backup og meta

Nạo túi nha chu: Giải pháp cho người viêm nha chu

Nạo túi nha chu: Giải pháp cho người viêm nha chu

Nạo túi nha chu là thủ thuật thường được sử dụng để điều trị bệnh viêm quanh răng. Thủ thuật này giúp làm sạch phần mô mềm bị viêm ở mặt ngoài nướu răng, vệ sinh cao răng bám ở mặt trong và các thành phần nằm trong túi lợi.

Túi nha chu là khoảng trống hoặc khe hở bao quanh răng nằm dưới đường viền nướu. Những túi này có thể chứa đầy vi khuẩn gây nhiễm trùng. Túi nha chu là một triệu chứng của bệnh viêm nha chu (bệnh nướu răng), một bệnh nhiễm trùng răng miệng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị, tình trạng túi nha chu có thể dẫn đến mất răng.

Túi nha chu có thể được điều trị và phục hồi bằng việc thực hành thói quen vệ sinh răng miệng tốt hoặc điều trị nha khoa bằng hình thức nạo túi nha chu…

Nạo túi nha chu là gì?

Việc mắc bệnh viêm nha chu nếu lâu ngày không được điều trị sẽ dẫn tới hình thành túi nha chu. Túi nha chu là một túi rỗng xuất hiện giữa răng và khe nướu. Cùng với thời gian, mảng bám tích tụ ngày càng dày ở khe nướu khiến túi nha chu ngày một to hơn. Hậu quả là nướu dần tuột ra khỏi chân răng, đồng thời cấu trúc răng xung quanh bị tổn thương nghiêm trọng. Do đó, việc phẫu thuật nạo túi nha chu là cần thiết để ngăn chặn những hệ quả trên xảy ra.

Nạo túi nha chu (còn gọi là cạo nha chu/cắt túi lợi) là một quy trình tiểu phẫu; trong đó, nha sĩ sẽ sử dụng cây nạo túi để làm sạch vùng giữa nướu và chân răng. Bằng cách này, răng miệng của bạn sẽ được làm sạch khỏi những ổ mủ dẫn tới viêm nhiễm răng miệng.

Khi nào cần nạo túi nha chu?

nạo túi nha chu

Phẫu thuật nạo túi nha chu được chỉ định cho các trường hợp viêm nha chu mãn, xuất hiện dịch mủ ở nướu răng. Trước tiên, nha sĩ sẽ tiến hành lấy nha chu và loại bỏ mảng bám trên răng. Sau đó, bệnh nhân sẽ được nạo sạch vùng túi giữa răng và nướu để loại bỏ hoàn toàn túi nha chu.

Bảng giá điều trị nha chu

Chi phí nạo túi lợi trung bình khoảng 550.000 đ cho một răng. Nếu điều trị bằng phương pháp Laser, mức giá sẽ tăng lên khoảng 1.100.000 đ/răng.

Quy trình nạo túi nha chu

nạo túi nha chu

Thời gian điều trị kéo dài từ 10 – 30 phút tùy vào mức độ viêm nha chu. Nếu túi nha chu nhỏ, bạn sẽ chỉ cần phải nạo một lần. Trong trường hợp túi nha chu phát triển lớn, quy trình nạo sẽ phải chia thành nhiều lần. Đối với những trường hợp có túi nha chu lớn hơn 5mm, tiêu xương ổ răng nghiêm trọng, viêm túi dưới xương, bạn sẽ cần được điều trị bởi một bác sĩ chuyên về nha chu.

  • Đầu tiên, nha sĩ sẽ tiến hành gây tê cục bộ để giảm bớt khó chịu cho bệnh nhân trước khi tiến hành nạo vét.
  • Tiếp theo, nha sĩ sẽ đo túi nha chu và phẫu thuật để làm giảm độ sâu của túi – tránh thức ăn kẹt vào giữa nướu và chân răng.
  • Ở bước làm sạch, nha sĩ sẽ bóc tách nướu khỏi xương, loại bỏ mô bị tổn thương trước khi khâu vết thương. Nếu bờ xương ổ quá gồ ghề, nha sĩ sẽ chỉnh sửa lại nhằm ngăn vi khuẩn tích tụ trên mô xương lành mạnh.

Sau khi hoàn tất, nha sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách cầm máu và sử dụng gel kháng viêm để đẩy nhanh quá trình lành thương. Nếu sau khi điều trị một thời gian mà tình trạng viêm nha chu không suy giảm, bạn sẽ cần gặp bác sĩ chuyên khoa nha chu để khám và chữa trị kịp thời.

Lưu ý sau khi điều trị nha chu

Một khi thuốc tê hết tác dụng, bạn sẽ cảm thấy hơi đau nhức ở vùng nướu vừa điều trị. Để giảm bớt khó chịu, bạn nên uống thuốc theo chỉ định của nha sĩ. Các loại thuốc giảm đau không kê toa như Ibuprofen cũng có thể được sử dụng nếu cần.

Sau khi nạo vét nha chu, răng của bạn sẽ trở nên khá nhạy cảm. Trong vòng vài ngày đầu tiên, cần tránh đánh răng và dùng chỉ nha khao. Thay vào đó, bạn có thể súc miệng bằng nước muối sinh lý, hoặc đánh răng thật nhẹ. Tùy từng trường hợp, nha sĩ có thể yêu cầu sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn để đẩy nhanh quá trình lành thương.

Nạo túi nha chu có đau không?

Nạo túi nha chu bao gồm bước gây tê cục bộ, do đó bạn sẽ chỉ cảm thấy khó chịu ở mức tối thiểu. Nếu bị viêm nha chu nặng, bạn có thể bị chảy một ít máu và cảm thấy hơi đau trong quá trình phẫu thuật.

Túi nha chu là kết quả của tình trạng mảng bám tích tụ lâu ngày, làm nới rộng khoảng cách giữa nướu và chân răng. Do đó, bạn nên lưu ý đi khám răng và cạo vôi ít nhất 6 tháng/ lần để ngăn ngừa hình thành túi nha chu. Đặc biệt, nếu túi nha chu càng lớn/ sâu, rủi ro tiêu xương sẽ càng cao, gây khó khăn cho việc điều trị – thậm chí là không thể chữa khỏi.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Periodontitis https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/periodontitis/diagnosis-treatment/drc-20354479 Ngày truy cập 14/02/2022

What is periodontitis? https://www.efp.org/what-is-periodontitis/ Ngày truy cập 14/02/2022

Initial healing of periodontal pockets after a single episode of root planing monitored by controlled probing forces https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/7045322/ Ngày truy cập 14/02/2022

Periodontal Disease. https://www.cdc.gov/oralhealth/conditions/periodontal-disease.html. Ngày truy cập 14/02/2022

What to Know About Periodontal Pockets https://www.healthline.com/health/periodontal-pockets Ngày truy cập 14/02/2022

Phiên bản hiện tại

19/10/2022

Tác giả: Phó Ngọc Trinh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Bí quyết chăm sóc răng nướu để phòng bệnh nha chu

Bệnh nha chu là gì? Viêm nha chu được điều trị như thế nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 19/10/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo