backup og meta

Thiểu sản men răng là gì? Nguyên nhân và các triệu chứng đáng chú ý

Thiểu sản men răng là gì? Nguyên nhân và các triệu chứng đáng chú ý

Men răng là lớp ngoài cùng rất cứng, có chức năng bao phủ và bảo vệ răng. Thiểu sản men răng là một khiếm khuyết của men răng và thường xảy ra khi răng vẫn đang phát triển. Tuy nhiên, nhìn chung thì tình trạng này vẫn có thể ảnh hưởng đến cả răng sữa và răng vĩnh viễn nên cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Trên thực tế, không phải ai cũng hiểu rõ thiểu sản men răng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và làm sao để điều trị? Vì vậy, nếu bạn cũng đang quan tâm đến những vấn đề kể trên thì có thể tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết sau của Hello Bacsi.

Thiểu sản men răng là gì? Các triệu chứng bạn cần biết

Thiểu sản men răng còn được gọi là giảm sản men răng. Đây là một loại khiếm khuyết do men răng hình thành không hoàn toàn hoặc cấu trúc men răng bị lỗi dẫn đến men răng mỏng, yếu, chất lượng kém. Bạn có thể không nhận thấy các triệu chứng rõ ràng của tình trạng này. Thế nhưng, khi tình trạng thiểu sản men răng gây ra các vấn đề răng miệng đáng chú ý hơn, bạn có thể nhận thấy một số triệu chứng sau đây:

  • Xuất hiện các rãnh hoặc vết lõm trên bề mặt men răng
  • đốm trắng trên răng 
  • Bề mặt răng có thể có những vết ố màu vàng nâu
  • Phần chân răng bị mòn sát tới nướu có thể dẫn đến tụt nướu, dễ bị sâu răng
  • Lớp ngà răng bên dưới lộ ra ngoài khiến răng nhạy cảm hơn với nhiệt và axit từ thức ăn, đồ uống. Điều này nghĩa là bạn thường cảm thấy đau, ê buốt khi ăn uống đồ nóng, lạnh hoặc có tính axit
  • Đối với trẻ bị thiểu sản men răng, răng sữa của bé thường bị mủn, cụt dần về phía chân răng và rất dễ bị gãy ngang răng.

Nguyên nhân gây ra thiểu sản men răng

nguyên nhân gây thiểu sản men răng

Nguyên nhân gây thiểu sản men răng chủ yếu là do di truyền nên còn được biết đến là chứng giảm sản men bẩm sinh. Tình trạng này cũng có thể khiến răng của bạn nhỏ bất thường và gặp nhiều vấn đề răng miệng khác. Chứng giảm sản men bẩm sinh có thể xảy ra đơn lẻ hoặc là một phần của những hội chứng di truyền khác. Sau đây là chi tiết các nhóm nguyên nhân gây thiểu sản men răng:

Thiểu sản men răng do các hội chứng di truyền

Một số rối loạn di truyền hiếm gặp có thể góp phần gây thiểu sản men bao gồm:

  • Hội chứng Usher
  • Hội chứng Seckel
  • Hội chứng Ellis-van Creveld
  • Hội chứng Treacher Collins
  • Hội chứng vi mất đoạn 22q11.2
  • Hội chứng Heimler.

Thiểu sản men răng do các vấn đề trước khi sinh

Các vấn đề trước khi sinh góp phần gây giảm sản men răng bao gồm:

  • Mẹ bầu có chế độ dinh dưỡng kém, thiếu vitamin D… dễ sinh con bị giảm sản men răng
  • Tăng cân nhiều khi mang thai
  • Mẹ bầu hút thuốc, sử dụng ma túy
  • Mẹ không được chăm sóc về dinh dưỡng và y tế đầy đủ trước khi sinh
  • Mẹ sinh non hoặc sinh trẻ nhẹ cân.

Các điều kiện khác gây giảm sản men răng

thiểu sản men răng

Một người có thể bị thiểu sản men răng nếu trải qua một trong những vấn đề sau đây:

  • Chế độ dinh dưỡng kém dẫn đến thiếu hụt canxi, vitamin A, C hoặc D
  • Một số bệnh có thể góp phần gây giảm sản men răng gồm bệnh celiac, bệnh thận, gan…
  • Chấn thương hoặc nhiễm trùng trong quá trình hình thành răng
  • Tiếp xúc với một số hóa chất hoặc thuốc gây hại cho men răng
  • Chăm sóc răng sai cách hoặc để răng tiếp xúc với axit trong thời gian dài khi ăn uống cũng có thể là nguyên nhân khiến cho men răng bị bào mòn.

Thiểu sản men răng được điều trị như thế nào?

Tình trạng thiểu sản men răng kéo dài không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn tạo điều kiện để sâu răng phát triển, khiến răng vỡ vụn và tăng nguy cơ mất răng. Do đó, đối với cả người lớn và trẻ em, việc tầm soát và chẩn đoán sớm tình trạng này là rất quan trọng. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp bao gồm:

Bổ sung fluor

Nếu thiểu sản men răng ở mức độ nhẹ, nha sĩ thường đề xuất bổ sung fluor để cải thiện tình trạng men răng. Fluor được bổ sung thông qua hai cách dùng tại chỗ và dùng toàn thân, cụ thể:

  • Dùng tại chỗ: Điều này nghĩa là bạn sẽ thoa các sản phẩm có chứa fluor (kem đánh răng, nước súc miệng…) trực tiếp lên men răng hoặc các thủ thuật tại nha khoa để bổ sung flour cho răng.
  • Dùng toàn thân: Đối với giải pháp này, bạn có thể hấp thu flour qua đường miệng đối với muối ăn, thuốc viên hoặc thuốc dạng nhỏ giọt có chứa fluor. Lưu ý rằng bạn không nên bổ sung fluor bằng nhiều phương pháp cùng lúc vì có thể gây ngộ độc.

Bên cạnh việc bổ sung fluor, việc tẩy trắng răng để cải thiện màu răng, bề mặt răng cũng là phương pháp được nha sĩ lựa chọn điều trị cho những trường hợp giảm sản men răng nhẹ.

Trám răng giúp điều trị thiểu sản men răng

điều trị thiểu sản men răng

Trám răng là một thủ thuật nha khoa phổ biến giúp phục hình cho răng bị sâu, bị mẻ. Vì vậy, trám răng cũng là một trong những phương pháp được cân nhắc trong điều trị thiểu sản men răng để giúp răng chắc khỏe và khôi phục tính thẩm mỹ. Trong đó, một số vật liệu chính thường được dùng để trám răng bao gồm trám răng bằng nhựa Composite thẩm mỹ (mà một số nha khoa hay quảng cáo dưới mỹ từ phủ sứ nano), trám hỗn hợp bạc hoặc trám răng bằng vàng (để phục hồi răng mất chất nhưng không đạt yếu tố thẩm mỹ).

Bọc răng sứ, dán sứ 

Phương pháp bọc răng sứ toàn bộ hoặc dán sứ bên ngoài sẽ giúp bảo vệ men răng khỏi các yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài, đảm bảo được khả năng nhai và tính thẩm mỹ cao. Vì vậy, đây là giải pháp điều trị tối ưu và hiệu quả, đặc biệt là đối với tình trạng giảm sản men răng nghiêm trọng.

Làm sao để phòng ngừa thiểu sản men răng?

Đối với tình trạng thiểu sản men răng hoặc bất kỳ vấn đề răng miệng nào khác, việc phòng ngừa thường nhờ vào những hoạt động giúp giữ cho răng khỏe mạnh, bao gồm:

  • Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày bằng bàn chải đánh răng mềm và nên thay mới bàn chải thường xuyên, mỗi 6 tháng.
  • Chăm sóc răng miệng đúng cách, không chải răng quá mạnh sẽ gây tổn thương răng nướu.
  • Hạn chế thực phẩm đồ uống quá lạnh, quá nóng hoặc có tính axit.
  • Bổ sung đầy đủ canxi, vitamin C, D, A thông qua chế độ ăn uống để giúp răng chắc khỏe, đặc biệt là với phụ nữ mang thai. Mẹ bầu cần chú ý ăn uống đa dạng, đầy đủ dưỡng chất, chăm sóc thai kỳ cẩn thận để bé không bị giảm sản men răng sau khi chào đời.
  • Bạn nên đi khám răng định kỳ tại các cơ sở y tế, bệnh viện nha khoa uy tín 6 tháng/ lần. Điều này nhằm giúp nha sĩ sớm phát hiện các vấn đề răng miệng của bạn (nếu có) và điều trị kịp thời.

Nhìn chung, thiểu sản men răng cũng là một trong những vấn đề khiến bạn có nguy cơ mất răng nếu men răng bị tổn thương, thiếu hụt nghiêm trọng. Do đó, ngoài việc chăm sóc răng miệng theo khuyến nghị, bạn cần chú ý đến các triệu chứng bất thường liên quan đến men răng và đi nha sĩ càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời và đúng cách. 

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Amelogenesis imperfecta

https://medlineplus.gov/genetics/condition/amelogenesis-imperfecta/#synonyms  Truy cập ngày 19/09/2022

Enamel Hypoplasia as a Prerequisite to Rampant Caries

https://www.mouthhealthy.org/~/media/ADA/Education%20and%20Careers/Files/05_enamel_hypoplasia-caufield_bromage_b.pdf?la=en  Truy cập ngày 19/09/2022

How to protect children’s teeth with enamel problems

https://www.inspiro.org.au/blog/kids-with-less-teeth-enamel-need-special-dental-care  Truy cập ngày 19/09/2022

Enamel Hypoplasia

https://www.healthline.com/health/enamel-hypoplasia  Truy cập ngày 19/09/2022

Thiểu Sản Men Răng Là Gì? Nguyên Nhân Biểu Hiện và Cách Điều Trị

http://soytethainguyen.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/XQT17zvLF0Iw/content/nha-khoa/2279735?thieu-san-men-rang.html Truy cập ngày 19/09/2022

Phiên bản hiện tại

12/10/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Hút thuốc lá có hại cho răng miệng ra sao? Cách bỏ thuốc lá hiệu quả

Răng mọc ngầm có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 12/10/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo