backup og meta

Bóc tách động mạch chủ

Bóc tách động mạch chủ

Tìm hiểu chung

Bóc tách động mạch chủ là bệnh gì?

Bóc tách động mạch chủ là một căn bệnh rất nguy hiểm và có thể gây tử vong. Khi mắc bệnh, các lớp của động mạch chủ bệnh nhân bị tách rời nhau ra dẫn đến vỡ động mạch chủ và thiếu máu cục bộ.

Ðộng mạch chủ thường được chia làm ba đoạn là động mạch chủ lên, cung động mạch chủ và động mạch chủ xuống. Bóc tách động mạch chủ được chia làm hai tuýp tùy theo vị trí của động mạch chủ bị ảnh hưởng:

  • Tuýp A: là loại phổ biến nhất và nguy hiểm hơn vì các tổn thương xuất phát từ động mạch chủ đi trực tiếp từ tim ra hoặc động mạch chủ lên.
  • Tuýp B: tổn thương xuất phát từ động mạch chủ xuống.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bóc tách động mạch chủ là gì?

Trong đa số các trường hợp, bóc tách động mạch chủ xuất hiện rất đột ngột và đi kèm các triệu chứng sau:

  • Cơn đau dữ dội ở dưới xương ức;
  • Cơn đau lan đến vai, cổ, cánh tay, hai bả vai hoặc trên lưng;
  • Thở gấp và khó thở khi nằm thẳng;
  • Vã mồ hôi;
  • Lú lẫn;
  • Ngất xỉu hoặc chóng mặt;
  • Buồn nôn;
  • Chênh lệch huyết áp ở 2 cánh tay.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bóc tách động mạch chủ là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng như đau ngực nặng, ngất xỉu, đột ngột cảm thấy khó thở hoặc triệu chứng của một cơn đột quỵ, hãy gọi bác sĩ hoặc đến các trung tâm y tế ngay lập tức.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh bóc tách động mạch chủ?

Bóc tách động mạch chủ xuất hiện khi có một vết rách ở lớp trong của động mạch làm máu đẩy 2 lớp trong và lớp ngoài của động mạch chủ rời khỏi nhau. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này chưa được xác định rõ, nhưng bóc tách động mạch chủ thường đi cùng với tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và bệnh lý mô liên kết (hội chứng Marfan và Ehlers-Danlos).

Các loại nhiễm trùng như bệnh giang mai cũng có thể dẫn đến phình động mạch chủ nhưng trường hợp này rất hiếm.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh bóc tách động mạch chủ?

Bóc tách động mạch chủ thường phổ biến ở đàn ông khoảng 60-70 tuổi, nhưng trong một số ít trường hợp cũng có thể xuất hiện ở những người trẻ tuổi hơn. Bóc tách động mạch chủ là một bệnh lý rất nghiêm trọng và là nguyên nhân dẫn đến tử vong hoặc suy tim.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bóc tách động mạch chủ?

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh bóc tách động mạch chủ như:

  • Tăng huyết áp không kiểm soát;
  • Xơ cứng động mạch;
  • Bị phình động mạch;
  • Khiếm khuyết van động mạch chủ (van động mạch chủ 2 lá);
  • Hẹp eo động mạch chủ bẩm sinh;
  • Các bệnh di truyền như hội chứng Turner, hội chứng Marfan, bệnh mô liên kết khác (hội chứng Ehlers-Darlos, hội chứng Loeys – Dietz), các tình trạng viêm nhiễm (viêm động mạch đại bào, giang mai).

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bóc tách động mạch chủ?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bóc tách động mạch chủ dựa trên hỏi về bệnh sử và khám lâm sàng. Tuy nhiên, chẩn đoán bóc tác động mạch chủ thường rất khó khăn do triệu chứng khá giống với các bệnh lý tim mạch khác do đó thông thường bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm hỗ trợ khác như:

  • Chụp X quang ngực;
  • Chụp CT ngực bằng thuốc nhuộm;
  • Chụp MRI ngực (dùng từ trường để quan sát động mạch chủ);
  • Siêu âm tim qua đường thực quản (bác sĩ sẽ đưa đầu dò vào miệng của bệnh nhân rồi đi xuống thực quản để có những hình ảnh cụ thể của động mạch chủ);
  • Chụp động mạch chủ (bác sĩ sẽ đặt 1 ống mỏng vào động mạch ở chân bệnh nhân rồi đi lên động mạch chủ, sau đó chụp ảnh động mạch chủ).

Những phương pháp nào dùng để điều trị bóc tách động mạch chủ?

Phương pháp điều trị ở hai tuýp bóc tách động mạch chủ khác nhau:

Trong trường hợp bóc tách động mạch chủ tuýp A liên quan đến động mạch chủ đi từ tim ra và động mạch chủ lên, bệnh nhân cần được thực hiện phẫu thuật để chữa trị. Ca phẫu thuật sẽ giúp vá lại vết rách trên thành động mạch chủ.

Trong trường hợp bóc tách động mạch chủ tuýp B liên quan đến động mạch chủ xuống, bệnh nhân có thể phẫu thuật hoặc điều trị bằng thuốc kiểm soát huyết áp để làm giảm áp lực bên trong động mạch chủ.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bóc tách động mạch chủ?

Bóc tách động mạch chủ có thể được kiểm soát nếu bạn kiểm soát tốt tình trạng huyết áp. Trong hầu hết các trường hợp, bóc tách động mạch chủ xảy ra ở những người có vấn đề tăng huyết áp kéo dài. Do đó, hãy kiểm soát huyết áp của bạn bằng cách:

  • Tập thể dục;
  • Tuân thủ chế độ ăn nhạt;
  • Giữ cân năng ở mức lành mạnh;
  • Không hút thuốc.

Bên cạnh đó, hãy luôn cài dây an toàn khi đi xe hơi để tránh những chấn thương nguy hiểm đến vùng ngực.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản tải về

Porter, Robert. Kaplan Justin. Homeier Barbara. The Merck manual home health handbook. New Jersey: John Wiley & Sons, Inc, 2009. Bản in. Trang 431

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Thương Trần


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn gì và thay đổi lối sống ra sao? | Hello Bacsi x SANOFI

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên người đột quỵ | Hello Bacsi x SANOFI


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo