinh học như interferon, sunitinib và bevacizumab để ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển và lây lan. Đây là một phương thức điều trị mới hơn và cho thấy một số thành công trong việc điều trị ung thư thận giai đoạn cuối.
  • Thuốc nhắm mục tiêu giúp ngăn chặn một số đặc điểm giúp tế bào ung thư phát triển mạnh. Ví dụ, những loại thuốc này có thể ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu hoặc protein mới nuôi ung thư.
  • Hóa trị không phải là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh ung thư thận. Tuy nhiên, thuốc hóa trị được dùng bằng đường uống hoặc truyền qua tĩnh mạch (tiêm tĩnh mạch) có thể được chỉ định nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

Tiên lượng

Ung thư thận sống được bao lâu?

Ung thư thận sống được bao lâu phần lớn phụ thuộc vào độ lớn của khối u, mức độ di căn vào thời điểm được chẩn đoán và tình trạng sức khỏe tổng thể, cũng như khả năng đáp ứng với điều trị của bệnh nhân.

Theo một thống kê tại Anh đối với những người được chẩn đoán mắc bệnh từ năm 2013 đến năm 2017. Tiên lượng sống cụ thể như sau

  • Khoảng 80% bệnh nhân sống sót được thêm 1 năm hoặc hơn sau khi được chẩn đoán
  • Khoảng 65% bệnh nhân sống sót được thêm 5 năm hoặc hơn sau khi được chẩn đoán
  • Hơn 50% bệnh nhân sống sót được thêm 10 năm hoặc hơn sau khi được chẩn đoán.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa ung thư thận?

Bởi vì nguyên nhân chính xác của bệnh ung thư thận là không xác định nên không có cách nào để ngăn ngừa bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách không hút thuốc, giữ cân nặng hợp lý và kiểm soát một số bệnh như huyết áp cao, tiểu đường và béo phì.

Bạn nên thực hiện các mẹo sau đây để cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh:

  • Bỏ hút thuốc
  • Duy trì cân nặng hợp lý và giảm cân lành mạnh
  • Kiểm soát huyết áp
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Có một chế độ ăn uống lành mạnh
  • Ngủ đủ giấc
  • Dành thời gian nghỉ ngơi để giảm stress

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 08/06/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo