backup og meta

Biểu hiện viêm tuyến sữa là gì? Viêm tuyến sữa có nên cho con bú?

Biểu hiện viêm tuyến sữa là gì? Viêm tuyến sữa có nên cho con bú?

Viêm tuyến sữa là tình trạng xảy ra chủ yếu đối với phụ nữ đang cho con bú. Các biểu hiện viêm tuyến sữa thường khiến bạn bị đau buốt, khó chịu nên sẽ gây khó khăn trong sinh hoạt, trong việc chăm sóc em bé mới sinh, đặc biệt là khi cho con bú. Chính vì điều này mà nhiều mẹ thường lo lắng và thắc mắc bị viêm tuyến sữa có nên cho con bú hay không?

Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này và tổng hợp những mẹo chăm sóc, cải thiện tình trạng viêm tuyến sữa hiệu quả để bạn tham khảo.

Viêm tuyến sữa là gì? Nguyên nhân nào gây viêm tuyến sữa

Viêm tuyến sữa còn được biết đến là viêm tuyến vú hoặc viêm vú. Đây là tình trạng mô vú bị viêm và đôi khi liên quan đến nhiễm trùng. Viêm tuyến vú thường xảy ra ở những phụ nữ đang cho con bú. Thế nhưng vẫn có trường hợp phụ nữ không cho con bú hoặc nam giới gặp phải tình trạng này.

Đối với phụ nữ đang cho con bú, các nguyên nhân gây ra viêm tuyến sữa thường bao gồm:

  • Tắc ống dẫn sữa: Nếu bầu ngực của bạn vẫn còn dư sữa sau khi cho con bú thì tình trạng này thường dễ gây tắc ống dẫn sữa. Từ đó khiến sữa bị trào ngược, sữa ứ đọng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây viêm tuyến vú.
  • Vi khuẩn xâm nhập vào vú của bạn: Vi khuẩn từ bề mặt da, từ quần áo hoặc từ miệng của em bé có thể xâm nhập vào ống dẫn sữa thông qua vết nứt trên nhũ hoa. Bên cạnh đó, việc bạn cho con bú sai cách hoặc mặc áo ngực quá chật cũng làm tăng nguy cơ viêm tuyến sữa.

Đối với phụ nữ không cho con bú và nam giới có thể bị viêm vú do những nguyên nhân sau:

  • Hút thuốc có thể gây viêm tuyến vú vì chất độc nicotin có trong thuốc lá có thể phá hỏng mô vú.
  • Nhũ hoa bị tổn thương chẳng hạn như có vết rách hoặc bạn mắc bệnh chàm.
  • Cạo hoặc nhổ lông quanh nhũ hoa.
  • Hệ thống miễn dịch kém hoặc mắc bệnh tiểu đường.
  • Bạn được phẫu thuật cấy ghép ngực hoặc xỏ khuyên trên nhũ hoa cũng góp phần gây viêm vú.

Biểu hiện viêm tuyến sữa là gì? Bạn nên làm gì để cải thiện tình trạng này?

biểu hiện viêm tuyến sữa

Các triệu chứng viêm tuyến sữa thường chỉ ảnh hưởng đến một bầu ngực và xuất hiện nhanh chóng. Bạn có thể dễ dàng nhận biết tình trạng này qua các biểu hiện viêm tuyến sữa sau đây:

  • Khi chạm vào vùng da trên ngực bị sưng, bạn sẽ cảm thấy nóng và đau. Chỗ sưng này có thể chuyển sang màu đỏ nhưng nếu bạn có làn da sẫm màu thường sẽ khó nhận ra hơn.
  • Xuất hiện khối u hình nêm hoặc nổi một cục cứng trên ngực của bạn.
  • Bạn thường xuyên cảm thấy vú đau buốt và có thể đau buốt dữ dội hơn khi cho con bú.
  • Mệt mỏi, nhức đầu.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Các triệu chứng giống như cúm, bao gồm sốt và ớn lạnh.
  • Núm vú tiết dịch bất thường, dịch tiết có màu trắng hoặc lẫn thêm máu.

Ngay khi phát hiện các biểu hiện viêm tuyến sữa, bạn có thể áp dụng những giải pháp sau để cải thiện vấn đề và giúp giảm đau:

  • Dùng khăn ấm chườm lên chỗ ngực bị sưng.
  • Tắm bằng vòi sen hoặc bồn tắm nước ấm cũng có thể giúp ích.
  • Nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
  • Uống paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau hoặc hạ sốt. Lưu ý là mẹ cho con bú không dùng aspirin.
  • Xoa bóp ngực nhẹ nhàng với chuyển động tròn theo chiều từ vết sưng đau về phía núm vú để làm thông tia sữa bị tắc nghẽn.
  • Nếu bạn đang cho con bú thì vẫn nên tiếp tục cho bé bú để đảm bảo sữa luôn chảy qua các ống dẫn sữa. Đồng thời, bạn nên vắt hay hút sữa còn dư sau mỗi lần cho con bú.
  • Không nên mặc quần áo bó sát hoặc áo ngực cho đến khi bạn cảm thấy đỡ hơn.

Nếu việc chăm sóc tại nhà không hiệu quả, bạn nên nhanh chóng đi khám tuyến vú, đặc biệt là trong những trường hợp sau:

  • Các triệu chứng, biểu hiện viêm tuyến sữa không được cải thiện hoặc trở nên tệ hơn trong 24 giờ sau khi dùng thuốc giảm đau.
  • Núm vú tiết dịch, chảy mủ hoặc có thêm cục u mới.
  • Cảm thấy hình dáng bầu ngực thay đổi.
  • Ngoài ra, đối với một số phụ nữ không cho con bú nhưng vẫn có biểu hiện viêm tuyến sữa thì bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.

Mẹ bị viêm tuyến sữa có nên cho con bú?

biểu hiện viêm tuyến sữa

Sau khi nhận ra những biểu hiện viêm tuyến sữa, chắc hẳn nhiều mẹ sẽ thắc mắc rằng có nên tiếp tục cho con bú hay không? Như đã đề cập ở trên, câu trả lời là bạn vẫn nên tiếp tục cho em bé bú mẹ như bình thường. Điều này vẫn đảm bảo an toàn vì nhiễm trùng do viêm tuyến sữa không thể lây sang trẻ thông qua sữa mẹ. Không những vậy, sữa mẹ còn là nguồn dinh dưỡng quan trọng và giúp trẻ sơ sinh được bảo vệ khỏi những bệnh nhiễm trùng.

Mặt khác, tuy bạn có thể cảm thấy khó chịu khi cho con bú nhưng hoạt động này thực chất lại góp phần giảm căng tức ngực và làm thông tia sữa bị tắc nghẽn, giúp sữa lưu thông dễ dàng hơn trong ống dẫn sữa. Khi cho trẻ bú, bạn hãy bắt đầu với bầu ngực có biểu hiện viêm tuyến sữa trước. Bằng cách này, bạn sẽ hạn chế tình trạng sữa còn dư và ứ đọng trong ống dẫn sữa. Điều này nhằm ngăn vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm nặng hơn.

Trên thực tế, các triệu chứng và biểu hiện viêm tuyến sữa có thể tái đi tái lại nhiều lần. Nguyên nhân thường là do cách bạn cho con bú chưa đúng hoặc em bé gặp rắc rối trong việc ngậm núm vú. Trong trường hợp này, bạn nên đi khám và nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để được điều trị và được hướng dẫn cho con bú đúng cách.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Mastitis

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mastitis/symptoms-causes/syc-20374829 Truy cập ngày 16/11/2021

Mastitis

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15613-mastitis Truy cập ngày 16/11/2021

Mastitis

https://www.nhs.uk/conditions/mastitis/ Truy cập ngày 16/11/2021

Breast infection

https://medlineplus.gov/ency/article/001490.htm Truy cập ngày 16/11/2021

Mastitis

https://familydoctor.org/condition/mastitis/ Truy cập ngày 16/11/2021

Phiên bản hiện tại

17/11/2021

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 17/11/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo