Hiện nay, tình trạng ly hôn ngày càng tăng. Do đó, việc kết hôn với người đã con riêng cũng khá phổ biến. Nếu lập gia đình với người đã có con riêng, việc nuôi dạy con riêng của chồng hoặc vợ không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách để bạn biến công việc khó khăn này trở nên đơn giản và thú vị hơn.
“Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng’. Từ trước đến nay, mối quan hệ giữa con riêng của chồng với mẹ kế hay con riêng của vợ với bố dượng thường hay xung khắc và khó hòa hợp. Tuy nhiên, nếu bạn quyết tâm xây dựng gia đình với người đã có con riêng thì việc tạo ra một mối quan hệ tích cực với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là với những đứa con riêng là một điều rất cần thiết. Dưới đây là một vài gợi ý của Hello Bacsi giúp bạn hòa hợp và nuôi dạy con riêng của chồng tốt hơn.
1. Tạo ấn tượng ban đầu với con riêng của chồng
Để tránh gây áp lực cho lần gặp mặt đầu tiên, bạn nên chủ động bắt chuyện chào hỏi với trẻ, tránh kéo dài thời gian ăn tối và tặng những món quà đắt tiền. Bạn đừng nên đặt quá nhiều kỳ vọng cho lần gặp mặt đầu tiên này. Bất kể điều gì gây áp lực cho trẻ cũng có thể khiến trẻ xa lánh bạn. Điều gì cũng cần có quá trình. Vì thế, bạn không nên nóng vội để trẻ từ từ làm quen với mối quan hệ này. Đến khi nào trẻ đồng ý tiếp nhận, trẻ sẽ có những dấu hiệu giúp bạn nhận ra điều đó.
2. Hãy để thời gian chữa lành mọi vết thương
Nếu sắp bước vào cuộc hôn nhân với người đã từng ly hôn, bạn nên cho con riêng của chồng hoặc vợ thời gian và không gian riêng. Việc bố hay mẹ tái hôn với người khác đồng nghĩa với niềm hy vọng gia đình đoàn tụ của trẻ sẽ tiêu tan. Vì vậy, trẻ sẽ có cảm giác đau buồn, khó chịu, tức tối. Sự đau buồn này có thể khiến trẻ có những hành động làm trì hoãn cuộc hôn nhân mới của bố/mẹ.
Nếu bố/mẹ của trẻ không may qua đời, bạn có thể giúp trẻ nhớ lại những kỷ niệm về bố/mẹ của mình bằng cách kể cho trẻ nghe những câu chuyện, xem hình của bố/mẹ hoặc tổ chức các hoạt động đáng nhớ vào ngày sinh nhật của người bố/mẹ đã mất.
3. Đối xử với trẻ như con ruột của mình
Nếu trẻ vẫn qua lại với bố hoặc mẹ của mình thì bạn có thể sẽ không cần chăm sóc chúng cả tuần. Tuy nhiên, bạn không nên đối xử với trẻ như những vị khách đặc biệt vì như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy mình không thuộc về gia đình. Thay vào đó, bạn có thể nhờ trẻ giúp đỡ việc nhà, kiểm tra bài tập trên lớp và tham gia các buổi họp phụ huynh của trẻ. Lắng nghe, tôn trọng ý kiến và khen ngợi trẻ khi cần thiết.
Bạn không nên áp đặt quan điểm của mình mà bỏ qua suy nghĩ của trẻ. Trẻ cũng có cảm xúc và ý kiến riêng. Dù không phải lúc nào bạn cũng đồng ý với chúng nhưng ít ra bạn cũng lắng nghe nguyện vọng của chúng. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy gần gũi với bạn hơn.
4. Đừng để trẻ cảm thấy lạc lõng
Dĩ nhiên vợ chồng bạn cần có thời gian riêng tư nhưng không nên để trẻ cảm thấy bị bỏ rơi khi hai bạn có những hoạt động mới mà không có sự tham gia của trẻ. Trong những chuyến dã ngoại, thăm viếng họ hàng hoặc tham quan những địa điểm mà trẻ chưa từng đi tới, bạn nên đưa trẻ theo cùng nếu có thể. Ngoài ra, hãy công bằng với trẻ. Nếu trẻ thấy có sự không công bằng, chúng sẽ phản ứng ngay. Hãy dành thời gian nói chuyện với con riêng và con đẻ như nhau. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn.
Bạn cũng không nên quá “bám chặt” vào bố của trẻ mà hãy cho bố con họ có không gian riêng để nói chuyện với nhau. Nhìn chung, điều quan trọng là vợ chồng bạn nên dành nhiều thời gian vui chơi với trẻ để trẻ không thấy mình lạc lõng trong chính gia đình của mình.
5. Xây dựng một tình bạn bền vững
Đừng tốn thời gian ngồi so đo, tính toán không biết mình đối xử với con riêng của chồng hay vợ như vậy là đã tốt hay chưa và khi nào trẻ mới dành tình yêu thương cho mình. Mới đầu, giữa bạn và con riêng sẽ không có bất cứ tình cảm nào nhưng bạn cứ nuôi và xem trẻ như con ruột của mình, ít nhất là trong vài năm đầu.
Kiên nhẫn xây dựng mối quan hệ với con riêng của chồng hay con riêng của vợ. Đây là bí quyết số một để thành công. Hãy thử làm bạn với trẻ và cư xử đầy yêu thương. Ngoài ra, bạn cũng đừng bắt trẻ gọi bạn là bố hay mẹ ngay lập tức mà cứ để trẻ gọi bạn theo cách mà bé muốn.
6. Tạo dựng lòng tin và sự trung thực
Tin tưởng là một yếu tố quan trọng trong bất cứ mối quan hệ nào và nó cần thời gian để xây dựng. Nhạy cảm và đối xử tốt với con riêng của chồng hoặc con riêng của vợ là cách để tạo dựng lòng tin với trẻ. Trong giai đoạn đầu, không nên cố gắng thay thế bố/mẹ ruột của trẻ. Qua thời gian, trẻ sẽ quan sát cách bạn hành xử trong mọi tình huống. Bạn có chủ động lắng nghe hay không? Bạn có tôn trọng quyền riêng tư của người khác hay không? Bạn có lợi dụng trẻ hay không? Trẻ nhỏ rất nhạy cảm với người thiếu trung thực và không chân thành. Nếu bạn chiếm được lòng tin của trẻ, trẻ sẽ đến tìm bạn như một người bạn để chia sẻ mọi chuyện.
7. Chia sẻ sở thích với nhau
Hãy quan sát xem trẻ thích điều gì hoặc dành nhiều thời gian cho hoạt động nào. Đôi khi trẻ sẽ thấy tò mò với những hoạt động của bạn, hãy đề nghị trẻ tham gia cùng bạn. Mối quan hệ giữa con riêng với mẹ kế, bố dượng cần được vun đắp thường xuyên và cả hai phía đều đóng vai trò quan trọng để duy trì mối quan hệ này.
Nuôi dạy con riêng là một trong những thách thức lớn nhất trong cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, điều gì cũng có giá của nó. Nếu biết nỗ lực và cố gắng, bạn sẽ đem về những phần thưởng rất có giá trị đấy.
[embed-health-tool-vaccination-tool]