Khẩu trang y tế là vật dụng “bất ly thân” của mỗi người trong mùa dịch Covid-19, khiến cho mặt hàng này ngày càng trở nên khan hiếm, thậm chí còn bị đẩy giá lên cao chót vót. Tuy nhiên, nếu bạn sống ở những khu vực ít có nguy cơ lây nhiễm thì khẩu trang vải là một lựa chọn ít tốn kém nhưng vẫn có thể bảo vệ bạn trước nguy cơ mắc bệnh. Bạn có muốn thử học cách may khẩu trang vải đơn giản để bảo vệ bản thân, làm quà tặng và thư giãn như một thú vui giải trí?
Với sự chỉ đạo quyết liệt trong việc nâng cao ý thức phòng ngừa Covid-19 như hiện nay thì việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng là một biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, bác sĩ Lê Quốc Hùng (trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM) đã khuyến cáo rằng, việc lạm dụng khẩu trang y tế không đúng mục đích sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm khẩu trang để trang bị cho cán bộ y tế.
Mục đích đeo khẩu trang là để ngăn cản các giọt bắn lớn tiếp xúc vào cơ thể của người khác. Do đó, bạn có thể sử dụng bất cứ loại khẩu trang nào như khẩu trang vải, khẩu trang kháng khuẩn chứ không nhất thiết phải là khẩu trang y tế hay khẩu trang N95. Tình trạng lạm dụng khẩu trạng y tế khiến nguồn cung thị trường khan hiếm và là một tình trạng đáng báo động, bởi vì đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu đang thiếu khẩu trang y tế để sử dụng.
[covid_19]
Bạn có thể xem toàn bộ thông tin về bệnh COVID-19 do coronavirus tại đây!
Theo bác sĩ Hùng, chúng ta có thể đeo khẩu trang vải khi đến nơi công cộng để tránh nguy cơ bị nhiễm virus corona chủng mới và phòng ngừa rủi ro biến chứng của Covid-19 ngay từ đầu. Không những vậy, khẩu trang vải thường rất dễ làm và bạn có thể tự may tại nhà.
Hãy cùng HelloBacsi tìm hiểu cách may khẩu trang vải đơn giản dưới đây để thử tài khéo tay và tự làm cho mình một chiếc khẩu trang phòng dịch nhé!
Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ làm khẩu trang vải
Theo cách may khẩu trang vải đơn giản của chúng tôi, bạn cần chuẩn bị các vật liệu và dụng cụ sau:
- Mẫu rập khẩu trang có sẵn
- Vải
- Kéo
- Kim, chỉ hoặc máy may
- Dây thun
Bạn nên lựa chọn loại vải may khẩu trang cẩn thận để vừa giúp ngăn ngừa giọt bắn vừa tạo cảm giác thoải mái và dễ chịu khi đeo. Hãy chọn loại vải thông thoáng để khi đeo khẩu trang, bạn không cảm thấy khó thở. Việc chọn chất liệu vải quá dày hay quá thô dễ khiến bạn cảm thấy khó chịu và khó thở khi đeo. Bạn có thể tận dụng các loại vải có sẵn tại nhà để làm khẩu trang như vải sợi lanh, áo gối, vải cotton pha, vải cotton 100%… Bạn nên lựa chọn 2 loại vải khác nhau, một loại cho lớp khẩu trang bên ngoài, một loại cho phần lót bên trong.
Một số loại vải thông thoáng mà bạn có thể lựa chọn để may khẩu trang là lụa tơ tằm từ quần áo, vải cotton 100%, vải sợi tre…
Bước 2: Cắt vải theo mẫu rập khẩu trang có sẵn
Bạn in ra giấy và cắt 2 mẫu rập khẩu trang A, B như hình minh họa bên trên. Sau đó, bạn gấp miếng vải đã chuẩn bị lại làm đôi sao cho mặt trong của vải hướng ra ngoài và đặt mẫu rập lên bề mặt vải, trong đó hình A là lớp khẩu trang bên ngoài và hình B là lớp lót bên trong. Đây là cách may khẩu trang 2 lớp đơn giản nhất.
Bạn cắt 2 miếng vải hình A với kích thước: Cao 16cm x rộng 13cm. Tương tự, bạn cũng cắt 2 miếng vải hình B với kích thước cao 16cm x rộng 10,5cm để may khẩu trang tại nhà.
Bước 3: May từng lớp khẩu trang A và B
• Đối với lớp vải A: Bạn giữ nguyên phần vải đã cắt và khâu đường cong ở giữa (như hình trên) bằng kim chỉ hoặc may bằng máy may. Sau đó, ở hai mép của lớp A, bạn gấp vải ra ngoài rồi may dọc theo 2 nếp gấp này.
• Đối với lớp vải B: Bạn cũng may tương tự lớp A.
Bước 4: Ghép hai lớp A và B lại với nhau
Bạn đặt lớp B bên trong lớp A sao cho hai mặt trái úp vào nhau. Bạn khâu các đường nối trên và dưới để đảm bảo cả hai lớp giữ nguyên vị trí trong quá trình giặt. Sau đó, bạn sẽ tiến hành bước luồn thun qua hai mép khẩu trang để làm quai đeo.
Bước 5: Luồn thun vào khẩu trang
• Kiểu 1: Bạn luồn dây thun tròn vào mỗi bên mép của khẩu trang, ướm lên hai tai để điều chỉnh dây ngắn hoặc dài rồi buộc thắt nút đầu cuối thun. Sau đó, bạn xoay để giấu kín hai nút buộc vào trong mép khẩu trang. Dây thun phải vừa vặn để không khiến bạn khó chịu khi đeo.
• Kiểu 2: Bạn có thể luồn thun từ mép này sang mép kia để tạo ra một chiếc khẩu trang giống khẩu trang phẫu thuật của bác sĩ (hình bên phải). Cách luồn dây này sẽ giúp bạn giữ khẩu trang cố định trên mặt và tránh nguy cơ bị đau tai.
Sau khi kết thúc bước 5 là bạn đã hoàn thành cách may một chiếc khẩu trang vải đơn giản và vừa vặn với khuôn mặt của mình. Bạn có thể dễ dàng áp dụng cách may khẩu trang này dù nhà có sẵn máy may hay không.
Bác sĩ Lê Quốc Hùng cho biết thêm, việc đeo khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng mang lại nhiều lợi ích, dù có phải trong mùa dịch Covid-19 hay không. Ngoài phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm virus từ những người có triệu chứng coronavirus chủng mới, khẩu trang còn giúp bạn tránh được khói bụi và khí thải độc hại trong môi trường.
Tuy vậy, ngoài thói quen đeo khẩu trang, bạn vẫn cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch khác cho đến khi cả nước ngăn chặn được virus SARS-CoV-2.
Các loại khẩu trang chuyên dụng như khẩu trang y tế hay khẩu trang N95 sẽ được ưu tiên cho các y bác sĩ và nhân viên y tế vì họ là những người tiếp xúc gần với người nhiễm covid-19 hoặc người nghi nhiễm. Trường hợp bạn nghi mình bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì cũng nên đeo khẩu trang y tế để ngăn ngừa virus lây truyền sang cho người khác.
Nếu bạn là người khỏe mạnh và sống ở những khu vực có ít nguy cơ lây nhiễm thì có thể đeo khẩu trang vải. Hãy học cách may khẩu trang vải tại nhà để tự trang bị khẩu trang cho bản thân. Không những vậy, bạn cũng có thể may khẩu trang vải để tặng cho những người thân yêu. Chiếc khẩu trang chính là một trong những món quà vừa ý nghĩa lại thiết thực trong mùa dịch Covid-19 đấy!