backup og meta

Bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ: 10 “thủ phạm” PHỔ BIẾN nhất!

Bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ: 10 “thủ phạm” PHỔ BIẾN nhất!

Đau thắt lưng là triệu chứng rất phổ biến mà hầu như ai cũng gặp phải. Thế nhưng, theo nghiên cứu bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ lại có xu hướng phổ biến hơn so với nam giới. Vậy nguyên nhân là do đâu? 

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ, ngoài các nguyên nhân mà ai cũng có thể gặp phải còn có những nguyên nhân rất “đặc trưng” liên quan đến các bệnh lý phụ khoa và hormone sinh dục nữ. Xem ngay những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi để phần nào có thêm thông tin về những “thủ phạm” gây đau thắt lưng thường gặp nhất cũng như một số cách khắc phục đơn giản, hiệu quả ngay tại nhà.  

Nguyên nhân gây bệnh đau thắt lưng chỉ gặp ở phụ nữ 

Có rất nhiều nguyên nhân giải thích tại sao phụ nữ hay bị đau thắt lưng hơn so với nam giới. Trong đó, “thủ phạm” thường gặp nhất là do sự thay đổi của hormone trong chu kỳ kinh nguyệt và sau mãn kinh.  

Theo nghiên cứu, phụ nữ sau mãn kinh còn có biểu hiện thoái hóa đĩa đệm nhanh hơn so với nam giới do thiếu hụt hormone estrogen. Ngoài ra, mang thai, sinh nở và các bệnh lý phụ khoa cũng là những yếu tố gây nên bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ:

1. Bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ có thể do hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là tình trạng xuất hiện một loạt các triệu chứng về thể chất, cảm xúc, tinh thần trong khoảng thời gian sau khi rụng trứng và trước khi hành kinh do sự thay đổi về nội tiết tố nữ. 

Trong đó, đau vùng bụng và vùng thắt lưng là triệu chứng điển hình và thường gặp nhất. Nếu bạn bị đau thắt lưng gần ngày hành kinh thì có thể nghĩ ngay đến nguyên nhân này và không cần quá lo bởi triệu chứng này sẽ biến mất sau khoảng 2 – 3 ngày khi kỳ kinh bắt đầu.

2. Bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ sau mãn kinh do các vấn đề về nội tiết tố

Nghiên cứu cho thấy đau thắt lưng mãn tính là một trong những triệu chứng mà phụ nữ sau mãn kinh sẽ có nguy cơ gặp phải cao nhất. Nguyên nhân được lý giải là do sự sụt giảm nghiêm trọng của hormone estrogen sau mãn kinh có thể dẫn đến một số bệnh lý phổ biến như: 

  • Loãng xương sinh lý 
  • Hệ thống dây chằng gân cơ quanh cột sống bị chai cứng 
  • Thoái hóa khối đĩa đệm giữa 2 đốt sống
  • Tăng cân vùng bụng vào thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.

3. Đau bụng kinh có thể dẫn đến đau thắt lưng

Đau bụng kinh dữ dội có thể là nguyên nhân gây ra các cơn đau ở vùng bụng dưới, hông, chân và vùng thắt lưng. Có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng kinh dữ dội và bạn sẽ dễ gặp phải tình trạng này nếu: 

  • Dưới 20 tuổi 
  • Có thói quen hút thuốc 
  • Hay bị chảy máu nặng trong kỳ kinh 
  • Gia đình có tiền sử bị đau bụng kinh. 
  • Ngoài ra, đau bụng kinh và đau thắt lưng cũng có thể dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung và viêm vùng chậu…

4. Lạc nội mạc tử cung – Nguyên nhân phổ biến gây bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các mô tương tự như niêm mạc tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung, có thể là trong khoang chậu hoặc các khu vực khác. Triệu chứng đặc trưng là: 

  • Đau bụng kinh dữ dội kèm theo các cơn đau ở vùng chậu và bụng dưới 
  • Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục 
  • Đau thắt lưng và đau vùng chậu kéo dài
  • Đau khi đi tiêu hoặc đi tiểu, hiếm gặp máu trong phân hoặc nước tiểu.

Lạc nội mạc tử cung cũng có thể gây chảy máu bất thường ở giữa chu kỳ kinh nguyệt. Đi cùng với đó là các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, tiêu chảy, nhất là trong thời gian hành kinh.

5. Đau thắt lưng ở phụ nữ có thể là dấu hiệu mang thai

Đau thắt lưng có thể là dấu hiệu sớm của việc mang thai. Ngoài ra, trong thai kỳ, bà bầu cũng rất dễ bị đau thắt lưng do cân nặng tăng nhanh, trọng tâm cơ thể dần chuyển về phía trước làm tư thế thay đổi và sự thay đổi hormone làm giãn dây chằng để chuẩn bị cho quá trình sinh nở.  

Đa phần, bà bầu sẽ bị đau thắt lưng vào khoảng tháng thứ 5 đến tháng thứ 7 nhưng cũng có trường hợp xuất hiện khá sớm, nhất là với phụ nữ có tiền sử bị đau lưng.  

Khi bị đau thắt lưng trong thai kỳ, bạn sẽ bị đau ở phần dưới thắt lưng, phía trên xương cụt hoặc đau ở giữa lưng, xung quanh vòng eo. Ngoài ra, cơn đau cũng có thể lan xuống chân. 

Nguyên nhân gây bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ do bệnh về cơ xương khớp 

bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ

Ngoài những nguyên nhân đặc trưng kể trên thì bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ có thể là dấu hiệu của các bệnh lý sau:

6. Căng cơ

Căng cơ hoặc dây chằng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau thắt lưng. Bạn có thể bị căng cơ nếu: 

  • Thường xuyên nâng vật nặng 
  • Vặn người sai cách 
  • Chấn thương khi tập luyện 

7. Hội chứng cơ hình lê

Tình trạng các cơ hình lê (cơ tháp) ở mông co thắt và đè lên dây thần kinh tọa. Hội chứng này rất phổ biến ở phụ nữ từ 40 – 60 tuổi với nguy cơ gặp phải cao gấp 6 lần nam giới.  

Nguyên nhân lý giải cho điều này là do sự khác biệt về cấu trúc xương chậu và sự thay đổi hormone mà phụ nữ trải qua trong thời gian mang thai. Triệu chứng đặc trưng của hội chứng cơ hình lê là:

  • Đau, tê và ngứa từ phần thắt lưng đến ngón chân 
  • Đau thắt lưng mãn tính, đặc biệt là vùng hông, mông 
  • Đau thắt lưng khi đổi tư thế, chẳng hạn như đang ngồi thì đứng dậy 
  • Khó chịu khi ngồi lâu 
  • Cơn đau có thể lan ra phía sau đùi và chân.  

8. Thoát vị đĩa đệm

Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ. Thoát vị đĩa đệm là tình trạng các lớp bao xơ bên ngoài đĩa đệm bị thoái hóa hoặc rách khiến nhân đệm theo vết rách lệch khỏi vị trí ban đầu, gây chèn ép thần kinh và ống sống. 

Nếu bị đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm, bạn sẽ thấy cơn đau có xu hướng lan xuống chân, làm hạn chế khả năng vận động và có thể dẫn đến các triệu chứng như teo cơ, tê chân tay, rối loạn cảm giác, chóng mặt… 

9. Thoái hóa cột sống 

Tình trạng cột sống bị lão hóa và dấn mất đi cấu trúc cũng như chức năng bình thường. Triệu chứng đặc trưng của thoái hóa cột sống là cơn đau âm ỉ, kéo dài ở vùng thắt lưng.  

Cơn đau có thể dữ dội khi ngồi lâu hoặc khi thực hiện tư thế cúi người, xoay người và nâng vật nặng. Với những trường hợp nặng, cơn đau có thể lan xuống chân, gây tê liệt, khiến người bệnh khó di chuyển. 

10. Đau xương cụt – Nguyên nhân gây bệnh đau thắt lưng thường gặp ở phụ nữ

Xương cụt hay xương cùng nằm ở phía cuối của cột sống và được cấu thành từ 3 – 5 đốt sống, có tác dụng giảm sốc và mang lại cảm giác ổn định khi ngồi.  

Đau xương cụt có thể là nguyên nhân gây ra bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ. Không những vậy, phụ nữ còn có nguy cơ bị đau xương cụt cao hơn do sự khác biệt về hình dạng và góc của khung xương chậu cũng như do chấn thương trong quá trình sinh nở. 

Nếu đau thắt lưng có nguyên nhân do đau xương cụt, bạn sẽ cảm nhận được cơn đau khi ngồi, ngã người về phía sau, ngồi trên bề mặt cứng và khi đứng lên từ thế ngồi. 

Ngoài ra, đau thắt lưng còn có thể do những nguyên nhân khác như bệnh thận, viêm khớp vùng cột sống, hẹp ống sống, ung thư xương…

Khắc phục bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ như thế nào? 

khắc phục bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau thắt lưng ở phụ nữ, do đó để có kết quả điều trị tốt nhất thì bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân. 

Nếu bạn bị đau thắt lưng vào thời gian gần có kinh, sau khi vận động hoặc do sinh hoạt sai tư thế, bạn có thể thử bí quyết giảm đau sau: 

  • Chườm ấm ở vùng thắt lưng để thúc đẩy tuần máu, giúp oxy và chất dinh dưỡng đến cơ lưng nhiều hơn. 
  • Tắm nước ấm có thể cải thiện tuần hoàn, giảm đau và cứng cơ. 
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, naproxen hoặc aspirin để giảm đau thắt lưng và các cơn đau khác liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt 
  • Tập các bài tập giãn cơ nhẹ nhàng để cải thiện cơn đau và hạn chế nguy cơ tái phát 
  • Chườm lạnh có thể giúp giảm viêm, đau và bầm tím trong vòng 48 giờ đầu tiên khi bị căng cơ hoặc chấn thương. 
  • Kê gối ở phần thắt lưng khi ngủ có thể giúp giảm đau lưng và khó chịu. 

Nếu tình trạng đau thắt lưng không thuyên giảm hoặc có các dấu hiệu sau, bạn nên đi khám ngay: 

  • Cơn đau dữ dội khiến bạn không thể đứng, đi bộ hoặc làm cản trở sinh hoạt hàng ngày 
  • Đau thắt lưng kèm theo sốt hoặc bạn không thể kiểm soát được việc đi tiêu, đi tiểu 
  • Đau, tê hoặc ngứa ran ở chân 
  • Cơn đau kéo dài xuống chân  
  • Đau bụng dữ dội 
  • Có các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung 
  • Đau thắt lưng khi mang thai kèm theo chảy máu âm đạo, sốt hoặc đau khi đi tiểu 
  • Đau thắt lưng sau khi bị ngã hoặc tai nạn. 

Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ mà bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị phù hợp. 

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Increased low back pain prevalence in females than in males after menopause age: evidences based on synthetic literature review https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4858456/ Ngày truy cập: 14/9/2021 

Back Pain During Pregnancy https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions/b/back-pain-during-pregnancy.html Ngày truy cập: 14/9/2021 

Dysmenorrhea: Painful Periods https://www.acog.org/womens-health/faqs/dysmenorrhea-painful-periods?utm_source=redirect&utm_medium=web&utm_campaign=int Ngày truy cập: 14/9/2021 

Endometriosis https://www.womenshealth.gov/a-z-topics/endometriosis Ngày truy cập: 14/9/2021 

Premenstrual Dysphoric Disorder (PMDD) https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/premenstrual-dysphoric-disorder-pmdd Ngày truy cập: 14/9/2021 

Phiên bản hiện tại

14/09/2021

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - VIÊM VÀ NGUYÊN NHÂN GÂY VIÊM | Hello Bacsi x SANOFI

Hello Bacsi | New Office Introduction


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 14/09/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo