Mẹ bầu bị nứt đầu nhũ hoa khi mang thai có thể có thêm các triệu chứng khác như vết nứt bị hở, rỉ máu, đau nhức và da xung quanh bong tróc. Mặc dù điều này thường không nguy hiểm nhưng cần có biện pháp xử lý, chăm sóc kịp thời để tránh những biến chứng nghiêm trọng hơn do nhiễm trùng và ảnh hưởng đến khả năng nuôi con bằng sữa mẹ về sau.
Vì vậy, nếu mẹ bầu chưa rõ vì sao bị nứt nhũ hoa và nên làm gì để giúp nhũ hoa mềm mại trở lại thì hãy tham khảo những thông tin hữu ích được Hello Bacsi tổng hợp trong bài viết này. Bên cạnh đó, nếu bạn không thể tự xử lý vấn đề này tại nhà thì cách tốt nhất là nên đi khám để yên tâm hơn nhé!
Nguyên nhân gây nứt đầu nhũ hoa khi mang thai
Tình trạng nứt đầu vú khi mang thai có thể khiến mẹ bầu cảm thấy ngứa, đau và khó chịu. Sau đây là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này:
1. Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai
Khi mang thai, ngực của mẹ bầu sẽ trở nên nhạy cảm, mềm và lớn hơn do sự thay đổi của nội tiết tố. Đồng thời, nhũ hoa của mẹ bầu cũng sẽ nhô ra ngoài nhiều hơn. Đôi khi, chính sự căng da quá mức có thể khiến mẹ bị nứt đầu nhũ hoa khi mang thai.
2. Ma sát nhiều khiến nhũ hoa bị nứt
Nhũ hoa của mẹ bầu thường trở nên lớn hơn và nhạy cảm hơn so với trước khi mang thai. Do đó, nếu chị em mặc áo ngực quá chật có thể tạo ra sự ma sát giữa nhũ hoa và vải áo. Điều này cũng góp phần khiến nhũ hoa của chị em dễ bị đau, nứt.
3. Dị ứng có thể là nguyên nhân gây nứt đầu nhũ hoa khi mang thai
Nhũ hoa của mẹ bầu có thể trở nên nhạy cảm và dễ bị kích ứng hơn so với bình thường. Do đó, việc xảy ra tình trạng nứt đầu nhũ hoa khi mang thai cũng có thể là do vùng da này dị ứng với một vài thành phần sau khi tiếp xúc như như kem dưỡng, xà phòng, sữa tắm, nước hoa, bột giặt/ dầu xả từ áo quần… Đối với trường hợp bạn cảm thấy ngứa, đau nứt núm vú sau khi thoa một sản phẩm nào đó thì cần đến bác sĩ da liễu để được xử lý đúng cách.
Có thể bạn quan tâm: Hiện tượng ngứa đầu nhũ hoa khi mang thai: Vì sao và mẹ nên làm gì?
4. Một số nguyên nhân khác
Trường hợp mẹ bầu có làn da khô hoặc mắc bệnh da liễu như chàm, viêm da… thì cũng làm tăng nguy cơ nứt đầu nhũ hoa khi mang thai hoặc khiến nhũ hoa bị tróc da khi mang thai. Vì vậy, nếu có tiền sử mắc bệnh da liễu thì mẹ cần chú ý chăm sóc vùng da ở nhũ hoa khi mang thai để tránh viêm nhiễm nặng.
Mách bạn mẹo giảm đau nứt nhũ hoa khi mang thai
Nứt đầu nhũ hoa khi mang thai là tình trạng cần được xử lý kịp thời để tránh các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm, nhiễm trùng hoặc thậm chí là áp xe vú. Sau đây là những bí quyết giúp mẹ cải thiện tình trạng đau nứt nhũ hoa:
1. Chọn áo ngực có kích cỡ phù hợp
Ngực của mẹ bầu thường trở nên ngày một lớn hơn cho đến khi sinh con. Vì vậy, chị em có thể cần đổi size áo ngực vài lần trong suốt thai kỳ. Cần lưu ý rằng áo ngực quá chật sẽ khiến mẹ bầu khó chịu, gia tăng ma sát với nhũ hoa và gây đau, nứt. Do đó, bạn nên chọn áo ngực với kích cỡ phù hợp, chất liệu mềm mại và tránh áo ngực có gọng để tạo cảm giác thoải mái khi mặc. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể ưu tiên chọn những loại áo ngực có dây phía sau dưới xương vai để nâng đỡ vòng 1 tốt hơn.
2. Dùng kem dưỡng ẩm kết hợp massage ngực để làm giảm nứt đầu nhũ hoa khi mang thai
Nguyên nhân gây nứt đầu nhũ hoa khi mang thai thường do vùng da này quá khô. Do đó, việc bôi kem dưỡng và massage có thể là giải pháp giảm khô nứt cho nhũ hoa hiệu quả. Mẹ bầu nên ưu tiên chọn kem dưỡng hoặc dầu dưỡng ẩm có thành phần tự nhiên như dầu bạc hà, dầu dừa, dầu lanolin… để thoa lên vùng da nhũ hoa. Song song đó, chị em có thể kết hợp massage ngực để hỗ trợ lưu thông máu và ngăn ngừa vòng 1 chảy xệ sau sinh.
3. Vệ sinh, chăm sóc nhũ hoa đúng cách
Khi mang thai, mẹ bầu thường có xu hướng tiết sữa non, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ 3. Điều này có thể khiến nhũ hoa của mẹ ẩm ướt và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Vì vậy, cách tốt nhất là chị em nên thay áo ngực thường xuyên hoặc dùng thêm miếng lót thấm sữa để giữ cho nhũ hoa luôn khô ráo, hạn chế viêm nhiễm khi nhũ hoa đang bị nứt.
Mặt khác, khi tắm thì mẹ nên vệ sinh vùng da ngực hoặc nhũ hoa bằng nước ấm. Có thể dùng khăn sạch mềm nhúng vào nước không quá nóng. Sau đó dùng khăn chườm ấm nhẹ nhàng cho nhũ hoa vài phút để làm dịu sự ngứa rát, nứt nẻ. Thêm một lưu ý nữa là chị em cần tránh dùng xà phòng chà lên ngực và nhũ hoa vì xà phòng thường khiến da khô hơn và dễ nứt nẻ hơn.
Hầu hết trường hợp nứt đầu nhũ hoa khi mang thai đều có thể tự xử lý tại nhà. Tuy nhiên, nếu các giải pháp kể trên không hiệu quả hoặc đầu ngực có dấu hiệu nhiễm trùng như đỏ, sưng, nóng và đau dai dẳng thì mẹ bầu nên đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm: Mách bạn cách giảm đau núm vú khi mang thai
[embed-health-tool-due-date]