backup og meta

Nhiễm giun đũa: Nguyên nhân, triệu chứng, cách ngăn ngừa

Nhiễm giun đũa: Nguyên nhân, triệu chứng, cách ngăn ngừa

Định nghĩa

Nhiễm giun đũa là bệnh gì?

Nhiễm giun đũa là một bệnh nhiễm trùng do một loại giun ký sinh ở ruột người. Loại giun tròn có kích thước lớn này có thể nhìn thấy dễ dàng bằng mắt thường.

Những ai thường mắc phải bệnh giun đũa?

Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm giun đũa, nhưng phổ biến nhất là trẻ nhỏ. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng nhiễm giun đũa là gì?

triệu chứng nhiễm giun đũa

Những triệu chứng nhiễm giun đũa bao gồm:

  • Sốt
  • Dễ nổi cáu
  • Khó ngủ về đêm
  • Giun được tìm thấy trong phân
  • Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, đau bụng và đôi khi là tiêu chảy
  • Một số trường hợp giun ký sinh ở phổi gây ra chứng thở khò khè.

Ngoài ra, người nhiễm giun đũa còn có thể có các dấu hiệu và triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nhiễm giun đũa là gì?

trứng giun đũa

Loài ký sinh trùng này thường không lây truyền từ người sang người. Nguyên nhân nhiễm giun đũa có thể do trứng giun đũa lây lan khi người bệnh tiếp xúc với nước, thức ăn hoặc tay nhiễm bẩn (ví dụ khi ăn rau chưa rửa sạch). Ấu trùng giun sẽ di chuyển từ ruột đến những bộ phận khác trong cơ thể, ví dụ như phổi. Sau đó chúng quay trở về ruột và đẻ trứng.

Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ nhiễm giun đũa?

Những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm giun đũa gồm:

  • Tuổi tác: Hầu hết trẻ em ở độ tuổi 10 tuổi trở xuống có nguy cơ nhiễm giun đũa cao bởi vì các bé thường xuyên chơi đùa ngoài trời, chơi với đất cát nhưng không vệ sinh tay sạch sẽ.
  • Khí hậu ẩm: Loại giun đũa thường phát triển trong điều kiện khí hậu ẩm, đặc biệt là các nước khí hậu nóng ẩm như Việt Nam.
  • Tình trạng vệ sinh kém: Loài giun đũa thường phân bố rộng ở các khu vực vệ sinh kém như khu ổ chuột hoặc ở gần cống rãnh.

Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những cách điều trị nhiễm giun đũa

Việc sử dụng thuốc có thể điều trị được tình trạng nhiễm giun đũa. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần cẩn trọng khi sử dụng những loại thuốc này. Để kiểm soát bệnh, bạn cần chú ý đến những thói quen như:

  • Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
  • Tắm mỗi ngày và vệ sinh khu vực hậu môn sạch sẽ với xà phòng diệt khuẩn
  • Luôn dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tránh tạo môi trường sống cho giun phát triển.

Ngoài ra, cần đun sôi hoặc ngâm đồ lót, đồ ngủ, khăn hoặc quần áo của người bệnh trong dung dịch ammonia (1 tách ammonia cho 18 lít nước).

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh nhiễm giun đũa?

Việc chẩn đoán được tiến hành bằng cách xét nghiệm mẫu phân, xét nghiệm máu hoặc các kiểm tra hình ảnh để tìm giun hoặc trứng giun.

Xét nghiệm phân

Để chẩn đoán bệnh nhiễm giun đũa, kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm sẽ kiểm tra phân để xem có trứng hay ấu trùng giun hay không. Lưu ý là trứng giun sẽ không xuất hiện trong phân ít nhất 40 ngày sau khi bạn bị nhiễm giun đũa.

Xét nghiệm máu

Tình trạng nhiễm giun đũa có thể làm tăng cao lượng bạch cầu ái toan. Do đó, bác sĩ có thể đề nghị bạn làm xét nghiệm máu để kiểm tra sự gia tăng của bạch cầu ái toan (là một loại tế bào máu trắng). Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể chẩn đoán được bạn có nhiễm giun đũa hay không.

Kiểm tra hình ảnh

Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện chụp X-quang, siêu âm hay CT scan và MRI. Bằng các phương pháp này, bác sĩ có thể phát hiện giun đũa chặn các ống dẫn trong gan hay tuyến tụy của bạn hoặc trong phổi và khoang bụng.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh giun đũa?

phòng ngừa nhiễm giun đũa

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng hồi phục sau khi bị nhiễm giun nếu:

  • Tuân thủ quy tắc ăn chín, uống sôi
  • Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
  • Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh hay tiếp xúc với đất cát
  • Sổ giun cho vật nuôi định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ thú y
  • Khám sức khỏe định kỳ, thực hiện các xét nghiệm kiểm tra có nhiễm giun hay không cho cả gia đình
  • Vệ sinh và lau chùi sạch sẽ các vật dụng trong nhà
  • Đi khám ngay khi bạn sốt, đau bụng dữ dội, đau ngực hoặc thở hụt hơi
  • Thông báo bác sĩ sản khoa ngay nếu bạn nghi ngờ bản thân đang bị nhiễm giun trong thời gian mang thai
  • Giặt quần áo bẩn với nước nóng, hoặc ngâm chúng trong dung dịch ammonia trước khi giặt sạch
  • Khử trùng đồ chơi hoặc cọ rửa chúng bằng dung dịch ammonia, sau đó rửa sạch bằng nước
  • Tái khám ngay nếu bạn tiếp tục có những triệu chứng của bệnh sau khi đã được điều trị.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản in. Trang 265

Ascariasis. https://www.healthline.com/health/ascariasis. Ngày truy cấp 20/10/2016.

Phiên bản hiện tại

05/05/2021

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Các cách tẩy giun sán hiệu quả bằng Tây y và Đông y

Nhiễm giun kim khi mang thai có sao không? Bà bầu phải làm sao?


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 05/05/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo