backup og meta

Thuốc giãn phế quản: Phân loại, cách dùng và tác dụng phụ

Thuốc giãn phế quản: Phân loại, cách dùng và tác dụng phụ

Thuốc giãn phế quản là loại thuốc giúp thư giãn, khai thông đường thở, phế quản hoặc phổi của người mắc những bệnh lý liên quan đến đường hô hấp.

Thuốc làm giãn phế quản thường được kê theo toa. Nó có tác dụng ngắn hạn hay dài hạn phụ thuộc vào cách dùng và mục đích điều trị các bệnh lý liên quan đến phế quản hoặc đường hô hấp.

Thuốc giãn phế quản cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị các bệnh như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Những bệnh này khiến đường thở của bệnh nhân co hẹp nên họ dễ ho ra đờm nhớt. Không những thế, bệnh khiến việc hít thở trở nên khó khăn hơn bình thường.

Khi đó, thuốc làm giãn phế quản có nhiệm vụ giúp giãn hoặc mở rộng đường thở, giúp bạn hít thở dễ dàng hơn.

Cách thức hoạt động của thuốc giãn phế quản

bệnh liên quan đến đường hô hấp

Mỗi loại thuốc làm giãn phế quản sẽ hoạt động theo một cách khác nhau. Song nhìn chung, nhiệm vụ chính của các loại thuốc là làm giãn các cơ trong đường thở của bệnh nhân.

Phân loại thuốc giãn phế quản bao gồm thuốc chủ vận beta 2, thuốc kháng cholinergic và thuốc dẫn xuất xanthine. Những loại thuốc này có tác dụng mở rộng đường thở nhưng chúng hoạt động trên các thụ thể khác nhau khi được đưa vào cơ thể.

Thuốc chủ vận beta 2 

Thuốc chủ vận beta 2 có vai trò kích thích beta-adrenoceptors trong đường thở. Lớp thuốc làm giãn phế quản này giúp các cơ trơn xung quanh đường thở được thư giãn, từ đó cải thiện luồng không khí ra vào phổi để hết khó thở.

Thuốc kháng cholinergic

Thuốc kháng cholinergic có khả năng ngăn chặn hoạt động của acetylcholine. Acetylcholine là hóa chất (chất dẫn truyền thần kinh) ở hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên.

Hóa chất này cũng có thể làm các ống phế quản bị thắt chặt. Trong trường hợp này, thuốc kháng cholinergic sẽ làm ức chế hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine để khiến đường thở của bệnh nhận được thư giãn.

Thuốc dẫn xuất xanthine

Các bác sĩ vẫn chưa biết được cách thức hoạt động chính xác của chất dẫn xuất xanthine khi đưa vào cơ thể. Song nó cũng có khả năng làm thông thoáng đường thở của người mắc bệnh. Thuốc dẫn xuất xanthine thường gặp là theophylline.

Theophylline được bào chế dưới dạng bột, viên nang hoặc dạng lỏng. Theo Medical News Today, các bác sĩ hiếm khi kê toa theophylline cho bệnh nhân vì nhiều người gặp phải tác dụng phụ đáng kể khi sử dụng.

Hai kiểu tác dụng của thuốc giãn phế quản

hen phế quản mãn tính

Thuốc làm giãn phế quản có cả tác dụng ngắn hạn và tác dụng dài hạn. Cả hai loại tác dụng đều có vai trò điều trị các bệnh liên quan đến phổi và đường hô hấp như hen suyễn, khí phế thũng…

Thuốc có tác dụng ngắn hạn 

Các chuyên gia y tế thường gọi thuốc làm giãn phế quản có tác dụng ngắn hạn là thuốc hít. Chúng có khả năng điều trị những triệu chứng xảy ra đột ngột như khó thở, thở khò khè, tức ngực.

Thuốc hít hoạt động nhanh chóng trong vài phút. Dù vậy, tác dụng của chúng chỉ kéo dài trong khoảng 4-5 giờ. Các loại thuốc làm giãn phế quản có tác dụng ngắn hạn bao gồm:

– Albuterol ((ProAir HFA, Ventolin HFA, Proventil HFA)

– Levalbuterol (Xopenex HFA)

– Pirbuterol (Maxair)

Học viện Dị ứng, Hen và Miễn dịch Hoa Kỳ cho biết, nếu bạn sử dụng thuốc hít hằng ngày, bạn sẽ không thể tự kiểm soát các triệu chứng của mình. Vì thế, bạn có nguy cơ phải phụ thuộc vào nó hoặc có thể phải dùng thuốc giãn phế quản có tác dụng kéo dài.

Thuốc có tác dụng dài hạn

Thuốc giãn phế quản có tác dụng dài hạn không hoạt động nhanh chóng như thuốc có tác dụng ngắn hạn. Đồng thời, nó cũng không thể điều trị các triệu chứng cấp tính.

Hiệu ứng của thuốc thường kéo dài trong khoảng 12-24 giờ. Bệnh nhân giãn phế quản phải sử dụng hằng ngày để ngăn ngừa các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.

Các loại thuốc giãn phế quản có tác dụng dài hạn thường gặp bao gồm:

– Salmeterol

– Formoterol

– Aclidinium

– Tiotropium

– Umeclidinium 

Cách dùng thuốc làm giãn phế quản

cách hoạt động của thuốc giãn phế quản

Nhiều người thường sử dụng các loại thuốc hít (tác dụng ngắn hạn) vì nó nhanh có tác dụng hơn. Thêm một lý do khác là vì thuốc hít ít mang đến tác dụng phụ hơn so với thuốc uống (tác dụng dài hạn).

Mức độ phát huy công dụng của thuốc phụ thuộc vào độ tuổi, khả năng đáp ứng thuốc hoặc những yếu tố khác trong quá trình điều trị bệnh của bệnh nhân.

Điều quan trong nhất là bạn cần hiểu làm thế nào để sử dụng thuốc làm giãn phế quản đúng cách. Theo Medical News Today, những cách dùng thuốc giãn phế quản chính xác bao gồm:

Sử dụng ống hít đo liều

Một ống hít đo liều có dạng ống nhỏ, có áp suất và chứa thuốc bên trong. Thiết bị này sẽ giải phóng lượng thuốc vừa đủ vào phổi bệnh nhân khi có người ấn tay vào ống.

Kết hợp thuốc giãn phế quản với máy phun sương

Với cách dùng này, bạn cần sử dụng thuốc làm giãn phế quản dạng lỏng. Khi đó, máy phun sương sẽ sử dụng thuốc, biến nó thành bình xịt để bạn hít vào.

Dùng thuốc giãn phế quản với ống hít dạng mềm

Một số thuốc làm giãn phế quản có sẵn trong ống hít dạng mềm. Loại này có khả năng cung cấp khí dung vào phổi mà không cần đến chất đẩy.

Các hình thức khác

Những hình thức sử dụng thuốc giãn phế quản khác bao gồm uống viên nén hoặc siro.

Việc xác định cách sử dụng phù hợp cho bản thân có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp bạn d ùng thuốc đúng liều lượng để nâng cao hiệu quả chữa bệnh.

Tác dụng phụ của thuốc giãn phế quản 

bệnh giãn phế quản

Cũng như hầu hết các loại thuốc khác, thuốc làm giãn phế quản có thể mang đến những tác dụng phụ nhất định.

Mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ đôi khi phụ thuộc vào liều dùng. Liều dùng càng cao thì càng có khả năng xảy ra những tác dụng không mong muốn. Song, ở nhiều trường hợp, thuốc giãn phế quản cũng có tác dụng phụ với liều thấp.

Những kiểu tác dụng phụ cũng có thể khác nhau, tùy thuộc vào việc thuốc giãn phế quản là thuốc chủ vận beta 2 hay thuốc kháng cholinergic. Những tác dụng phụ thường gặp bao gồm:

– Tim đập nhanh

– Run rẩy

– Hồi hộp

– Ho

– Khô miệng

– Buồn nôn

– Đau đầu

Trong những trường hợp hiếm hoi, thuốc làm giãn phế quản cũng có thể gây tác dụng ngược lại, làm đường thở của bệnh nhân co thắt nặng hơn. Phản ứng dị ứng thuốc cũng có khả năng xảy ra trong những trường hợp này.

Trương Phương Đài / HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What to know about bronchodilators

https://www.medicalnewstoday.com/articles/325613.php

Ngày truy cập: 15/1/2020

Higher lung deposition

ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2650591/

Ngày truy cập: 15/1/2020

Pharmacology and therapeutics of bronchodilators ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/22611179

Ngày truy cập: 15/1/2020

Phiên bản hiện tại

26/05/2021

Tác giả: Đài Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Ô nhiễm không khí: “Kẻ thù giấu mặt” của viêm mũi dị ứng • Hello Bacsi

6 cách tự nhiên giúp giảm triệu chứng viêm phế quản cho trẻ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 26/05/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo