backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nhận biết các triệu chứng viêm phế quản ở người lớn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 30/03/2023

    Nhận biết các triệu chứng viêm phế quản ở người lớn

    Triệu chứng viêm phế quản ở người lớn xảy ra khi phế quản (đường dẫn khí chính của phổi) bị nhiễm trùng, gây viêm và kích ứng. Triệu chứng phổ biến nhất là ho và sản xuất nhiều chất nhầy (đờm). Ngoài ra, viêm phế quản cũng có thể gây đau họng và thở khò khè.

    Bất kỳ ai cũng có thể gặp phải các triệu chứng viêm phế quản. Tuy nhiên, người trưởng thành từ 65 tuổi trở lên, những người hút thuốc thường xuyên, bị hen suyễn hoặc dị ứng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Việc nhận biết sớm triệu chứng bệnh có thể giúp bạn thăm khám kịp thời và có cách điều trị phù hợp để giảm bớt cảm giác khó chịu.

    Các triệu chứng viêm phế quản ở người lớn thường gặp

    1. Ho khan, ho có đờm

    ho là triệu chứng viêm phế quản ở người lớn

    Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng nhiễm trùng sẽ kích thích và làm viêm đường thở, khiến chúng tiết ra nhiều chất nhầy hơn bình thường. Lúc này, cơ thể sẽ cố gắng chuyển lượng chất nhầy dư thừa ra ngoài thông qua việc ho. Vì vậy, triệu chứng viêm phế quản ở người lớn phổ biến nhất là ho.

    Ban đầu, bạn có thể gặp các cơn ho khan liên tục. Sau đó, ho sẽ kèm theo đờm, có thể trong suốt, màu trắng, vàng hoặc xanh lá cây. Nếu chất nầy có màu trắng, tình trạng viêm phế quản thường do virus gây ra. Tuy nhiên, nếu màu của chất nhầy đổi sang xanh lá cây hoặc vàng, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm vi khuẩn

    Nếu bạn bị viêm phế quản cấp tính, tình trạng ho thường kéo dài từ 10 ngày đến dưới 3 tuần, ngay cả khi các triệu chứng khác đã hết. Nguyên nhân là do các ống phế quản có thể cần thêm nhiều thời gian để chữa lành hoàn toàn. 

    Tuy nhiên, viêm phế quản không phải là căn bệnh duy nhất gây ho. Ho cũng có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn, viêm phổi hoặc nhiều bệnh lý khác. Bất cứ ai bị ho dai dẳng thì nên đến gặp bác sĩ để được xác định nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt.

    ’Viêm

    2. Khó thở, thở khò khè

    Một triệu chứng viêm phế quản ở người lớn điển hình khác là bệnh nhân sẽ bị khó thở hoặc thở khò khè do đường thở bị viêm. Khi lớp niêm mạc của đường thở bị viêm liên tục sẽ khiến chúng bị sưng tấy và tiết ra nhiều chất nhầy hơn bình thường, do đó không khí khó đi qua. Tuy nhiên, triệu chứng này phổ biến hơn ở bệnh nhân bị viêm phế quản mạn tính.

    3. Sốt nhẹ

    Nếu bị viêm phế quản nặng, bạn có thể bị sốt nhẹ từ 37-38°C, đôi khi tăng lên đến 39°C. Tình trạng này có thể kéo dài từ 3-5 ngày, ngay cả khi bạn đã bắt đầu dùng kháng sinh.

    4. Đau tức ngực, đau cơ bụng

    Tình trạng ho liên tục kéo dài có thể khiến bạn bị đau tức ngực và đau cơ bụng. Bạn có thể cảm thấy đầy hoặc nặng ngực, đôi khi nghe thấy tiếng lách cách ở ngực

    5. Các triệu chứng khác

    triệu chứng viêm phế quản ở người lớn khác

    Các triệu chứng viêm phế quản ở người lớn tương tự như bệnh cảm lạnh thông thường hoặc viêm xoang. Nếu bạn bị viêm phế quản cấp tính, các triệu chứng cảm lạnh có thể xuất hiện và thường cải thiện trong khoảng một tuần bao gồm:

    • Đau họng
    • Đau đầu
    • Sổ mũi hoặc nghẹt mũi
    • Nhức mỏi cơ thể
    • Mệt mỏi

    Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

    Hầu hết các triệu chứng của viêm phế quản cấp tính có thể dễ dàng điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) không kê đơn và uống nhiều nước.

    Tuy nhiên, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám khi các triệu chứng viêm phế quản trở nên nghiêm trọng. Cụ thể như sau:

    • Cơn ho nghiêm trọng, kéo dài hơn 3 tuần
    • Sốt cao trên 38°C trong hơn 3 ngày. Bởi đây có thể là dấu hiệu của bệnh cúm hoặc một biến chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm phổi
    • Ho ra chất nhầy có lẫn máu
    • Từng có tiền sử bị bệnh tim hoặc phổi tiềm ẩn, chẳng hạn như hen suyễn, suy tim hoặc khí phế thũng
    • Khó thở nghiêm trọng
    • Các đợt viêm phế quản cấp tính lặp đi lặp lại nhiều lần. Bởi rất có thể bạn đã bị viêm phế quản mạn tính.

    Có thể ngăn ngừa bệnh viêm phế quản ở người lớn được không?

    phòng ngừa triệu chứng viêm phế quản ở người lớn

    Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được bệnh viêm phế quản ở người lớn. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau đây để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và những người xung quanh:

    • Tránh khói thuốc lá: Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản. Vì vậy, nếu có hút thuốc, bạn hãy bỏ thuốc lá và tránh xa môi trường có nhiều khói thuốc lá.
    • Tiêm phòng: Nhiều trường hợp viêm phế quản cấp tính là do virus cúm gây nên. Vì vậy, việc tiêm phòng cúm hàng năm có thể giúp bảo vệ bạn khỏi bị cúm và chống lại một số loại virus gây viêm phổi.
    • Rửa tay: Để giảm nguy cơ bị nhiễm khuẩn từ môi trường xung quanh, hãy rửa tay thường xuyên với xà phòng và duy thói quen sử dụng chất khử trùng tay có cồn.
    • Đeo khẩu trang: Nếu bị COPD, bạn có thể cân nhắc đeo khẩu trang tại nơi làm việc hoặc khi có tiếp xúc với khói bụi và môi trường ô nhiễm xung quanh.

    Có thể bạn quan tâm: Người bệnh viêm phế quản kiêng ăn gì và nên ăn gì?

    Ngoài ra, nếu đã bị viêm phế quản cấp tính, bạn có thể thực hiện theo một số cách sau để giảm thiểu triệu chứng và hạn chế cảm giác khó chịu:

    • Sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol
    • Nghỉ ngơi nhiều hơn
    • Uống nhiều nước
    • Sử dụng máy làm ẩm hoặc máy phun sương để làm ẩm không khí
    • Dùng nước muối sinh lý dạng xịt hoặc nhỏ mũi để giảm nghẹt mũi
    • Sử dụng mật ong để giảm ho

    Triệu chứng viêm phế quản ở người lớn hoàn toàn có thể được giảm thiểu bằng một chế độ ăn uống khoa học và sinh hoạt lành mạnh. Nếu phát hiện bản thân xuất hiện những triệu chứng bất thường thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp nhất nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 30/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo