backup og meta

Các phương pháp điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt thường được áp dụng hiện nay

Các phương pháp điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt thường được áp dụng hiện nay

Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt hay phì đại tuyến tiền liệt lành tính là tình trạng sức khỏe phổ biến ở nam giới và tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi. Đây là chứng bệnh lành tính, không phải ung thư và không dẫn đến ung thư [1]. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt để tránh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Hiện có nhiều phương pháp để điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, bao gồm theo dõi điều trị, dùng thuốc, các phương pháp xâm lấn tối thiểu và phẫu thuật [1], [2]. Để lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất cho từng người bệnh, bác sĩ sẽ xem xét và đánh giá các yếu tố sau [2]:

  • Kích thước tuyến tiền liệt
  • Độ tuổi
  • Sức khỏe tổng quát
  • Mức độ ảnh hưởng của bệnh với chất lượng cuộc sống

Nếu các triệu chứng không gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, bạn có thể chỉ cần theo dõi các triệu chứng. Đối với một số nam giới, các triệu chứng có thể giảm bớt mà không cần điều trị [2].

1. Theo dõi điều trị

Theo dõi điều trị là chiến lược tốt nhất cho những người có ít triệu chứng và không cảm thấy khó chịu với các triệu chứng của tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Bởi quá trình tiến triển và các biến chứng của tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt không thể dự đoán được [3]. 

Trong suốt quá trình theo dõi, bạn có thể được khuyến khích kiểm soát chế độ ăn uống và tập thể dục để kiểm soát các triệu chứng. Ngoài ra, trong thời gian này,  bạn cũng nên thăm khám với bác sĩ tiết niệu mỗi năm một lần [1].

Ngoài ra, trong quá trình theo dõi, bạn cũng cần lưu ý một số điều như [3]:

  • Hạn chế uống nhiều nước vào buổi tối để giảm tình trạng tiểu đêm
  • Tránh sử dụng các loại thuốc như thuốc trị nghẹt mũi (decongestants), thuốc an thần, thuốc chữa cảm lạnh hoặc xoang không kê đơn… vì các loại thuốc này có thể làm triệu chứng tắc nghẽn trở nên nghiêm trọng hơn

Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng mới, bác sĩ có thể đề nghị bạn bắt đầu thực hiện điều trị tích cực [1].

2. Sử dụng thuốc

điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt

Sử dụng thuốc, hay điều trị nội khoa, là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt mức độ nhẹ và trung bình [2]. Trong đó, hai nhóm thuốc kê toa thường được sử dụng là thuốc chẹn Alpha và thuốc ức chế 5-alpha reductase [1], [3].

Thuốc chẹn Alpha (α-blocker) [1], [2]

Thuốc chẹn Alpha là nhóm thuốc có tác dụng làm giãn cơ tuyến tiền liệt và bàng quang để giảm các triệu chứng tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt cho các đối tượng có các triệu chứng từ trung bình đến nặng .

Dù không làm giảm kích thước tuyến tiền liệt nhưng thuốc chẹn Alpha có thể cải thiện tình trạng nước tiểu bị tắc nghẽn. Nhìn chung, dù nhóm thuốc này có tác dụng nhanh nhưng lại gây ra một số tác dụng phụ như chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi, khó xuất tinh, xuất tinh ngược…

Thuốc ức chế 5-alpha reductase

Nhóm thuốc ức chế 5-alpha reductase có tác dụng làm tăng lưu lượng nước tiểu và thu nhỏ kích thước tuyến tiền liệt bằng cách hạn chế DHT, một hormone sinh dục nam, có liên quan đến tình trạng tăng sinh tuyến tiền liệt. Dù có thế giúp giảm nguy cơ phẫu thuật và nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe liên quan đến tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt nhưng nhóm thuốc này lại có thể gây ra các tình trạng như rối loạn cương dương, giảm ham muốn và cần phải dùng nhiều thấy thì mới có hiệu quả [1], [2].

Thuốc có nguồn gốc thảo dược

Liệu pháp thảo dược là phương pháp dùng các loại thuốc có nguồn gốc từ thực vật và thảo dược để kiểm soát các tình trạng sức khỏe [10]. Trong điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, liệu pháp này có thể được dùng để điều trị các triệu chứng rối loạn tiểu tiện từ trung bình đến nặng [11].

Serenoa repens, chiết xuất từ cây cọ lùn là thành phần đã được sử dụng từ lâu để điều trị các triệu chứng rối loạn tiểu tiện do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt gây ra. Tuy nhiên, chỉ có dịch chiết  n-hexane serenoa repens là được Hiệp hội Tiết niệu châu Âu (EAU) và Hiệp hội Thận – Tiết niệu Việt Nam (VUNA) khuyến khích sử dụng trong điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt [4], [5], [6].

Nhờ tác dụng kháng viêm, chiết xuất n-hexane serenoa repens có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm tuyến tiền liệt mạn tính – cơ chế sinh bệnh học của tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Ngoài ra, n-hexane serenoa repens còn đem lại các lợi ích khác như [4]:

  • Tác dụng chống tăng sinh và chống nội tiết tố nam
  • Hiệu quả tương đương với thuốc chẹn Alpha trong việc cải thiện các triệu chứng rối loạn tiểu tiện và chất lượng cuộc sống
  • Ít gây tác dụng phụ
  • Không ảnh hưởng nhiều đến chức năng tình dục của nam giới

3. Phẫu thuật

phác đồ điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt như thế nào

Phẫu thuật thường được khuyến khích thực hiện khi các phương pháp điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt khác không đem lại hiệu quả hoặc bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như [7]:

  • Bí tiểu tái diễn nhiều lần
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên
  • Tiểu ra máu nhiều lần
  • Sỏi bàng quang hoặc túi thừa bàng quang
  • Suy thận do bế tắc đường tiết niệu

Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu

Phương pháp này có thể giúp giảm triệu chứng, không mất nhiều thời gian hồi phục và bạn có thể xuất viện ngay sau khi hoàn thành phẫu thuật. Tuy nhiên, một số phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu không giúp người bệnh giảm nguy cơ thực hiện phẫu thuật nhiều lần hoặc phải tái sử dụng thuốc [1].

Phẫu thuật xâm lấn

Phẫu thuật xâm lấn có nhiều phương pháp với mức độ xâm lấn tăng dần theo thứ tự sau [1], [8], [12], [14]:

  • Cắt đốt nội soi qua đường niệu đạo được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Tuy nhiên lại có nguy cơ gây nhiễm trùng đường tiết niệu, mất máu nhiều, cực khoái khô (hiện tượng không hoặc ít xuất tinh khi đạt cực khoái), rối loạn cương dương… [12], [16].
  • Bóc nhân tuyến tiền liệt bằng năng lượng laser là phương pháp hiện đại, ít gây mất máu, thời gian hồi phục ngắn và hiện được áp dụng phổ biến ở nhiều nơi [1], [14].
  • Bốc hơi tuyến tiền liệt qua niệu đạo là phương pháp giúp cải thiện lưu lượng nước tiểu, ít gây chảy máu và tích nước sau phẫu thuật [1], [8].
  • Cắt bỏ tuyến tiền liệt là phương pháp ít phổ biến. Phương pháp này thường được dùng trong các trường hợp tuyến tiền liệt lớn có kèm túi thừa bàng quang hoặc sỏi to bàng quang [15]. Bệnh nhân cần ở lại bệnh viện vài ngày sau phẫu thuật để theo dõi. Các sinh hoạt sau phẫu thuật cũng trở nên hạn chế vì người bệnh sẽ được đặt ống thông đến khi vết thương lành hẳn (1-2 tuần) [1], [9], [13].

Qua các thông tin trên, hy vọng bạn đã có được cái nhìn tổng quan về các phương pháp điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt phổ biến hiện nay. Để đảm bảo sức khỏe của chính mình, bạn cần thăm khám và trao đổi với bác sĩ tiết niệu để được tư vấn phác đồ điều trị cụ thể, phù hợp với bản thân nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. What is Benign Prostatic Hyperplasia (BPH)?: https://www.urologyhealth.org/urology-a-z/b/benign-prostatic-hyperplasia-(bph). Ngày truy cập: 08/12/2022.

2. Benign prostatic hyperplasia (BPH): https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/benign-prostatic-hyperplasia/diagnosis-treatment/drc-20370093. Ngày truy cập: 08/12/2022.

3. Benign Prostatic Hyperplasia (BPH): https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/benign-prostatic-hyperplasia-bph. Ngày truy cập: 08/12/2022.

4. Hexanic Extract of Serenoa repens (Permixon®): A Review in Symptomatic Benign Prostatic Hyperplasia: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9192452/. Ngày truy cập: 08/12/2022.

5. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt: http://www.tietnieuthanhochue.com/upload/2019/tong_quan/tang_sinh_lanh_tinh_ttl.pdf. Ngày truy cập: 08/12/2022.

6. Comparison of a Phytotherapeutic Agent (Permixon) with an α-Blocker (Tamsulosin) in the Treatment of Benign Prostatic Hyperplasia: A 1-Year Randomized International Study: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0302283802000660. Ngày truy cập: 08/12/2022.

7. Benign (Non-Cancerous) Prostate Surgery: https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/16273-benign-non-cancerous-prostate-surgery. Ngày truy cập: 08/12/2022.

8. Các kỹ thuật phẫu thuật điều trị bướu lành tuyến tiền liệt: http://bvbinhdan.com.vn/vn/cac-ky-thuat-phau-thuat-dieu-tri-buou-lanh-tuyen-tien-liet.html. Ngày truy cập: 08/12/2022.

9. Prostatectomy: https://ww.mayoclinic.org/tests-procedures/prostatectomy/about/pac-20385198. Ngày truy cập: 08/12/2022.

10. Phytotherapy: https://mwy.clevelandclinic.org/health/drugs/22995-phytotherapy. Ngày truy cập: 08/12/2022.

11. Chapter 7 – Phytotherapy in Benign Prostatic Hyperplasia: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/B978012811397400007X. Ngày truy cập: 08/12/2022.

12. Transurethral resection of the prostate (TURP): https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/turp/about/pac-20384880. Ngày truy cập: 09/12/2022.

13. Understanding Prostate Changes: A Health Guide for Men: https://www.cancer.gov/types/prostate/understanding-prostate-changes. Ngày truy cập: 13/12/2022.

14. Bóc nhân tuyến tiền liệt bằng Laser Holmium (HoLep) trong điều trị bướu lành tuyến tiền liệt thể tích lớn: http://bvbinhdan.com.vn/vn/boc-nhan-tuyen-tien-liet-bang-laser-holmium-holep-trong-dieu-tri-buou-lanh-tuyen-tien-liet-the-tich-lon.html. Ngày truy cập: 13/12/2022.

15. Open Simple Prostatectomy https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/9781118437889.ch13 Ngày truy cập: 13/12/2022.

16. Dry orgasm:https://www.mayoclinic.org/symptoms/dry-orgasm/basics/definition/sym-20050906.  Ngày truy cập: 21/12/2022.

Phiên bản hiện tại

27/12/2022

Tác giả: Khoa Phạm

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Trần Quốc Phong

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Triệu chứng đường tiểu dưới ở nam giới có ảnh hưởng đến “bản lĩnh đàn ông”?

Thuốc có nguồn gốc thảo dược trong điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Trần Quốc Phong

Nam khoa · Bệnh viện Bình Dân TP HCM


Tác giả: Khoa Phạm · Ngày cập nhật: 27/12/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo