backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu

Trẻ 3 tuổi biết làm gì và cách dạy trẻ thông minh bố mẹ cần biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 30/06/2023

    Trẻ 3 tuổi biết làm gì và cách dạy trẻ thông minh bố mẹ cần biết

    Nếu quan sát kỹ, bố mẹ sẽ thấy trẻ 3 tuổi bắt đầu tò mò về thế giới xung quanh và có xu hướng đặt ra nhiều câu hỏi khiến bạn đôi lúc cảm thấy thật đau đầu. 3 tuổi là cột mốc đánh dấu nhiều sự phát triển mới của trẻ nhỏ. Vì vậy, bố mẹ cần biết về giai đoạn này để có cách dạy trẻ 3 tuổi thông minh và biết nghe lời.

    Vậy trẻ đã biết làm gì và bố mẹ nên dạy trẻ 3 tuổi học gì? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.

    Sự phát triển thể chất của trẻ 3 tuổi

    Trẻ em ở tuổi lên 3 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với 2 năm đầu đời. Trung bình, bé có thể tăng 1,8 – 2,2 kg và 5 – 7,5 cm trong năm này. 

    Khi lên 3 tuổi, trẻ vẫn đang dành thời gian để tìm hiểu nhiều hơn về cơ thể của chính mình cũng như cách kiểm soát nó. Trẻ 3 tuổi không chỉ phát triển về chiều cao, cân nặng mà còn bắt đầu hoàn thiện các kỹ năng vận động thô và vận động tinh. Việc học hỏi và thành thạo các kỹ năng này sẽ khác nhau tùy thuộc vào khả năng cũng như sự phát triển của mỗi trẻ. 

    Xét về kỹ năng vận động thô, hầu hết trẻ 3 tuổi đều đã đi và chạy vững, đồng thời có thể leo cầu thang mà không cần sự trợ giúp của bố mẹ. Không những thế, trẻ còn có khả năng giữ thăng bằng khi kiễng chân, nhảy hoặc đi lùi. Cũng chính vì lý do này mà nhiều bé chạy nhảy, leo trèo suốt ngày, khiến bố mẹ cảm thấy mệt mỏi khi cứ phải trông chừng con. Tuy nhiên, việc vận động sẽ giúp bé phát triển khả năng giữ thăng bằng và phối hợp cơ thể tốt hơn. Ở độ tuổi này, bố mẹ cũng đã có thể bắt đầu tập cho con đi xe đạp 3 bánh. 

    Xét về kỹ năng vận động tinh, trẻ 3 tuổi thường có thể tự rửa và lau khô tay, tự mặc quần áo mà ít cần đến sự trợ giúp từ bố mẹ (trừ các loại áo có nút và dây buộc). Khi lên 3 tuổi, bé đã có khả năng cầm nắm và điều khiển các vật khá thành thạo. Vì vậy, bố mẹ có thể tập cho con sử dụng muỗng nĩa và tự xúc thức ăn, đồng thời dạy trẻ 3 tuổi cách cầm bút để vẽ các đường thẳng hoặc các hình đơn giản. 

    Ngoài ra, ba tuổi cũng là giai đoạn mà bố mẹ có thể bắt đầu hướng dẫn con cách ngồi bô

    Sự phát triển tâm lý của trẻ 3 tuổi

    trẻ 3 tuổi

    3 tuổi là khoảng thời gian các bé bắt đầu học cách tự đối phó với các sự việc và tình huống căng thẳng xảy ra xung quanh mình. Ở giai đoạn đầu, trẻ có thể chưa kiểm soát và điều chỉnh được phản ứng của bản thân. Vì vậy, con bạn có xu hướng cáu gắt và giận dữ rất thường xuyên trong giai đoạn này. Bố mẹ cần nắm bắt được tâm lý và chỉ bảo bé một cách nhẹ nhàng, hãy kiên nhẫn và đừng quát nạt bé.

    Ở độ tuổi này, bố mẹ cũng đã bắt đầu cho con đi nhà trẻ. Trẻ có thể sẽ quấy khóc hoặc tỏ ra buồn bã khi phải tách khỏi bố mẹ hay người chăm sóc. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng, việc này thường chỉ kéo dài trong vài tuần, lâu nhất là vài tháng. Sau đó, trẻ sẽ sớm thích nghi và dần có hứng thú với nhà trẻ hơn.

    Ngoài ra, trẻ 3 tuổi cũng bắt đầu quan sát về biểu cảm của những người xung quanh và học cách biểu lộ cảm xúc của chính mình. Con bạn lúc này đã có thể sử dụng các câu nói đơn giản như “Con buồn quá” hoặc “Con rất vui!” để diễn đạt tâm trạng của bản thân. Giai đoạn này cũng là lúc trẻ bắt đầu phát triển cảm xúc và tâm lý. Vì vậy, để giúp con hiểu rõ và định hình tốt hơn những cảm xúc của chính mình, bạn hãy sử dụng từ ngữ chỉ cảm xúc trong các cuộc trò chuyện hằng ngày với con, chẳng hạn như buồn, tức giận hoặc hạnh phúc. Việc xây dựng vốn từ vựng về cảm xúc cho con trẻ sẽ giúp bé diễn đạt và bộc lộ tâm trạng của bản thân tốt hơn. Không những thế, từ những từ ngữ này, bé sẽ gọi tên được các loại cảm xúc và từ đó hiểu được tâm trạng của mọi người cũng như chính mình.

    Ở tuổi này, trẻ cũng bắt đầu biết đồng cảm với người khác. Bé có thể cảm thấy tổn thương hoặc khó chịu khi ai đó bên cạnh buồn và thậm chí còn cố gắng an ủi hoặc xoa dịu họ. Các con cũng dần có những hành động thể hiện tình cảm của bản thân với những người xung quanh như ôm, hôn… mà không cần bố mẹ phải nói.

    Sự phát triển khả năng giao tiếp xã hội

    Ở độ tuổi này, bạn có thể nhận thấy sự thay đổi lớn trong cách con cái tương tác và giao tiếp với bạn bè xung quanh. Đây là thời điểm mà nhiều đứa trẻ dần chuyển từ việc chơi riêng sang việc chơi thành nhóm. Trẻ bắt đầu phát triển tình bạn thật sự với những đứa trẻ khác. 

    Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, bé có thể gặp nhiều khó khăn và cần sự trợ giúp của bạn để học cách kiểm soát các mối quan hệ mới. Bởi vì, trẻ 3 tuổi đã bắt đầu nhận định được khái niệm “của bạn” và “của tôi”. Vì vậy, bạn đôi khi sẽ hơi đau đầu khi phải “phân xử” các cuộc cãi vã tranh giành đồ chơi giữa con và các bạn. Trong trường hợp này, thay vì quá tập trung vào việc phân định rõ đây là đồ chơi của ai, bạn hãy dạy con cách chơi hòa đồng cùng các bạn khác. Nếu con có biểu hiện hung hăng và giành đồ chơi với bạn, bố mẹ hãy can thiệp và chỉ dạy bé. Bạn cần nhớ rằng, la mắng không bao giờ là cách dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời hiệu quả, bạn nên nhẹ nhàng khuyên răn và chỉ ra cho bé những điều đúng đắn. 

    Bên cạnh đó, những người xung quanh như bố mẹ, người thân hoặc bạn bè góp phần ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của trẻ 3 tuổi. Bởi trong giai đoạn này, chúng sẽ quan sát hành động và cách cư xử của mọi người và sao chép lại. Vì vậy bố mẹ nên cẩn trọng với cách hành xử của mình vì trẻ rất dễ học theo. Ngoài ra, con bạn cũng có thể bắt chước theo những nhân vật mà chúng xem trên tivi hoặc sách báo. Do đó lúc này, bạn cũng nên quan tâm đến những bộ phim hoạt hình hoặc truyện tranh mà bé xem.

    Sự phát triển nhận thức

    trẻ 3 tuổi

    Nhiều bố mẹ nhầm tưởng rằng phát triển nhận thức chỉ đơn giản là việc dạy trẻ 3 tuổi học toán, đếm số hoặc học bảng chữ cái. Tuy nhiên, nhận thức ở đây bao hàm toàn bộ quá trình tiếp thu thông tin, xử lý và hiểu rõ các thông tin đó. Vì vậy, ở độ tuổi này, trẻ có thể thường xuyên đặt ra các câu hỏi để tìm hiểu một kiến thức và lặp lại chúng cho đến khi nhận được câu trả lời. Dù điều này đôi lúc khiến bố mẹ cảm thấy khó chịu nhưng hãy hiểu rằng, con trẻ đang trong giai đoạn tìm hiểu về mọi thứ xung quanh và bạn chính là người thầy đầu đời của bé. Vì vậy, cách dạy trẻ 3 tuổi thông minh chính là hãy kiên nhẫn trả lời các câu hỏi của con. Nếu không thể trả lời được, bạn hãy hẹn lại con, sau đó tìm hiểu và trả lời bé sau. Đây là cách dạy trẻ 3 tuổi hiệu quả để giúp bé tiếp thu được nhiều kiến thức hơn. 

    Thêm vào đó, ở độ tuổi này, trẻ đã có thể ghi nhớ được khoảng 500 – 900 từ vựng và có khả năng hiểu những điều bạn nói tốt hơn. Bé không chỉ nói những câu ngắn 2 – 3 từ nữa mà đã có thể nói một số câu dài, khoảng 4-5 từ. Trí óc và khả năng tưởng tượng của con cũng cực kỳ phát triển ở độ tuổi này. Do đó, trẻ có thể bắt đầu hứng thú với các kiến thức về hình dạng, màu sắc… Bạn có thể dạy trẻ 3 tuổi tô màu, phân biệt các hình dạng hoặc thậm chí là học bảng chữ cái. Tuy nhiên, bạn nên nhớ, mỗi trẻ sẽ có khả năng khác nhau, vì vậy hãy để trẻ phát triển đúng theo khả năng của mình. Đừng cố ép con học quá nhiều vì điều này có thể tạo áp lực cho bé. 

    Tuy mỗi bé sẽ có tốc độ phát triển khác nhau nhưng nếu bố mẹ nhận thấy những dấu hiệu sau trong quá trình nuôi dạy trẻ 3 tuổi, hãy tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia:

    • Trẻ 3 tuổi chậm nói, nói không rõ ràng hoặc thường xuyên chảy nước miếng
    • Gặp khó khăn khi chơi với các loại đồ chơi đơn giản chẳng hạn như miếng xếp hình, bảng phân biệt hình dạng…
    • Không hiểu những lời nói hoặc chỉ dẫn đơn giản
    • Không nhìn vào mắt người khác hoặc không giao tiếp bằng ánh mắt
    • Không muốn chơi đồ chơi hoặc không chơi với những đứa trẻ khác
    • Thường xuyên bị ngã, đặc biệt khi đi cầu thang.
    4 Dấu hiệu trẻ thông minh từ bé mà bố mẹ nên biết

    Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu được trẻ 3 tuổi biết làm gì và nên dạy trẻ như thế nào. Bố mẹ hãy nhớ rằng, mỗi bé sẽ có một khả năng phát triển khác nhau. Vì vậy, bạn nên để trẻ phát triển một cách tự nhiên và đừng cố ép trẻ quá mức. Trong giai đoạn này, bạn cũng nên dành nhiều thời gian để quan sát con. Nếu nhận thấy những biểu hiện bất thường, bạn nên đưa con đến gặp các chuyên gia ngay.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 30/06/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo