Bé tập nói là một trong những cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Đây không chỉ là bước đầu để trẻ giao tiếp với thế giới xung quanh mà còn ảnh hưởng đến khả năng học tập, tư duy và cảm xúc sau này. Tuy nhiên, không ít bố mẹ băn khoăn không biết bé mấy tháng tập nói, làm sao để dạy bé tập nói đúng cách – hiệu quả và đâu là dấu hiệu trẻ sẵn sàng với giai đoạn này?
Trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi, hãy cùng tìm hiểu toàn bộ hành trình phát triển ngôn ngữ của trẻ và tham khảo 10 cách dạy bé tập nói hiệu quả, dễ áp dụng tại nhà nhé!
Khi nào thì trẻ bắt đầu tập nói?
Thực tế thì quá trình học nói của trẻ diễn ra rất sớm, ngay từ khi mới lọt lòng. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn phát triển lại có những đặc điểm riêng, bố mẹ cần nắm rõ để có cách hỗ trợ phù hợp.
Giai đoạn 0–3 tháng tuổi: Bé “nói chuyện” bằng tiếng khóc
Ở giai đoạn sơ sinh, bé chưa thể phát âm, nhưng đã bắt đầu giao tiếp bằng tiếng khóc, tiếng rên rỉ hoặc âm thanh ngẫu nhiên như “ư…”, “a…”. Đây là cách trẻ báo hiệu nhu cầu của mình như đói, buồn ngủ, khó chịu…
Giai đoạn 3–6 tháng: Bé bắt đầu phát ra âm thanh
Lúc này bé sẽ thường xuyên ê a, tạo ra những âm thanh đơn giản như “ma”, “ba”, “a-goo”… Đây là dấu hiệu quan trọng cho thấy trẻ bắt đầu tiếp cận với việc nói.
Giai đoạn 6–9 tháng: Bé bắt chước âm thanh
Trẻ bắt đầu bắt chước các âm thanh mà người lớn tạo ra và dần dần hiểu được mối liên hệ giữa âm thanh và vật thể. Ví dụ như bé có thể gọi “ba”, “mẹ” dù chưa hoàn toàn hiểu nghĩa.
Giai đoạn 9–12 tháng: Bé nói từ đơn đầu tiên
Khoảng tháng thứ 10–12, đa số trẻ có thể nói được từ đầu tiên, thường là “ba”, “ma”, “bà”, “no”… Đây là cột mốc bé tập nói được nhiều bố mẹ mong chờ nhất.
Giai đoạn 12–18 tháng: Từ vựng tăng dần
Bé bắt đầu nói được nhiều từ hơn, có thể hiểu và làm theo chỉ dẫn đơn giản như “lấy đồ chơi”, “đưa cho mẹ”… Bé học rất nhanh thông qua việc lặp lại.
Giai đoạn 18–24 tháng: Ghép từ
Bé có thể nói 2–3 từ đơn để tạo thành câu đơn giản như “ăn cơm”, “đi chơi đi”. Đây là thời điểm vàng để dạy bé tập nói bằng hình ảnh, sách hoặc thẻ học (flashcard0.
Giai đoạn 24–36 tháng: Bé nói câu dài
Bé có thể nói câu có cấu trúc, thể hiện rõ ràng mong muốn như “con muốn uống nước”, “ba ơi, chơi với con”. Đây là bước tiến lớn trong quá trình phát triển ngôn ngữ.
[embed-health-tool-child-growth-chart]
Dấu hiệu cho thấy trẻ sẵn sàng tập nói
Mỗi bé sẽ có tốc độ phát triển khác nhau, nhưng nếu thấy những biểu hiện dưới đây, bố mẹ có thể yên tâm rằng con đã sẵn sàng cho việc học nói:
- Bé thường xuyên ê a, tạo âm thanh khi vui vẻ, phấn chấn
- Bé quay đầu theo tiếng gọi
- Bé bắt chước khẩu hình miệng
- Bé có phản ứng với lời nói như mỉm cười, nhìn chăm chú
- Bé dùng cử chỉ như chỉ tay, vẫy tay để giao tiếp
Khi trẻ có những dấu hiệu này, đó là lúc bố mẹ có thể bắt đầu dạy bé tập nói một cách chủ động hơn.
10 cách dạy bé tập nói hiệu quả, ba mẹ nào cũng có thể áp dụng
1. Thường xuyên nói chuyện với bé
Ngay cả khi bé chưa hiểu rõ, việc trò chuyện hàng ngày giúp bé làm quen với âm thanh, ngữ điệu và từ vựng. Mẹ hãy mô tả mọi hành động của mình như “Mẹ đang gọt trái cây nè”, “Con nhìn kìa, cái ô tô chạy nhanh ghê!”.
2. Đặt câu hỏi cho bé
Hãy đặt những câu hỏi đơn giản, ngay cả khi bé chưa biết trả lời, như “Con muốn uống sữa hay nước?”, “Đây là con mèo hay con chó?”. Sau đó, bạn có thể trả lời thay bé để giúp bé học từ mới đồng thời đừng quên dạy bé cách nhận biết các con vật quen thuộc để tăng vốn từ và sự hiểu biết.
3. Lặp lại những âm thanh của bé
Khi bé ê a, mẹ hãy bắt chước lại âm thanh đó để tạo tương tác. Việc này không chỉ giúp bé cảm thấy được “trả lời” mà còn khuyến khích bé phát ra nhiều âm thanh hơn.
4. Không ngừng khen ngợi và động viên bé
Dù bé chỉ phát âm được một từ, mẹ hãy luôn khen ngợi con, như “Giỏi quá, con nói được ‘mẹ’ rồi nè!”, “Con biết gọi ‘ba’ rồi, yêu quá!”… Những lời khích lệ này là động lực tuyệt vời cho bé đấy.
5. Hát cho bé nghe
Những bài hát thiếu nhi đơn giản giúp bé làm quen với từ vựng, giai điệu và phát âm. Các bài thơ bé tập nói ngắn như “Ba bà đi bán lợn con”, “Cái bống là cái bống bang…”, “Bà ơi bà”… cũng là công cụ tuyệt vời giúp bé tập nói sớm.
6. Dùng từ ngắn gọn, đơn giản
Bố mẹ nên tránh nói quá dài dòng hay sử dụng từ phức tạp khi nói chuyện với con, chỉ cần nói những cụm từ như “ăn cơm”, “uống nước”, “đi chơi” để bé dễ ghi nhớ và bắt chước.
7. Làm mẫu cho bé
Khi muốn dạy con tên gọi của đồ vật nào, mẹ hãy chỉ vào vật đó và nói to, rõ ràng từ mà bạn muốn bé học, ví dụ như chỉ vào quả chuối và nói: “Đây là chuối. Con muốn ăn chuối không?”.
8. Khuyến khích bé đưa ra lựa chọn
Thay vì tự quyết định mọi thứ, mẹ hãy đưa cho bé 2 lựa chọn và để bé phản ứng, như “Con muốn mặc áo đỏ hay áo xanh?”. Việc này giúp bé thực hành ngôn ngữ thông qua nhu cầu cá nhân.
9. Đọc sách cho bé nghe mỗi ngày
Việc đọc sách cho trẻ nghe giúp bé phát triển vốn từ, hiểu ngữ cảnh và tăng khả năng tập trung. Bố mẹ nên chọn sách có tranh minh họa lớn, nội dung đơn giản, câu văn ngắn gọn, khúc chiết.
10. Kể chuyện cho bé nghe
Bố mẹ không cần kể những truyện dài dòng, chỉ cần những mẩu chuyện ngắn, chuyện thường ngày của bé cũng có thể trở thành bài học ngôn ngữ tuyệt vời và giúp bé tập nói nhanh hơn.
Bé tập nói và các thắc mắc thường gặp
1. Khi nào trẻ có thể nói thành câu?
Thông thường, trẻ bắt đầu biết ghép từ và nói câu ngắn khoảng từ 18–24 tháng tuổi. Tuy nhiên, mỗi bé sẽ có tốc độ khác nhau. Quan trọng là trẻ có thể hiểu và có nhu cầu giao tiếp.
2. Dấu hiệu cho thấy trẻ chậm nói
Một số dấu hiệu trẻ chậm nói như:
- 12 tháng chưa nói được từ đơn nào
- 18 tháng không nói được từ rõ ràng nào
- 2 tuổi chưa biết nói câu đơn
- Không phản ứng khi được gọi tên
- Không có nhu cầu giao tiếp bằng lời nói, ánh mắt hoặc cử chỉ.
3. Bố mẹ nên làm gì khi trẻ chậm nói?
Nếu thấy trẻ chậm nói so với lứa tuổi của con và có những dấu hiệu được đề cập ở trẻ, bố mẹ nên:
- Đưa trẻ đi khám tổng quát và kiểm tra thính lực
- Gặp chuyên gia trị liệu ngôn ngữ (SLP)
- Không so sánh trẻ với bạn bè cùng tuổi
- Tiếp tục kiên trì nói chuyện và khuyến khích bé giao tiếp.
Quá trình bé tập nói là một hành trình dài nhưng đầy niềm vui và bất ngờ. Việc dạy bé tập nói không cần quá phức tạp, chỉ cần bố mẹ đồng hành đúng cách, kiên trì và đầy yêu thương. Mỗi lời nói đầu tiên, mỗi âm thanh ngọng nghịu từ con sẽ là kỷ niệm đáng nhớ của cả gia đình.