Những năm tháng đầu đời là khoảng thời gian bé bắt đầu nhận thức về thế giới xung quanh bằng cách chạm, tìm kiếm, cầm nắm và lắng nghe. Khi trẻ được 2 tuổi, cách học hỏi và tiếp thu cái mới cũng thay đổi từng ngày. Hãy cùng Hello Bacsi khám phá quá trình phát triển thú vị này nhé.
Sự phát triển nhận thức ở trẻ 2 tuổi
Khi đã được hai tuổi, bé bắt đầu phát triển hơn trong việc học tập. Bé sử dụng ngôn ngữ tốt hơn và bắt đầu có trí tưởng tượng về những công việc, hành động và các khái niệm. Bé cũng có thể suy nghĩ để giải quyết một số vấn đề, đưa ra các tình huống và kết quả ngay trong đầu thay vì phải thực hiện các hành vi cụ thể. Khi não bộ và trí tuệ của bé đã phát triển hơn, bé bắt đầu có khái niệm thời gian đơn giản như là “Con có thể chơi sau khi con đã ăn xong.’
Con bạn cũng bắt đầu hiểu được mối quan hệ giữa các sự vật và hiện tượng. Ví dụ như khi chơi trò chơi ghép hình đơn giản, bé đã có thể ghép các hình dạng tương tự vào chỗ khuyết. Bé cũng nhận ra mục đích của các con số khi đếm các đồ vật, đặc biệt là số hai. Nhờ vào sự hiểu biết về nguyên nhân và kết quả, bé sẽ quan tâm nhiều hơn đến các chi tiết được gắn lên đồ chơi hoặc việc bật/tắt đèn và các thiết bị.
Bé bắt đầu có nhận thức rõ ràng về chuỗi hành động
Bố mẹ sẽ nhận thấy cách chơi của bé trở nên phức tạp hơn. Đáng chú ý nhất là khi bé bắt đầu xâu chuỗi các hoạt động khác nhau để tạo thành một trình tự hợp lý. Thay vì ngẫu nhiên như ban đầu, bé đã có thể cho một con búp bê đi ngủ rồi lấy chăn đắp cho nó hoặc lần lượt cho từng con búp bê ăn. Trong vài năm tới, bé có thể thực hiện các chuỗi hành động dài hơn và phức tạp hơn, như việc thức dậy vào buổi sáng để đánh răng và đi ngủ vào ban đêm.
Ngoài ra, bé cũng bắt đầu muốn tự chủ trong các hành động của mình. Vì thế, các mẹ đừng nổi nóng khi con cứ nằng nặc đòi tự tắm hoặc tự thay đồ mỗi sáng trong khi mình đang cuống lên vì sắp trễ giờ làm và giờ học của con. Thay vì vậy, hãy cố gắng sắp xếp thời gian và chuẩn bị sẵn những gì có thể giúp trẻ tự hoàn thành công việc một cách nhanh hơn.
Tại sao trẻ 2 tuổi thường cảm thấy mình có liên quan hoặc có lỗi vì những gì đã xảy ra?
Nếu phải chọn ra một giới hạn tư duy đặc trưng cho độ tuổi này, đó sẽ là việc trẻ luôn cảm thấy mọi việc xảy ra xung quanh đều là kết quả do bé làm ra. Với một niềm tin như thế, sẽ rất khó để trẻ hiểu được một cách chính xác các khái niệm như cái chết, ly hôn hoặc bệnh tật mà không nghĩ rằng những việc đó đều có một phần trách nhiệm của bé. Vì vậy, nếu cha mẹ ly thân hoặc một thành viên gia đình bị ốm, trẻ thường cho rằng đó là lỗi của mình.
Làm sao để giải thích điều gì đó cho trẻ 2 tuổi?
Việc lý luận với bé hai tuổi thường rất khó vì bé cảm nhận mọi thứ xung quanh cực kỳ đơn giản. Bé vẫn nhầm lẫn giữa tưởng tượng với thực tế, trừ khi bé biết cách giả bộ làm gì đó. Do đó, bố mẹ nên cẩn thận với những gì mình thể hiện. Ví dụ như khi bạn kể những chuyện mà bạn nghĩ là buồn cười hoặc vui tươi, bé có thể không hiểu rằng bạn đang nói đùa và có thể hoảng sợ, chẳng hạn như việc nuốt phải hột dưa hấu sẽ khiến cây mọc trong bụng.
Trẻ 2 tuổi sẽ có những thay đổi về mặt nhận thức khiến bố mẹ bực bội vì con bỗng nhiên trở thành một đứa trẻ khó dạy bảo. Vì thế, bạn hãy luôn nhớ rằng trẻ đang trải qua một giai đoạn phát triển bình thường và cố gắng thật kiên nhẫn với con.
Bố mẹ có thể tham khảo thêm bí quyết xây dựng chế độ ăn uống cho trẻ 2 tuổi để giúp con phát triển toàn diện nhé.
[embed-health-tool-child-growth-chart]