backup og meta

Giải đáp nguyên nhân bị lẹo mắt và cách phòng ngừa

Giải đáp nguyên nhân bị lẹo mắt và cách phòng ngừa

Lẹo mắt là một vết sưng đỏ gây đau hình thành trên mép mí mắt, đôi khi ở bên trong mí mắt. Nó có thể trông giống như nốt mụn trứng cá. Nguyên nhân bị lẹo mắt là do một tuyến dầu trong nang lông mi hoặc mí mắt bị nhiễm trùng.

Ngoài ra, vệ sinh vùng mắt kém, dùng đồ trang điểm cũ và một số tình trạng bệnh lý về da nhất định có thể làm tăng nguy cơ bạn bị lẹo mắt. Mời bạn cùng Hello Bacsi cùng tìm hiểu cụ thể hơn về nguyên nhân bị lên lẹo ở mắt trong bài viết ngay sau đây nhé!

Nguyên nhân bị lẹo mắt là gì?

Mí mắt có nhiều tuyến để sản xuất dầu nhằm giữ độ ẩm ướt cần thiết cho đôi mắt, tránh mắt bị khô. Đôi khi, tuyến sản xuất dầu này bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn trên da xung quanh mí mắt, dẫn đến tắc nghẽn và tích tụ dầu cũ, tế bào chết,…. Hậu quả là tuyến dầu viêm, gây sưng tấy mí mắt.

Nguyên nhân bị lẹo ở mắt chủ yếu là do nhiễm trùng tụ cầu Staphylococcus aureus gây ra. Đây là loại vi khuẩn phổ biến nhất trên da, chất nhầy từ mũi, mí mắt và lông mi. Bình thường chúng vô hại nhưng sẽ xâm nhập dưới da, gây nhiễm trùng nếu da bị tổn thương. 

Dùng tay chạm vào chất nhầy tiết ra từ mũi và sau đó dụi mắt là nguyên nhân bị lẹo mắt phổ biến. Bởi chính thói quen này có thể làm vi khuẩn tụ cầu dễ dàng lây lan và xâm nhập đến mí mắt và lông mi. Hậu quả là gây nhiễm trùng, tạo thành một vết sưng tấy ở trên hoặc dưới mí mắt.

nguyên nhân bị lẹo mắt và các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ

Sau khi tìm hiểu về nguyên nhân bị lẹo mắt, có thể thấy rằng lẹo mắt thường phổ biến ở người lớn hơn trẻ em. Điều này là bởi vì chất dầu trong tuyến dầu của người lớn đặc hơn của trẻ nhỏ, đồng nghĩa với việc tuyến dầu sẽ dễ bị tắc nghẽn hơn. 

Lẹo mắt có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng bạn có nhiều nguy cơ bị lẹo mắt nếu:

  • Vệ sinh mắt kém. Dụi mắt hoặc chạm vào mắt khi chưa rửa tay có thể dẫn đến lẹo mắt. Bởi vi khuẩn trên tay có thể dễ dàng truyền sang mí mắt và lông mi và gây nhiễm trùng. 
  • Vệ sinh kính áp tròng không đúng cách. Nếu bạn thường xuyên lắp kính áp tròng mà không khử trùng hoặc rửa tay kỹ cũng có thể dẫn đến lẹo mắt.
  • Không tẩy trang kỹ sau khi trang điểm. Việc trang điểm mắt và lông mi có thể làm tích tụ rất nhiều bụi bẩn và vi khuẩn, gây tắc nghẽn các tuyến dầu trên mí mắt. Đây chính là nguyên nhân bị lẹo mắt chủ yếu. 
  • Viêm bờ mi. Viêm bờ mi gây viêm mí mắt, dẫn đến chảy nước mắt nhiều, nhạy cảm với ánh sáng, đỏ mắt, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và có thể dẫn đến lẹo mắt.
  • Viêm da tiết bã nhờn. Đây là một tình trạng viêm da mãn tính làm sưng mí mắt, tăng tiết chất nhờn và tăng nguy cơ gây lẹo mắt.
  • Bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu cao làm người bệnh dễ bị nhiễm trùng hơn, dễ bị lẹo mắt.

Ngoài ra, bạn cũng sẽ có nguy cơ bị mụt lẹo ở mắt nhiều hơn nếu có làn da khô, đang trải qua những thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể, có mức cholesterol trong máu cao, đeo kính áp tròng thường xuyên hoặc đã từng bị lẹo mắt trước đây…

Hiểu về nguyên nhân bị lẹo mắt để phòng ngừa

nguyên nhân bị lẹo mắt và phòng ngừa

Nguyên nhân bị lẹo mắt chủ yếu là do nhiễm trùng, vì vậy, bạn có thể ngăn ngừa bằng cách:

  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc chất khử trùng. Đặc biệt cần rửa tay trước và sau khi đeo/tháo kính áp tròng.
  • Tránh dụi mắt hoặc chạm tay vào mắt.
  • Không dùng chung khăn rửa mặt hoặc khăn tắm với bất kỳ ai bị lẹo mắt.
  • Đeo kính khi đi ra ngoài để bảo vệ đôi mắt khỏi bụi bẩn và ô nhiễm môi trường.
  • Luôn tẩy trang mắt thật kỹ, không để lớp trang điểm qua đêm. Vứt bỏ mỹ phẩm trang điểm cũ và không dùng chung mỹ phẩm, dụng cụ trang điểm với người khác.
  • Làm sạch kính áp tròng bằng chất khử trùng và dung dịch làm sạch chuyên dụng. Bảo quản kính theo đúng hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa hoặc nhà sản xuất.
  • Chườm ấm thường xuyên nếu bạn từng bị lẹo mắt trước đây để giảm tái phát.
  • Điều trị viêm bờ mi hoặc bất kỳ tình trạng viêm nhiễm nào ở mí mắt một cách triệt để.

Lẹo mắt có thể tự khỏi sau một khoảng thời gian ngắn nếu được chữa trị kịp thời và chăm sóc tại nhà đúng cách. Tuy nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh! Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về nguyên nhân bị lẹo mắt để biết cách phòng ngừa hiệu quả.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Sty. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sty/symptoms-causes/syc-20378017. Ngày truy cập: 22/12/2021

What Causes a Stye and the Best Ways to Get Rid of One Featuring Singh. https://dukeeyecenter.duke.edu/news-events/what-causes-stye-and-best-ways-get-rid-one-featuring-singh. Ngày truy cập: 22/12/2021

Stye. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17658-stye. Ngày truy cập: 22/12/2021

Styes. https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/styes. Ngày truy cập: 22/12/2021

Styes and Chalazia. https://www.uofmhealth.org/health-library/hw167057. Ngày truy cập: 22/12/2021

Styes. https://kidshealth.org/en/parents/stye.html. Ngày truy cập: 22/12/2021

Styes in Children. https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=90&contentid=P02102. Ngày truy cập: 22/12/2021

Hordeolum (Stye). https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/hordeolum-stye. Ngày truy cập: 22/12/2021

Phiên bản hiện tại

23/12/2021

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

NHỮNG HIỂU LẦM VỀ BỆNH GLÔCÔM

Cách chăm sóc mắt sau khi mổ mộng thịt giúp mau lành, tránh tái phát


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 23/12/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo