backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

9 cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà có thể bạn chưa biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

9 cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà có thể bạn chưa biết

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây nhiều triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ. Bên cạnh tuân thủ chỉ định của bác sĩ, bạn có thể hực hiện cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà để khắc phục tình trạng này.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch ở chân thường không thể điều trị triệt để. Những cách chữa suy giãn tĩnh mạch chỉ có thể cải thiện tình trạng bệnh. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ các cách điều trị giãn tĩnh mạch được chỉ định. Những cách dưới đây chỉ có tác dụng bổ trợ, không thay thế cho phương pháp điều trị chính của bác sĩ.

9 cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà 

Trường hợp chỉ bị bệnh suy giãn tĩnh mạch chân nhẹ hay vừa, bạn có thể áp dụng một trong trong 9 cách cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà sau đây:

1. Cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà bằng cách vận động phù hợp

Tập thể dục thường xuyên giúp lưu thông máu tốt hơn, tránh hiện tượng máu tích tụ tại một vị trí nào đó trong mạch máu. Tập thể dục cũng giúp giảm huyết áp, vì huyết áp cao gây áp lực lên các mạch máu.

Các hình thức luyện tập vừa sức cho người bệnh giãn tĩnh mạch bao gồm:

  • Bơi lội
  • Đi dạo
  • Đạp xe
  • Yoga…

2. Cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà với vớ chuyên dụng

Vớ (tất) giãn tĩnh mạch hay vớ y khoa giãn tĩnh mạch có bán ở nhiều nhà thuốc. Loại vớ này tạo áp lực vừa đủ lên chân để ngăn máu ứ đọng trong chân, tăng lượng máu tĩnh mạch về tim, từ đó giảm triệu chứng, đặc biệt là đau. Người bệnh nên đến trực tiếp nhà thuốc để đo và mua đúng kích cỡ phù hợp.

Vớ chuyên dụng trị suy giãn tĩnh mạch chân

3. Chữa suy giãn tĩnh mạch bằng chiết xuất thực vật

Một số sản phẩm chiết xuất từ thực vật được tin là có hiệu quả hỗ trợ điều trị giãn tĩnh mạch chân. Theo nghiên cứu năm 2006, chiết xuất hạt dẻ ngựa (Aesculus hippocastanum L.) giúp giảm cảm giác đau, giảm phù, nặng và ngứa ran vùng chân ở những người bị suy tĩnh mạch mạn tính.

Một nghiên cứu khác năm 2010 cũng cho thấy dịch chiết lá nho (Vitis vinifera), hạt dẻ ngựa (Aesculus hippocastanum), thông biển (Pinus maritima) và cây đậu chổi (Ruscus aculeatus) có thể làm giảm triệu chứng phù nề ở bệnh suy tĩnh mạch mạn tính.

Bên cạnh đó, chiết xuất hạt nho dùng theo đường uống cũng là một sản phẩm chiết xuất từ nguồn gốc thực vật có lợi cho các trường hợp bị suy giãn tĩnh mạch. Theo Viện Y tế Quốc gia Anh Quốc, uống chiết xuất hạt nho giúp giảm sưng ở phần chân dưới, cũng như giảm được các triệu chứng khác của suy tĩnh mạch mạn tính.

Để sử dụng, bạn cần pha loãng các loại chiết xuất trên với dầu nền thay vì thoa trực tiếp lên da. Cách này giúp tránh bỏng da do kích ứng (do một số loại tinh dầu có khả năng gây kích ứng da), đồng thời điều chỉnh được lượng tinh dầu vừa phải, tránh lãng phí.

Lưu ý, người đang dùng thuốc làm loãng máu (như Wafarin) không nên sử dụng chiết xuất hạt nho như một thành phần bổ sung trong chế độ ăn uống. Việc làm đó có khả năng dẫn tới tương tác thuốc và làm tăng nguy cơ xuất huyết.

4. Cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà bằng chế độ ăn uống

Ăn nhiều thực phẩm chứa flavonoid có hiệu quả tích cực trong cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà. Flavonoid cải thiện lưu thông máu, giúp máu luân chuyển một cách ổn định, giảm áp lực động mạch, thư giãn các mạch máu, từ đó làm giảm chứng giãn tĩnh mạch.

Việc tiêu thụ các thực phẩm nhiều muối hay natri khiến cơ thể giữ nước. Do đó, việc cắt giảm những thực phẩm mặn giúp tránh được tình trạng này. Bên cạnh đó, thực phẩm giàu kali cũng có khả năng cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch bằng cách giảm giữ nước trong cơ thể.

thay đổi chế độ ăn uống để điều trị giãn tĩnh mạch

Thực phẩm có chứa flavonoid bao gồm:

  • Rau củ các loại: hành, ớt chuông, rau bó xôi, bông cải xanh…
  • Trái cây: trái cây họ cam chanh, nho, anh đào, táo, việt quất…
  • Ca cao
  • Tỏi

Thực phẩm chứa nhiều kali:

  • Hạnh nhân và hạt dẻ cười (hạt hồ trăn)
  • Đậu lăng, đậu trắng
  • Khoai tây
  • Các loại rau lá
  • Một số loại cá như cá hồi và cá ngừ.

5. Cách chữa giãn tĩnh mạch tại nhà: Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Thừa cân làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch nên giảm cân sẽ hỗ trợ điều trị giãn tĩnh mạch. Chỉ số cân nặng hợp lý sẽ giúp giảm áp lực lên tĩnh mạch, từ đó giảm sưng và khó chịu.

6. Chọn trang phục phù hợp cũng là cách chữa giãn tĩnh mạch

Thói quen mặc quần áo bó sát ảnh hưởng đến sự lưu thông máu. Do đó, nếu bị giãn tĩnh mạch chân, bạn nên chọn trang phục thoải mái, mang giày đế bằng thay vì giày cao gót.

7. Nâng cao chân khi có thể

Nhiều người thường thắc mắc nâng cao chân có phải là cách điều trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà không? Theo các chuyên gia sức khỏe, việc giữ cho chân nâng cao, tốt nhất là ở tầm ngang với vị trí của tim hoặc cao hơn sẽ giúp cải thiện lưu thông máu trong các tĩnh mạch, giảm ứ đọng máu ở chân. Nhờ đó, áp lực trong tĩnh mạch giảm xuống.

Những người hay phải ngồi lâu nên cố gắng giữ đôi chân được nâng cao, có thể tranh thủ trong lúc nghỉ ngơi hoặc khi đang làm việc. Khi ngủ, bạn có thể kê cao chân bằng một chiếc gối.

8. Cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà: Massage nhẹ nhàng

Massage chân cũng là cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà

Việc massage nhẹ nhàng vùng bị giãn tĩnh mạch là cách giúp máu lưu thông tốt cũng như hỗ trợ điều trị suy giãn tĩnh mạch tại nhà hiệu quả. Bạn thể sử dụng dầu massage hoặc kem dưỡng ẩm để tăng hiệu quả. Tuy nhiên, khi xoa bóp, bạn cần tránh ấn trực tiếp lên tĩnh mạch để hạn chế làm tổn thương các mô xung quanh.

9. Thường xuyên vận động hoặc thay đổi tư thế

Theo các chuyên gia, bạn nên hạn chế ngồi một chỗ trong thời gian dài khi mắc chứng suy giãn tĩnh mạch chân. Những ai phải ngồi nhiều nên cố gắng đứng dậy và di chuyển xung quanh, hoặc thường xuyên thay đổi tư thế để máu lưu thông tốt.

Người bệnh cũng nên tránh ngồi bắt chéo hai chân vì tư thế này càng khiến lưu thông máu khó khăn hơn.

Cách điều trị giãn tĩnh mạch theo y khoa

Như đã nói ở trên, những cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà đề cập ở trên chỉ có tác dụng đối với những trường hợp bệnh nhẹ và vừa. Những người bị bệnh nặng hơn cần tìm đến phương pháp điều trị y khoa để cải thiện tình trạng bệnh, bao gồm:

Chích xơ tĩnh mạch

Bác sĩ sẽ tiêm chất gây vào hệ thống tĩnh mạch nông chi dưới, dẫn đến hình thành huyết khối làm tắc lòng tĩnh mạch bị suy. Từ đó, máu sẽ không bị ứ trệ tại tĩnh mạch bị suy giãn.

Trị giãn tĩnh mạch bằng phẫu thuật

Phương pháp này áp dụng với các trường hợp bị suy giãn nặng, đường kính tĩnh mạch lớn hoặc đã có biến chứng. Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật lột toàn bộ thân tĩnh mạch và các nhánh bên.

Điều trị bằng sóng cao tần hay tia laser

Cách trị giãn tĩnh mạch bằng sóng cao tần hay tia laser dùng nhiệt làm tắc tĩnh mạch, giúp loại bỏ tình trạng ứ trệ tại tĩnh mạch bị suy. Đây là phương pháp ít xâm lấn, thời gian phục hồi nhanh và không để lại sẹo.

Biện pháp can thiệp nội mạch dùng keo sinh học, cơ hóa học

Đây là các bước tiến mới đang dần được áp dụng rộng rãi trên thế giới và bước đầu sử dụng tại Việt Nam. Ưu điểm của phương pháp điều trị này là tính thẩm mỹ cao và thủ thuật được thực hiện nhanh chóng. Tuy nhiên, giá thành cao và cần được kiểm chứng hiệu quả và độ an toàn về lâu dài.

Hello Bacsi hi vọng những thông tin trong bài viết này đã giúp bạn biết cách ứng dụng những cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà để hỗ trợ tích cực cho những cách chữa giãn tĩnh mạch được bác sĩ chỉ định.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo