Chỉ số TC HDL hay đúng hơn là tỉ số TC/HDL đã được chứng minh là một chỉ dấu (marker) có giá trị trong đánh giá sức khỏe tim mạch. Tỉ số này cũng dễ dàng được tính toán từ bảng kết quả xét nghiệm thành phần lipid tiêu chuẩn.
Tỉ số TC/HDL giúp cung cấp thêm các thông tin lâm sàng cho các kết quả đo thành phần cholesterol thường quy, chẳng hạn như HDL và cholesterol không phải HDL (non-HDL), được xem xét để đánh giá thêm nguy cơ ở các đối tượng cần phòng ngừa bệnh tim mạch do xơ vữa tiên phát, nhất là ở những người có nguy cơ cao như người bệnh đái tháo đường. Vậy, cụ thể tỉ số TC/HDL là gì, làm sao để tính và kết quả bao nhiêu là bình thường? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn qua bài viết sau đây nhé!
Chỉ số TC HDL hay tỉ số TC/HDL là gì?
Tỉ số TC/HDL (TC/HDL ratio) phản ánh sự cân bằng giữa cholesterol toàn phần (Total Cholesterol – TC) và cholesterol “tốt” (HDL), được tính bằng cách lấy hàm lượng cholesterol toàn phần (TC) chia cho HDL. Tỉ số này được dùng như một chỉ dấu (marker) về nguy cơ tim mạch, nếu tỉ số TC/HDL lớn sẽ cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao.
Cholesterol toàn phần (TC) là gì?
Cholesterol di chuyển khắp cơ thể dưới dạng các hạt lipoprotein. Có 5 loại hạt lipoprotein chính, trong đó có một số loại gây ra nguy cơ tim mạch cao hơn phụ thuộc vào kích thước, hướng di chuyển (đi đến hoặc ra khỏi gan) và các lipoprotein khác gắn với chúng.
Cholesterol toàn phần (TC) dùng để chỉ tổng lượng cholesterol trong máu, bao gồm cả cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL).
HDL cholesterol là gì?
HDL cholesterol (viết tắt là HDL hoặc HDL-C) thường có xu hướng mang cholesterol trở về gan, làm sạch cholesterol trong các động mạch nên còn được gọi là cholesterol “tốt”.
- Cholesterol LDL. LDL thường được gọi là cholesterol “xấu” vì nó là nguồn chính gây tích tụ và tắc nghẽn cholesterol trong động mạch.
- Non-HDL. Là tổng lượng cholesterol toàn phần trừ đi HDL. Non-HDL sẽ bao gồm LDL và các loại cholesterol khác như VLDL (lipoprotein tỷ trọng rất thấp).
- Triglyceride. Đây là một loại chất béo khác trong máu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đặc biệt là ở phụ nữ.
Chỉ số TC HDL hay tỉ số TC/HDL được tính như thế nào?
Việc tính tỉ số TC/HDL rất đơn giản, chỉ cần lấy số cholesterol toàn phần chia cho số cholesterol HDL. Kết quả tỉ số này càng lớn cho thấy bạn có nguy cơ càng cao mắc phải bệnh tim mạch.
Ví dụ: kết quả xét nghiệm lipid máu của bạn cho thấy chỉ số cholesterol toàn phần là 200 mg/dL và HDL là 50 mg/dL thì tỉ số TC/HDL sẽ bằng 4:1.
Ý nghĩa của chỉ số TC HDL
Mức cholesterol toàn phần tăng cao, đặc biệt khi LDL cao, là yếu tố chỉ dấu (marker) của chứng xơ vữa động mạch. Trong khi đó, mức cholesterol HDL thấp có liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ, bao gồm hội chứng chuyển hóa.
Tỉ số TC/HDL giúp dự đoán về nguy cơ tim mạch và được xem là hiệu quả hơn so với riêng chỉ số cholesterol toàn phần vì thể hiện được sự hiện diện của các hạt không phải HDL (non-HDL) gây xơ vữa với HDL không gây xơ vữa.
Khi mức triglyceride cao, các bác sĩ sẽ ưu tiên sử dụng chỉ số TC HDL hơn chỉ số cholesterol LDL. Những người có tỉ số TC/HDL cao sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do sự mất cân bằng giữa các lipoprotein có khả năng bảo vệ và lipoprotein gây xơ vữa động mạch.
Khoảng giá trị bình thường và bất thường của các chỉ số cholesterol (tính theo đơn vị miligam cholesterol trên một decilit máu – mg/dL) ở người lớn là:
Bình thường | Bất thường | Cao | |
Cholesterol toàn phần | Dưới 200 mg/dL | 200-239 mg/dL | 240 mg/dL trở lên |
Cholesterol LDL | Dưới 100 mg/dL | 100-159 mg/dL | 160 mg/dL trở lên |
Cholesterol HDL | 60 mg/dL trở lên | Nam giới: 40-59 mg/dL Nữ giới: 50-59 mg/dL | Nam giới: Dưới 40 mg/dL Nữ giới: Dưới 50 mg/dL |
Triglyceride | Dưới 150 mg/dL | 150-199 mg/dL | 200 mg/dL trở lên |
Kết quả này cao thường do các cholesterol non-HDL như LDL và/ hoặc VLDL cao, hoặc cholesterol HDL thấp. Điều đó có thể xảy ra do sự kết hợp của nhiều yếu tố như thực đơn nhiều chất béo bão hòa, ít tập luyện thể dục, tuổi tác,…
Làm sao để duy trì mức cholesterol lành mạnh?
Để duy trì các chỉ số TC HDL và các chỉ số cholesterol nói chung ở mức khỏe mạnh, bạn nên:
Thay đổi lối sống
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh nhờ vào chế độ ăn uống cân bằng và hoạt động thể chất thường xuyên.
- Cải thiện lối sống thụ động và hoạt động nhiều hơn trong ngày để hỗ trợ quá trình chuyển hóa tốt hơn.
- Kiểm soát mức độ căng thẳng thông qua các phương pháp thư giãn, chẳng hạn như thiền hoặc yoga. Căng thẳng cao độ cũng có liên quan đến các rối loạn chuyển hóa.
- Đảm bảo thời gian và chất lượng giấc ngủ để hỗ trợ chuyển hóa.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
- Chế độ ăn nên giàu các thực phẩm lành mạnh, chưa qua tinh chế, bao gồm: trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên cám, thịt nạc và các nguồn chất béo tốt.
- Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thức uống nhiều đường, thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (trans fat).
- Tăng cường lượng chất xơ tiêu thụ nhờ vào các nguồn thực phẩm như các loại đậu, hạt, ngũ cốc nguyên cám để tạo cảm giác no lâu và giúp điều hòa lượng đường trong máu.
- Theo dõi khẩu phần ăn và cảm nhận bữa ăn để tránh ăn quá mức cần thiết cũng như quản lý cân nặng tốt hơn.
- Ưu tiên chế độ ăn giàu các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, giảm thiểu các sản phẩm từ động vật có lượng chất béo cao.
Tập luyện thể dục
- Thực hiện kết hợp các bài tập nhịp điệu, bài tập tăng cường sức mạnh và tăng tính linh hoạt để cải thiện chức năng chuyển hóa.
- Đặt mục tiêu vận động thể chất thường xuyên trong tuần, kết hợp các bài tập tim mạch và kháng lực xen kẽ.
- Tăng dần cường độ và thời gian tập luyện để thử thách sức bền cơ thể, tăng cường thể lực.
- Kết hợp các hoạt động yêu thích để dễ hình thành thói quen tập thể dục, duy trì tập luyện lâu dài.
- Tham khảo ý kiến của các chuyên gia để xây dựng lộ trình tập luyện hiệu quả theo từng cá nhân.
Cuối cùng, bạn đừng quên khám sức khỏe và thực hiện các xét nghiệm máu định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi các chỉ số, bao gồm các chỉ số về thành phần cholesterol trong máu. Chỉ số TC HDL có thể không được thể hiện trong bảng kết quả nhưng bạn có thể chủ động trao đổi với bác sĩ về tỉ số này để được tính toán và đánh giá nguy cơ tim mạch toàn diện hơn.
[embed-health-tool-bmi]