backup og meta

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm là thuyên tắc phổi, làm tăng nguy cơ tử vong. Vì vậy, sẽ không bao giờ là thừa nếu bạn có thông tin cơ bản về bệnh để luôn chủ động trong việc điều trị và phòng ngừa biến chứng. Hãy nhớ rằng, huyết khối tĩnh mạch sâu là nguyên nhân thứ ba gây tử vong do các bệnh tim mạch, chỉ đứng sau nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Cùng Hello Bacsi tìm hiểu chi tiết hơn nhé!

Tìm hiểu chung

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là gì?

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là tình trạng cục máu đông (huyết khối) hình thành ở một hoặc nhiều tĩnh mạch sâu thuộc vùng chi dưới; gồm có cẳng chân và đùi. Các cục máu đông có thể chặn một phần hoặc hoàn toàn dòng máu chảy qua tĩnh mạch.

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cần được quan tâm điều trị đúng mức, vì cục máu đông trong tĩnh mạch ở chân có thể vỡ ra. Sau đó, chúng có thể di chuyển theo dòng máu và mắc kẹt trong động mạch phổi, làm tắc nghẽn dòng máu đến một phần của phổi (thuyên tắc phổi). Khi huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi xảy ra cùng nhau, nó được gọi là thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể xảy ra mà không có triệu chứng đáng chú ý trong khoảng 30% trường hợp. Các triệu chứng cấp tính bao gồm:

  • Chân bị sưng tấy lên
  • Đau nhức chân, chuột rút hoặc đau nhức thường bắt đầu ở bắp chân, khi bạn đứng hoặc đi lại
  • Thay đổi màu da ở chân, chẳng hạn như đỏ hoặc tím
  • Cảm giác nóng, ấm trên chân bị ảnh hưởng
  • Các tĩnh mạch gần bề mặt da chân có thể nổi to và rõ.

Khi nào đi khám bác sĩ?

Nếu xuất hiện các triệu chứng vừa kể trên, hãy thăm khám với bác sĩ càng sớm càng tốt.

Nếu xuất hiện các triệu chứng thuyên tắc phổi, một biến chứng đe dọa tính mạng của huyết khối tĩnh mạch sâu, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo của thuyên tắc phổi bao gồm:

  • Khó thở đột ngột
  • Đau ngực hoặc khó chịu hơn khi hít thở sâu hoặc ho
  • Cảm thấy lâng lâng hoặc chóng mặt
  • Ngất xỉu
  • Mạch đập nhanh
  • Thở nhanh
  • Ho ra máu.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là gì?

nguyên nhân huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Bất cứ điều gì ngăn cản máu chảy hoặc làm tăng quá trình đông máu đều có thể gây ra cục máu đông trong chân. Các nguyên nhân chính gây huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là tổn thương tĩnh mạch do phẫu thuật hoặc viêm, tổn thương do nhiễm trùng hoặc chấn thương.

Các yếu tố nguy cơ

Bạn có nhiều nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới nếu mang các yếu tố nguy cơ dưới đây:

  • Tuổi cao. Người trên 60 tuổi làm tăng nguy cơ mắc bệnh, mặc dù, tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
  • Ít vận động trong thời gian dài. Cục máu đông ở chân có thể phát triển nếu bạn không di chuyển trong thời gian dài. Không vận động khiến cơ không co lại để máu được lưu thông, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Một số lý do khiến bạn ít di chuyển bao gồm: ngồi trong thời gian dài khi lái xe hoặc đi máy bay, nằm lâu trên giường sau khi phẫu thuật, bị liệt,…
  • Chấn thương hoặc phẫu thuật. Chấn thương tĩnh mạch ở chân hoặc phẫu thuật có thể làm tăng nguy cơ đông máu.
  • Mang thai. Mang thai làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở xương chậu và chân. Nguy cơ đông máu do mang thai có thể tiếp tục kéo dài đến 6 tuần sau khi sinh em bé. Những người mắc chứng rối loạn đông máu di truyền đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh.
  • Thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hormone. Cả hai phương pháp này đều có thể làm tăng khả năng đông máu.
  • Thừa cân hoặc béo phì. Thừa cân làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở xương chậu và chân.
  • Hút thuốc. Hút thuốc ảnh hưởng đến lưu thông máu và đông máu, có thể làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới.
  • Ung thư. Một số bệnh ung thư làm tăng một số chất trong máu, khiến máu đông lại. Một số phương pháp điều trị ung thư cũng làm tăng nguy cơ đông máu.
  • Suy tim. Suy tim làm tăng nguy cơ mắc bệnh và gặp biến chứng thuyên tắc phổi. Bởi vì tim và phổi không hoạt động tốt ở những người bị suy tim nên các triệu chứng do thuyên tắc phổi dù nhỏ cũng sẽ dễ nhận thấy hơn.
  • Bệnh viêm ruột. Bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Tiền sử bệnh. Nếu bạn hoặc ai đó trong gia đình bạn mắc một hoặc cả hai tình trạng là huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi, thì bạn sẽ có nguy cơ cao hơn.
  • Di truyền học. Một số người có những di truyền trong ADN khiến máu dễ đông hơn. Một ví dụ là yếu tố V Leiden. Rối loạn di truyền này làm thay đổi một trong những yếu tố đông máu trong máu. Tuy nhiên, rối loạn di truyền đơn độc có thể không gây ra cục máu đông, trừ khi kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác.

Đôi khi, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có thể xảy ra mà không có yếu tố nguy cơ nào được xác định. Đây được gọi là thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch vô căn.

Biến chứng

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có nguy hiểm không?

Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Thuyên tắc phổi (PE). Đây là một biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng, xảy ra khi cục máu đông ở chân vỡ ra và mắc kẹt trong mạch máu trong phổi.
  • Hội chứng hậu viêm tĩnh mạch. Tổn thương tĩnh mạch do cục máu đông làm giảm lưu lượng máu đến các khu vực bị ảnh hưởng. Các triệu chứng bao gồm đau chân, sưng chân, thay đổi màu da và lở loét da.
  • Biến chứng do điều trị. Thuốc chống đông máu thường được dùng để điều trị tình trạng này. Chảy máu là một tác dụng phụ đáng lo ngại của thuốc chống đông. Điều quan trọng là phải xét nghiệm máu thường xuyên trong khi điều trị.

Chẩn đoán và điều trị

Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyênhjhdsj viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới?

Để chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, bác sĩ sẽ khám sức khoẻ và đặt câu hỏi về các triệu chứng. Bác sĩ sẽ kiểm tra chân xem có bị sưng, đau hay thay đổi màu da không.

Các xét nghiệm khác có thể được thực hiện bao gồm:

  • Xét nghiệm máu D-dimer. D dimer là một loại protein được tạo ra bởi cục máu đông. Hầu hết tất cả những người bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới nặng đều có nồng độ D dimer trong máu tăng lên. Xét nghiệm này thường có thể giúp loại trừ tắc mạch phổi (PE).
  • Siêu âm tĩnh mạch kép. Đây là xét nghiệm tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh. Xét nghiệm không xâm lấn này sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh về cách máu chảy qua tĩnh mạch để nhanh chóng phát hiện cục máu đông và tình trạng phát triển của chúng nếu có.
  • Chụp tĩnh mạch ở chân. Xét nghiệm này sử dụng tia X và thuốc nhuộm để tạo ra hình ảnh chi tiết của các tĩnh mạch ở chân và bàn chân. Tuy nhiên, xét nghiệm này có xâm lấn nên hiếm khi được thực hiện. Bác sĩ sẽ ưu tiên làm các xét nghiệm khác như siêu âm.

Những phương pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Mục tiêu điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là:

  • Ngăn cục máu đông phát triển lớn hơn
  • Ngăn chặn cục máu đông vỡ ra và di chuyển đến phổi
  • Giảm nguy cơ hình thành cục máu đông mới
  • Ngăn ngừa các biến chứng lâu dài do cục máu đông (như suy tĩnh mạch mạn tính).

Các phương pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới bao gồm:

  • Thuốc chống đông máu. Các loại thuốc này giúp ngăn ngừa cục máu đông ngày càng lớn hơn, giảm nguy cơ phát triển nhiều cục máu đông. Thuốc có thể được dùng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch (IV) hoặc tiêm dưới da. Thời gian dùng thuốc là 3 tháng hoặc lâu hơn. Điều quan trọng là dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và cần làm xét nghiệm máu thường xuyên.
  • Thuốc làm tan cục máu đông (thuốc tan huyết khối). Những loại thuốc này được sử dụng cho các trường hợp nghiêm trọng hơn hoặc nếu các loại thuốc khác không có tác dụng. Thuốc được đặt trực tiếp vào cục máu đông thông qua ống thông nên có thể gây chảy máu nghiêm trọng.
  • Vớ nén. Loại vớ đặc biệt này ép để tạo áp lực lên chân, ngăn máu tụ lại ở chân theo chiều trọng lực, hỗ trợ làm giảm sưng chân. 
  • Đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới IVC. Nếu bạn không thể dùng thuốc chống đông máu hoặc vẫn bị cục máu đông dù dùng thuốc đầy đủ, bác sĩ sẽ làm thủ thuật đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa lưới lọc qua ống thông vào tĩnh mạch lớn ở háng hoặc cổ rồi đến tĩnh mạch chủ dưới (ở bụng dưới). Khi chẳng may cục máu đông trong chân vỡ ra và di chuyển lên trên, lưới lọc này sẽ giữ chúng lại, ngăn chúng đi đến phổi làm tắc mạch phổi. Dù vậy, thiết bị này chỉ ngăn ngừa thuyên tắc phổi chứ không ngăn ngừa được các cục máu đông hình thành.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới?

Thay đổi lối sống có thể giúp ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Chúng bao gồm:

  • Tăng cường di chuyển. Nếu đã phẫu thuật hoặc đang nằm trên giường, hãy cố gắng di chuyển càng sớm càng tốt ngay khi có thể. Đừng bắt chéo chân khi ngồi vì tư thế này có thể chặn lưu lượng máu. Cố gắng duỗi chân, thỉnh thoảng đứng lên hoặc đi bộ khi có thể. 
  • Tập các bài tập cho chân. Hãy tập các bài tập cho chân dưới. Bạn có thể kiễng chân, sau đó hạ gót chân xuống và nâng nửa bàn chân trên lên, liên tục lặp lại để kích thích máu lưu thông.
  • Bỏ hút thuốc và hạn chế uống rượu. Hút thuốc và uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Kiểm soát cân nặng. Tập thể dục thường xuyên làm giảm nguy cơ đông máu. Hãy dành ít nhất 30 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi ngày, trong ít nhất 5 ngày mỗi tuần, để giúp kiểm soát cân nặng và bảo vệ sức khỏe tổng thể.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Deep vein thrombosis (DVT). https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/deep-vein-thrombosis/symptoms-causes/syc-20352557. Ngày truy cập: 22/08/2023

Deep Vein Thrombosis (DVT). https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16911-deep-vein-thrombosis-dvt. Ngày truy cập: 22/08/2023

DVT (deep vein thrombosis). https://www.nhs.uk/conditions/deep-vein-thrombosis-dvt/. Ngày truy cập: 22/08/2023

Deep Venous Thrombosis of the Lower Extremity. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470381/. Ngày truy cập: 22/08/2023

Deep Vein Thrombosis (DVT). https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/deep-vein-thrombosis. Ngày truy cập: 22/08/2023

Phiên bản hiện tại

23/08/2023

Tác giả: Vi Quỳnh

Thông tin kiểm chứng bởi: Ban biên tập Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Huyết khối tĩnh mạch sâu

Huyết khối tĩnh mạch não


Thông tin kiểm chứng bởi:

Ban biên tập Hello Bacsi


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 23/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo