Vết khâu tầng sinh môn là vết thương được khâu lại sau khi cắt tầng sinh môn để hỗ trợ sinh đẻ qua ngả âm đạo. Việc nhận biết và theo dõi dấu hiệu vết khâu tầng sinh môn đang lành sẽ giúp các mẹ sau sinh an tâm hơn trong quá trình hồi phục.
Trong bài viết sau, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu vết khâu tầng sinh môn bao lâu thì lành, các dấu hiệu lành vết thương cùng những gợi ý hữu ích để quá trình chăm sóc sau sinh dễ dàng hơn.
Tại sao cần theo dõi dấu hiệu vết khâu tầng sinh môn đang lành?
Đối với các mẹ sinh thường, trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ sẽ cắt tầng sinh môn để giúp em bé ra ngoài dễ dàng hơn, đảm bảo an toàn cho thai nhi và hạn chế các tổn thương vùng sinh dục cho thai phụ. Vết cắt tầng sinh môn thường dài khoảng 3 – 5cm, đi từ mép âm hộ (vị trí 7h), chếch xuống vùng hậu môn. Sau khi em bé được sinh ra, bác sĩ sẽ khâu lại vết cắt bằng chỉ tự tiêu.
Quá trình theo dõi và chăm sóc vết khâu tầng sinh môn sau sinh cần được thực hiện cẩn thận và chu đáo nhằm:
- Rút ngắn thời gian lành thương, giảm cảm giác đau và khó chịu do vết cắt gây ra
- Nắm rõ tình trạng vết khâu giúp mẹ an tâm hơn, giảm lo lắng, stress sau sinh
- Ngăn ngừa nhiễm trùng: Vết khâu tầng sinh môn nằm ở vùng kín, ẩm ướt, dễ bị nhiễm trùng nếu không được chăm sóc đúng cách
- Phát hiện sớm các bất thường và biến chứng: Chỉ khâu bị đứt, vết khâu tầng sinh môn bị hở, bị rách, vết khâu tầng sinh môn bị lồi cục thịt…
4 dấu hiệu vết khâu tầng sinh môn đang lành
Một số dấu hiệu vết khâu tầng sinh môn đang lành tốt bao gồm:
1. Giảm sưng tấy và đau đớn
Vết khâu tầng sinh môn bao giờ hết đau? Cơn đau và sưng tấy sẽ giảm dần theo thời gian, thường rõ rệt nhất trong tuần đầu tiên sau sinh, sau đó biến mất hoàn toàn trong quá trình hồi phục.
Nếu bạn cảm thấy đau nhức dữ dội hoặc sưng tấy kéo dài, hãy gặp bác sĩ để được kiểm tra và hướng dẫn cách xử lý phù hợp.
2. Ít chảy máu
Vết khâu có thể chảy một lượng nhỏ máu trong vài ngày đầu sau sinh và sẽ giảm dần đến khi hết hẳn.
Nếu bạn thấy vết khâu chảy máu nhiều, kéo dài, có mùi hôi, có mủ, dịch mủ hoặc kèm theo các triệu chứng khác như sốt, ớn lạnh, hãy đến gặp bác sĩ ngay vì đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
3. Dấu hiệu vết khâu tầng sinh môn đang lành: Vết khâu khô ráo
Khi vết khâu lành, bạn sẽ thấy nó bắt đầu khô và se lại. Ở giai đoạn này, bạn có thể cảm thấy vết khâu tầng sinh môn bị ngứa khi lên da non. Bạn cần tránh gãi hoặc cọ xát vào vết khâu vì có thể làm chậm quá trình lành thương và gây kích ứng.
Lưu ý rằng vết khâu bị ngứa cũng có thể do các nguyên nhân khác. Trong trường hợp ngứa, rát khó chịu kèm các biểu hiện bất thường khác, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.
4. Dấu hiệu vết khâu tầng sinh môn đang lành: Sản phụ có thể ngồi và đi lại thoải mái hơn
Khi vết khâu lành, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi ngồi và đi lại. Tuy nhiên, bạn hãy di chuyển nhẹ nhàng và tránh mang vác vật nặng trong giai đoạn đầu mới lành vết khâu.
5 cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn
Dưới đây là một số hướng dẫn chăm sóc vết khâu tầng sinh môn hữu ích mà bạn có thể tham khảo:
1. Giảm sưng đau với chườm lạnh
Để giảm bớt cảm giác sưng đau ở vết khâu trong những ngày đầu, bạn có thể chườm lạnh bằng miếng gạc lạnh hoặc túi đá lạnh. Lưu ý, bạn không dùng đá lạnh đặt trực tiếp lên vết khâu mà phải lót qua một lớp vải mỏng. Sau khi chườm, bạn lau khô bằng khăn sạch.
2. Chọn tư thế ngồi thoải mái
Vết khâu tầng sinh môn có thể gây đau và bất tiện khi ngồi. Để giảm bớt cảm giác khó chịu này, bạn nên chọn tư thế ngồi ít gây áp lực lên vết khâu, có thể ngồi trên ghế có đệm mềm hoặc lót thêm gối nhỏ ở hai bên mông. Bạn cũng không nên ngồi quá lâu để tránh đè nén lên vết thương.
3. Vệ sinh vết khâu đúng cách
Vệ sinh vết khâu tầng sinh môn là yếu tố quan trọng để đảm bảo vết thương mau lành và ngăn ngừa nhiễm trùng. Cách vệ sinh như sau:
- Nên dùng nước ấm để vệ sinh vùng kín nhẹ nhàng 2 lần/ ngày và sau mỗi lần đại tiện, tiểu tiện. Rửa trực tiếp bằng vòi sen hoặc sử dụng khăn mềm thấm nước và lau rửa từ trước ra sau. Sau đó, lau khô vùng kín bằng khăn sạch theo hướng từ trước ra sau.
- Luôn giữ cho vùng kín sạch sẽ, khô ráo để hạn chế tích tụ vi khuẩn.
4. Thúc đẩy lành thương bằng cách vận động nhẹ nhàng
Để tăng lưu thông máu đến vùng kín, giảm sưng tấy và thúc đẩy quá trình lành thương, bạn có thể đi bộ hoặc thực hiện các bài tập vận động nhẹ nhàng.
Hướng dẫn cách đi bộ cho mẹ sau sinh:
- Sau ngày đầu tiên, khi bạn lấy lại sức và có thể ngồi dậy bình thường, hãy tập đi lại nhẹ nhàng xung quanh giường hoặc hành lang bệnh viện.
- Bắt đầu với những bước đi ngắn, sau đó tăng dần khoảng cách và thời gian đi bộ.
- Đi thẳng người, hai chân dang rộng vừa phải và bước đi tự tin.
Bên cạnh đi bộ, bạn cũng có thể nhờ bác sĩ tư vấn thời điểm và cách thực hiện các bài tập vận động phù hợp để hỗ trợ phục hồi sức khỏe.
5. Chế độ ăn uống hỗ trợ lành thương
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe sau sinh và thúc đẩy quá trình lành thương. Mẹ sau sinh nên:
- Có chế độ ăn đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng, không kiêng khem quá mức để cơ thể phục hồi tốt.
- Hạn chế ăn thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ và đồ ăn khó tiêu.
- Uống đủ nước, bổ sung nhiều rau xanh để tránh táo bón. Nếu mẹ đại tiện khó khăn, có thể hỏi bác sĩ về việc sử dụng thuốc làm mềm phân.
Bạn có thể đọc thêm: Mẹo thúc đẩy vết khâu tầng sinh môn nhanh lành
Kết luận
Theo dõi các dấu hiệu vết khâu tầng sinh môn đang lành và chăm sóc vết khâu đúng cách là rất quan trọng để đảm bảo quá trình lành thương diễn ra suôn sẻ. Nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về vết khâu của mình, đừng ngần ngại liên hệ đến bác sĩ của mình để được tư vấn và hỗ trợ.
Chuyên mục Mang thai của HelloBacsi thường xuyên đăng tải các bài viết chủ đề chăm sóc mẹ trong thai kỳ hoặc chăm sóc mẹ sau sinh. Các bài viết được tham vấn chuyên môn bởi đội ngũ chuyên gia, bác sĩ cộng tác và Ban tham vấn y khoa HelloBacsi. Mời bạn ghé thăm chuyên mục hoặc tham gia cộng đồng mang thai của chúng tôi để cùng trao đổi, thảo luận, cập nhật kiến thức thai kỳ hữu ích.
[embed-health-tool-ovulation]