Trong quá trình lớn lên, con bạn sẽ bắt đầu tìm hiểu về thế giới xung quanh thông qua việc quan sát và học hỏi từ bố mẹ. Chính trong giai đoạn này, bố mẹ nên cho bé làm quen với khái niệm thời gian. Tuy nhiên, việc dạy trẻ cách xem đồng hồ và đọc giờ là một trong những thách thức không đơn giản đối với bất kỳ bậc cha mẹ nào.
Thực tế là dù có thể nhận thức được ngày và đêm dựa trên những thay đổi của môi trường nhưng trẻ vẫn chưa hoàn toàn nắm bắt được bản chất của thời gian. Để có thể dạy cho trẻ cách xem đồng hồ, Hello Bacsi mời bạn tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé!
Bạn nên bắt đầu giới thiệu khái niệm thời gian cho trẻ vào lúc nào?
Những năm tháng đầu đời là quãng thời gian trẻ tự mình học hỏi và tìm hiểu về thế giới xung quanh. Trong quãng thời gian này, bằng cách học hỏi từ bố mẹ và những người xung quanh, trẻ sẽ tự bổ sung cho mình nhiều kỹ năng cần thiết khác nhau. Tuy nhiên, việc hiểu và nắm bắt được cách xem đồng hồ cũng như ý nghĩ về thời gian không phải là điều trẻ có thể tự học hỏi được mà cần phải có sự hướng dẫn của bố mẹ.
Khi còn nhỏ, trẻ con thường vẫn chưa quen thuộc lắm với khái niệm về thời gian, ví dụ như vẫn không biết cần bao nhiêu thời gian để hoàn thành một công việc hoặc để đi từ nơi này đến nơi khác. Chắc bạn cũng từng rơi vào trường hợp tương tự, khi cả gia đình bạn đi đâu đó, trẻ cứ mỗi 10 phút lại thắc mắc rằng còn bao lâu nữa mới đến nơi dù bố mẹ đã trả lời rằng chuyến đi sẽ mất khoảng 1 giờ. Vấn đề này xảy ra là do bé vẫn chưa thể tự mình ước chừng được thời gian.
Khi con bạn lớn lên và các hoạt động thường ngày bắt đầu trở thành một phần của cuộc sống, chúng sẽ dần dần hiểu được cách vận hành của thời gian trong cuộc sống của chính mình. Từ việc chuẩn bị đến trường, đến việc chơi trò chơi điện tử, mỗi việc sẽ giúp trẻ hiểu thêm được một chút về thời gian. Cũng chính lúc này, bố mẹ cần dạy cho trẻ biết cách đọc đồng hồ để có thể quản lý được thời gian hàng ngày của bản thân.
Bí quyết trong việc dạy trẻ cách xem đồng hồ hay cách đọc giờ
Nhiều bố mẹ thường mắc sai lầm khi dạy con cách xem đồng hồ và đọc giờ khiến trẻ bối rối khi mới làm quen với việc này. Nếu bạn dạy con cách đọc thời gian như dạy cách làm toán hoặc học các môn khoa học, trẻ sẽ khó có thể tiếp thu được. Tốt nhất, bạn nên cho bé làm quen với những điều cơ bản như cách đếm số, cách quy đổi giờ, phút, giây trước khi kết hợp những khái niệm này lại với nhau, sau đó mới dạy trẻ cách đọc giờ trên đồng hồ.
1. Dạy con cách đếm số
Bạn nên dạy con cách đọc đồng hồ khi trẻ đã có thể đếm số thành thạo. Nếu trẻ vẫn chưa nắm rõ về số đếm, bạn có thể giúp con làm quen và đếm số trôi chảy thông qua những thứ gần gũi thường ngày quanh bé. Ví dụ như bạn có thể cùng con đếm số trái cây cần mua khi đi siêu thị hoặc đếm số áo mà hai mẹ con cùng gấp. Bằng cách này, trẻ sẽ tiếp cận với các con số một cách dễ dàng hơn. Ban đầu chưa quen, bạn nên dạy con đếm từ 1 – 10. Khi trẻ đã đếm được đến 10, bạn có thể bắt đầu dạy bé đếm liên tục đến 60. Việc này có thể mất một ít thời gian, bố mẹ hãy kiên nhẫn cho đến khi bé có thể đếm chính xác từ 1 đến 60 trong một lần.
Như bạn cũng biết, đồng hồ thường không hiển thị 60 phút mà chỉ hiện thị những bội số của 5, chạy từ 1 đến 12. Vì vậy, khi trẻ đã có thể đếm thành thạo đến 60, hãy bắt đầu tập cho trẻ chia 5 số liên tiếp thành các nhóm nhỏ. Điều này sẽ cho phép trẻ làm quen và hình dung được cách cho 5 số liên tiếp từ 1 đến 60 vào một nhóm. Mỗi nhóm sau đó được gắn với một số, tạo thành các chữ số trên đồng hồ.
2. Làm quen với các buổi trong ngày
Đồng hồ thông thường chỉ hiện thị 12 giờ trong ngày. Vì vậy, trẻ có thể sẽ bối rối khi phải phân biệt giữa 14 giờ và 2 giờ chiều. Thay vì dạy trẻ ngay về thời gian chi tiết, hãy bắt đầu bằng việc giúp con nhận thức khái niệm về các buổi trong ngày mà chúng ta thường đề cập đến khi nói chuyện.
Ở giai đoạn đầu tiên, bạn có thể bắt đầu từ 2 buổi đơn giản nhất là sáng và tối. Sau đó, hãy mở rộng thêm thành các buổi sáng, trưa, chiều, tối và đêm. Những buổi này có thể được trẻ nhận biết nhờ các sinh hoạt diễn ra hằng ngày, chẳng hạn như đánh răng vào buổi sáng, ăn trưa vào buổi trưa, chơi vào buổi tối và ngủ vào ban đêm. Dần dần và đều đặn như vậy, bạn có thể dạy trẻ thêm về buổi sáng sớm hay chiều muộn, từ đó giúp trẻ nhận biết về khái niệm các buổi trong ngày.
3. Làm đồng hồ thủ công tại nhà
Thay vì mua một chiếc đồng hồ cho con, bố mẹ có thể cùng bé làm một chiếc đồng hồ thủ công đơn giản tại nhà. Tất cả những gì bạn cần là một đĩa giấy, bút vẽ và những que kem nhỏ để làm kim đồng hồ.
Bước đầu tiên, hãy giúp con đánh dấu vị trí của 12 giờ bằng bút chì lên đĩa giấy và viết chữ số “1″ cho bé. Sau đó hãy để bé tự điền các số tương ứng còn lại và hoàn thành vòng tròn với số “12″. Bây giờ, hãy giúp bé gợi nhớ về cách chia 5 số liên tiếp vào các nhóm và yêu cầu con bạn kẻ các vạch nhỏ ở khoảng giữa 2 số đã có trên đĩa sao cho vạch số 5 luôn trùng với số có sẵn. Việc này cũng sẽ là thử thách đối với trẻ vì bé cần phải chia chúng thành các phần bằng nhau. Với chiếc đồng hồ tự làm trong tay, hãy gắn thêm 2 que kem có độ dài ngắn khác nhau, đã khoan lỗ và gắn lại với nhau để chúng quay được vòng quanh như kim giờ và kim phút của đồng hồ thật.
4. Dùng các ví dụ về giờ giấc
Hãy dùng thời khóa biểu ở trường hoặc lịch xem ti vi của con và dùng nó như một ví dụ về thời gian. Khi mới tập làm quen, hãy để bé bắt đầu bằng những mốc thời gian có số phút bằng không, ví dụ như 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ… Ban đầu, bố mẹ hãy chỉnh sẵn kim phút ở số 12 và để bé tự điều chỉnh kim giờ. Sau khi đã quen, bố mẹ có thể để các kim ở những vị trí bất kỳ và đề nghị bé xoay kim về vị trí đúng.
Bằng cách này, bé sẽ bước đầu nắm bắt được về khái niệm thời gian một cách dễ dàng hơn. Nhiều bố mẹ còn dùng cả đồng hồ điện tử và so sánh hai loại đồng hồ để giúp bé hiểu rõ hơn về chúng.
5. Tìm hiểu về phút và giây
Dần dần theo thời gian, con bạn có thể đọc được giờ đúng cũng như biết rõ về tỷ lệ chia trên đồng hồ. Bây giờ, đã đến lúc trẻ cần hiểu về mối quan hệ giữa mỗi nhóm số với toàn bộ 60 phút và sự đồng bộ giữa kim giây với kim phút. Trong giai đoạn này, bạn không nên đi quá chi tiết về cách quy đổi thời gian, vì chúng có thể gây rối cho bé. Chỉ cần để trẻ biết rằng khi kim giây quay được một vòng thì kim phút sẽ dịch 1 lần và khi kim phút quay được một vòng thì kim giờ sẽ dịch chuyển tới số lớn hơn liền kề trên đồng hồ.
Khi trưởng thành, chúng ta coi khái niệm thời gian và xem đồng hồ là một hành động hiển nhiên và thực hiện chúng trong vô thức. Chúng ta hầu như không nhớ làm thế nào mình học về thời gian khi còn bé. Tuy nhiên, việc dạy trẻ em cách đọc thời gian là một công việc không đơn giản và đòi hỏi phải có phương pháp đúng đắn. Bố mẹ có thể áp dụng theo một số cách đơn giản mà Hello Bacsi đã giới thiệu để giúp con dễ dàng làm quen hơn với khái niệm giờ giấc.
Phương Quỳnh/HELLO BACSI
[embed-health-tool-child-growth-chart]