Cùng với thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ tra mắt được sử dụng khá phổ biến để điều trị nhiều vấn đề về mắt. Vì thuốc tra mắt mỡ có thể dễ dàng thấm vào mắt và bắt đầu phát huy tác dụng nhanh hơn nhiều so với thuốc được dùng bằng đường uống nên thường được bác sĩ ưu tiên lựa chọn.
Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm hiểu cụ thể về tác dụng, cách sử dụng của loại thuốc này trong bài viết ngay sau đây nhé!
Tác dụng
Thuốc mỡ tra mắt có tác dụng gì?
Thuốc tra mắt mỡ là loại thuốc ở dạng bán rắn, có độ nhớt nhất định. Sau khi thoa lên mắt, hơi ấm của cơ thể sẽ khiến thuốc tan chảy và thấm vào mắt. Tác dụng của thuốc mỡ tra mắt thường đặc hơn thuốc nhỏ mắt. Điều đó có nghĩa là chúng có thể lưu lại trên mắt lâu hơn và phát huy tác dụng điều trị tốt hơn.
Vậy, thuốc mỡ tra mắt có tác dụng gì? Chúng được sử dụng khi cần tác dụng trực tiếp vào mắt để ngăn ngừa hoặc điều trị các bệnh về mắt, chẳng hạn như:
- Các tình trạng cấp tính và mạn tính của mắt, cũng như các vấn đề ảnh hưởng đến cấu trúc xung quanh mắt
- Đau nhức mắt
- Khô mắt
- Nhiễm trùng mắt, chẳng hạn như viêm kết mạc.
Hầu hết các loại thuốc tra mắt mỡ đều cần được bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, bạn có thể mua một số loại thuốc tra mắt mỡ trị khô mắt mà không cần kê đơn.
Liều dùng
Liều dùng của thuốc này sẽ khác nhau đối với từng bệnh nhân khác nhau. Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ hoặc tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc.
Lượng thuốc bạn dùng tùy thuộc vào độ mạnh của thuốc. Ngoài ra, số liều dùng mỗi ngày, thời gian cho phép giữa các liều và khoảng thời gian bạn dùng thuốc phụ thuộc vào các bệnh về mắt mà bạn đang cần điều trị.
Hãy tuân thủ theo liều dùng được chỉ định từ bác sĩ trong suốt thời gian điều trị, ngay cả khi triệu chứng bệnh đã bắt đầu hết sau một vài ngày. Tránh quên liều hoặc tự ý ngưng dùng thuốc mà chưa được sự đồng ý từ bác sĩ nhãn khoa.
Cách dùng
Cách tra thuốc mỡ mắt
Thuốc tra mắt mỡ không phải là loại thuốc dễ sử dụng. Để có được hiệu quả điều trị cao nhất, bạn cần phải tuân thủ đúng kỹ thuật trong cách dùng thuốc mỡ tra mắt. Điều này đảm bảo rằng bạn bôi đúng lượng thuốc vào mắt để thuốc phát huy tác dụng cao nhất.
Bạn nên thực hiện cách tra thuốc mỡ mắt theo các bước sau đây:
- Rửa tay sạch với xà phòng và nước
- Tháo nắp ra khỏi ống thuốc
- Ngửa đầu ra sau một chút, mắt nhìn lên trần nhà
- Dùng một ngón tay hoặc đốt ngón tay kéo nhẹ mi dưới xuống để tạo thành khoảng trống
- Tay còn lại cầm ống thuốc gần với mắt nhưng tránh chạm đầu ống vào mắt
- Bóp ống thuốc để bôi một đường mỏng thuốc mỡ dài (khoảng 1cm) vào khoảng trống ở mi mắt dưới
- Buông mí mắt ra và nhẹ nhàng nhắm mắt lại trong 1 hoặc 2 phút, sau đó, chớp mắt vài lần để thoa thuốc mỡ ra xung quanh mắt
- Tầm nhìn có thể sẽ bị mờ trong vài phút. Cố gắng không dụi mắt.
- Lặp lại ở mắt còn lại nếu bạn được chỉ định sử dụng thuốc ở cả 2 mắt
- Dùng khăn giấy sạch để lau hết thuốc mỡ thừa xung quanh mắt
- Lau đầu ống thuốc mỡ bằng khăn giấy sạch và đậy nắp ống thuốc lại, tránh không để đầu ống chạm vào bất cứ thứ gì
- Rửa tay lại với xà phòng và nước.
Bạn có thể soi gương hoặc nhờ một thành viên khác trong gia đình, người bên cạnh giúp đỡ để bôi thuốc được chính xác hơn.
Việc bôi thuốc tra mắt mỡ ở trẻ sơ sinh và trẻ em có thể khó khăn hơn. Trẻ thường quấy khóc, khó chịu và không hợp tác khi bôi thuốc. Bạn hãy trấn an trẻ rằng thuốc sẽ không gây đau, mặc dù có thể hơi châm chích, khó chịu lúc đầu nhưng sẽ nhanh chóng hết.
Khi bôi thuốc mỡ cho trẻ, bạn có thể cần sự giúp đỡ của một người lớn khác. Lưu ý, đối với trẻ nhỏ, bạn nên nhỏ thuốc mỡ vào góc trong của mắt, ngay cả khi mắt trẻ đang mở. Thuốc mỡ sẽ lan vào mắt khi trẻ chớp mắt.
Thông thường sẽ sử dụng thuốc nhỏ mắt cho trẻ, nếu không có sự lựa chọn nào khác thì mới chuyển qua thuốc mỡ tra mắt.
Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc tra mắt mỡ?
Thuốc mỡ tra mắt là một phương pháp điều trị an toàn. Hầu hết mọi người không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, một số trường hợp hiếm gặp, các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm:
- Tầm nhìn bị mờ tạm thời
- Cay mắt hoặc kích ứng trong thời gian ngắn
- Châm chích
- Phản ứng dị ứng như phát ban da, ngứa mí mắt, sưng mặt, môi hoặc lưỡi
- Đỏ, sưng, đau
- Khó chịu ở mắt.
Hãy cho biết bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn gặp tác dụng phụ hoặc các triệu chứng bệnh không cải thiện trong 2 đến 3 ngày.
Thận trọng/Cảnh báo
Trước khi dùng thuốc tra mắt mỡ, bạn nên lưu ý những gì?
- Không nên đeo kính áp tròng trong thời gian đang điều trị bằng thuốc tra mắt mỡ
- Nếu bạn đang sử dụng cả thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ trong cùng một mắt, hãy luôn sử dụng thuốc nhỏ trước, sau đó đợi 5 phút thì mới bôi tiếp thuốc mỡ. Điều này đảm bảo cả 2 loại thuốc đều hấp thụ vào mắt và phát huy tác dụng.
- Nếu bạn cần bôi nhiều loại thuốc mỡ mắt trên cùng một mắt, hãy đợi ít nhất 10 phút trước khi bôi loại thuốc mỡ tiếp theo.
- Tránh dụi mắt bằng tay và không để đầu ống thuốc mỡ chạm vào bất kỳ bề mặt nào.
- Không để bất kỳ ai khác sử dụng thuốc mỡ của bạn và bạn cũng không nên sử dụng thuốc tra mắt mỡ của người khác.
- Lông mi và mí mắt có thể bị dính sau khi bôi thuốc mỡ, hãy nhẹ nhàng lau sạch bằng khăn ẩm.
- Thị lực của bạn sẽ bị mờ trong khoảng 5–10 phút sau mỗi lần bôi thuốc mỡ. Không nên lái xe hoặc vận hành máy móc cho đến khi bạn có thể nhìn rõ trở lại.
Bảo quản
Bạn nên bảo quản thuốc tra mắt mỡ như thế nào?
Thuốc mỡ tra mắt thường được sản xuất vô trùng trước khi mở. Sau khi mở ống thuốc mỡ, hãy đậy kín ống thống, bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh nhiệt, ẩm ướt và ánh sáng trực tiếp. Để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em.
Hầu hết các loại thuốc mỡ tra mắt đều hết hạn sau 4 tuần kể từ lần mở ống thuốc đầu tiên. Vì vậy, bạn nên ghi ngày mở trên ống thuốc. Vứt ngay khi ống bị nhiễm bẩn hoặc sau khi hết hạn sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Không giữ thuốc đã hết hạn sử dụng hoặc thuốc không còn cần thiết.
[embed-health-tool-heart-rate]