backup og meta

Hỏi đáp về ung thư cổ tử cung khi mang thai

Hỏi đáp về ung thư cổ tử cung khi mang thai

Ung thư cổ tử cung khi mang thai là một dạng ung thư hiếm gặp, ước tính chỉ xảy ra với khoảng 3% số ca tử cung được chẩn đoán khi mang thai.

Trong thai kỳ, nếu mẹ bầu thường xuyên ra máu bất thường, các bác sĩ sản khoa có thể đề nghị mẹ bầu làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap smear). Điều này giúp các bác sĩ xác định xem bạn có đang gặp vấn đề về ung thư cổ tử cung khi mang thai hay không.

Nếu bị chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung trong thai kỳ có thể khiến mẹ bầu rơi vào căng thẳng, lo lắng cực độ. Lúc này, phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng của bệnh, kích thước khối u, tình trạng sức khỏe, giai đoạn mang thai… Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng đi tìm lời đáp cho các câu hỏi xoay quanh tình trạng ung thư cổ tử cung khi mang thai.

1. Ung thư cổ tử cung là bệnh gì?

Cổ tử cung là một phần trong cơ quan sinh dục nữ, tiếp nối giữa âm đạo và thân tử cung. Tình trạng ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ác tính của biểu mô lát (biểu mô vảy) hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung.

Bệnh ung thư cổ tử cung khởi phát khi các tế bào trong bộ phận này phát triển, nhân lên một cách nhanh chóng vượt qua mức kiểm soát của cơ thể. Các tế bào mới này phát triển quá nhanh, tạo ra khối u trong cổ tử cung, gây xâm lấn các khu vực xung quanh.

Các chuyên gia sức khỏe cho rằng, để các tế bào chuyển từ giai đoạn tiền ung thư sang ung thư cần khoảng thời gian khá dài lên đến vài năm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các tế bào ung thư này có thể nhân lên cực kỳ nhanh ở một giai đoạn nào đó chỉ trong vòng một năm.

2. Dấu hiệu ung thư cổ tử cung khi mang thai là gì?

Tình trạng ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm thường không có bất kỳ triệu chứng cảnh báo nào. Nếu bị ung thư cổ tư cung khi mang thai, mẹ bầu sẽ gặp các tình trạng như chảy máu âm đạo, đau vùng chậu, đau khi quan hệ ở giai đoạn bệnh tiến triển muộn.

3. Những xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung khi mang thai là gì?

Nếu nghi ngờ bạn bị ung thư cổ tử cung khi mang thai, đầu tiên, bác sĩ sẽ chỉ định bạn tiến hành xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung. Để có thể lấy mẫu tế bào mang đi phết, bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ gọi là mỏ vịt để quan sát các khu vực bên trong cổ tử cung. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng bàn chải mềm hoặc que gỗ để lấy tế bào cổ tử cung đem đi thử nghiệm.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định mẹ bầu thực hiện xét nghiệm tìm virus HPV (Human Papillomavirus) – virus gây u nhú ở người. Đây được xem là xét nghiệm quan trọng trong công tác phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung. Bởi lẽ, tình trạng nhiễm HPV kéo dài được biết là nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung.

Tùy vào kết quả của hai xét nghiệm trên mà bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm các xét nghiệm chẩn đoán như: soi cổ tử cung, bấm sinh thiết cổ tử cung, nạo kênh cổ tử cung nhằm giải phẫu mẫu bệnh phẩm.

Trong trường hợp các xét nghiệm chỉ ra rằng mẹ bầu bị ung thư cổ tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định các hình thức xét nghiệm thêm nhằm xác định giai đoạn mắc phải và mức độ của bệnh. Các chẩn đoán phổ biến bao gồm: Siêu âm, chụp X-quang, CT scan, MRI, PET (chụp cắt lớp) kết hợp với kiểm tra trực quan…

4. Ung thư cổ tử cung có phổ biến hay không?

mẹ bầu bị ung thư cổ tử cung

Theo giáo sư Sharon Phelan, Giám đốc Điều hành Khoa Sản và Phụ khoa tại Đại học New Mexico, Hoa Kỳ, ung thư cổ tử cung khi mang thai thuộc dạng ung thư hiếm gặp. Thực tế đã chỉ ra rằng tỷ lệ mẹ bầu bị ung thư cổ tử cung chỉ chiếm khoảng 3% số ca ung thư được chẩn đoán trong thai kỳ.

Do đó, nếu đang chờ kết quả xét nghiệm phết tế bào, mẹ bầu đừng quá lo lắng.

5. Nguyên nhân nào dẫn đến ung thư cổ tử cung khi mang thai?

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là do nhiễm HPV (Human Papillomavirus) – virus gây u nhú ở người. HPV lây truyền qua đường tình dục. Hầu hết phụ nữ đều bị nhiễm virus này vào một thời điểm nào đó trong đời nhưng không gây bệnh.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được triệt để tại sao một số người bị nhiễm HPV lại phát triển thành ung thư cổ tử cung trong khi số khác thì không.

Ung thư cổ tử cung là một dạng ung thư phát triển rất chậm, tiến triển qua một loạt các giai đoạn tiền ung thư trước khi trở thành ung thư toàn diện. Do đó, nếu bạn tiến hành xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung định kỳ, nguy cơ bị ung thư cổ tử cung là rất nhỏ.

6. Bà bầu bị ung thư cổ tử cung gây ảnh hưởng tới thai nhi như thế nào?

Các chuyên gia sức khỏe đã chỉ ra rằng ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu không ảnh hưởng đến thai nhi, thậm chí là cả việc sinh nở. Tuy nhiên, việc điều trị của mẹ bầu được cho là hết sức cần thiết. Nguyên do là các chuyên gia sức khỏe đã nhận thấy một vài ảnh hưởng tiêu cực của bệnh lên người mẹ trong các giai đoạn tiến triển sau đó.

7. Cách tốt nhất để điều trị ung thư cổ tử cung khi mang thai là gì?

Nếu phát hiện ra mẹ bầu bị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, bác sĩ có thể khuyên bạn nên theo dõi tình trạng bệnh trong suốt thai kỳ và chỉ tiến hành điều trị sau khi sinh.

Nếu bệnh ung thư tiến triển, mẹ bầu có thể phải thực hiện khoét chóp cổ tử cung hoặc phẫu thuật cắt bỏ một phần tử cung. Theo giáo sư Sharon Phelan điều này có thể làm gia tăng nguy cơ chuyển dạ và sinh non.

Trong một vài trường hợp hiếm gặp, mẹ bầu có thể được khuyên nên sinh sớm hoặc đợi đến tam cá nguyệt thứ ba để bắt đầu điều trị bằng phương pháp hóa trị liệu.

8. Nếu nhận kết quả bị ung thư cổ tử cung khi mang thai, tôi phải làm gì?

Nếu bị chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung khi đang mang thai, bạn không nên quá lo lắng. Như đã nói ở trên, bác sĩ sẽ căn cứ vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe của mẹ bầu, độ tuổi của thai nhi, giai đoạn tiến triển của bệnh để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất. Trong trường hợp mẹ bầu bị ung thư vào cuối thai kỳ, các bác sĩ thường sẽ khuyên bạn chỉ nên tiến hành điều trị sau sinh.

Phương pháp hóa trị thường chỉ được chỉ định cho mẹ bầu đã mang thai bước sang tam cá nguyệt thứ hai. Lúc này, nhau thai đã phát triển và có vai trò như một hàng rào giúp bảo vệ thai nhi khỏi các tác động tiêu cực của quá trình hóa trị, ngăn ngừa một số loại thuốc có thể xâm nhập vào cơ thể bé. Tuy nhiên việc áp dụng liệu pháp hóa trị ở giai đoạn cuối của thai kỳ có thể gây ra các tác động xấu cho thai nhi, làm gia tăng nguy cơ sinh non, dị tật bẩm sinh…

Do đó, hãy trao đổi cặn kẽ với bác sĩ điều trị về các phương pháp điều trị cụ thể cho trường hợp của bạn, tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ.

9. Tôi có thể làm gì để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung?

tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung

Nếu muốn phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung, ngoài việc tiến hành xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung định kỳ để kịp thời phát hiện các triệu chứng của bệnh, bạn nên:

  • Sử dụng bao cao su khi có quan hệ tình dục không an toàn
  • Tránh quan hệ tình dục sớm hoặc không quan hệ tình dục với nhiều đối tượng khác nhau
  • Ngừng hút thuốc hoặc lạm dụng một số loại thuốc
  • Tránh tiếp xúc da kề da với người được biết đã bị nhiễm virus
  • Với các đối tượng nữ trong độ tuổi từ 9 – 21 tuổi cần tiến hành chủng ngừa vắc-xin HPV đầy đủ.

Hy vọng rằng những thông tin được chia sẻ trong bài đã giúp bạn có được các thông tin thiết yếu xoay quanh vấn đề bà bầu bị ung thư cổ tử cung. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.

Lan Quan/HELLO BACSI 

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cervical Cancer During Pregnancy https://www.thebump.com/a/cervical-cancer-during-pregnancy Ngày truy cập 02/03/2020

How Do You Know If You Have Cervical Cancer?https://www.healthline.com/health/cervical-cancer-symptoms Ngày truy cập 02/03/2020

Cancer During Pregnancyhttps://www.cancer.net/navigating-cancer-care/dating-sex-and-reproduction/cancer-during-pregnancy Ngày truy cập 02/03/2020

Cervical cancer in pregnancyhttps://www.uptodate.com/contents/cervical-cancer-in-pregnancy  Ngày truy cập 02/03/2020

 

 

Phiên bản hiện tại

25/08/2023

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tan Tran


Bài viết liên quan

Nhiễm rubella khi mang thai - Những điều cần biết để giữ thai kỳ an toàn

Đau bụng khi mang thai: Mẹ cần cảnh giác với những nguyên nhân nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 25/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo