backup og meta

Rối loạn tiết niệu ở nam giới - Khi nào cần thăm khám và điều trị?

Rối loạn tiết niệu ở nam giới - Khi nào cần thăm khám và điều trị?

Rối loạn tiết niệu là một khái niệm rất rộng, biểu hiện bởi tập hợp rất nhiều triệu chứng khác nhau liên quan đến đường tiết niệu [1]. Bệnh thường gây khó chịu ở cả hai giới [3]. Tuy nhiên, “tâm lý phái mạnh” thường khiến đàn ông ít chịu tìm hiểu và thăm khám, trong khi đây lại là tình trạng thường gặp ở nam giới lớn tuổi. Điều này vô hình trung làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng.

Theo nhiều nghiên cứu, các triệu chứng của rối loạn tiết niệu thường phát triển rõ ràng hơn khi tuổi càng lớn. Nếu tình trạng này ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống hằng ngày, bạn đừng nên ngần ngại đến gặp bác sĩ để có cách hỗ trợ hợp lý [1].

Triệu chứng rối loạn tiết niệu ở nam giới

Chứng rối loạn tiết niệu ở nam giới

Rối loạn tiểu tiện là một nhóm các triệu chứng có liên quan đến rối loạn dòng chảy của nước tiểu [4]. Các triệu chứng của tình trạng này thường được phân thành 2 nhóm là nhóm triệu chứng chứa đựng và tống xuất nước tiểu [5].

Triệu chứng liên quan đến chứa đựng nước tiểu 

Một số triệu chứng chính của rối loạn tiết niệu liên quan đến việc chứa đựng nước tiểu là: 

  • Tiểu nhiều lần: Ở nam giới, trung bình một người đi vệ sinh 4-8 lần/ngày được xem là bình thường, tùy thuộc vào lượng nước nạp vào cơ thể [5]. Nếu có biểu hiện thường xuyên phải ra vào nhà vệ sinh, hơn 7 lần/ngày khi chỉ uống khoảng 2 lít nước thì đó có thể đó là dấu hiệu bất thường bạn cần lưu ý [8].
  • Tiểu đêm: Nam giới trên 70 tuổi thường sẽ hay dậy đi vệ sinh 1 lần trong đêm và đây là biểu hiện bình thường khi lớn tuổi [5]. Dù việc này có thể phụ thuộc vào thời điểm và lượng nước bạn uống nhưng hãy chú ý hơn nếu việc tỉnh dậy giữa đêm để đi vệ sinh thường xảy ra.
  • Tiểu gấp: Cảm giác thôi thúc phải đi vệ sinh ngay hoặc nếu không có thể bị rỉ nước tiểu ra ngoài [5].
  • Tiểu không tự chủ: Đây là triệu chứng rất hay gặp ở nam giới lớn tuổi, biểu hiện thông qua việc nước tiểu đột ngột rỉ ra khi buồn tiểu, có thể ít hoặc ồ ạt, trước khi kịp vào nhà vệ sinh [5]. 

Triệu chứng liên quan đến tống xuất nước tiểu  [2], [4], [5]

Một số triệu chứng chính của rối loạn tiết niệu liên quan đến việc tống xuất nước tiểu bao gồm: 

  • Dòng tiểu yếu: Hiện tượng tốc độ chảy dòng tiểu yếu hơn so với lúc còn trẻ.
  • Tiểu ngập ngừng: Đây là hiện tượng mà khi bạn vào nhà vệ sinh khi muốn đi tiểu nhưng phải chờ vài giây sau hoặc lâu hơn mới tiểu được.
  • Tiểu ngắt quãng: Biểu hiện bằng việc dòng tiểu bị ngắt quãng, đứt đoạn và không thể chảy liên tục.
  • Tiểu ra máu: Đi tiểu kèm với máu, có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
  • Cảm giác tiểu không sạch: Cảm giác muốn đi tiểu nữa dù đã tiểu sạch hoàn toàn.
  • Tiểu nhỏ giọt: Gồm són tiểu khi bàng quang đầy, tiểu nhỏ giọt cuối dòng (dòng tiểu không kết thúc nhanh chóng mà chảy chậm dần về cuối), tiểu nhỏ giọt cuối bãi (tiểu són ngay sau khi vừa tiểu xong, thường là khi đã rời khỏi nhà vệ sinh [9]). Mỗi triệu chứng có thể do một nguyên nhân và có cách điều trị khác nhau.

Ở nam giới, các triệu chứng kích thích, liên quan đến chứa đựng  nước tiểu, thường phổ biến gấp 2 lần so với các triệu chứng tống xuất nước tiểu. Theo đó [3]:

  • Trong 2 nam giới thì có 1 người mắc chứng tiểu đêm
  • Trong 10 nam giới thì có 1 người bị tiểu gấp

Các triệu chứng này đôi khi gây ra rất nhiều bất tiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống nếu người mắc không có thái độ tích cực và tiếp nhận các biện pháp điều trị hợp lý.

Chứng rối loạn tiết niệu: Khi nào nên đi khám?

Mặc dù đây là nhóm bệnh thường gặp nhưng phần đông nam giới lại ít quan tâm đến việc thăm khám, thậm chí có đến 46,8% nam giới chưa bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ về y tế [4]. Nguyên nhân của điều này có thể là do [4]:

  • Các quan niệm sai lầm cho rằng đây chỉ là một hiện tượng bình thường của quá trình lão hoá.
  • Sự thiếu kiến thức về tình trạng bệnh cũng như các phương pháp điều trị.
  • Sự mặc cảm, dè dặt không muốn đề cập đến những vấn đề tế nhị liên quan đến bệnh. 

Hầu hết, những bệnh nhân mắc rối loạn tiết niệu đều chỉ tìm kiếm đến các biện pháp y tế khi các triệu chứng của bệnh gây quá nhiều phiền toái trong cuộc sống, hoặc lo sợ bệnh tiến triển nặng hơn trong tương lai [4].

Tuy vậy, kể cả khi tình trạng bệnh không nghiêm trọng, bạn vẫn nên đi thăm khám hoặc tham khảo ý kiến của chuyên gia bởi các triệu chứng rối loạn tiểu tiện có thể là dấu hiệu cho những vấn đề sức khỏe, trong đó thường gặp nhất là tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (BPH). Ngoài ra, đó cũng có thể là dấu hiệu bạn gặp phải các vấn đề liên quan đến thận, tim mạch hoặc bất thường ở hệ thần kinh. Bên cạnh đó, việc phát hiện sớm bệnh có thể giúp điều trị bệnh tốt hơn [1].

Trong một số trường hợp, nếu có các triệu chứng nghiêm trọng sau, bạn cần chủ động đến các cơ sở y tế để được thăm khám ngay [1], [2]:

  • Có biểu hiện của bí tiểu cấp tính như: đau, căng bàng quang, không thể tiểu tiện 
  • Tiểu ra máu
  • Các triệu chứng rối loạn tiểu tiện gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây lo âu, trầm cảm…
  • Các triệu chứng rối loạn tiểu tiện gây ảnh hưởng đến khả năng tình dục
  • Các triệu chứng rối loạn tiểu tiện gây ảnh hưởng đến những mối quan hệ và sinh hoạt bình thường như: ra khỏi nhà, tham gia các cuộc hội họp…
  • Triệu chứng rối loạn tiểu tiện kèm sốt không rõ nguyên nhân

Rối loạn tiết niệu ở nam giới

Điều trị rối loạn tiểu tiện ở nam giới như thế nào?

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị rối loạn tiểu tiện tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Hiện nguyên nhân phổ biến nhất của các triệu chứng rối loạn tiểu tiện ở nam giới là tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Đối với các trường hợp rối loạn tiểu tiện do nguyên nhân này thì phương pháp điều trị có thể bao gồm theo dõi điều trị, dùng thuốc và phẫu thuật. 

Nếu các triệu chứng rối loạn tiểu tiện do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt chỉ ở mức độ nhẹ, bạn có thể chỉ cần theo dõi điều trị và chú ý điều chỉnh lối sống như giảm chất lỏng nạp vào cơ thể vào buổi tối, nhất là trước khi đi ngủ; hạn chế dùng thực phẩm hoặc thức uống chứa caffein, bỏ hút thuốc nếu có, thực hiện các bài tập luyện cơ bàng quang… [5]

Đối với các trường hợp triệu chứng do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt nằm ở mức trung bình, bác sĩ có thể cho dùng thuốc để cải thiện triệu chứng. Trong đó, 2 nhóm thuốc thường được sử dụng là thuốc chẹn alpha và thuốc ức chế 5 alpha-reductase. Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi thêm ý kiến bác sĩ về việc dùng các loại thuốc có nguồn gốc từ thảo dược hoặc thực vật (liệu pháp thảo dược) [5]. 

Được chiết xuất từ cây cọ lùn, Serenoa repens, là chiết xuất được dùng phổ biến để điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, chỉ có n-hexane Serenoa repens là dịch chiết duy nhất được Hiệp hội Tiết niệu châu Âu (EAU) và Hiệp hội Thận – Tiết niệu Việt Nam (VUNA) khuyến khích sử dụng điều trị rối loạn tiết niệu do tăng sinh tuyến tiền liệt lành tính (BPH) [7]. Đặc biệt, các nghiên cứu cũng chứng minh lâm sàng hoạt chất có tác dụng làm giảm thiểu các triệu chứng kích thích, triệu chứng rối loạn tiểu tiện thường gặp ở nam giới, mà không gây ảnh hưởng đến khả năng tình dục [7].

Một số trường hợp, tình trạng rối loạn tiểu tiện cũng có thể được điều trị bằng phẫu thuật. Chẳng hạn, nếu có vật cản gây tắc nghẽn đường tiết niệu, bạn có thể cần phẫu thuật để loại bỏ. Hoặc nếu tuyến tiền liệt bị phì đại, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ một phần [1].

Nhìn chung, các bệnh lý liên quan đến rối loạn tiểu tiện rất phổ biến ở người lớn tuổi. Vì vậy, mọi người nên cởi mở hơn trong việc chia sẻ thông tin và đi thăm khám sớm để được chẩn đoán và can thiệp phù hợp.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Lower Urinary Tract Symptoms (LUTS) https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/24248-lower-urinary-tract-symptoms Ngày truy cập: 06/12/2022

2. Urinary problems (LUTS) https://www.healthymale.org.au/mens-health/urinary-problems-luts Ngày truy cập: 06/12/2022

3. What Is the Most Bothersome Lower Urinary Tract Symptom? Individual- and Population-level Perspectives for Both Men and Women https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24486308/ Ngày truy cập: 06/12/2022

4. Prevalence, risk factors and quality of life of Lower Urinary Tract Symptoms (LUTS) among men attending Primary Care slum clinics in Bangalore: A cross-sectional study  https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8284223/ Ngày truy cập: 06/12/2022

5. Lower urinary tract symptoms (LUTS) – Patient information https://www.bsuh.nhs.uk/wp-content/uploads/sites/5/2016/09/LUTS-leaflet.pdf Ngày truy cập: 08/12/2022

6. Lower urinary tract symptoms – current management in older men https://www.racgp.org.au/getattachment/232273c7-49bf-4320-894a-842639e758bc/Lower-urinary-tract-symptoms.aspx Ngày truy cập: 06/12/2022

7. Hexanic Extract of Serenoa repens (Permixon®): A Review in Symptomatic Benign Prostatic Hyperplasia https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/35237936/ Ngày truy cập: 08/12/2022.

8. Urinary Frequency – How Often Should You Pee? https://www.bladderandbowel.org/bladder/bladder-conditions-and-symptoms/frequency/ Ngày truy cập: 08/12/2022.

9. Post Micturition Dribble https://www.bladderandbowel.org/bladder/bladder-conditions-and-symptoms/post-micturition-dribble/ Ngày truy cập: 08/12/2022

Phiên bản hiện tại

27/12/2022

Tác giả: Giang Tran

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Trần Quốc Phong

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Triệu chứng đường tiểu dưới ở nam giới có ảnh hưởng đến “bản lĩnh đàn ông”?

Thuốc có nguồn gốc thảo dược trong điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Trần Quốc Phong

Nam khoa · Bệnh viện Bình Dân TP HCM


Tác giả: Giang Tran · Ngày cập nhật: 27/12/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo