Hẹp động mạch chủ là một loại bệnh tim bẩm sinh khá nghiêm trọng, trong đó, một phần của động mạch chủ, động mạch dẫn máu giàu oxy đến toàn bộ cơ thể, bị hẹp hơn bình thường có thể ngay tại vị trí bắt đầu từ trong buồng tim.
Tìm hiểu chung
Hẹp động mạch chủ là bệnh gì?
Hẹp động mạch chủ là tình trạng lòng động mạch chủ bị hẹp bất thường, không đủ kích thước để dòng máu đi ra, buộc tim phải co bóp mạnh hơn để tống máu đi đến các cơ quan. Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất trong cơ thể, nằm bên trái tim. Từ động mạch chủ, các động mạch nhánh nhỏ hơn dẫn máu và oxy từ tim đến các phần còn lại để nuôi cơ thể.
Tình trạng hẹp động mạch chủ thường xảy ra ở vị trí ngay sau khi động mạch phân nhánh để đưa máu lên đầu và cánh tay, gần vị trí của ống động mạch. Đôi khi, chỗ hẹp xuất hiện trước hoặc sau ống động mạch. Ở một số trẻ bị hẹp eo động mạch chủ, giả thiết cho rằng một số mô từ thành ống động mạch đã hòa vào mô của động mạch chủ. Khi mô thắt chặt và cho phép ống động mạch đóng lại bình thường sau khi sinh, mô thừa này cũng có thể thắt chặt và thu hẹp động mạch chủ cùng lúc.
Việc thu hẹp lòng động mạch chủ sẽ ngăn chặn lưu lượng máu bình thường từ tim đi đến các cơ quan trong cơ thể. Điều này có thể làm dòng máu chảy ngược trở lại vào tâm thất trái của tim, khiến thành cơ thất trái phải co bóp nhiều hơn mới có thể đưa thêm một thể tích máu ra khỏi tim. Hệ quả là tim phải tăng công co bóp trong từng nhát bóp và tăng cả tần số tim. Điều này có thể khiến thành tim trở nên dày hơn để bơm mạnh hơn. Hậu quả cuối cùng làm suy yếu cơ tim, cơ tim dãn ra và dẫn đến suy tim.
Hẹp động mạch chủ thường xuất hiện sau khi sinh (dị tật tim bẩm sinh) với các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng. Đôi khi tình trạng này có thể không được phát hiện cho đến lúc trẻ bước vào tuổi trưởng thành, khi nhu cầu tim cung cấp máu và oxy cao hơn.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hẹp động mạch chủ là gì?
Triệu chứng hẹp động mạch chủ sẽ tùy vào vị trí và mức độ lòng động mạch chủ bị hẹp nhiều hay ít.
Hầu hết mọi người không có triệu chứng rõ ràng. Hẹp nhẹ có thể không được chẩn đoán cho đến tuổi trưởng thành.
Trẻ bị hẹp động mạch chủ nghiêm trọng có thể xuất hiện các triệu chứng ngay sau khi sinh, khi tách rời khỏi vòng tuần hoàn của mẹ. Các triệu chứng hẹp động mạch chủ ở trẻ sơ sinh bao gồm:
- Khó thở
- Khó cho ăn
- Đổ mồ hôi nhiều
- Cáu gắt
- Da nhợt nhạt, tím tái
Các triệu chứng của hẹp động mạch chủ khác ở trẻ em lớn hơn có thể bao gồm:
- Đau ngực
- Nhức đầu
- Huyết áp cao
- Chuột rút ở chân hoặc bàn chân lạnh
- Yếu cơ
- Chảy máu cam
Tùy thuộc vào vị trí của chỗ hẹp, huyết áp có thể khác biệt ở hai bên cánh tay hoặc cao hơn ở tay và thấp hơn ở bắp chân, mắt cá chân.
Trong một số trường hợp, hẹp động mạch chủ thường xảy ra cùng lúc với các dị tật tim bẩm sinh khác. Lúc này, các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào loại khuyết tật tim bẩm sinh mà trẻ mắc phải đồng thời.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Hẹp động mạch chủ là bệnh tim bẩm sinh và ở trường hợp nhẹ sẽ không có triệu chứng. Tuy nhiên, ở trường hợp nặng hơn, trẻ sẽ biểu hiện một số triệu chứng khi cơ thể lớn dần. Nếu xuất hiện các triệu chứng như: đau thắt ngực dữ dội, đột ngột khó thở, ngất xỉu hoặc huyết áp cao không rõ nguyên nhân, hãy đưa trẻ thăm khám với bác sĩ ngay lập tức.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra hẹp động mạch chủ là gì?
Nguyên nhân hẹp động mạch chủ là không rõ ràng. Tình trạng này là một trong các vấn đề về tim bẩm sinh (dị tật tim bẩm sinh) nói chung xuất hiện từ trước khi trẻ ra đời. Động mạch chủ của trẻ đã không hình thành đúng cách khi thai nhi lớn lên và phát triển trong bụng mẹ.
Hiếm khi, tình trạng hẹp động mạch chủ mới phát hiện ở người lớn. Nếu mắc phải, các nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm:
- Chấn thương
- Xơ cứng động mạch nghiêm trọng (xơ vữa động mạch)
- Động mạch bị viêm (viêm động mạch Takayasu)
Hẹp động mạch chủ có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của động mạch chủ, nhưng thường nằm gần mạch máu gọi là ống động mạch. Mạch máu đó nối động mạch phổi trái với động mạch chủ.
Khi động mạch chủ bị hẹp, buồng tim dưới bên trái (tâm thất trái) hoạt động mạnh hơn để bơm máu qua vị trí động mạch chủ bị hẹp. Kết quả là, huyết áp tăng lên trong tâm thất trái. Thành tâm thất trái có thể trở nên dày (phì đại) và sau đó dãn ra gây hậu quả là suy tim.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc phải của hẹp động mạch chủ?
Hẹp động mạch chủ phổ biến ở nam giới hơn nữ giới. Có một số tình trạng di truyền, chẳng hạn như hội chứng Turner, cũng làm tăng nguy cơ hẹp động mạch chủ.
Hẹp động mạch chủ thường xảy ra cùng với các dị tật tim bẩm sinh khác. Các tình trạng tim làm tăng nguy cơ bao gồm:
- Hẹp van động mạch chủ và/hoặc van động mạch chủ hai mảnh. Van động mạch chủ ngăn cách buồng dưới bên trái (tâm thất trái) của tim với động mạch chủ. Van động mạch chủ hai mảnh có hai nắp thay vì ba như thông thường. Những người bị hẹp động mạch chủ cần được kiểm tra liệu có dị tật van động mạch chủ hai mảnh hay không.
- Hẹp dưới động mạch chủ. Khu vực bên dưới van động mạch chủ khi bị thu hẹp sẽ chặn dòng máu từ buồng thất trái vào động mạch chủ.
- Còn ống động mạch. Ống động mạch là mạch máu nối động mạch phổi trái với động mạch chủ. Khi thai nhi lớn lên trong bụng mẹ, mạch máu này sẽ cho phép máu từ tim đi qua phổi. Ngay sau khi sinh, ống động mạch thường đóng lại. Nếu nó vẫn mở, lỗ mở đó được gọi là còn ống động mạch.
- Các lỗ thông trên vách liên nhĩ (thông liên nhĩ) và vách liên thất (thông liên thất). Một số người được sinh ra với một lỗ hổng trên thành tim (vách ngăn) giữa các buồng trên (khuyết tật vách ngăn tâm nhĩ) hoặc các buồng dưới (khuyết tật vách ngăn tâm thất). Điều này làm cho máu giàu oxy từ bên trái tim trộn lẫn với máu nghèo oxy ở tim phải.
- Hẹp van hai lá bẩm sinh. Đây là một vấn đề về van tim bẩm sinh. Van hai lá nằm giữa buồng tim trên và dưới bên trái. Nó cho phép máu chảy một chiều qua hai buồng phía bên trái của tim. Trong hẹp van hai lá, van bị thu hẹp, làm giảm lưu lượng máu. Các triệu chứng bao gồm ho khan, ho ra máu, khó thở khi vận động và cả khi nằm.
Biến chứng
Hẹp động mạch chủ có nguy hiểm không?
Điều trị hẹp động mạch chủ kịp thời là cần thiết để giúp ngăn ngừa các biến chứng trong tương lai. Nếu không điều trị, hẹp động mạch chủ ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến suy tim hoặc tử vong.
Cao huyết áp lâu dài (mãn tính) là biến chứng phổ biến nhất của hẹp động mạch chủ. Huyết áp thường giảm sau phẫu thuật sửa chữa động mạch dù nó vẫn có thể ở mức cao hơn bình thường.
Các biến chứng khác của hẹp động mạch chủ có thể bao gồm:
- Thành động mạch trong não bị suy yếu hoặc phồng lên (phình động mạch não)
- Chảy máu trong não (xuất huyết não)
- Vỡ hoặc rách động mạch chủ (bóc tách động mạch chủ)
- Mở rộng một phần của thành động mạch chủ (phình động mạch chủ)
- Thu hẹp sớm các mạch máu cung cấp cho tim (bệnh động mạch vành mạn)
- Đột quỵ.
Nếu tình trạng hẹp động mạch chủ nghiêm trọng, tim có thể không bơm đủ máu đến các cơ quan khác. Điều này có thể gây tổn thương tim và kéo dài có thể dẫn đến suy thận hoặc suy cơ quan khác.
Các biến chứng cũng có thể xảy ra sau khi điều trị hẹp động mạch chủ bao gồm:
- Tái hẹp động mạch chủ (sau nhiều năm điều trị)
- Huyết áp cao
- Phình hoặc vỡ động mạch chủ
Do đó, người bị hẹp động mạch chủ cần khám sức khỏe định kỳ suốt đời.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh hẹp động mạch chủ?
Hẹp động mạch chủ nặng thường được chẩn đoán ngay sau khi sinh. Hơn nữa, tình trạng này có thể cũng được nhìn thấy khi siêu âm thai nhi.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa vào các triệu chứng như:
- Âm thổi của tim
- Huyết áp cao ở cánh tay
- Chênh lệch huyết áp giữa tay và chân (huyết áp ở tay cao hơn ở chân)
- Mạch yếu ở bẹn, chân và ở bàn chân.
Các xét nghiệm khác có thể được thực hiện bao gồm:
- Đo điện tâm đồ
- Chụp X-quang ngực
- Siêu âm tim
- Chụp cộng hưởng từ tim (MRI)
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Chụp mạch CT
- Đặt ống thông tim và chụp X-quang động mạch chủ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị hẹp động mạch chủ?
Điều trị hẹp động mạch chủ phụ thuộc vào độ tuổi tại thời điểm chẩn đoán và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Nếu có các dị tật tim bẩm sinh khác, chúng có thể được sửa chữa cùng một lúc.
Phác đồ điều trị có thể bao gồm dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng và thủ thuật hoặc phẫu thuật để sửa chữa động mạch chủ.
Thuốc
Thuốc có thể được kê đơn để kiểm soát huyết áp trước và đôi khi sau khi phẫu thuật. Mặc dù sửa chữa chỗ hẹp động mạch chủ giúp cải thiện huyết áp, nhưng nhiều người vẫn cần dùng thuốc huyết áp sau khi phẫu thuật hoặc thủ thuật thành công.
Trẻ sơ sinh bị hẹp động mạch chủ nghiêm trọng thường được cho dùng thuốc để giữ cho ống động mạch duy trì trạng thái mở ra. Điều này cho phép máu giải thoát ra xung quanh khu vực hẹp của động mạch chủ cho đến khi phẫu thuật được thực hiện.
Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác
Có một số thủ thuật và phẫu thuật để sửa chữa hẹp động mạch chủ, bao gồm:
- Nong động mạch bằng bóng và đặt stent
- Cắt bỏ vùng hẹp của động mạch chủ và sau đó nối hai phần khỏe mạnh của động mạch chủ lại
- Tạo hình động mạch chủ
- Vá động mạch chủ.
Người bệnh nên được theo dõi định kỳ suốt đời sau phẫu thuật vì mạch máu có thể bị hẹp lại sau khi được điều trị một thời gian dài.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh hẹp động mạch chủ?
Không có cách nào để ngăn ngừa hẹp động mạch chủ vì phần lớn các trường hợp là bệnh lý bẩm sinh. Dù vậy, việc phát hiện sớm, có thể ngay từ giai đoạn bào thai, sẽ giúp công tác chuẩn bị hỗ trợ chu sinh và hồi sức nhi khoa toàn diện hơn, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Khi trẻ lớn hơn, hãy thăm khám bác sĩ sớm nếu con bạn có triệu chứng nghi ngờ hay đã được chẩn đoán mắc các bệnh lý làm tăng nguy cơ hẹp động mạch chủ, chẳng hạn như hội chứng Turner, van động mạch chủ hai mảnh hoặc một khuyết tật tim khác cũng như có tiền sử gia đình mắc bệnh tim bẩm sinh.
[embed-health-tool-heart-rate]