Mề đay mạn tính là bệnh về da rất thường gặp trong cuộc sống. Mặc dù căn bệnh này không gây nhiều nguy hiểm nhưng nó lại gây ngứa dai dẳng, khiến người bệnh cực kỳ khó chịu. Để tìm được cách điều trị căn bệnh này, việc đầu tiên bạn cần làm là tìm và loại bỏ các yếu tố gây bệnh.
Chị A (25 tuổi, ngụ tại TP. HCM) mắc bệnh mề đay mạn tính đã 4 năm nay. Mới đầu, chị bị mề đay do ăn hải sản, cứ nghĩ uống vài liều uống thuốc dị ứng là khỏi. Thế nhưng, sau này mỗi lần chị ăn đồ lạ là lại bị nổi mề đay rất nặng, thậm chí có lúc phải nhập viện. Tuy nhiên, chị đã tìm ra cho mình cách để thoát khỏi nỗi ám ảnh mề đay tái phát liên tục. Trước khi tìm hiểu về giải pháp của chị A, bạn hãy cùng Hello Bacsi theo dõi những chia sẻ sau để hiểu thêm về căn bệnh này nhé.
Mề đay mạn tính là bệnh da dị ứng, đặc trưng bởi sự xuất hiện của các nốt mề đay trông giống như những nốt muỗi đốt, có màu trắng hoặc màu đỏ và gây ngứa. Bệnh được xem là mạn tính khi các nốt mề đay này kéo dài hơn 6 tuần. Các nốt mề đay có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, thậm chí có trường hợp còn gây phù ở môi, mi mắt, lưỡi, cổ họng… Căn bệnh này thường gặp nhiều ở người lớn với tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao gấp đôi nam giới. Tuy nhiên, trẻ em cũng không loại trừ mắc phải căn bệnh này.
Nguyên nhân gây mề đay mạn tính
Nguyên nhân gây bệnh mề đay mạn tính rất khó xác định, trong đó có hơn 80% người mắc bệnh không rõ nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
1. Nguyên nhân tự miễn
Tự miễn là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể “quay lại tấn công” chính các tế bào của cơ thể mình. Mỗi người đều có một hệ miễn dịch với chức năng bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của các yếu tố ngoại lai gây hại cho sức khỏe như vi khuẩn, vi rút… Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, hệ miễn dịch bị rối loạn chức năng và mất khả năng phân biệt lạ – quen. Từ đó, nó tạo ra các kháng thể quay lại tấn công chính các tế bào của cơ thể. Các kháng thể này sẽ bám vào các tế bào dưới da, làm giải phóng histamine và các hóa chất khác, dẫn đến nổi mề đay.
2. Dị ứng
Dị ứng với một loại thức ăn, thuốc hoặc ký sinh trùng (như giun trong ruột) là nguyên nhân phổ biến và dai dẳng gây ra bệnh nổi mề đay mạn tính.
3. Tác nhân vật lý
Các tác nhân gây kích thích như thời tiết nóng, lạnh, nhiễm vi rút, mồ hôi sau khi tập thể dục hoặc dưới tác động của ánh sáng mặt trời cũng có thể gây bệnh mề đay.
4. Nguyên nhân khác
Mầm vi khuẩn, có tên gọi là Helicobacter pylori (H. pylori), thường được tìm thấy trong dạ dày có thể là một yếu tố gây mề đay.
Điều trị bệnh nổi mề đay mạn tính
Cách điều trị hiệu quả nhất căn bệnh này là xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Muốn vậy, ngoài những xét nghiệm tổng thể, bạn cần phải thêm các xét nghiệm chuyên sâu như xét nghiệm lẩy da tìm các dị nguyên, xét nghiệm tìm kháng thể kháng tuyến giáp… Tùy thuộc vào kết quả, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp điều trị sau:
Tránh các tác nhân làm cho bệnh mề đay mạn tính trở nên trầm trọng hơn
Việc đầu tiên bạn nên làm là tránh tiếp xúc với các tác nhân có thể gây nổi mề đay. Để xác định chính xác tác nhân gây bệnh, bạn có thể ghi lại nhật ký ăn uống của mình vào một quyển sổ và trao đổi với bác sĩ khi các triệu chứng nổi mề đay, ngứa xuất hiện. Ngoài ra, bạn có thể thử thực hiện một số cách khác để làm giảm các triệu chứng của bệnh như mặc quần áo rộng, thoáng mát, giữ phòng ngủ luôn mát mẻ.
Thuốc kháng histamine
Nguyên nhân gây ra bệnh mề đay có liên quan đến việc giải phóng histamine dưới da. Do đó, các loại thuốc kháng histamine sẽ có tác dụng ngăn chặn các tác động của histamine. Hiện có rất nhiều loại thuốc kháng histamine khác nhau có thể được sử dụng để chữa nổi mề đay như:
- Loratadine
- Fexofenadine
- Cetirizine
- Desloratadine
Tuy nhiên, đây thường chỉ được xem là cách trị nổi mề đay tạm thời bởi nếu dùng trong thời gian dài, những loại thuốc này có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể, dẫn đến việc mề đay sẽ tái phát liên tục. Ngoài ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các thuốc này nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú, mắc các bệnh mạn tính hoặc đang dùng các thuốc khác.
Các loại kem bôi
Các loại kem bôi như tinh dầu bạc hà hoặc calamine lotion có thể giúp làm mát da và giảm các triệu chứng ngứa. Giải pháp này cũng chỉ có tác dụng giảm ngứa trong thời gian ngắn và sử dụng khá bất tiện.
Các loại thuốc khác để chữa bệnh nổi mề đay mạn tính
Một số khác cũng có thể được sử dụng để điều trị bệnh nổi mề đay mạn tính
- Thuốc chẹn histamine H2: Những loại thuốc này còn được gọi là thuốc kháng thụ thể H2, được dùng đường tiêm hoặc uống, bao gồm cimetidine và famotidine.
- Thuốc chống viên: Corticosteroid đường uống như prednisone có thể giúp giảm tình trạng sưng, đỏ và ngứa. Tuy nhiên, chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng nên chỉ được dùng trong thời gian ngắn.
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm 3 vòng doxepin được sử dụng ở dạng kem để làm giảm ngứa.
- Kháng thể đơn dòng: Thuốc omalizumab rất có hiệu quả đối với một số tình trạng nổi mề đay mạn tính khó điều trị. Thuốc được tiêm mỗi tháng một lần tại bệnh viện.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Các thuốc này bao gồm cyclosporine và tacrolimus.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn biết thêm về nguyên nhân cũng như cách điều trị bệnh nổi mề đay mạn tính. Đây là một căn bệnh kéo dài và có thể gây nhiều khó chịu cho bạn. Vì vậy, nếu tình trạng này kéo dài, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị phù hợp.