backup og meta

Bệnh sa bìu ở nam giới có thể đến từ nguyên nhân nguy hiểm

Bệnh sa bìu ở nam giới có thể đến từ nguyên nhân nguy hiểm

Bệnh sa bìu ở nam giới không những gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản mà còn khiến người bệnh thiếu tự tin, mất hứng thú trong chuyện tình dục. Tình trạng này liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, đa phần do lão hóa tự nhiên, nhưng cũng có trường hợp đến từ các bệnh lý nguy hiểm.

Bài viết này sẽ cùng bạn tìm hiểu những thông tin liên quan đến bệnh sa bìu ở nam giới để bạn có cái nhìn tổng quát về chứng bệnh này.

Bệnh sa bìu ở nam giới là gì? Biểu hiện ra sao?

Sa bìu (hay sa tinh hoàn) là khi lớp bìu chứa tinh hoàn bị giãn ra, lâu dần kéo tinh hoàn xệ xuống, khiến nó dài hơn kích thước thông thường. Tình trạng này có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, kể cả người lớn lẫn trẻ em.

Trung bình, tinh hoàn có chiều dài từ 4 – 5cm, tương đương với chiều dài của dương vật ở trạng thái không cương cứng. Trường hợp bìu tinh hoàn quá dài, đồng thời khi ở tư thế ngồi da bìu không co lại ôm gọn tinh hoàn thì khả năng cao là người bệnh đã gặp phải bệnh sa bìu ở nam giới.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể có các biểu hiện sau:

  • Biến dạng vùng bìu, thường là một bên bìu bị phồng to bất thường.
  • Đau bộ phận sinh dục, nhất là khi vận động mạnh, sờ nắn
  • Đau tức vùng bụng dưới
  • Mệt mỏi, chán ăn
  • Buồn nôn và nôn.

>>> Đọc thêm: Đau tinh hoàn là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Nguyên nhân gây bệnh sa bìu ở nam giới

bệnh sa bìu ở nam giới

Có nhiều nguyên nhân khiến tinh hoàn bị xệ xuống. Đa số trường hợp là do lão hóa, phản ứng hoặc cấu trúc tự nhiên của cơ thể, một số khác lại là biểu hiện của bệnh lý cần được can thiệp sớm.

Sa tinh hoàn do lão hóa

Tuổi tác là một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng sa bìu. Chính vì vậy, nhiều người trưởng thành nhận thấy tinh hoàn của họ ngày càng chùng xuống khi họ già đi. Khả năng đàn hồi của da bìu kém, không còn co giãn linh hoạt khiến tinh hoàn bị kéo và chảy xệ.

Tinh hoàn xệ xuống do nhiệt độ

Nhiệt độ cũng là một yếu tố tác động đến khả năng co giãn của cơ vùng bìu. Thông thường, khi nhiệt độ tăng lên, các cơ vùng bìu sẽ giãn ra nhằm giảm nhiệt độ cho tinh hoàn. Vì vậy, vào ngày nắng nóng, vừa mới vận động hoặc mặc quần áo bó sát trong thời gian dài, phái mạnh có thể gặp hiện tượng tinh hoàn chảy xệ xuống dưới.

Do cấu trúc bẩm sinh của bìu và tinh hoàn

Da bìu quá rộng, không thể ôm gọn tinh hoàn hoặc kích thước tinh hoàn bẩm sinh quá lớn có thể gây ra hiện tượng sa bìu ở nam giới.

Sa tinh hoàn do nguyên nhân bệnh lý

Tinh hoàn chảy xệ có thể là biểu hiện của bệnh lý sinh dục nam, bao gồm:

  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Tình trạng giãn của đám rối các tĩnh mạch sinh tinh và tĩnh mạch thừng tinh, xuất hiện chủ yếu ở tinh hoàn bên trái
  • Viêm tinh hoàn: Viêm nhiễm, sưng đau ở một hoặc cả hai tinh hoàn, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra
  • Viêm mào tinh hoàn: Sưng viêm khu trú tại mào tinh hoàn – bộ phận nằm phía trên tinh hoàn, có dạng cuộn tròn hình chữ C. Viêm mào tinh mãn tính có thể gây biến chứng áp xe bìu, tắc đường dẫn tinh, gây vô sinh nam.
  • Xoắn tinh hoàn: Thừng tinh bị tác động, xoắn quanh trục làm mất nguồn cung máu cho tinh hoàn, khiến tinh hoàn tổn thương, thậm chí hoại tử nếu không được cấp cứu kịp thời.
  • Ung thư tinh hoàn: Ung thư tinh hoàn khá hiếm gặp nhưng lại là căn bệnh ác tính ảnh hưởng đến vùng sinh dục nam giới.

>>> Đọc thêm: Tinh hoàn nhỏ có ảnh hưởng gì không? Nguyên nhân là gì?

Ảnh hưởng của bệnh sa bìu ở nam giới

bệnh sa bìu ở nam giới

Sa tinh hoàn không chỉ gây mất thẩm mỹ ở vùng sinh dục nam mà còn gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe phái mạnh:

Ảnh hưởng tâm lý: Tình trạng đau, căng tức vùng bìu trong thời gian dài, đặc biệt là khi vận động khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, căng thẳng, mất ngủ. Thậm chí, nếu phải chịu đựng trọng thời gian dài có thể dẫn đến trầm cảm.

Gây suy giảm chức năng sinh lý: Người bệnh có thể thấy e ngại trong chuyện chăn gối, né tránh quan hệ tình dục. Về lâu dài, điều này có thể gây giảm nhu cầu tình dục, gây rối loạn cương dương, xuất tinh sớm…

Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Sa tinh hoàn do nguyên nhân bệnh lý có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh, gây ra tình trạng tinh trùng yếu, thiếu hoặc dị dạng, tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn.

Sa tinh hoàn có chữa được không?

bệnh sa bìu ở nam giới

Sa tinh hoàn có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nam khoa nguy hiểm. Do đó, khi nhận thấy các biểu hiện bất thường vùng tinh hoàn ảnh hưởng đến cuộc sống, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán càng sớm càng tốt.

Phương pháp điều trị cụ thể sẽ được bác sĩ đưa ra tùy thuộc vào tình trạng của từng người bệnh:
  • Chỉ định dùng thuốc đối với tình trạng viêm nhiễm thông thường. Người bệnh tuyệt đối không tự mua thuốc hoặc thay đổi liều lượng sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Can thiệp phẫu thuật được chỉ định cho các trường hợp giãn mạch thừng tinh, xoắn tinh hoàn, viêm nhiễm có biến chứng, ung thư tinh hoàn… Riêng đối với ung thư, tùy vào giai đoạn mà người bệnh có thể cần thực hiện thêm nạo vét hạch, hóa trị, xạ trị…

Thay đổi lối sống hỗ trợ điều trị bệnh sa bìu ở nam giới

Ngoài thực hiện đúng phác đồ điều trị y khoa, người bệnh có thể áp dụng các thay đổi trong lối sống sau đây để giúp tình trạng sa tinh hoàn cải thiện nhanh chóng hơn:

  • Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
  • Không hút thuốc lá, không sử dụng rượu bia, chất kích thích
  • Uống nhiều nước
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Mặc trang phục thoáng mát, hạn chế sử dụng quần áo bó sát
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ
  • Có đời sống tình dục lành mạnh, điều độ
  • Áp dụng các bài tập hỗ trợ: Tập tư thế Kegel và các bài tập tốt cho tinh hoàn có thể giúp giảm được các triệu chứng của sa tinh hoàn, đồng thời khiến cơ thể khỏe khoắn và dẻo dai hơn.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh sa bìu ở nam giới. Tình trạng này nếu kéo dài không được chữa trị hoặc chữa sai cách có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý người bệnh. Do đó, bạn đừng nên chủ quan mà hãy đi khám sớm nếu có các triệu chứng bất thường vùng sinh dục.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Varicoceles

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/varicocele/symptoms-causes/syc-20378771

Ngày truy cập: 21/10/2022

Varicoceles

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/varicocele

Ngày truy cập: 21/10/2022

Epididymitis

https://www.nhs.uk/conditions/epididymitis/

Ngày truy cập: 21/10/2022

Epididymitis

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/epididymitis/symptoms-causes/syc-20363853

Ngày truy cập: 21/10/2022

Testicular cancer

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/testicular-cancer-care/symptoms-causes/syc-20352986

Ngày truy cập: 21/10/2022

Phiên bản hiện tại

07/11/2022

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Trọng Nguyễn

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Buốt dương vật khi đi tiểu: Dấu hiệu quan trọng cảnh báo những vấn đề sức khỏe

Hỏi đáp Bác sĩ: Tinh hoàn bên to bên nhỏ có ảnh hưởng gì không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nguyễn

Khoa tiết niệu · Bệnh Viện Đa Khoa Hậu Giang


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 07/11/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo