Lão thị chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi, bởi nó là một phần trong quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Vậy, lão thị là gì, triệu chứng và cách khắc phục ra sao? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về chứng bệnh này trong bài viết ngay sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Mắt lão thị là gì?
Lão thị là tình trạng xảy ra khi mắt dần mất đi khả năng tập trung nhìn rõ vào các đối tượng ở gần khiến tầm nhìn cận cảnh bị mờ. Bệnh là một phần của sự lão hóa tự nhiên trong cơ thể nhưng khiến mắt mờ nên gây nhiều khó khăn cho hoạt động thường ngày.
Chứng lão thị thường bắt đầu rõ rệt từ độ tuổi 40 và tiếp tục tiến triển nghiêm trọng hơn cho đến độ tuổi 65.
Một số người có thể bị loạn thị, viễn thị hoặc cận thị cùng với chứng lão thị.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của chứng lão thị là gì?
Triệu chứng lão thị thường phát triển dần theo thời gian. Chúng bao gồm:
- Giữ tài liệu, sách báo, điện thoại,… ở khoảng cách xa hơn mới có thể thấy rõ
- Mắt mờ ở khoảng cách đọc thông thường
- Mệt mỏi, đau đầu sau khi đọc hoặc làm việc gần.
Bạn có thể nhận thấy những triệu chứng này trầm trọng hơn nếu cơ thể đang trong trạng thái mệt mỏi hoặc đang ở trong khu vực thiếu ánh sáng.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?
Hãy đi khám bác sĩ nhãn khoa nếu nhìn cận cảnh bị mờ khiến bạn không thể đọc, làm việc khi nhìn gần hoặc thực hiện các hoạt động bình thường khác.
Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn:
- Bị mất thị lực đột ngột ở một mắt, có hoặc không kèm theo đau mắt
- Nhìn mờ đột ngột
- Nhìn thấy những tia sáng nhấp nháy, đốm đen hoặc quầng sáng xung quanh đèn
- Nhìn đôi.
Bất kỳ triệu chứng nào trong số này có thể báo hiệu tình trạng bệnh lý mắt nghiêm trọng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra chứng lão thị?
Để hình thành một hình ảnh, mắt của bạn sử dụng thủy tinh thể để hội tụ các tia sáng từ vật lên một điểm trên võng mạc, giúp bạn có thể nhìn rõ.
Khi còn trẻ, thủy tinh thể có tính đàn hồi và linh hoạt, dễ dàng thay đổi hình dạng để tập trung ánh sáng chính xác lên võng mạc, cho phép bạn nhìn rõ các vật thể ở gần và cả ở xa.
Nguyên nhân của lão thị là sau tuổi 40, lão hóa khiến thủy tinh thể trong mắt trở nên kém linh hoạt hơn theo thời gian. Thủy tinh thể xơ cứng hơn và khả năng điều tiết của mắt bị giảm, không thể tập trung ánh sáng chính xác lên võng mạc nữa. Điều này khiến tầm nhìn cận cảnh trở nên mờ.
Các yếu tố nguy cơ
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:
- Tuổi tác. Tuổi tác là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với chứng lão thị. Hầu hết người mắc phải tình trạng này trên tuổi 40.
- Các bệnh lý khác. Viễn thị hoặc mắc một số bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, đa xơ cứng, bệnh tim mạch có thể làm tăng nguy cơ lão thị sớm trước 40 tuổi.
- Thuốc. Một số loại thuốc làm tăng nguy cơ bị lão thị sớm, bao gồm thuốc chống dị ứng, thuốc điều trị tăng động giảm chú ý, thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc chống co thắt và thuốc lợi tiểu.
- Các yếu tố nguy cơ khác. Mãn kinh sớm, bị chấn thương mắt hoặc đầu trước đó, đã từng phẫu thuật đục thủy tinh thể cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán chứng lão thị?
Lão thị được chẩn đoán bằng việc thăm khám mắt cơ bản, bao gồm đo khúc xạ mắt và kiểm tra sức khỏe mắt.
Đo khúc xạ mắt sẽ giúp xác định xem bạn có bị cận thị, viễn thị, loạn thị hay lão thị hay không. Bác sĩ có thể sử dụng nhiều dụng cụ khác nhau hướng ánh sáng vào mắt, đồng thời yêu cầu bạn nhìn qua một số thấu kính để kiểm tra khoảng cách và tầm nhìn cận cảnh.
Bên cạnh đó, tùy vào từng trường hợp, họ có thể nhỏ thuốc nhỏ mắt giãn đồng tử để dễ dàng đánh giá bên trong mắt. Tuy nhiên, điều này có thể khiến mắt nhạy cảm với ánh sáng hơn trong vài giờ sau khi khám.
Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ khuyến cáo người lớn nên khám mắt toàn diện mỗi:
- 5 đến 10 năm/lần đối với người dưới 40 tuổi
- 2 đến 4 năm/lần trong độ tuổi từ 40 đến 54
- 1 đến 3 năm/lần trong độ tuổi từ 55 đến 64
- 1 đến 2 năm/lần bắt đầu từ tuổi 65 trở lên.
Bạn có thể cần khám thường xuyên hơn nếu bạn có các yếu tố nguy cơ như mắc bệnh về mắt hoặc cần đeo kính gọng hay kính áp tròng.
Những phương pháp nào dùng để điều trị chứng lão thị?
Không có cách chữa khỏi hoàn toàn lão thị. Bác sĩ thường chỉ định điều trị lão thị để khắc phục tầm nhìn cận cảnh bằng các biện pháp sau:
- Đeo kính mắt: Đeo kính lão thị là một cách đơn giản, an toàn để khắc phục các vấn đề về thị giác do chứng lão thị gây ra. Lão thị đeo kính gì? Bạn có thể đeo kính đọc sách không cần kê đơn có công suất từ +1,00 diopter (D) đến +3,00 D, kính có tròng theo đơn do bác sĩ nhãn khoa chỉ định, kính hai tròng, kính ba tiêu hoặc kính đa tiêu.
- Đeo kính áp tròng: Nếu không muốn đeo kính mắt thường, bạn có thể thử kính áp tròng để cải thiện các vấn đề về thị giác do chứng lão thị. Tuy nhiên, kính áp tròng sẽ không phù hợp với người có những tình trạng bất thường liên quan đến mí mắt, tuyến lệ hoặc bề mặt mắt như khô mắt.
- Phẫu thuật khúc xạ: Phẫu thuật khúc xạ làm thay đổi hình dạng giác mạc. Đối với chứng lão thị, phương pháp điều trị này được sử dụng để cải thiện tầm nhìn cận cảnh. Liệu pháp này giống như đeo kính áp tròng thị giác đơn. Ngay cả sau khi phẫu thuật, bạn có thể vẫn cần sử dụng kính đeo mắt cho công việc nhìn gần.
- Thuốc nhỏ mắt: Thuốc nhỏ mắt theo toa (dung dịch nhỏ mắt pilocarpine hydrochloride) hiện được chấp thuận để điều trị chứng lão thị. Thuốc hoạt động bằng cách làm đồng tử của mắt nhỏ hơn. Sau đó, mắt có thể điều chỉnh tiêu điểm để nhìn rõ ở cự ly gần. Thuốc nhỏ mắt có hiệu quả lên đến 6 giờ và bạn cần sử dụng chúng hàng ngày.
- Cấy ghép thấu kính nội nhãn. Một số trường hợp mắt mờ do đục thủy tinh thể cần thay thế thủy tinh thể cũ bằng loại nhân tạo. Đây được gọi là thấu kính nội nhãn.
- Phẫu thuật LBV (Laser Blended Vision): Là phẫu thuật điều trị lão thị bằng công nghệ laser. Cơ chế là tạo vạt giác mạc và sử dụng tia Laser Excimer chiếu đa điểm lên nhu mô giác mạc, điều chỉnh độ khúc xạ, để mắt chủ đạo nhìn xa tốt và mắt không chủ đạo nhìn gần tốt. Bằng việc tinh chỉnh độ sâu trường ảnh của từng mắt, LBV đồng thời tạo ra một vùng hòa trộn ở khoảng nhìn trung bình cho phép mắt nhìn tốt ở tất cả các khoảng nhìn gần, xa và trung bình.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa chứng lão thị?
Bạn không thể ngăn ngừa chứng lão thị vì đây là một phần trong quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, bạn có thể bảo vệ mắt và thị lực bằng cách làm theo những lời khuyên sau:
- Đi khám mắt. Bạn nên đi khám mắt định kỳ hoặc khi có triệu chứng bất thường về mắt, bạn nên gặp bác sĩ để có những lời khuyên hữu ích.
- Kiểm soát tình trạng sức khỏe mạn tính. Một số tình trạng nhất định, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và huyết áp cao, có thể ảnh hưởng đến thị lực nếu không được điều trị.
- Bảo vệ đôi mắt khỏi ánh nắng mặt trời. Đeo kính hoặc kính râm khi ra ngoài để ngăn chặn bức xạ tia cực tím (UV). Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn dành nhiều giờ dưới ánh nắng mặt trời hoặc đang dùng thuốc theo toa làm tăng độ nhạy cảm với bức xạ UV.
- Ngăn ngừa chấn thương mắt. Đeo kính bảo vệ khi làm một số việc nhất định làm tăng nguy cơ chấn chấn thương mắt, chẳng hạn như chơi thể thao, cắt cỏ, vẽ tranh hoặc sử dụng các sản phẩm khác có khói độc.
- Ăn uống lành mạnh. Cố gắng ăn nhiều trái cây, rau xanh. Bởi những thực phẩm này thường chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao cũng như vitamin A và beta carotene, có tác dụng giúp duy trì thị lực khỏe mạnh.
- Sử dụng kính phù hợp. Kính phù hợp sẽ tối ưu hóa tầm nhìn của bạn. Bạn nên khám mắt thường xuyên sẽ đảm bảo rằng kính mắt bạn đang sử dụng là phù hợp.
- Bổ sung thêm ánh sáng. Bật đèn thêm ánh sáng để có tầm nhìn tốt hơn khi học tập và làm việc.